Đất hiếm và bài toán địa chính trị

Các nguyên tố đất hiếm và khoáng sản quan trọng là những thành phần thiết yếu cho cả các công nghệ phi quân sự và quân sự, là cốt lõi của các cuộc tái định hướng địa chiến lược toàn cầu. Các khoáng sản quan trọng và đất hiếm đang nổi lên là những lỗ hổng chính trong chuỗi cung ứng của Mỹ và EU do sự phụ thuộc của họ vào Trung Quốc.

Hiện chuỗi cung ứng đất hiếm chủ yếu do Trung Quốc thống trị. Mỹ và EU đang bù đắp thời gian đã mất khi tìm cách sở hữu các mỏ, chuỗi cung ứng và khả năng chế biến nó. Cả Mỹ và EU đều có khả năng tập trung nỗ lực của họ tại khu vực Á - Âu.

Các khoáng sản quan trọng là các chất có trong tự nhiên như lithium, cobalt, than chì, đồng và nickel. Chúng là những thành phần cơ bản quan trọng cho các thiết bị điện tử, công nghệ năng lượng tái tạo như turbin gió, tấm pin mặt trời và xe điện (EV), cũng như các ứng dụng quân sự liên quan đến hệ thống vũ khí tiên tiến và thiết bị điện tử quốc phòng. Cạnh tranh toàn cầu về khoáng sản chiến lược chủ yếu được thúc đẩy bởi sự tập trung nguồn cung ở một số khu vực.

Trung Quốc

Nước này từ lâu đã là một thế lực chính trên thị trường đất hiếm, kiểm soát hơn 60% sản lượng toàn cầu và nắm giữ tỷ lệ trữ lượng lớn. Sau khi củng cố vị thế của mình thông qua nhiều thập kỷ đầu tư và chính sách chiến lược, Bắc Kinh thống trị ngành khai thác và chế biến cả các loại khoáng sản quan trọng lẫn đất hiếm. Việc Trung Quốc tập trung vào khai thác, tinh chế và chế biến đất hiếm đã mang lại cho nước này đòn bẩy địa chính trị và ảnh hưởng đáng kể trong việc định hình chuỗi cung ứng toàn cầu.

Trong những năm 1990, Trung Quốc đã tuyên bố đất hiếm là “nguồn tài nguyên chiến lược”, áp hạn ngạch xuất khẩu và thuế quan để bảo tồn tài nguyên và thúc đẩy các ngành công nghiệp trong nước. Ví dụ năm 2010, Trung Quốc đã cắt giảm 40% hạn ngạch xuất khẩu đất hiếm, cản trở đáng kể chuỗi cung ứng toàn cầu.

Cạnh tranh toàn cầu về khoáng sản chiến lược chủ yếu được thúc đẩy bởi sự tập trung nguồn cung ở một số khu vực.

Cạnh tranh toàn cầu về khoáng sản chiến lược chủ yếu được thúc đẩy bởi sự tập trung nguồn cung ở một số khu vực.

Quyền kiểm soát rộng rãi của Trung Quốc chiếm 35-40% trữ lượng nguyên tố đất hiếm toàn cầu và gần 90% lượng đất hiếm chế biến. Trung Quốc tinh chế 73% cobalt, 68% nickel, 60% lithium và 40% đồng toàn cầu. Quốc gia này cũng thống trị lĩnh vực chế biến hạ nguồn bằng cách sử dụng các khoáng sản thiết yếu, chẳng hạn như trong sản xuất nam châm. Nước này sản xuất gần 80% pin EV trên thế giới và là nơi đặt khoảng 75% nhà máy sản xuất pin lithium-ion lớn trên toàn cầu.

