Đào tạo nhân lực đường sắt tốc độ cao: Có kịp tiến độ?

Việt Nam phải cấp tốc đào tạo nguồn nhân lực - một trong những yếu tố then chốt quyết định thành công của dự án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam...

Nhân lực điều khiển tuyến metro số 1 tại TPHCM. Ảnh: M.Quỳnh

Nhân lực điều khiển tuyến metro số 1 tại TPHCM. Ảnh: M.Quỳnh

Theo tính toán của cơ quan chức năng, ngoài 13.880 nhân lực cho vận hành và khai thác dự án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam, còn cần khoảng 240 nghìn công nhân kỹ thuật cho thi công xây lắp hạ tầng và một số chuyên ngành đặc thù, khoảng 2.000 chuyên gia tư vấn. Vì vậy, Việt Nam phải cấp tốc đào tạo nguồn nhân lực - một trong những yếu tố then chốt quyết định thành công của dự án trọng điểm quốc gia này.

Đào tạo… nhỏ lẻ

PGS.TS Bùi Hoài Thắng - Trưởng phòng Đào tạo, Trường ĐH Bách Khoa TPHCM (ĐH Quốc gia TPHCM) cho hay, mùa tuyển sinh vừa qua, trường mở thêm ngành nhỏ trong ngành kỹ thuật xây dựng là điện kỹ thuật xây dựng, tuyển sinh khá ổn và ngành kinh tế xây dựng để có nguồn nhân lực làm dự toán các dự án.

“Riêng ngành đường sắt cao tốc thì có thể sang năm hoặc năm tới nữa sẽ tuyển sinh. Bởi, liên quan đến đường sắt cao tốc không chỉ riêng phần xây dựng, mà còn nhiều vấn đề như: Điện, điều khiển, trang thiết bị máy móc, tín hiệu, công nghệ thông tin… Nói chung đây sẽ là liên ngành nên khó tuyển sinh liền ngay lúc này”, ông Thắng nói.

Còn theo ThS Phạm Thái Sơn - Giám đốc Trung tâm Tuyển sinh và Truyền thông, Trường ĐH Công Thương TPHCM (HUIT), với chương trình đào tạo các ngành như tự động hóa, sắp tới HUIT nghiên cứu để tích hợp các nội dung liên quan đến công nghệ điều khiển trong đường sắt tốc độ cao, hệ thống tín hiệu và quản lý an toàn vận hành.

Với ngành kỹ thuật điện - điện tử sẽ bổ sung kiến thức về hệ thống điện kéo, điều khiển đường dây cao thế và bảo trì hệ thống điện cho đường sắt. Đặc biệt, với ngành công nghệ Thông tin, HUIT sẽ đào tạo về lập trình hệ thống, tích hợp dữ liệu trong giao thông thông minh (ITS - Intelligent Transportation Systems).

Theo ông Sơn, để đáp ứng nhu cầu đào tạo, trường sẽ đầu tư thêm thiết bị dạy và nghiên cứu. Đồng thời, kết hợp dạy lý thuyết tại trường và thực hành ở các dự án xây dựng đường sắt tốc độ cao, giúp sinh viên vừa học, vừa tiếp cận thực tế. Song song đó, trường dự kiến tổ chức nhiều hội thảo lấy ý kiến các chuyên gia trong lĩnh vực giao thông vận tải và doanh nghiệp logistics để nâng cao chất lượng đào tạo.

“Nhà trường sẽ kết hợp với các doanh nghiệp logistics cung cấp học bổng cho sinh viên đăng ký học các ngành như điện - điện tử, tự động hóa, công nghệ thông tin, logistics và chuỗi cung ứng,… Và tạo cơ hội việc làm cho sinh viên sau tốt nghiệp đại học”, ông Sơn nói.

Đi theo định hướng ứng dụng cao, ngành kỹ thuật xây dựng tại Trường Đại học Công nghệ TPHCM (HUTECH) đã và đang đào tạo các kiến thức nền tảng như thiết kế, thi công, quản lý và vận hành các công trình xây dựng, có thể ứng dụng vào nhiều loại công trình khác nhau, bao gồm cả đường sắt đô thị và đường sắt tốc độ cao.

“Năm 2025, HUTECH triển khai thêm một chuyên ngành mới của ngành kỹ thuật xây dựng là đào tạo kỹ thuật xây dựng công trình đường sắt nhằm trang bị cho sinh viên các kiến thức, kỹ năng chuyên sâu về đường sắt đô thị, đường sắt tốc độ cao. Đây là bước đi chiến lược của nhà trường nhằm đáp ứng kịp thời xu hướng phát triển của đất nước và nhu cầu nhân lực chất lượng cao trong lĩnh vực xây dựng”, GS.TS Nguyễn Trung Kiên - Phó Hiệu trưởng, Trưởng khoa Xây dựng (HUTECH) cho hay.

