Đáp ứng yêu cầu bức thiết về xây dựng văn hóa, con người Việt Nam trong giai đoạn mới
Sáng mai (27/11), Quốc hội sẽ tiến hành biểu quyết thông qua dự thảo Nghị quyết về chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển văn hóa giai đoạn 2025 – 2035. Đây là nội dung đang nhận được rất nhiều sự quan tâm và mong đợi của cử tri, đặc biệt là những người làm công tác văn hóa. Cổng TTĐT Quốc hội đã có cuộc trao đổi với ĐBQH Nguyễn Trần Phượng Trân – Đoàn ĐBQH thành phố Hồ Chí Minh về nội dung này.
Phóng viên: Dự kiến sáng mai (27/11), Quốc hội sẽ tiến hành biểu quyết thông qua dự thảo Nghị quyết của Quốc hội chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển văn hóa giai đoạn 2025 – 2035. Xin đại biểu chia sẻ một vài suy nghĩ về nội dung này?
Đại biểu Nguyễn Trần Phượng Trân – Đoàn ĐBQH thành phố Hồ Chí Minh: Tôi cho rằng, văn hóa giữ vị trí đặc biệt vô cùng quan trọng trong mọi mặt đời sống xã hội. Văn hóa là động lực trực tiếp thúc đẩy phát triển bền vững kinh tế - xã hội đất nước. Trong thời kỳ mới, văn hóa lại càng cần được khẳng định vị trí hơn bao giờ hết, nhất là khi phát triển bền vững đã trở thành một nhu cầu tất yếu của mọi quốc gia. Để đạt được điều đó, chúng ta cần phải nhận thức đúng đắn vai trò của văn hóa vào sự phát triển, để văn hóa trở thành nền tảng tinh thần của xã hội và mục tiêu, động lực của sự phát triển bền vững đất nước. Việc Quốc hội chuẩn bị xem xét, biểu quyết thông qua dự thảo Nghị quyết về chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển văn hóa giai đoạn 2025 – 2035 đã một lần nữa khẳng định vị trí, vai trò, tầm quan trọng của văn hóa.
Tôi cho rằng, việc đầu tư Chương trình ở thời điểm này đã đáp ứng đầy đủ căn cứ chính trị, pháp lý, khoa học và thực tiễn; góp phần tiếp tục khẳng định các quan điểm, chủ trương của Đảng, chính sách của Nhà nước về vị trí, vai trò, tầm quan trọng của văn hóa đối với sự nghiệp xây dựng, bảo vệ và phát triển bền vững đất nước; góp phần thực hiện các mục tiêu, chỉ tiêu về phát triển văn hóa đề ra trong các nghị quyết của Đảng. Đồng thời, việc thực hiện Chương trình sẽ góp phần tăng cường nguồn lực đầu tư, đáp ứng yêu cầu bức thiết về phát triển con người toàn diện và xây dựng nền văn hóa Việt Nam trong giai đoạn mới.
Các tài liệu trong hồ sơ trình Quốc hội về nội dung này cũng đã đáp ứng yêu cầu theo quy định pháp luật. Các ý kiến của đại biểu Quốc hội đã được tiếp thu, giải trình kỹ lưỡng. Tuy nhiên, phải nói rằng đây là một Chương trình với tổng kinh phí thực hiện và quy mô rất lớn, cùng với hệ thống mục tiêu dày đặc. Cụ thể, Chương trình có 7 mục tiêu tổng quát, 9 mục tiêu cụ thể đến năm 2030 và 9 mục tiêu cụ thể đến năm 2035.
