Đất nền vùng ven Hà Nội 'hạ nhiệt'

Năm 2025, thị trường đất đấu giá tại các huyện vùng ven Hà Nội ghi nhận xu hướng chững lại, nhiều nơi giảm giá rõ rệt. Từ tháng 12/2024 đến tháng 2/2025, nhiều phiên đấu giá tại Thanh Oai, Thạch Thất, Phúc Thọ... có dấu hiệu 'hạ nhiệt'.

Đất trúng đấu giá huyện Thạch Thất giảm 3 lần

Mới đây, Trung tâm Phát triển quỹ đất huyện Thạch Thất phối hợp với Công ty Đấu giá Hợp danh số 5 - Quốc gia tổ chức cuộc đấu giá 34 thửa đất tại khu Đồng Ngà, xã Hương Ngải. Các lô đất đều có diện tích 150 m2/lô, giá khởi điểm là hơn 6,5 triệu đồng/m2. Cuộc đấu giá được tổ chức theo hình thức bỏ phiếu trực tiếp nhiều vòng, theo phương thức trả giá lên. Người trúng đấu giá là người có mức giá hợp lệ cao nhất, đạt yêu cầu theo quy định đối với từng thửa đất. Bước giá áp dụng chung đối với các lô đất là 10 triệu đồng/m2.

Phiên đấu giá ghi nhận 473 hồ sơ hợp lệ tham gia, và đã trải qua tổng cộng 4 vòng đấu. Trong số các lô được đấu giá, mức trúng cao nhất đạt hơn 56,5 triệu đồng/m², trong khi giá thấp nhất là hơn 36,5 triệu đồng/m². Tổng số tiền dự kiến thu về từ phiên đấu giá này vượt 221 tỷ đồng.

So với phiên đấu giá cùng huyện Thạch Thất vào tháng 12/2024, lượng hồ sơ tham gia và giá trúng cao nhất của phiên này đã giảm khoảng 3 lần. Cụ thể, phiên đấu 28 thửa đất tại thôn Bình Xá, xã Bình Phú có gần 1.370 hồ sơ tham gia. Các thửa đất có diện tích 69,2-117,1 m2/lô. Giá khởi điểm là 3,78 triệu đồng/m2 và gần 5,8 triệu đồng/m2. Kết thúc phiên đấu giá, lô đất có giá cao nhất là gần 185,8 triệu đồng/m2. Lô đất thấp nhất có giá gần 63,8 triệu đồng/m2.

Khách hàng bỏ phiếu đấu giá. Ảnh: Cổng thông tin huyện Thạch Thất.

Khách hàng bỏ phiếu đấu giá. Ảnh: Cổng thông tin huyện Thạch Thất.

Tình trạng đất đấu giá huyện ven giảm nhiệt không hiếm gặp. Mới đây, 89 thửa đất tại huyện Thanh Oai cũng được đấu giá với mức trúng cao nhất gần 80 triệu đồng một m2, giảm hơn 12% so với cuối năm ngoái.

Cuối tháng 2/2025, 9 thửa đất tại huyện Phúc Thọ cũng được bán với mức trúng cao nhất 47 triệu đồng một m2, giảm gần 40% so với phiên tháng 9 năm ngoái. Phiên này có hơn 100 người tham gia, giảm hơn một phần ba so với phiên trước.

Nhà đầu tư thận trọng hơn

Ông Nguyễn Xuân Đại, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Môi trường Hà Nội cho biết tại hội nghị giao ban Thường trực Thành ủy, HĐND, UBND TP hồi tháng 4: Ba tháng đầu năm 2025, thành phố đạt 34% chỉ tiêu thu từ đấu giá quyền sử dụng đất với 6.860 tỷ đồng.

Năm 2024, thành phố đạt hơn 74% chỉ tiêu, thu được gần 18.600 tỷ đồng từ đấu giá đất, tính đến cuối tháng 11. Một số địa phương là điểm nóng đấu giá đất, ghi nhận thu ngân sách lớn. Ví dụ, trong tháng 3, huyện Thanh Oai dự kiến thu 1.384 tỷ đồng chỉ sau ba phiên đấu, đạt hơn 80% dự toán thành phố giao cả năm.

Tuy nhiên, bước sang năm 2025, thị trường đất đấu giá tại các huyện vùng ven Hà Nội ghi nhận xu hướng chững lại, nhiều nơi giảm giá rõ rệt. Từ tháng 12/2024 đến tháng 2/2025, nhiều phiên đấu giá tại Thanh Oai, Mê Linh, Phúc Thọ có dấu hiệu "hạ nhiệt", sau khi cơ quan chức năng siết chặt kiểm tra, xử lý các hành vi đầu cơ và thao túng thị trường bất động sản.

Tuy nhiên, việc này cũng bộc lộ nhiều bất thường, phổ biến là tình trạng trả giá cao rồi bỏ cọc. Hiện chưa quy định nào xử lý việc nhà đầu tư trả giá cao bất ngờ rồi dừng đấu giá dẫn đến phiên tổ chức thất bại. Trong khi hệ lụy ảnh hưởng đến nhiều bên. Đơn vị cung cấp dịch vụ đấu giá không thu được chi phí, thậm chí tốn thêm khi phải tổ chức lại phiên đấu giá. UBND huyện cũng không thu được ngân sách như dự kiến.

Ông Nguyễn Văn Đính, Chủ tịch Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam cho biết: Trong năm 2024, thị trường ghi nhận nhiều kỷ lục về giá đấu giá đất, với mức giá trúng có khi lên tới cả trăm triệu đồng mỗi mét vuông. Nguyên nhân chủ yếu do thị trường bất động sản có tín hiệu phục hồi, tạo tâm lý kỳ vọng tăng giá trong giới đầu tư. Tuy nhiên, tình trạng trúng giá cao nhưng sau đó bỏ cọc tiếp tục diễn ra, gây thiệt hại cho các tổ chức đấu giá và tạo mặt bằng giá cao, ảnh hưởng đến cung - cầu.

Ông Đính dự báo, năm 2025, nhà đầu tư sẽ thận trọng hơn. Đất đấu giá tại các khu vực có pháp lý minh bạch, quy hoạch rõ ràng sẽ tiếp tục được săn đón, với giá trúng có thể tăng khoảng 10% so với giá khởi điểm. Tình trạng khan hiếm nguồn cung đất nền sạch có thể dẫn đến giá cả tăng cao, đòi hỏi sự kiểm soát chặt chẽ hơn từ cơ quan quản lý.

Để hạn chế tình trạng giá đất đấu giá biến động, ông Đính đề xuất cần thuê các tổ chức định giá chuyên nghiệp để xác định mức giá khởi điểm hợp lý. Đồng thời, việc nâng mức đặt cọc, quy định chi tiết các hành vi vi phạm và áp dụng biện pháp xử phạt mạnh tay là rất cần thiết.

Ngoài ra, các tổ chức và cá nhân vi phạm có thể bị đưa vào danh sách hạn chế tham gia đấu giá, cùng với việc quy định thời gian chuyển nhượng sau trúng đấu giá.

Bình Minh

Nguồn Đại Đoàn Kết: https://daidoanket.vn/dat-nen-vung-ven-ha-noi-ha-nhiet-10305760.html
Zalo