Đạo diễn Dương Diệu Linh: Hy vọng 'Mưa trên cánh bướm' sẽ quyến rũ thế giới

Sau 10 ngày ra rạp, phim 'Mưa trên cánh bướm' cán mốc doanh thu gần 400 triệu đồng. Con số này tuy chưa cao nhưng cũng khá ấn tượng, bởi việc mua vé xem một bộ phim thuộc dòng nghệ thuật vẫn chưa phải thói quen của đại đa số khán giả Việt. Đạo diễn trẻ Dương Diệu Linh (sinh năm 1990) đã có những chia sẻ xung quanh quá trình thực hiện bộ phim này.

Muốn hiểu hơn về người phụ nữ trong xã hội hiện đại

- Phóng viên: Phim “Mưa trên cánh bướm” được xây dựng dựa trên những chất liệu mà Dương Diệu Linh gom góp từ những lần thực hiện nhiều bộ phim ngắn trước đó. Chị có thể nói rõ hơn về điều này không?

- Đạo diễn Dương Diệu Linh: Quả đúng vậy. Hơn 10 năm trước tôi còn đang học và làm việc ở nước ngoài, chẳng hiểu lý do gì cứ bị thôi thúc với suy nghĩ phải về Việt Nam làm phim về con người, cuộc sống và văn hóa đất nước. Sau đó, tôi về nước bắt tay vào làm một phim ngắn khai thác đề tài gia đình. Thời lượng phim chỉ có 13 phút, nói về khoảng cách và những sang chấn tâm lý của những người phụ nữ thuộc hai thế hệ, cách mỗi người đối diện và giải quyết khi đứng trước cùng một vấn đề. Tiếp theo, tôi làm thêm vài phim ngắn khác cũng về những người phụ nữ ở độ tuổi trung niên, cũng xoay quanh câu chuyện về cách họ đối diện và vượt qua những thử thách, sóng gió trong cuộc đời. Rồi tôi tìm cách lý giải điều gì khiến họ hay bất mãn và than phiền về cuộc sống của mình.

Cũng trong những thước phim ấy có góc nhìn pha chút hài hước, ai cũng cho mình là nạn nhân, nhưng lại tìm mọi cách để né tránh việc phải đối diện với vấn đề mà mình gặp. Càng làm tôi lại càng thấy thời lượng phim ngắn quá, không đủ để chuyển tải hết những gì muốn nói, bao gồm cả các định kiến, rào cản khuôn mẫu giữa các thế hệ tạo ra áp lực gánh nặng vô hình cho cả hai giới, không chỉ riêng phụ nữ. Năm 2019, khi đem phim ngắn “Mẹ, con gái và những giấc mơ” tham gia trình chiếu trong khuôn khổ một Liên hoan phim quốc tế, đúng lúc sân chơi này có một cuộc thi dành cho các dự án phim dài đang trong giai đoạn xây dựng phát triển, tôi cũng thử viết và giành giải. Đó là động lực để “Mưa trên cánh bướm” ra đời.

- Những bộ phim mà chị từng làm đều xoay quanh phụ nữ tuổi trung niên. Lý do gì một người thế hệ 9X lại dành sự quan tâm có phần “quá tuổi” này thế?

- Những bộ phim mà chị từng làm đều xoay quanh phụ nữ tuổi trung niên. Lý do gì một người thế hệ 9X lại dành sự quan tâm có phần “quá tuổi” này thế?

- Thật ra, đề tài về người phụ nữ phải trải qua những bi kịch trong cuộc sống, gia đình, không phải mới. Trong các phim mà tôi từng làm, mọi người có thể thấy họ được nhìn nhận và xây dựng giống như nạn nhân của bi kịch. Tôi bắt đầu quan tâm đến đề tài này dựa trên những quan sát của một cô gái ở tuổi vị thành niên, sống trong sự bao bọc của gia đình, cho tới khi bước vào tuổi trưởng thành và trở thành người phụ nữ độc lập. Vì thế, tôi phần nào hiểu được ở những lứa tuổi, giai đoạn khác nhau, phụ nữ sẽ phải đương đầu với những áp lực, trăn trở và cả các vấn đề khác trong cuộc sống. Dần dần tôi muốn tìm hiểu tâm lý của phụ nữ ở các lứa tuổi và nhận thấy những gì mọi người nhìn chỉ là biểu hiện ở bên ngoài, còn đằng sau là những cảm xúc, tâm lý diễn biến phức tạp. Các phim ngắn mà tôi làm và cả phim điện ảnh “Mưa trên cánh bướm” cũng muốn hiểu hơn đằng sau những bất hạnh của phụ nữ trong xã hội hiện đại.

Phá vỡ những khuôn mẫu buồn bã và bất lực

- Khai thác đề tài như chị nói là không mới, vậy những bộ phim chị làm có gì khác?

- Trong hành trình khám phá những người phụ nữ ở lứa tuổi trung niên, tôi rất muốn mang đến góc nhìn khác về họ. Tôi quan sát và cố gắng đưa vào phim cách trả lời cho câu hỏi, tại sao những người phụ nữ đó lại phải chịu đựng nhiều đến vậy. Thực tế những người phụ nữ mà tôi gặp đa phần đều có suy nghĩ, tính cách rất chủ động. Họ luôn nỗ lực tìm cách thoát khỏi các vấn đề, các bi kịch. Tôi làm phim cũng với mong muốn trả lời cho việc liệu có phải những thứ làm họ khổ xuất phát từ chính bên trong họ, những suy nghĩ khiến họ tự giam cầm trong nỗi khổ của chính mình. Trong quá trình làm phim, tôi được tiếp thêm niềm cảm hứng từ chính những phụ nữ là người thân của mình.

