Dành ưu tiên cao nhất hoàn thiện thể chế, chính sách về khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo
Chiều 30/12, tại Hà Nội, Bộ Khoa học và Công nghệ tổ chức Hội nghị tổng kết công tác năm 2024, triển khai nhiệm vụ công tác năm 2025. Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn dự, phát biểu chỉ đạo.
Phát biểu tại Hội nghị, Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Huỳnh Thành Đạt nhấn mạnh, năm 2024, khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo đã có nhiều đóng góp thiết thực vào sự phát triển kinh tế-xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh, cải thiện an sinh xã hội và chất lượng cuộc sống người dân.
Công tác xây dựng, hoàn thiện cơ chế, chính sách được quan tâm, chỉ đạo thường xuyên, góp phần tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc để khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo thực sự là quốc sách hàng đầu, là động lực chính để phát triển lực lượng sản xuất hiện đại, thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội nhanh và bền vững. Bộ Khoa học và Công nghệ đã phối hợp với Ban Tuyên giáo Trung ương, Văn phòng Trung ương Đảng trình Bộ Chính trị 4 văn bản; xây dựng, hoàn thiện 4 dự thảo Luật chuyên ngành gồm: Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tiêu chuẩn và Quy chuẩn kỹ thuật; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa; Luật Khoa học, Công nghệ và Đổi mới sáng tạo; Luật Năng lượng nguyên tử (sửa đổi).
Bộ cũng trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ban hành 9 đề án/văn bản về khoa học và công nghệ; phối hợp với các bộ, ngành, địa phương liên quan xây dựng chính sách đặc thù, vượt trội với hoạt động khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo, được ban hành trong Luật Thủ đô sửa đổi; Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp; Luật Đầu tư...; Nghị quyết 136 về tổ chức chính quyền đô thị và thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Đà Nẵng.
Bộ trưởng các bộ đã ban hành theo thẩm quyền 29 Thông tư liên quan đến lĩnh vực khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo.
Cùng với đó, nhiều thành tựu khoa học và công nghệ được ứng dụng nhanh chóng và rộng rãi trong các lĩnh vực như y tế, nông nghiệp, công nghiệp, công nghệ thông tin, quốc phòng, an ninh...; hoạt động xúc tiến hỗ trợ tìm kiếm, trao đổi, chuyển giao công nghệ được đẩy mạnh. Tiềm lực khoa học công nghệ quốc gia được tăng cường, có nhiều chuyển biến trong công tác xã hội hóa đầu tư cho khoa học và công nghệ. Chất lượng nguồn nhân lực khoa học và công nghệ không ngừng được nâng cao, trong đó nhiều nhà khoa học có uy tín, được thế giới công nhận, dần hình thành một số tổ chức khoa học và công nghệ tiên tiến tầm cỡ quốc tế ở cả khu vực công và tư. Hoạt động hợp tác quốc tế về khoa học và công nghệ ngày càng được mở rộng, đi vào chiều sâu để giải quyết các nhiệm vụ trọng tâm, trọng điểm của quốc gia trong giai đoạn hiện nay.
Bên cạnh đó, hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo của Việt Nam đã phát triển mạnh mẽ, tạo ra một thế hệ doanh nghiệp mới kinh doanh dựa trên tài sản trí tuệ và đủ năng lực tiếp cận thị trường toàn cầu. Năm 2024, hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo của Việt Nam xếp hạng thứ 56 trong bảng xếp hạng Chỉ số hệ sinh thái khởi nghiệp toàn cầu. Chỉ số Đổi mới sáng tạo toàn cầu (GII) của Việt Nam liên tục được cải thiện, tăng từ vị trí 59 (năm 2016) lên vị trí 44 năm 2024. Kết quả GII 2024 của Việt Nam có ba chỉ số đứng đầu thế giới, trong đó lần đầu tiên có chỉ số Xuất khẩu hàng hóa sáng tạo.
Sắp tới Bộ Khoa học và Công nghệ cùng Bộ Thông tin và Truyền thông sẽ hợp nhất thành Bộ Khoa học, Công nghệ và Truyền thông để cùng nhau đạt được những mục tiêu đề ra trong kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.
Với quyết tâm cao nhất, hai Bộ đã tiến hành tổng kết việc thực hiện Nghị quyết số 18; thành lập Ban Chỉ đạo xây dựng Đề án hợp nhất; xây dựng dự thảo Nghị định quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của cơ quan mới sau hợp nhất với bộ máy tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, gửi Bộ Nội vụ và Bộ Tư pháp cho ý kiến thẩm định trước khi trình Chính phủ xem xét, ban hành.
