Chuyển biến ý thức tham gia giao thông ngay những ngày đầu năm mới 2025
Người ta thường nói 'vật chất quyết định ý thức', câu này có lẽ không sai để nói về tình hình giao thông những ngày đầu năm 2025 tại Thủ đô Hà Nội, khi mà Nghị định 168/2024/NĐ-CP chính thức có hiệu lực với mức phạt 'tăng nặng' cho các hành vi vi phạm giao thông cơ bản.
Những đổi thay trên đường phố
Còn nhớ, chỉ cách đây không lâu, một clip trên mạng xã hội ghi lại tại ngã tư Nguyễn Trãi - Khuất Duy Tiến (quận Thanh Xuân, Hà Nội), trong một nhịp đèn đỏ dài 2 phút đã ghi nhận tới 164 phương tiện vượt đèn đỏ. Thế nhưng, kể từ ngày 1-1-2025, người ta lại thấy ý thức tham gia giao thông ở ngã tư này đã thay đổi. Và không chỉ có nút giao trên mà tại các cung đường, tuyến phố của Thủ đô Hà Nội, tình hình giao thông có sự chuyển biến đáng kể. Người dân đã chấp hành tín hiệu của đèn giao thông dù có Cảnh sát giao thông hay không.
“Tôi cho đây là một chủ trương đúng. Bình thường lái xe ra đường, tôi cảm thấy rất khó chịu với những người cố tình vượt đèn đỏ, lấn làn, đi sai làn, thậm chí không xi-nhan mà rẽ tạt đầu các phương tiện. Nhìn cách thức tham gia giao thông như vậy thì tai nạn xảy ra là khó tránh khỏi. Hay như mấy anh “shipper”, mắt thì nhìn điện thoại, tay thì vít ga phóng thật nhanh không cần biết xung quanh như thế nào. Đối với tôi, tham gia giao thông như vậy là vô trách nhiệm…” - anh Nguyễn Quang Thắng (37 tuổi, ở quận Cầu Giấy, Hà Nội) cho biết. Cùng quan điểm, chị Hoàng Phương (42 tuổi, ở quận Ba Đình, Hà Nội) bức xúc: “Mình chấp hành, nhưng khi dừng đèn đỏ thì vài phương tiện phía sau cứ bấm còi inh ỏi để đòi vượt lên. Nếu không nhường thì nghe chửi, mà nhường thì thấy mình thiếu trách nhiệm đối với cộng đồng. Không may người ta cố tình vượt lên rồi gây tai nạn hoặc bị đâm thì sao?”.
Thực tế thấy rõ, ngay trong ngày đầu tiên áp dụng Nghị định 168/NĐ-CP, giao thông Hà Nội đã khác hẳn. Khi được hỏi, rất nhiều người đánh giá đây là “bước ngoặt”, bởi lẽ ai cũng sợ bị phạt với mức cao gấp nhiều lần trước đó nên “thà chậm vài giây còn hơn bị phạt 5 triệu”. Cháu B.C.A.H (học sinh lớp 4, trường Tiểu học Quan Hoa, quận Cầu Giấy) hào hứng chia sẻ: “Bố cháu chở cháu đến trường, đôi khi sợ muộn học nên phóng cả xe lên vỉa hè. Nhưng từ hôm được mẹ cháu nhắc nhở thì buổi sáng cả nhà cháu dậy sớm hơn. Cháu cũng chuẩn bị đồ trước và đi sớm cùng bố để tránh tắc đường và để bố không phải vi phạm giao thông nữa. Cháu rất mong mọi người cùng chấp hành để không xảy ra tai nạn giao thông…”.
Ghi nhận của phóng viên An ninh Thủ đô tại ngã tư Lê Duẩn - Cửa Nam (quận Hoàn Kiếm) trong ngày 1-1-2025, ngay từ đầu giờ sáng, Đội CSGT số 1, Phòng CSGT đã bố trí lực lượng làm nhiệm vụ phân luồng, tuyên truyền, nhắc nhở người tham gia giao thông. Đa số người dân chấp hành, không phát hiện các hành vi vượt đèn đỏ, đi ngược chiều, dù trước đó, nút giao này thường xuyên xảy ra tình trạng người dân “mạnh ai nấy đi” không cần nhìn đèn tín hiệu. Hay tại nút giao Giải Phóng - Đại Cồ Việt (quận Hai Bà Trưng) là khu vực lưu lượng phương tiện đông, thường xuyên có tình trạng vượt đèn đỏ, lấn vạch, đi sai làn... Nhưng trong sáng 1-1-2025, người tham gia giao thông đã chấp hành đúng quy định. Những hình ảnh này thật sự tạo ra một bước “chuyển mình” trong sự phát triển của Thủ đô, khi các phương tiện tham gia giao thông ngày một đông nhưng kết cấu hạ tầng đô thị còn yếu và thiếu.