Khi căng thẳng địa chính trị bùng phát trong những năm gần đây, quyền kiểm soát áp đảo của Bắc Kinh đối với các khoáng sản quan trọng và đất hiếm đã tạo ra lỗ hổng cho Mỹ, EU và Nhật Bản, những bên đã bày tỏ sự lo lắng ngày càng tăng về khả năng gián đoạn nguồn cung. Trung Quốc đã sử dụng sự thống trị đất hiếm của mình như một công cụ địa chính trị. Ví dụ, năm 2010, Bắc Kinh đã ngừng xuất khẩu đất hiếm sang Nhật Bản trong một cuộc tranh chấp, làm nổi bật tính chất dễ bị tổn thương mà bất kỳ quốc gia nào phụ thuộc vào một nguồn cung cấp duy nhất cho những vật liệu quan trọng này phải đối mặt. Gần đây hơn, Bắc Kinh đã cấm cung cấp một số khoáng sản quan trọng cho Mỹ.

Mỹ và cuộc chiến Ukraine

Chính quyền của Tổng thống Mỹ Donald Trump đang mong muốn ký kết một thỏa thuận với Ukraine để đảm bảo trữ lượng khoáng sản chiến lược chưa được khai thác mấy của nước này. Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky ban đầu đề xuất Mỹ tiếp cận các nguồn tài nguyên của nước mình như một phần của “Kế hoạch chiến thắng” năm 2024, tuyên bố “Ukraine sẵn sàng ký (thỏa thuận) bất kỳ lúc nào và theo bất kỳ hình thức thuận tiện nào. Chúng tôi coi thỏa thuận này là một bước tiến tới an ninh hơn và đảm bảo an ninh vững chắc”.

Với vị trí chiến lược ở phía Tây của lục địa Á - Âu, Ukraine có thể đóng góp đáng kể vào các yêu cầu đất hiếm dài hạn của cả Mỹ và châu Âu. Theo Cục Khảo sát địa chất Ukraine, quốc gia này nắm giữ khoảng 5% tài nguyên khoáng sản của thế giới, bao gồm 23 trong số 50 vật liệu được Chính phủ Mỹ coi là thiết yếu.

Ukraine sở hữu một trong những trữ lượng lithium lớn nhất châu Âu, ước tính khoảng nửa triệu tấn, chiếm 3% trữ lượng toàn cầu. Trữ lượng titan và urani của quốc gia này lần lượt chiếm 7% và 2% trữ lượng toàn cầu. Titan rất quan trọng đối với ngành công nghiệp hàng không vũ trụ, quốc phòng, trữ lượng của Ukraine có thể giúp đa dạng hóa chuỗi cung ứng của Mỹ và EU, trong khi giảm sự phụ thuộc của họ vào Trung Quốc.

Ukraine cũng nắm giữ khoảng 5% trữ lượng đất hiếm của thế giới. Với nhu cầu toàn cầu về các nguyên tố này và các khoáng sản quan trọng dự kiến sẽ tăng lên, các nguồn tài nguyên của Ukraine có thể giúp Mỹ gia tăng vị thế địa chính trị đáng kể, nếu Washington có thể tiếp cận và bảo vệ các nguồn dự trữ này.

Có điều, khoảng 40% lượng tài nguyên khoáng sản của Ukraine nằm trong các khu vực hiện do Moscow kiểm soát. Trong khi đó, một phần tài nguyên khoáng sản thậm chí còn lớn hơn hiện nằm dưới sự kiểm soát của Kiev, nhưng chỉ cách các vị trí quân sự của Nga một khoảng cách ngắn. Việc đảm bảo quyền tiếp cận của Mỹ đối với các mỏ của Ukraine có thể là một phần của chiến lược rộng lớn nhằm đảm bảo những vật liệu quan trọng này không chỉ dễ tiếp cận mà còn có nguồn gốc từ một quốc gia phù hợp hơn với các lợi ích chiến lược lâu dài của Mỹ.