Trong đó, có một số chỉ tiêu đặt ra với mức phấn đấu tuyệt đối 100% như: Đến năm 2030, phấn đấu 100% đơn vị hoạt động văn hóa, nghệ thuật được tin học hóa, chuyển đổi số, ứng dụng các thành tựu của Cách mạng công nghiệp lần thứ 4; phấn đấu 100% học sinh, học viên, sinh viên trong hệ thống giáo dục quốc dân được tiếp cận, tham gia các hoạt động giáo dục nghệ thuật, giáo dục di sản văn hóa; phấn đấu 100% đơn vị hành chính cấp tỉnh có đủ 03 loại hình thiết chế văn hóa cấp tỉnh (Trung tâm Văn hóa hoặc Trung tâm Văn hóa - Thể thao, Bảo tàng, Thư viện). Hay đến năm 2035, phấn đấu 100% văn nghệ sỹ tài năng, công chức, viên chức thuộc lĩnh vực văn hóa, nghệ thuật được tiếp cận, đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao nghiệp vụ, chuyên môn; phấn đấu 100% thư viện trong mạng lưới thư viện đáp ứng điều kiện thành lập và bảo đảm điều kiện hoạt động theo quy định của Luật Thư viện; hoàn thành việc tu bổ, tôn tạo 100% di tích quốc gia đặc biệt và ít nhất 80% di tích quốc gia...
Tôi cho rằng, cần phải có cơ sở khoa học để đánh giá các mục tiêu, chỉ tiêu đề xuất trong dự thảo Nghị quyết, nhất là các chỉ tiêu đặt ra ở mức tuyệt đối 100%, nhằm bảo đảm tính khả thi. Bởi với những chỉ tiêu đề ra, chúng ta đều mong muốn đạt được, nhưng trên thực tế có thể sẽ khó thực hiện do những yếu tố khách quan và chủ quan. Cùng với đó, các tiêu chí đánh giá trong Chương trình cũng cần đảm bảo không nên quá định lượng hay định tính, bởi văn hóa là lĩnh vực đòi hỏi có chiều sâu và tính đa dạng của các vùng miền. Đồng thời, cũng cần đảm bảo rằng, người dân thực sự được thụ hưởng các giá trị văn hóa từ Chương trình và sự thụ hưởng này phải được kế thừa qua các thế hệ.
Phóng viên: Trong dự thảo Nghị quyết dự kiến trình Quốc hội biểu quyết thông qua có nhấn mạnh đến việc cần phải tập trung nguồn lực để phát triển văn học, nghệ thuật. Theo đại biểu, làm sao để có thể thực hiện tốt được nhiệm vụ này?
Đại biểu Nguyễn Trần Phượng Trân – Đoàn ĐBQH thành phố Hồ Chí Minh: Cần phải thừa nhận một thực tế rằng, hiện nay lĩnh vực văn học, nghệ thuật vẫn chưa được đầu tư đúng mức. Bởi vậy, tôi cho rằng nhiệm vụ tập trung nguồn lực để thúc đẩy phát triển văn học, nghệ thuật được đặt ra trong dự thảo Nghị quyết là rất cần thiết, bởi văn học và nghệ thuật có vai trò rất quan trọng trong công tác tư tưởng. Đây là lĩnh vực mang lại sức mạnh tinh thần và giá trị nhân văn cho xã hội, có thể tác động đến tư tưởng, ý chí và hành động của người dân. Trên mặt trận tư tưởng, văn học, nghệ thuật có vai trò tôn vinh, lan tỏa các giá trị nhân văn, nhân đạo, đoàn kết, phát huy bản sắc văn hóa của dân tộc… Đồng thời vạch trần những tư tưởng, quan điểm sai trái, những thói hư, tật xấu trong xã hội, đấu tranh gián tiếp với các luận điệu sai trái, thù địch, góp phần bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng.
Để thực hiện tốt nhiệm vụ thúc đẩy phát triển văn học, nghệ thuật, tôi cho rằng cần phải không ngừng nâng cao năng lực, trình độ lãnh đạo, quản lý, nhận thức của các cấp ủy Đảng, chính quyền về văn học, nghệ thuật. Chúng ta cần phải thể chế và cụ thể hóa quan điểm, chủ trương của Ðảng về phát triển văn học, nghệ thuật bằng các cơ chế, chính sách cụ thể trong thời gian tới. Đồng thời, đẩy mạnh công tác tham mưu, đề xuất các chính sách bồi dưỡng, thu hút nhân tài và chăm lo đãi ngộ đối với đội ngũ văn nghệ sĩ, tạo điều kiện để họ phát huy vai trò, trách nhiệm, đem tài năng, sức sáng tạo, gắn bó, cống hiến lâu dài vào sự nghiệp xây dựng, phát triển địa phương, đất nước.