Theo thống kê của Phòng CSGT CATP Hà Nội, sau 24h kể từ khi CSGT toàn thành phố ra quân xử lý vi phạm theo Nghị định 168/CP, đã có 594 trường hợp vi phạm bị lập biên bản, phạt thành tiền hơn 1,671 tỷ đồng, tạm giữ 189 phương tiện, 385 bộ giấy tờ, tước 19 Giấy phép lái xe. Các lỗi vi phạm chủ yếu là: Vượt đèn đỏ là 62 trường hợp; đi vào đường cấm, đường ngược chiều là 20 trường hợp; vi phạm tốc độ là 18 trường hợp; dừng đỗ sai quy định là 72 trường hợp, vi phạm về nồng độ cồn là 138 trường hợp; không đội mũ bảo hiểm là 237 trường hợp…
Ngày 2-1-2025, toàn thành phố Hà Nội xử lý 997 trường hợp vi phạm giao thông đường bộ, 8 trường hợp vi phạm giao thông đường thủy, phạt tổng số tiền gần 2,3 tỷ đồng, tạm giữ 254 phương tiện, tước Giấy phép lái xe đối với 32 trường hợp, trừ điểm Giấy phép lái xe với 10 ô tô và 142 mô tô. Trong đó, vượt đèn đỏ là 51 trường hợp; đi vào đường cấm, đường ngược chiều là 45 trường hợp; chạy quá tốc độ là 59 trường hợp; không đội mũ bảo hiểm là 270 trường hợp...
“Ra đường hôm nay thấy lạ lắm. Bình thường mọi người cứ đường vắng là vượt đèn đỏ, đi ngược chiều. Hôm nay tôi đi qua nhiều nút giao thấy chấp hành rất tốt. Nếu vì sợ phạt tiền cao mà người dân chấp hành như thế này thì tôi cũng ủng hộ. Không vi phạm thì lo gì bị phạt, mà như thế cũng đảm bảo an toàn, không xảy ra tai nạn” - chị Phạm Thanh Vân (ở quận Hoàn Kiếm, Hà Nội) chia sẻ.
Xử lý nghiêm vi phạm
Tuy nhiên, không phải ngay lập tức tất cả người dân đều chấp hành. Vẫn có những trường hợp cố tình vi phạm và đương nhiên tất cả đều bị xử lý nghiêm theo quy định. Anh L.T.L. (nhân viên giao hàng) không biết có phải thói quen hay do quá vội mà vượt đèn đỏ. Hành vi được camera ghi lại và anh L cũng không thể chối cãi. Sau khi được giải thích, anh L đã ký vào biên bản nộp phạt số tiền 5 triệu đồng. Người vi phạm cũng tỏ ra hối tiếc, vì số tiền phạt tương đương thu nhập cả tháng nên chắc chắn đây sẽ là bài học lớn đối với anh L. Trường hợp tương tự là anh “xe ôm công nghệ” N.T.T (SN 1987, trú tại Thường Tín, Hà Nội). Anh T cố phân trần với CSGT là do vội giao hàng nên cố phóng vào đường ngược chiều cho… tiện. Anh cũng cho biết, do không nắm được quy định về mức phạt mới nên chủ quan. “Nếu biết bị phạt đến 5 triệu đồng thì chắc chắn tôi không dám mắc lỗi” - anh T nói.
