Đào đường vào mùa: Lật lên lấp lại, lấp lại lại lật lên!
Cứ vào dịp cuối năm, nhiều tuyến đường tại TPHCM lại bị đào bới ngổn ngang, 'lô cốt', rào chắn, ống cống, bê tông, đất đá... nằm ngổn ngang khiến đường sá bị 'teo tóp', nắng bụi, mưa sình, không chỉ gây kẹt xe mà việc đi lại, sinh hoạt, kinh doanh buôn bán của người dân bị ảnh hưởng.
Tăng tốc đào, bới khắp nơi!
Những ngày qua, mỗi lần đi ngang đường Trịnh Thị Miếng (H.Hóc Môn), nhiều người không khỏi bỡ ngỡ bởi tuyến đường đang bị phong tỏa để nâng cấp, lắp đặt hệ thống thoát nước. Tại giao lộ Trịnh Thị Miếng - Tô Ký - Ấp Đông, đơn vị thi công sử dụng xe ben tải trọng lớn, máy múc công suất "khủng" để đào bới, bóc tách đất bề mặt, lắp đặt hệ thống cống hộp. Hai bên đường, hàng chục khối bê tông, ống cống nằm chình ình, hàng chục thanh tà-vẹc nằm ngổn ngang, xe cộ chở đất ra vào nhộn nhịp làm mặt đường nhầy nhụa, nắng bụi, mưa sình.
Trước địa chỉ 161 Trịnh Thị Miếng, đơn vị thi công đưa máy múc, máy xúc, xe lu, xe ben vào đào bới, san ủi, lu dầm, vận chuyển đất đai. Hàng chục khối bê tông cống hộp đang được định vị, lắp ghép. Hai bên đường, bê tông, sắt thép, đất đá bừa bãi, chỗ lồi chỗ lõm.
Đường Trịnh Thị Miếng bị phong tỏa khiến việc đi lại của người dân gặp khó khăn. Chị Đào Thị Hương, ngụ Q.Gò Vấp cho biết, hôm rồi chị đi qua đường Trịnh Thị Miếng, nhưng khi qua Chợ Bắp trên con đường này khoảng 300m thì chị khựng lại, bởi con đường đang bị rào chắn không còn lối đi. Để vượt qua đoạn bị rào, chị phải đi vào con đường nhánh. Do không quen đường nên chị bị lạc gần cả tiếng đồng hồ.
Người dân đi qua đây đã khổ, bà con sống hai bên đường còn vất vả hơn. Anh Vinh, một người dân ở trên đường Trịnh Thị Miếng ngao ngán: "Đường sá bị đào bới nham nhở, nhiều chỗ họ đào vào tận mái hiên. Mỗi lần đi đâu, chúng tôi phải tìm cách luồn lách trên từng mét vỉa hè hoặc phải đi đường vòng. Từ ngày con đường này bị đào bới, các cửa hàng, quán sá ở đây bị ế ẩm, bởi không ai dại gì chui vào chỗ này ăn uống, mua sắm, mà có muốn vào cũng chưa chắc vào được".
Cách đó hơn 100m, dự án nâng cấp, mở rộng đường Phạm Thị Giây - đoạn từ điểm giao với đường Tô Ký đến điểm giao với đường Trịnh Thị Miếng, dài 1.530m, rộng 16m đang bước vào giai đoạn chạy nước rút. Hiện tại, đoạn từ ngã ba Phạm Thị Giây - Trịnh Thị Miếng đến Trường Tiểu học Nguyễn Thị Nuôi cơ bản đã hoàn thành. Từ Trường Tiểu học Nguyễn Thị Nuôi đến đường Tô Ký đang trong quá trình nâng cấp, mở rộng. Đơn vị thi công tiếp tục đào bới để lắp đặt hệ thống thoát nước, điện, cáp ngầm... Đường sá bị đào bới nham nhở, mặt đường đầy "ổ gà”, "ổ trâu", sình lầy, bụi bặm, hai bên đường có hàng chục khối bê tông cốt thép, ống cống, đất đá, xà bần nằm ngổn ngang khiến người đi đường khổ sở mỗi khi qua đây.