 Tuyến metro số 1 (Bến Thành - Suối Tiên) tại TPHCM. Ảnh: M.Quỳnh

Tuyến metro số 1 (Bến Thành - Suối Tiên) tại TPHCM. Ảnh: M.Quỳnh

Nhiều việc chờ phía trước

Đóng góp vào công tác đào tạo nhân lực cho dự án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam, HUTECH dự kiến triển khai: Đào tạo chuyên sâu về kỹ thuật xây dựng giao thông trong đó có hướng chuyên sâu về công trình đường sắt.

“Chúng tôi xây dựng các chương trình đào tạo chuyên sâu về lĩnh vực liên quan đến hạ tầng giao thông như thi công đường sắt, cầu cống, hệ thống tín hiệu và an toàn giao thông, kỹ thuật xây dựng công trình ngầm, đặc biệt là các kỹ thuật mới trong xây dựng đường sắt tốc độ cao. Điều này sẽ giúp sinh viên có kiến thức vững vàng và chuẩn bị tốt cho công việc thực tế”, ông Kiên nói.

Tiếp đến, HUTECH tiến hành hợp tác với các doanh nghiệp và đơn vị thi công dự án. Thiết lập các mối quan hệ hợp tác chặt chẽ với các nhà thầu, công ty thi công dự án đường sắt, đặc biệt những đơn vị tham gia vào dự án đường sắt Bắc - Nam và dự án metro.

Qua đó, sinh viên có thể tham gia thực tập, học hỏi từ thực tế công trình, đồng thời đáp ứng yêu cầu nhân lực từ phía các doanh nghiệp. HUTECH cũng cập nhật chương trình đào tạo theo xu hướng mới, chủ động cập nhật chương trình giảng dạy để tích hợp các công nghệ mới như BIM (Building Information Modeling), ứng dụng AI trong thiết kế và giám sát thi công, tư duy phát triển bền vững.

“HUTECH sẽ mở rộng khóa đào tạo bồi dưỡng ngắn hạn và chứng chỉ về các kỹ năng chuyên môn cần thiết cho ngành xây dựng giao thông. Những khóa học này giúp nâng cao tay nghề của các bộ phận kỹ thuật để đáp ứng yêu cầu của các dự án hạ tầng lớn như đường sắt tốc độ cao và metro”, ông Kiên nói thêm và khẳng định, những chiến lược này giúp HUTECH đóng góp vào công tác đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cho các dự án đường sắt tốc độ cao và metro, đồng thời đáp ứng được nhu cầu phát triển bền vững của ngành hạ tầng giao thông tại Việt Nam.

Chuyên gia kinh tế Trương Hiền Phương - Giám đốc cấp cao Chứng khoán KIS Việt Nam tỏ ra lạc quan hơn. Theo ông Phương, thời gian triển khai dự án đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam không chỉ kéo dài trong 1 năm mà dự báo có thể kéo dài khoảng 3 năm, vì vậy ngành đường sắt Việt Nam hoàn toàn có thể chuẩn bị sẵn sàng nguồn nhân lực.

“Trước hết, có thể đưa kỹ sư vận hành của Việt Nam qua các nhà thầu để nâng cao tay nghề. Bởi, nhà thầu thường có trách nhiệm, nhiệm vụ đào tạo đội ngũ quản lý và vận hành cho Việt Nam chứ không phải chỉ nhận thi công xong rồi để mặc cho chúng ta tự quản lý, vận hành”, ông Phương nói.

“Việt Nam có thể đón chuyên gia của các hãng cung cấp để tham gia đào tạo. Ví dụ, công ty nào bán đầu tàu, toa tàu, công nghệ đường ray… cho Việt Nam có thể cử chuyên gia sang nước ta để vừa vận hành, đảm bảo bảo trì, bảo dưỡng trong thời gian đầu và sau đó các chuyên gia này sẽ bàn giao, chuyển giao công nghệ và đào tạo lại đội ngũ kế cận người Việt Nam để vận hành”, chuyên gia kinh tế Trương Hiền Phương khuyến nghị.

Quốc Hải

Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/dao-tao-nhan-luc-duong-sat-toc-do-cao-co-kip-tien-do-post713316.html
Zalo