- Trở lại với “Mưa trên cánh bướm”, khó khăn lớn nhất khi thực hiện bộ phim này với chị là gì?

- Đây là bộ phim hợp tác sản xuất giữa nhiều quốc gia như Việt Nam, Philippines, Singapore và một số nước khác trong khu vực Đông Nam Á. Vì vậy khi làm phim có rất nhiều vấn đề cần được các tổ chức, cá nhân, đơn vị giám sát chặt chẽ mới có thể cho ra sản phẩm hoàn chỉnh được. Bù lại phim khai thác đề tài tôi cho là rất gần gũi, khán giả dù ở bất cứ đâu cũng có thể cảm nhận nhận được.

Có lẽ nhờ thế nên khi chiếu ở các quốc gia khác nhau thì ê-kíp làm phim đều được cổ vũ, thậm chí mọi người còn muốn tìm hiểu thêm về các tư tưởng truyền thống trong đời sống tinh thần của người Việt Nam. Tôi mong thông qua bộ phim, khán giả và bạn bè quốc tế phần nào biết đến đất nước chúng ta như một quốc gia với bề dày lịch sử, văn hóa, một xã hội đang trên đà phát triển mà ở đó vấn đề về sự kết nối giữa các thành viên trong gia đình, các thế hệ cũng rất được quan tâm. Phim bắt đầu cuộc hành trình khám phá kẻ thực sự gây ra nỗi đau cho phụ nữ, qua thế giới đan xen của mẹ và con gái, dẫn đến một phát hiện bất ngờ. Đây là nỗ lực của tôi để phá vỡ hình ảnh khuôn mẫu về những người phụ nữ buồn bã và bất lực. Thay vào đó thể hiện họ đầy sức sống và hài hước, với một chút chủ nghĩa hiện thực huyền ảo và những giấc mơ. Tôi hy vọng tác phẩm của chúng tôi sẽ quyến rũ thế giới như cách bộ phim đã làm với chúng tôi.

- Phim cũng ghi nhận diễn xuất xuất thần của NSƯT Tú Oanh. Tại sao chị lại mời nữ nghệ sĩ này mà không phải gương mặt đang ăn khách nào khác trên màn ảnh rộng?

- Tôi thật sự bị thu hút bởi diễn xuất, phong thái và cả nguồn năng lượng tích cực của chị Tú Oanh. Vì vậy khi tìm kiếm gương mặt đảm nhận vai diễn quan trọng cho “Mưa trên cánh bướm”, tôi đã nghĩ đến nữ nghệ sĩ này. Trước đó, tôi và chị Tú Oanh cũng từng có dịp hợp tác trong một bộ phim ngắn khác và chị ấy thật sự chinh phục tôi bởi lối diễn xuất tự nhiên, tác phong làm việc vô cùng chuyên nghiệp. Vì cùng là phụ nữ nên chúng tôi có thể trò chuyện thoải mái dù có sự khác biệt về thế hệ. Tôi nghĩ, ít nhất thì sự đồng cảm về vai trò của người phụ nữ trong gia đình đã tạo nên nhiều điểm chung và kết nối cả hai.

“Mưa trên cánh bướm” là câu chuyện của bà Tâm (do nghệ sĩ Tú Oanh đóng) - một phụ nữ trung niên làm nghề tổ chức đám cưới ở Hà Nội. Cuộc sống của bà yên bình cho đến khi phát hiện ra chồng mình là Thành (Lê Vũ Long đóng) ngoại tình. Bỗng chốc, cuộc sống của mẹ con bà Tâm thay đổi. Hà (con gái bà Tâm, do Nguyễn Nam Linh đóng) thất vọng về bố nên quyết tâm bỏ xứ đi du học. Còn bà Tâm có thái độ trái ngược với con gái khi tìm mọi cách để khiến chồng quay trở lại như xưa. Bà tìm đến một thầy đồng để xin giúp đỡ, nhưng lại không may đánh thức một thế lực siêu nhiên bí ẩn. Đáng nói, thực thể này chỉ có những người phụ nữ trong nhà là bà Tâm và Hà thấy được.

Khi chuyện ngoại tình của chồng “vỡ lẽ”, bà Tâm không nhận được sự ủng hộ từ những người xung quanh. Thậm chí, họ còn ngầm trách bà không biết giữ chồng. Chính vì những lời buộc tội này, bà Tâm phải tìm cách “chữa cháy” cho cuộc hôn nhân vốn đã nguội lạnh từ lâu. Đạo diễn Dương Diệu Linh có cách kể chuyện thú vị khi kết nối hai chủ đề bi kịch gia đình và ám ảnh về thế lực bóng tối. Các yếu tố siêu nhiên, tâm linh hay kinh dị trong phim giúp bộ phim có hướng đi mới lạ hơn và khác biệt với nhiều tác phẩm cùng chủ đề.

Mộc Mộc (Thực hiện)

Nguồn ANTĐ: https://anninhthudo.vn/dao-dien-duong-dieu-linh-hy-vong-mua-tren-canh-buom-se-quyen-ru-the-gioi-post600953.antd
Zalo