Đặt mục tiêu thoái vốn xong tại doanh nghiệp nhà nước không nắm giữ trong năm 2025

Bộ Tài chính vừa ban hành Kế hoạch Cải cách hành chính năm 2025. Trong đó, rất nhiều mục tiêu cải cách được 'lượng hóa' bằng những tỷ lệ cụ thể để dễ dàng đo, đếm kết quả.

Ảnh: TL minh họa.

Ảnh: TL minh họa.

Năm 2024 vừa qua, ngành Tài chính đã ghi nhiều dấu ấn trong công tác cải cách hành chính, đặc biệt là trong cải cách thể chế và chuyển đổi số.

Phát huy những kết quả tích cực này, Bộ trưởng Bộ Tài chính đã ký Quyết định số 3042/QĐ-BTC ban hành Kế hoạch Cải cách hành chính năm 2025 của Bộ Tài chính.

Mục tiêu đầu tiên được đặt ra là triển khai đồng bộ và toàn diện từ công tác thể chế, cải cách thủ tục hành chính đến xây dựng và phát triển Chính phủ điện tử, Chính phủ số, Bộ Tài chính số nhằm góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả của các cơ quan hành chính nhà nước ngành Tài chính.

Bên cạnh đó, tiếp tục khẳng định vị trí, vai trò của Bộ Tài chính trong việc chủ trì, tham mưu giúp Chính phủ, Ban Chỉ đạo cải cách hành chính của Chính phủ triển khai thực hiện công tác cải cách tài chính công; đổi mới cơ chế phân cấp quản lý, phân bổ ngân sách nhà nước để đảm bảo vai trò chủ đạo của ngân sách trung ương và tính tích cực của ngân sách địa phương.

Bộ Tài chính đặt mục tiêu đến năm 2025, hoàn thành việc sắp xếp lại doanh nghiệp nhà nước, thực hiện thoái vốn xong tại các doanh nghiệp mà nhà nước không nắm giữ, tham gia góp vốn; quy mô vốn hóa thị trường cổ phiếu đạt 100% GDP vào năm 2025. Dư nợ thị trường trái phiếu đạt tối thiểu 47% GDP (trong đó dư nợ trái phiếu doanh nghiệp đạt tối thiểu 20% GDP) vào năm 2025.

Đồng thời, đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, đặc biệt là những thủ tục liên quan trực tiếp đến người dân, doanh nghiệp. Bộ Tài chính phấn đấu có tối thiểu 80% hồ sơ giải quyết thủ tục hành chính được luân chuyển trong nội bộ 2 giữa các cơ quan có thẩm quyền giải quyết hoặc các cơ quan có liên quan được thực hiện, bằng phương thức điện tử.

Ngoài ra, tối thiểu 80% thủ tục hành chính có yêu cầu nghĩa vụ tài chính, được triển khai thanh toán trực tuyến, trong số đó, tỷ lệ giao dịch thanh toán trực tuyến đạt từ 30% trở lên; số hóa 100% kết quả giải quyết thủ tục hành chính đang còn hiệu lực và có giá trị sử dụng thuộc thẩm quyền giải quyết của Bộ.

Một số mục tiêu khác đáng chú ý như: 90% thủ tục hành chính nội bộ giữa cơ quan hành chính nhà nước được công bố, công khai và cập nhật kịp thời; mức độ hài lòng của người dân, doanh nghiệp về giải quyết thủ tục hành chính đạt tối thiểu 90%; hoàn thành việc cắt giảm, đơn giản hóa tối thiểu 20% số quy định và cắt giảm tối thiểu 20% chi phí tuân thủ quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh tại các văn bản đang có hiệu lực thi hành tính đến hết ngày 31/5/2020.

Bộ Tài chính nhấn mạnh việc tăng cường trách nhiệm của người đứng đầu đối với việc tổ chức thực hiện cải cách hành chính trong lĩnh vực tài chính.

Liên quan đến các chỉ tiêu xây dựng và hoàn thiện Bộ Tài chính số, mục tiêu đặt ra là sẽ phục vụ, lấy người dân và doanh nghiệp làm trung tâm, nâng cao hiệu quả hoạt động toàn ngành Tài chính thông qua các công cụ số hóa.

Trong đó, 90% hồ sơ công việc được xử lý trên môi trường mạng (trừ hồ sơ công việc thuộc phạm vi bí mật nhà nước); 100% người dân, doanh nghiệp sử dụng dịch vụ công trực tuyến được cấp định danh và xác thực điện tử thông suốt và hợp nhất trên tất cả các hệ thống tin của các cấp chính quyền từ Trung ương đến địa phương.

Đặc biệt, 80% các hệ thống thông tin của bộ, ngành, địa phương có liên quan đến người dân, doanh nghiệp đã đưa vào vận hành, khai thác được kết nổi, liên thông qua Trục liên thông văn bản quốc gia và nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu; thông tin của người dân, doanh nghiệp đã được số hóa và lưu trữ tại các cơ sở dữ liệu quốc gia, cơ sở dữ liệu chuyên ngành, không phải cung cấp lại./.

Hồng Vân

Nguồn Thời báo Tài chính: https://thoibaotaichinhvietnam.vn/dat-muc-tieu-thoai-von-xong-tai-doanh-nghiep-nha-nuoc-khong-nam-giu-trong-nam-2025-167826.html
Zalo