Những ngày này, mỗi lần đi qua đường Kênh Tiêu - Bà Điểm (H.Hóc Môn), nhiều người không khỏi thót tim bởi đường sá bị đào bới nham nhở. Tại khu vực gần ngã ba Kênh Tiêu - Bà Điểm giáp với đường Phan Văn Hớn, hàng trăm mét đường bị đào bới, mặt đường đầy "ổ gà”, "ổ trâu", sình lầy nhão nhoẹt. Trên đường xuất hiện nhiều hào, rãnh, có chỗ hở "hàm ếch", trông rất nguy hiểm. Anh Nguyễn Văn Sinh, ngụ ở H.Hóc Môn cho hay: "Mỗi lần qua đoạn đường trên, tôi thấy lo lắng vì mặt đường sình lầy, trơn trượt, nhiều chỗ bị đào sâu hoắm, nhưng tôi không thấy biển cảnh báo, đơn vị thi công rào chắn khá sơn sài, có chỗ chỉ giăng vài sợi dây qua loa, xe cộ qua lại không cẩn thận là tai nạn như chơi. Trẻ con chạy nhảy không may té ngã xuống hố thì hậu quả khôn lường".
Sao phải là cuối năm?
Sau nhiều năm "trùm mền", ngày 22/11 vừa qua, dự án nâng cấp, mở rộng đường Nguyễn Hoàng (TP.Thủ Đức) được tái khởi công. Tuyến đường này dài 1km, rộng trung bình 6m. Những năm qua, tuyến đường này được thi công một nửa, nửa còn lại gần như bỏ trống. Mặt đường bó hẹp, "ổ gà”, "ổ trâu", ao tù, nước đọng, xe cộ lưu thông chỉ một bên nên thường xuyên bị kẹt, đã có không ít vụ tai nạn giao thông xảy ra. Trước thực trạng đường sá xuống cấp, bề ngang bị "teo tóp", chính quyền địa phương đã có nhiều lần sửa chữa, nhưng do kinh phí hạn hẹp nên việc duy tu, nâng cấp còn mang tính chắp vá. Lần nâng cấp này, đường Nguyễn Hoàng được đầu tư hơn 4,5 tỉ đồng, người dân kỳ vọng nó sẽ được "lột xác".
Hiện tại, đơn vị thi công đang khoanh vùng đào bới, bóc tách lớp đất bề mặt. Tại công trường, nhiều thiết bị máy móc, công nhân khẩn trương làm việc. Tuy nhiên, việc thi công không được rào chắn kỹ lưỡng, đất đá vương vãi tùm lum khiến người đi đường rất khổ sở, nhiều người vừa chạy xe, vừa lấy tay che mặt cho đỡ bụi.
Cách đó hơn 100m, dự án nâng cấp, mở rộng đường Lương Định Của được tái khởi động sau thời gian "đắp chiếu". Tại công trường, đơn vị thi công cho rào chắn, dựng "lô cốt" và sử dụng nhiều máy móc để đào bới, lu dầm, vận chuyển đất đai. Hàng chục khối bê tông, đất cát, đường ống nằm ngổn ngang, đất cát vương vãi khá bụi bặm.
Cũng nằm ở khu vực phường An Phú, An Khánh, một con đường nhỏ chừng 500m nối từ Lương Định Của ra ngã ba Đồng Văn Cống - Mai Chí Thọ, chỉ trong năm 2024, đặc biệt những tháng cuối năm, người dân sống trong khu vực và những người tham gia giao thông phải khổ sở hết lần này đến lần khác vì con đường liên tục bị đào lên rồi lấp xuống, lấp xuống rồi lại đào lên. Nay người ta thấy công nhân thả cáp, mai họ lại thấy công nhân thả ống nước, không bao lâu sau lại thấy chôn điện ngầm. Cứ như thế, tuyến đường nhỏ, ngắn mà bị xới tung không biết bao nhiêu lần.
Những đêm cuối năm này, đường Thống Nhất (Q.Gò Vấp) cũng bị đào bới ở nhiều chỗ. Ghi nhận vào lúc 22 giờ đêm 05/12 cho thấy, đơn vị thi công sử dụng máy múc, xe ben, máy khoan, cắt, đào bới mặt đường để thi công lắp đặt các hạng mục được ngầm hóa. Các phương tiện máy móc hoạt động nhộn nhịp, xe cộ ra vào tấp nập. Đơn vị thi công tiến hành phong tỏa nhiều chỗ khiến không ít người lớ quớ chẳng biết đi đường nào. Không chỉ vậy, việc thi công ban đêm đã ảnh hưởng không nhỏ đến giấc ngủ, sinh hoạt của người dân.