Đông Âu - chìa khóa của nguồn cung

EU cũng nhận thấy tầm quan trọng chiến lược của nguồn cung cấp ổn định các khoáng sản quan trọng và đất hiếm cần thiết cho các công nghệ then chốt đối với quá trình chuyển đổi xanh và kỹ thuật số của mình. Đạo luật Nguyên liệu thô quan trọng nhằm mục đích giảm sự phụ thuộc vào các nhà cung cấp nguồn duy nhất. Mục tiêu của đạo luật này là đến năm 2030, EU sẽ khai thác nội địa ít nhất 10% mức tiêu thụ nguyên liệu thô chiến lược hằng năm và chế biến ít nhất 40%. Đạo luật này cũng hợp lý hóa việc cấp phép và chỉ định một số “dự án chiến lược” nhất định để phát triển nhanh chóng.

Khối này đã khởi xướng một số biện pháp nhằm tăng cường năng lực khai thác, xử lý và tái chế trong nước. Thụy Điển đã đặt mục tiêu đóng vai trò chiến lược trong việc đa dạng hóa kim loại hiếm của châu Âu. Brussels cũng đặc biệt chú ý đến các quốc gia ở Trung và Đông Âu, ngay cả các quốc gia nằm ngoài biên giới EU.

Đất hiếm là một nhóm gồm 17 nguyên tố có tính chất hóa học tương tự nhau. Mặc dù có tên gọi là “đất hiếm” nhưng các nguyên tố này tương đối dồi dào trong lớp vỏ trái đất, tuy nhiên phân tán và khó khai thác do chi phí cao.

Vào giữa năm 2024, Serbia và EU đã ký một biên bản ghi nhớ để phát triển quan hệ đối tác trong lĩnh vực nguyên liệu thô quan trọng và thiết lập chuỗi giá trị cho sản xuất pin và xe điện. Serbia sở hữu các mỏ lithium đáng kể, một trong những mỏ lớn nhất của châu Âu. Công ty khai khoáng Rio Tinto có trụ sở tại Vương quốc Anh đã đi đầu trong việc khai thác tiềm năng lithium của Serbia.

Mặc dù phải đối mặt với sự phản đối đáng kể về môi trường, Rio Tinto đã tăng cường nỗ lực để giành được sự chấp thuận của công chúng ododis với một mỏ lithium quy mô lớn ở Thung lũng Jadar của Serbia. Mỏ được đề xuất có thể cung cấp đủ lithium để sản xuất pin cho 1 triệu xe điện mỗi năm và sẽ rất quan trọng đối với thị trường xe điện và mục tiêu tăng trưởng năng lượng sạch của châu Âu.

Albania, quốc gia thành viên của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) được công nhận là có trữ lượng chrome và các khoáng sản khác dồi dào. Vị trí chiến lược, sự giàu có về khoáng sản và định hướng an ninh của nước này đưa Albania trở thành một “đối thủ” tiềm năng trong chuỗi cung ứng khoáng sản quan trọng của châu Âu.

Trung Quốc cũng tích cực tham gia vào các dự án đầu tư và cơ sở hạ tầng ở Tây Balkan. Sự tham gia của Bắc Kinh làm dấy lên mối lo ngại ở cả EU và Mỹ về vai trò địa chính trị của nước này trong khu vực và tác động môi trường cảu sự can dự đối với các nền kinh tế địa phương.

Estonia là một trong những quốc gia khu vực nổi bật nhất, tận dụng khả năng chế biến và cơ hội khai thác để định vị mình là một đối thủ chủ chốt trong lĩnh vực đất hiếm. Hoạt động đáng chú ý nhất của nước này trong lĩnh vực đất hiếm là việc chi nhánh của Công ty Neo Performance Materials của Canada có thể tinh chế 3.000 tấn oxit đất hiếm mỗi năm. Năm 2024, công ty sản xuất đất hiếm Hastings Technology Metals của Australia đã nhất trí với cơ quan đầu tư của Estonia để củng cố chuỗi cung ứng khoáng sản quan trọng này của châu Âu.

