Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ tiếp tục đối mặt sóng gió vụ rò rỉ thông tin mật
Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Pete Hegseth tiếp tục phải đối mặt với những lời chỉ trích liên quan đến vụ rò rỉ bí mật quân sự. Đây là vụ rò rỉ bí mật quân sự lần thứ 2 xảy ra với ông Hegseth kể từ khi ông được bổ nhiệm làm Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ.
Hai vụ rò rỉ bí mật quân sự liên tiếp không chỉ làm ảnh hưởng đến uy tín của Bộ Quốc phòng Mỹ mà còn khiến người đứng đầu bộ này có nguy cơ mất chức.

Bộ trưởng Pete Hegseth (phải) trong vụ rò rỉ thông tin mật. Ảnh: Reuters.
Truyền thông Mỹ hôm qua đồng loạt đưa tin việc Bộ trưởng Quốc phòng Hegseth đã chia sẻ chi tiết cuộc tấn công lực lượng Houthi tại Yemen hồi tháng 3 vào một nhóm chat trên ứng dụng nhắn tin Signal có hàng chục người là thành viên, bao gồm cả phu nhân, em trai và luật sư riêng của ông. Việc Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ chia sẻ thông tin mật liên quan đến kế hoạch quân sự vào nhóm chat chủ yếu để thảo luận các vấn đề hành chính diễn ra vào thời điểm đặc biệt nhạy cảm với ông Hegseth.
Tổng thanh tra Bộ Quốc phòng Mỹ hiện đang mở cuộc điều tra về việc Bộ trưởng Hegseth sử dụng ứng dụng Signal để thảo luận thông tin nhạy cảm liên quan đến các hoạt động quân sự tại Yemen. Cuộc điều tra sẽ xác định mức độ mà Bộ trưởng Quốc phòng và các nhân viên khác tuân thủ chính sách và thủ tục của Bộ Quốc phòng trong việc sử dụng ứng dụng nhắn tin thương mại cho những công việc chính thức.
Trước đó, vụ rò rỉ thông tin về vụ tấn công nhóm Houthi ở Yemen trong nhóm chat của các quan chức hàng đầu trong chính quyền do Cố vấn an ninh quốc gia Mike Waltz lập ra bị phát hiện vào hạ tuần tháng 3, cũng đã khiến ông Hegseth phải đối mặt với nhiều sự chỉ trích.
Sau vụ rò rỉ này, tuần trước, 3 cố vấn cấp cao của vị bộ trưởng đã đột ngột bị sa thải với cáo buộc rò rỉ thông tin nhạy cảm. Nhiều nghị sĩ cấp cao của đảng Dân chủ đã kêu gọi điều tra và đề nghị ông Hegseth từ chức. Trong khi đó cựu phát ngôn viên Bộ Quốc phòng John Ullyot, người vừa từ chức gần đây, đã đăng bài viết nói rằng Bộ Quốc phòng Mỹ đang trở nên hỗn loạn dưới sự lãnh đạo của ông Hegseth và gợi ý Tổng thống Donald Trump nên cách chức vị bộ trưởng.
Trước sự chỉ trích của dư luận, chính quyền của Tổng thống Donald Trump một lần nữa đã lên tiếng bênh vực ông Hegseth. Phát biểu tại họp báo hôm qua, Thư ký Báo chí Nhà Trắng Karoline Leavitt nhấn mạnh: “Tổng thống Mỹ ủng hộ mạnh mẽ Bộ trưởng Hegseth, người đang làm một công việc xuất sắc khi lãnh đạo Bộ Quốc phòng Mỹ. Những chuyện đang xảy ra khi toàn bộ Bộ Quốc phòng đang chống lại ông ấy, phản đối sự thay đổi to lớn mà ông ấy đang cố gắng thực hiện”.
Trước đó ít giờ Tổng thống Donald Trump cũng khẳng định sự tin tưởng của ông dành cho Bộ trưởng Quốc phòng Pete Hegseth. Ông Trump cho rằng những hoài nghi về năng lực làm việc của Bộ trưởng Hegseth là lãng phí thời gian và ông ấy đang làm rất tốt.
Trong một tuyên bố, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ cũng đã lên tiếng biện minh rằng, ông không hề thảo luận thông tin nào liên quan kế hoạch chiến tranh: “Bạn thấy đấy, đây chính là những gì mà giới truyền thông làm. Họ lấy nguồn tin ẩn danh từ những cựu nhân viên bất mãn, rồi họ cố gắng cắt xén và thiêu rụi mọi người và hủy hoại danh tiếng của chúng tôi. Nhưng điều đó sẽ không hiệu quả với tôi đâu. Bởi vì chúng tôi đang thay đổi Bộ Quốc phòng, và những lời bôi nhọ ẩn danh từ những cựu nhân viên bất mãn về tin tức cũ, không quan trọng. Đây là lý do tại sao chúng ta phải chống lại giới truyền thông đưa tin giả mạo”.
Từng là người đồng dẫn chương trình "Fox & Friends Weekend" của đài Fox News, ông Hegseth là cộng tác viên của kênh này trong một thập niên. Ông Hegseth từng tham gia quân ngũ, mặc dù ông không có kinh nghiệm quân sự hoặc an ninh quốc gia cấp cao.
Việc lựa chọn ông Hegseth nằm ngoài tiêu chuẩn của một bộ trưởng quốc phòng truyền thống, nhưng ông là người ủng hộ tận tình Tổng thống Trump trong nhiệm kỳ đầu tiên. Tuy nhiên, theo đánh giá của giới chuyên gia, việc để lộ thông tin mật liên quan giờ tấn công và loại máy bay được triển khai, nếu bị rò rỉ cho đối phương có thể gây đe dọa tính mạng quân nhân Mỹ. Bên cạnh đó, việc rò rỉ liên tiếp thông tin mật chỉ trong một thời gian ngắn làm dấy lên lo ngại về khả năng bảo mật thông tin an ninh, quốc phòng của Bộ Quốc phòng Mỹ và có thể khiến Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ đối mặt với nguy cơ bị buộc phải từ chức.