Đã có bao nhiêu vụ tai nạn giao thông do chủ quan? Đã có bao nhiêu người tử vong vì sự vô trách nhiệm của người cầm lái? Ấy vậy nhưng, người ta vẫn thản nhiên vi phạm để rồi khi bị phạt thì mới hối hận. Đại tá Phạm Quang Huy - Phó Cục trưởng Cục CSGT (Bộ Công an) khẳng định: “Quan điểm của Bộ Công an là xử lý nghiêm người vi phạm với phương châm “không vùng cấm, không ngoại lệ”. Kể cả cán bộ, chiến sĩ trong quá trình thực thi nhiệm vụ cũng phải chấp hành nghiêm quy định”. Còn theo Đại tá Trần Đình Nghĩa - Trưởng phòng Cảnh sát giao thông, CATP Hà Nội: “Việc tăng mức xử phạt không chỉ nhằm tăng tính răn đe mà còn để xử lý nghiêm các hành vi cố ý vi phạm, góp phần lập lại trật tự giao thông. Cùng với việc tăng cường xử lý vi phạm, lực lượng CSGT Hà Nội sẽ đẩy mạnh công tác tuần tra, kiểm soát và triển khai nhiều hoạt động tuyên truyền để nâng cao ý thức chấp hành luật giao thông của người dân. Những biện pháp đồng bộ này không chỉ nhằm giảm thiểu các vụ tai nạn giao thông mà còn hướng tới xây dựng một môi trường giao thông an toàn, văn minh”.
Cũng theo Trưởng phòng CSGT CATP Hà Nội, cán bộ, chiến sỹ làm nhiệm vụ tùy theo mức độ, hành vi và tình huống vi phạm, sẽ nhắc nhở những trường hợp vi phạm tập trung vào học sinh, sinh viên… do sơ ý, hay chưa hiểu rõ về Luật Giao thông để họ rút kinh nghiệm, không tái vi phạm.
Minh bạch trong xử lý
Trao đổi với phóng viên An ninh Thủ đô, Trung tá Phạm Văn Chiến - Đội trưởng Đội CSGT số 6, Phòng CSGT cho biết, từ ngày 1-1-2025, khi Nghị định 168/2024/NĐ-CP chính thức có hiệu lực, lực lượng CSGT đã và đang đóng vai trò trung tâm trong việc nâng cao hiệu quả xử lý vi phạm trật tự an toàn giao thông. Những thay đổi mang tính hệ thống trong công tác thực thi pháp luật giao thông kết hợp với các công cụ pháp lý mạnh mẽ từ Nghị định, đã giúp lực lượng CSGT đạt được những kết quả vượt trội, góp phần xây dựng môi trường giao thông an toàn, văn minh. “Một trong những yếu tố nổi bật là việc tăng cường ứng dụng các công nghệ tiên tiến nhằm hỗ trợ công tác xử lý vi phạm. Hệ thống camera giám sát giao thông sẽ được triển khai đồng bộ trên các tuyến đường trọng điểm giúp phát hiện nhanh chóng các hành vi vi phạm như vượt đèn đỏ, chạy quá tốc độ, dừng đỗ sai quy định. Nhờ dữ liệu minh bạch, lực lượng CSGT có thể ra quyết định xử phạt một cách chính xác, giảm thiểu tình trạng tranh cãi và tạo sự đồng thuận trong dư luận” - Trung tá Phạm Văn Chiến thông tin.
Có thể thấy rõ Nghị định 168/CP quy định rất cụ thể các hành vi vi phạm và mức xử phạt tương ứng, đồng thời đơn giản hóa thủ tục xử lý vi phạm. Lực lượng CSGT cũng đã được tập huấn để thực hiện quy trình xử phạt nhanh chóng, gọn nhẹ, từ việc lập biên bản đến thông báo quyết định xử phạt qua hệ thống trực tuyến, tránh phiền hà cho người dân. Đáng chú ý, CSGT đã ứng dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin vào việc lưu trữ và quản lý dữ liệu vi phạm. Thông qua Hệ thống Cơ sở dữ liệu quốc gia, các vi phạm giao thông được cập nhật và đồng bộ hóa, giúp lực lượng chức năng có thể tra cứu thông tin nhanh chóng và chính xác. Điều này không chỉ nâng cao hiệu quả xử lý mà còn hạn chế tình trạng tái phạm của người vi phạm. Đặc biệt, Nghị định mới cho phép CSGT áp dụng các hình thức xử phạt bổ sung, đặc biệt có nội dung trừ điểm Giấy phép lái xe, yêu cầu người vi phạm tham gia khóa học về an toàn giao thông. Những biện pháp này đã tăng cường tính răn đe và góp phần thay đổi hành vi của người tham gia giao thông.