Cạnh tranh và thách thức

Cuộc cạnh tranh về khoáng sản quan trọng và đất hiếm không chỉ là một thách thức kinh tế. Đây là vấn đề cơ bản về an ninh quốc gia và các cân nhắc địa chính trị định hình cuộc cạnh tranh giành các nguồn tài nguyên quan trọng này và sẽ ngày càng gay gắt. Lục địa Á - Âu là khu vực chính để thăm dò và sản xuất do có sự tập trung cao độ các nguồn tài nguyên này. Sự cạnh tranh địa chính trị sẽ đóng vai trò quan trọng trong việc định hình chuỗi cung ứng và tương lai của khu vực, nơi có các quốc gia thuộc đa số toàn cầu (Global Majority), thường nằm giữa các khối phía Tây và Đông.

Mỏ cobalt Mutanda lớn nhất thế giới ở Cộng hòa Congo thuộc quyền sở hữu của các nhà thầu Trung Quốc.

Mỏ cobalt Mutanda lớn nhất thế giới ở Cộng hòa Congo thuộc quyền sở hữu của các nhà thầu Trung Quốc.

Một quốc gia như vậy là Mông Cổ. Là một quốc gia không giáp biển, nằm giữa Trung Quốc và Nga, Mông Cổ có vẻ là ứng cử viên rủi ro đối với các nhà đầu tư phương Tây trong lĩnh vực khoáng sản chiến lược. Dù vậy, Ulaanbaatar vẫn muốn thu hút các công ty Mỹ và châu Âu khai thác khoáng sản chiến lược từ trữ lượng khổng lồ của mình. Theo ước tính của Cục Khảo sát địa chất Mỹ, Mông Cổ có thể sở hữu 31 triệu tấn trữ lượng nguyên tố đất hiếm, chỉ đứng sau mức 44 triệu tấn của Trung Quốc.

Một quốc gia Á - Âu khác có chung đường biên giới rộng lớn với Nga và Trung Quốc là Kazakhstan. Quốc gia này cũng đang tìm kiếm các khoản đầu tư sở hữu trữ lượng nguyên tố đất hiếm lớn thứ 8 trên toàn cầu, ước tính ở mức 2 triệu tấn. Tuy nhiên, số lượng sản xuất hằng năm của nước này lại tương đối khiêm tốn, xếp thứ 12 về sản lượng, chừng 40.000 tấn. Astana đang nỗ lực nâng cao năng lực sản xuất trong nước, với kế hoạch tăng 40% số tiền đầu tư theo kế hoạch toàn diện phát triển ngành công nghiệp kim loại hiếm và đất hiếm giai đoạn 2024-2028.

Nga cũng cho rằng mình đang sở hữu các nguồn tài nguyên như vậy nhiều hơn đáng kể so với Ukraine. Các mỏ đất hiếm lớn nằm ở phía Bắc nước Nga, xung quanh vùng Murmansk, ở khu vực Nam Kavkaz và ở Viễn Đông của Nga, đặc biệt là ở Irkutsk, Yakutia và Tuva.

Về phần mình, Mỹ và các quốc gia khác được dự đoán sẽ ngày càng sử dụng các quan hệ đối tác chiến lược và các thỏa thuận thương mại để đảm bảo tiếp cận các khoáng sản quan trọng này từ các nguồn trên thế giới. Các quan hệ đối tác này tập trung vào việc đảm bảo quyền tiếp cận các vật liệu chiến lược và cũng nhấn mạnh vào việc phát triển các hoạt động khai thác bền vững và minh bạch để tránh các tác động về môi trường và xã hội, thường liên quan tiêu cực đến hoạt động khai thác ở các nước đang phát triển.

Tương tự như vậy, EU đã tiến hành các kế hoạch thành lập Liên minh Nguyên liệu thô quan trọng của châu Âu, nhằm mục đích củng cố vị thế của mình trong chuỗi cung ứng khoáng sản toàn cầu. Sáng kiến này bao gồm các biện pháp thúc đẩy tái chế, nghiên cứu về các vật liệu thay thế và xây dựng các chuỗi cung ứng có khả năng phục hồi tốt hơn trên khắp châu Âu.

Huy Thông

Nguồn ANTG: https://antg.cand.com.vn/su-kien-binh-luan-antg/dat-hiem-va-bai-toan-dia-chinh-tri-i765820/
Zalo