Đồng thời, hai Bộ đã phối hợp chặt chẽ với Ban Kinh tế Trung ương, Văn phòng Trung ương Đảng tham mưu, trình Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết số 57-NQ/TW về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia, trong đó nêu rõ: “Phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số là yếu tố quyết định phát triển của các quốc gia; là điều kiện tiên quyết, thời cơ tốt nhất để nước ta phát triển giàu mạnh, hùng cường trong kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc”. Thời gian tới, hai Bộ với quyết tâm, nỗ lực cao nhất sẽ nỗ lực hoàn thành được các nhiệm vụ, mục tiêu Nghị quyết đã đề ra.
Phát biểu chỉ đạo, Phó Thủ tướng Chính phủ Bùi Thanh Sơn ghi nhận, biểu dương, đánh giá cao báo cáo của Bộ Khoa học và Công nghệ cùng những ý kiến đóng góp tại Hội nghị.
Phó Thủ tướng nhấn mạnh, kết quả công tác của ngành Khoa học và Công nghệ đạt được trong bối cảnh quốc tế diễn biến phức tạp, thế giới tiếp tục phát triển trong thời kỳ cách mạng công nghiệp lần thứ 4 với nhiều yếu tố tác động bước ngoặt như: Trí tuệ nhân tạo, dữ liệu lớn, internet di động…, ảnh hưởng sâu sắc đến việc khai thác tiềm năng và thế mạnh của ngành Khoa học và Công nghệ nước nhà. Bên cạnh đó là sự cạnh tranh gay gắt về chính trị, kinh tế, khoa học và công nghệ trên phạm vi thế giới giữa các cường quốc gây sự phân mảnh, phân tuyến rõ rệt trong phát triển, tăng trưởng. Với quyết tâm rất lớn của cả hệ thống chính trị, sự chỉ đạo đúng đắn của Bộ Chính trị, Ban Bí thư, đứng đầu là Tổng Bí thư Tô Lâm cùng vai trò của Chính phủ, dự kiến 15/15 chỉ tiêu phát triển năm 2024 sẽ đạt và vượt; tăng trưởng GDP kỳ vọng vượt mức 7%. Trong thành tựu chung đó, Phó Thủ tướng nhận định, có sự đóng góp của ngành Khoa học và Công nghệ.
Bày tỏ tâm đắc và ấn tượng với 2 trong nhiều kết quả ngành Khoa học và Công nghệ đạt được năm 2024, Phó Thủ tướng cho biết, đó là việc Bộ Khoa học và Công nghệ đã tham mưu Chính phủ trình Bộ Chính trị Nghị quyết 57 - Nghị quyết đột phá, xoay chuyển tình thế cho phát triển đất nước. Cùng với đó, là công tác hoàn thiện thể chế, chính sách, các cơ chế liên quan đến khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo.
Nêu rõ những hạn chế cần tìm giải pháp vượt qua, Phó Thủ tướng nhấn mạnh, đó là cơ chế tài chính, đầu tư cho khoa học công nghệ đang tụt hậu, lỗi thời, chưa huy động được nguồn lực của các thành phần kinh tế, các tổ chức, cá nhân trong nước và nguồn lực từ hợp tác quốc tế. Thị trường khoa học công nghệ đã bắt đầu hình thành nhưng chưa đạt tầm vóc thực sự. Khoa học và Công nghệ chưa thực sự đóng vai trò tiên phong trong chuyển đổi số, chuyển đổi xanh…
Nhấn mạnh năm 2025 là năm quyết định cho việc hoàn thành mục tiêu Đại hội XIII của Đảng đề ra, tạo tiền đề cho nước ta bước vào kỷ nguyên vươn mình của dân tộc, Phó Thủ tướng đề nghị Bộ Khoa học và Công nghệ cần chủ động xây dựng Chương trình hành động triển khai Nghị quyết 57 tới các Bộ, ngành, trình Chính phủ trước ngày 2/1/2025 để tiến tới hội nghị toàn quốc triển khai Nghị quyết 57 dự kiến diễn ra ngày 13/1/2025.
Cùng với đó, ngành Khoa học và Công nghệ cần dành ưu tiên cao nhất cho công tác hoàn thiện thể chế chính sách về khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo. Đồng thời, có giải pháp huy động sự tham gia của các nguồn lực trong và ngoài nước; coi trọng phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao; tập trung cho công tác kiện toàn sắp xếp, tinh gọn bộ máy theo Nghị quyết 18. Phó Thủ tướng tin tưởng, phát huy thành tựu đạt được trong năm 2024, ngành Khoa học và Công nghệ sẽ tiếp tục có một năm phát triển, vươn mình trong kỷ nguyên mới.