Luật sư Mai Tiến Dũng - Đoàn Luật sư TP Hà Nội: Cần đảm bảo lực lượng thực thi pháp luật đủ mạnh và liêm chính
Từ ngày 1-1-2025, Nghị định 168/2024/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ có hiệu lực. Theo đó, nhiều hành vi vi phạm về trật tự an toàn giao thông (TTATGT) được áp dụng tăng mạnh mức xử phạt từ vài lần cho đến vài chục lần so với quy định trước đây. Điều này cho thấy, quyết tâm của Chính phủ trong việc nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của người và phương tiện tham gia giao thông đường bộ nhằm bảo đảm sự an toàn về sức khỏe, tính mạng cũng như tài sản của người dân trên phạm vi toàn quốc.
Cụ thể, phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng của Nghị định 168/2024/NĐ-CP là mọi cá nhân, tổ chức Việt Nam, nước ngoài sinh sống, làm việc trên lãnh thổ Việt Nam. Nếu có hành vi vi phạm về TTATGT khi tham gia giao thông đường bộ thì sẽ bị xử phạt theo các quy định tại nghị định này. Nghị định 168/2024/NĐ-CP cũng quy định rõ thời hiệu xử lý vi phạm hành chính là 1 năm. Theo đó, thời hạn sử dụng kết quả thu thập được bằng phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ, phương tiện, thiết bị kỹ thuật do cá nhân, tổ chức cung cấp để xác định cá nhân, tổ chức vi phạm được tính từ thời điểm phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ, phương tiện, thiết bị kỹ thuật của cá nhân, tổ chức ghi nhận được kết quả cho đến hết ngày cuối cùng của thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính đối với hành vi vi phạm theo quy định của Luật Xử lý vi phạm hành chính. Trường hợp cá nhân, tổ chức cố tình trốn tránh, cản trở việc xử phạt thì thời hạn sử dụng kết quả thu thập được bằng phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ, phương tiện, thiết bị kỹ thuật được tính lại kể từ thời điểm chấm dứt hành vi trốn tránh, cản trở việc xử phạt.
Đáng chú ý là hàng loạt hành vi vi phạm về TTATGT đường bộ theo nghị định này được áp dụng hình thức xử phạt bằng tiền với mức phạt rất cao và với những thay đổi theo hướng nâng mức xử phạt vi phạm giao thông mới này đã, đang và chắc chắn sẽ tác động mạnh mẽ tới nhận thức, ý thức trách nhiệm của người tham gia giao thông. Từ đó góp phần giảm thiểu tai nạn giao thông và đảm bảo TTATGT hơn.
Thực tế giao thông tại Hà Nội trong những ngày gần đây cho thấy đã có sự chuyển biến rất tích cực, khi hầu hết người và phương tiện tham gia giao thông đều chấp hành nghiêm quy định tại các nút giao thông có đèn tín hiệu. Ở đó, chúng ta dễ dàng nhận ra người và phương tiện đã dừng đỗ ngay ngắn trước vạch kẻ đường khi chờ tín hiệu đèn và ít thấy cảnh phương tiện dừng đỗ lộn xộn, thò ra, thụt vào như trước đây. Số lượng người và phương tiện vi phạm TTATGT trong những ngày qua theo thống kê cũng giảm đáng kể, nhất là đối với những hành vi vi phạm được áp dụng chế tài xử phạt ở mức rất cao… Tuy nhiên, đây mới là những ngày đầu áp dụng mức xử phạt mới theo Nghị định 168/2024/NĐ-CP. Do vậy, chúng ta cần tiếp tục theo dõi và có những đánh giá tác động lâu dài của quy định mới này nhằm đảm bảo tính hiệu quả, hiệu lực và sự công bằng trong việc thực thi pháp luật về giao thông đường bộ.
Cùng với việc áp dụng chế tài nhằm thay đổi nhận thức, ý thức và thay đổi hành vi của người tham gia giao thông, chúng ta cũng cần không ngừng tuyên truyền, giáo dục pháp luật giao thông đường bộ trong trường học, cộng đồng… và đặc biệt là cần đảm bảo lực lượng thực thi pháp luật đủ mạnh, liêm chính. Trịnh Tuyến (Ghi)
Luật sư Mai Tiến Dũng
Luật sư Lê Hồng Vân - Đoàn Luật sư Hà Nội: Phạt nặng là cần thiết nhằm tạo sự răn đe
Từ đầu năm 2025, khi Nghị định 168/2024/NĐ-CP chính thức có hiệu lực, nhiều hành vi vi phạm giao thông đã tăng mạnh mức xử phạt từ vài lần cho đến hàng chục lần.