Anh Hào, sống trên đường Thống Nhất phàn nàn: "Cả ngày đi làm về mệt, đêm đến là "thời gian vàng" để ngủ lấy lại sức khỏe cho ngày làm việc hôm sau. Thế nhưng những ngày qua, người ta cứ đào lấp đường sá, xe cộ chạy ầm ầm, máy móc nổ chát chúa, tôi không tài nào ngủ được, mình mẩy uể oải, làm việc mất tập trung, có hôm tôi vừa làm vừa ngủ gật ở công ty".
Thời gian gần đây, để lắp đặt thiết bị cho dự án ngầm hóa điện lưới trạm 220KV Bình Tân - T2, đơn vị thi công đã đào đường, dựng nhiều "lô cốt" dọc Quốc lộ 1A - đoạn qua địa bàn Q.Bình Tân. Các khu vực bị đào bới, dựng "lô cốt" nằm giáp với nhiều đường "xương cá”, công ty, xí nghiệp, trường học, chợ búa... nên hàng ngày lượng xe cộ qua lại rất đông đúc. Vào giờ cao điểm, công nhân, viên chức, học sinh, sinh viên, tiểu thương, người lao động... qua lại nườm nượp khiến tình trạng giao thông bị ùn tắc thường xuyên. Đường sá vốn chật chội, nay có thêm nhiều "lô cốt" án ngự khiến tình trạng kẹt xe thêm nghiêm trọng, nhất là giờ cao điểm.
Tương tự, để thi công cầu Tân Kỳ - Tân Quý - (Q.Bình Tân), đơn vị thi công cho dựng nhiều "lô cốt" án ngự gần hết đường, xe cộ chỉ còn một lối đi khá hẹp. Hai bên đường bị đào bới nham nhở, nắng bụi, mưa sình, khiến tình trạng kẹt xe xảy ra như cơm bữa, người dân khổ sở mỗi lần di chuyển qua những đoạn đường này.
Chị Nguyễn Ngọc Anh, ngụ Q.Bình Tân cho biết, trước đây, bình thường khoảng 6 giờ 20, chị đưa con đi học rồi đến công ty làm việc là vừa. Tuy nhiên, sau khi các "lô cốt" được dựng lên, nhiều bữa chị bị kẹt xe cứng ngắc, nhiều hôm phải "chôn chân" giữa đường gần nửa tiếng đồng hồ, không chỉ bị khói bụi, nóng nực, mà còn thường xuyên trễ giờ làm.
Theo người dân nơi đây, việc sửa chữa vỉa hè, lắp đặt cáp ngầm, ống cống, làm mới đường sá... là việc làm tốt, nhưng vì sao đầu năm, giữa năm không triển khai mà cứ để những ngày cuối năm rồi đua nhau làm?
Lý giải cho vấn đề trên, một cán bộ thuộc Sở Giao thông vận tải TPHCM cho biết, nhiều công trình hạ tầng thuộc các quận, huyện quản lý. Vào đầu năm, họ xây dựng kế hoạch, đăng ký vốn và báo cáo với UBND thành phố. Tuy nhiên, việc triển khai thủ tục đăng ký, dự toán, đấu thầu, giải ngân diễn ra chậm chạp nên khoảng gần cuối năm họ mới được giải ngân vốn thi công.
Theo một số chuyên gia về giao thông và quy hoạch đô thị, để "trị” vấn nạn ồ ạt đào đường cuối năm, thành phố cần đẩy nhanh tiến độ duyệt hồ sơ, thủ tục đấu thầu, giải ngân vốn. Đối với các dự án được trình từ đầu năm, việc phân bổ vốn phải đi đôi với việc siết chặt quản lý, giám sát và yêu cầu thời gian thực hiện cụ thể. Bên cạnh đó cần có những chế tài xử phạt đơn vị thi công không thực hiện đúng tiến độ đề ra.