Cùng với đó, tập trung củng cố, sắp xếp, nâng cao năng lực, chất lượng của các thiết chế văn hóa, bảo đảm cơ sở vật chất cho hoạt động văn học, nghệ thuật; đẩy nhanh xây dựng cơ sở hạ tầng đồng bộ phục vụ hoạt động phát triển văn hóa; tiếp tục đẩy mạnh chủ trương xã hội hóa trong hoạt động văn hóa, nghệ thuật; quan tâm xây dựng, phát triển phong trào văn nghệ quần chúng; tăng cường giáo dục, nâng cao nhận thức, thẩm mỹ của công chúng trong hưởng thụ văn học, nghệ thuật, góp phần xây dựng môi trường văn hóa, văn nghệ lành mạnh, tiến bộ.
Bên cạnh đó, thường xuyên tổ chức thanh tra, kiểm tra các hoạt động kinh doanh dịch vụ văn hóa; xử lý nghiêm các hành vi vi phạm theo quy định của pháp luật; chủ động đấu tranh với các loại văn hóa phẩm độc hại; phòng, chống các biểu hiện suy thoái về tư tưởng đạo đức, sự chống phá của các thế lực thù địch trong lĩnh vực tư tưởng, văn hóa; tăng cường công tác quản lý hoạt động báo chí, xuất bản, văn hóa, văn nghệ; giáo dục và định hướng hưởng thụ văn hóa lành mạnh, đặc biệt đầu tư cho công tác lý luận phê bình văn học, nghệ thuật.
Đặc biệt, cần lưu ý đến vai trò của các cơ quan báo chí, truyền thông trong việc lan tỏa những giá trị nghệ thuật và văn hóa truyền thống của Việt Nam, giúp cho cho thế hệ trẻ cảm nhận, tự hào và có tư duy bảo vệ, phát triển văn hóa tốt đẹp của dân tộc, đồng thời nhận diện, loại bỏ những văn hóa lai căng, xấu độc.
Phóng viên:Theo đại biểu, làm gì để đảm bảo Chương trình được triển khai một cách thực sự có hiệu quả, tránh lãng phí?
Đại biểu Nguyễn Trần Phượng Trân – Đoàn ĐBQH thành phố Hồ Chí Minh: Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển văn hóa giai đoạn 2025 – 2035 được xây dựng nhằm tạo bước chuyển toàn diện trong phát triển văn hóa, khắc phục sự chênh lệch trong thụ hưởng văn hóa giữa các vùng miền, bảo tồn và phát huy các giá trị di sản văn hóa đặc sắc của dân tộc, với thời gian thực hiện dài, phạm vi rộng, kinh phí lớn nên việc làm sao để tập trung nguồn lực đầu tư có trọng tâm, trọng điểm và hiệu quả, tôi cho rằng là yêu cầu đặc biệt quan trọng trong quá trình triển khai thực hiện.
Tôi cho rằng, Chương trình sẽ chỉ thực sự có hiệu quả khi quá trình thực hiện có sự phối hợp đồng bộ giữa các cấp, các ngành, các địa phương; các mục tiêu đặt ra có tính khả thi và được đầu tư có trọng tâm, trọng điểm, gắn liền với ưu tiên cho các vấn đề cấp bách. Cùng với đó, cần có cơ chế khoa học, chặt chẽ về quản lý; phân công rõ ràng, cụ thể trách nhiệm của các cơ quan, để đảm bảo kết quả của Chương trình đo đếm được trong thực tế. Nếu được thông qua, tôi mong rằng, Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển văn hóa giai đoạn 2025 – 2035 sẽ thực sự tạo bứt phá để vị trí của văn hóa được đặt xứng tầm trong sự nghiệp phát triển kinh tế- xã hội.
Phóng viên: Trân trọng cảm ơn đại biểu!