TP. Hồ Chí Minh đề xuất tiếp tục thực hiện cơ chế đặc thù sau sáp nhập đến 2030

Theo Đề án sắp xếp tỉnh Bà Rịa Vũng Tàu, Bình Dương và TP. Hồ Chí Minh, UBND TP. Hồ Chí Minh đề xuất Trung ương xem xét, chấp thuận, tiếp tục tạo cơ chế thực hiện Nghị quyết số 98/2023/QH15 về thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển áp dụng cho TP. Hồ Chí Minh sau khi sắp xếp, nhập đơn vị hành chính cấp tỉnh kéo dài thời gian thực hiện đến hết năm 2030.

UBND TP. Hồ Chí Minh cũng đề xuất Trung ương xem xét, chấp thuận cho 3 tỉnh, thành phố được chủ động, cân đối kinh phí, nguồn lực hiện có của 3 tỉnh, thành giải quyết chế độ chính sách cho cán bộ, công chức, viên chức, người hoạt động không chuyên trách bổ sung thêm nguồn sau khi thực hiện Nghị định số 178/2024/NĐ-CP của Chính phủ về chính sách, chế độ đối với cán bộ, công chức, viên chức, người lao động và lực lượng vũ trang. Việc chủ động cân đối kinh phí nguồn lực nhằm động viên, tạo điều kiện cho các tỉnh trong thực hiện sắp xếp, sáp nhập đơn vị hành chính và tinh giản, tổ chức bộ máy trong thời điểm hiện nay.

UBND TP. Hồ Chí Minh cũng kiến nghị trong quá trình sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã, giữa các xã, phường của TP. Hồ Chí Minh có ranh địa giới hành chính chồng lấn (khu vực Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh thuộc TP. Thủ Đức có vài khu vực ranh giới hành chính bất cập với tỉnh Bình Dương), đề xuất Trung ương xem xét, chấp thuận cho 2 tỉnh, thành điều chỉnh ranh địa giới hành chính giữa các đơn vị hành chính cấp xã thuộc 2 tỉnh, thành.

Việc sáp nhập 3 tỉnh, thành phố có vị trí địa lý liền kề nhằm phát huy điều kiện tự nhiên, hạ tầng giao thông, sự phân bổ và tổ chức các không gian kinh tế, quy mô và trình độ phát triển kinh tế phù hợp, phát huy tiềm năng, lợi thế phát triển kinh tế của mỗi tỉnh, thành phố; hỗ trợ lẫn nhau để thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội chung của TP. Hồ Chí Minh sau sắp xếp có thêm quỹ đất phục vụ quy hoạch đô thị, giãn dân; đáp ứng các yếu tố về trình độ, năng lực quản lý của cấp ủy, chính quyền, địa phương, mức độ chuyển đổi số, việc ứng dụng công nghệ thông tin của chính quyền và người dân; bảo đảm quốc phòng, an ninh, xây dựng khu vực phòng thủ vững chắc.

Đồng thời, 3 tỉnh thành sáp nhập cũng phát huy hiệu quả kết nối hạ tầng giao thông giữa 3 tỉnh thành về đường bộ, đường thủy, biển; liên kết giữa các cảng biển của TP. Hồ Chí Minh và tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, đồng thời mở ra khả năng kết nối cảng biển của tỉnh Bình Dương với các cảng biển của TP. Hồ Chí Minh và tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu trong quản lý và vận chuyển hàng hóa…

UBND TP. Hồ Chí Minh cho biết, trên cơ sở phối hợp thực hiện xây dựng Đề án sắp xếp, nhập giữa 3 tỉnh, thành phố theo hướng dẫn của Trung ương, kết quả tổ chức lấy ý kiến nhân dân của 3 tỉnh, thành, Đề án sắp xếp, sáp nhập TP. Hồ Chí Minh, tỉnh Bình Dương, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đủ điều kiện về cơ sở pháp lý, thành phần, quy trình xây dựng đề án. TP. Hồ Chí Minh trình Chính phủ xem xét, quyết định trình Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, ban hành Nghị quyết tổ chức thực hiện.

Sau khi sắp xếp với Bình Dương, Bà Rịa - Vũng Tàu, TP. Hồ Chí Minh mới có diện tích tự nhiên là 6.772,65km2, dân số 13,7 triệu người với có 168 đơn vị hành chính cấp xã, gồm 113 phường, 54 xã và 1 đặc khu, hình thành siêu đô thị mới của vùng Đông Nam Bộ. Chính quyền địa phương TP. Hồ Chí Minh mới sẽ hoàn thành xong việc sắp xếp tổ chức bộ máy và chính thức đi vào hoạt động chậm nhất là ngày 15/9/2025.

Ngọc Hậu

Nguồn TBNH: https://thoibaonganhang.vn/tp-ho-chi-minh-de-xuat-tiep-tuc-thuc-hien-co-che-dac-thu-sau-sap-nhap-den-2030-164163.html
Zalo