Đơn cử như với ô tô, hành vi không chấp hành hiệu lệnh của đèn tín hiệu giao thông sẽ bị phạt từ 18 - 20 triệu đồng (trước đây là từ 4 - 6 triệu đồng); cản trở, không chấp hành yêu cầu kiểm tra, kiểm soát của người thực thi công vụ bị phạt từ 35 - 37 triệu đồng (trước đây là từ 4 - 6 triệu đồng); quay đầu, lùi xe trên đường cao tốc bị phạt từ 30 - 40 triệu đồng… Hành vi mở cửa xe, để cửa xe mở không bảo đảm an toàn gây tai nạn cũng bị tăng mức phạt gấp 36 - 50 lần. Bên cạnh đó, mức phạt đối với xe máy cũng tăng mạnh, trong đó, hành vi vượt đèn đỏ hoặc đi ngược chiều bị phạt từ 4 - 6 triệu đồng. Thậm chí, người đi xe đạp vi phạm giao thông cũng bị phạt khá nặng…
Theo quy định tại Nghị định 168, vượt đèn đỏ sẽ bị phạt từ 18-20 triệu đồng đối với ô tô và 4-6 triệu đồng đối với xe mô tô, đồng thời bị trừ 4 điểm trên giấy phép lái xe
Được biết, không chỉ Việt Nam mà trên thế giới, tại nhiều nước đã áp dụng chế tài nghiêm khắc với cá nhân có hành vi vi phạm giao thông. Riêng với hành vi vượt đèn đỏ, tại tiểu bang Oregon (Mỹ) được xem là hành vi vi phạm giao thông cấp B. Người vi phạm sẽ bị phạt với số tiền tối đa 1.000 USD (hơn 25 triệu đồng) cho lỗi này. Tại Trung Quốc, với hành vi vượt đèn đỏ, cá nhân vi phạm sẽ đối diện mức phạt là 200 - 500 nhân dân tệ (27 - 69 USD) và trừ 3 điểm vào giấy phép lái xe. Còn tại Singapore, hành vi điều khiển phương tiện không tuân thủ tín hiệu đèn giao thông khiến người cầm lái ô tô bị trừ 12 điểm, bên cạnh khoản phạt 400 SGD (khoảng 7,5 triệu đồng) với xe cỡ nhỏ, tăng lên thành 500 SGD (khoảng 9,3 triệu đồng) cho phương tiện hạng nặng.
Ở nước ta, sau những ngày đầu áp dụng Nghị định 168/2024/NĐ-CP, tình hình trật tự an toàn giao thông trên nhiều tuyến đường đã có chuyển biến thực sự. Điều đó cho thấy, việc áp dụng hình phạt nghiêm khắc như phạt tiền nặng, trừ điểm, tước quyền sử dụng giấy phép lái xe đối với các cá nhân vi phạm giao thông là hoàn toàn cần thiết, góp phần xây dựng văn hóa giao thông. Bởi trên thực tế, ý thức một số người tham gia thông chưa cao, tình trạng vi phạm giao thông còn diễn ra phổ biến. Một bộ phận người dân thường xuyên có hành vi lệch chuẩn khi tham gia giao thông, cố tình vi phạm gây nguy hiểm không chỉ cho chính mình mà còn cả những người xung quanh như luôn vượt đèn đỏ, chạy quá tốc độ, quay đầu, lùi xe, đi ngược chiều, đi vào đường cấm, khu vực cấm, lùi xe, đi ngược chiều trên cao tốc; chạy lạng lách, đánh võng... Việc nâng cao mức xử phạt đối với các hành vi vi phạm này nhằm tạo ra sự răn đe từ sớm đến những người có ý định vi phạm, giúp họ thay đổi suy nghĩ, có ý thức tuân thủ luật giao thông. Bên cạnh đó, việc phải đối mặt với hậu quả và gánh nặng tài chính liên quan đến các biện pháp xử phạt này sẽ khiến người tham gia giao thông thận trọng và có trách nhiệm hơn khi lái xe, góp phần giảm thiểu tai nạn.
Tuy vậy, để đạt hiệu như mong muốn là lập lại trật tự an toàn giao thông lâu dài trên mọi tuyến đường, ngoài việc phạt nặng, cơ quan chức năng cần có thêm các giải pháp để cải thiện tình trạng giao thông hiện nay như nâng cấp, sửa chữa cơ sở hạ tầng đường bộ và triển khai các công nghệ an toàn tiên tiến trên xe, đầu tư vào các chương trình giáo dục lái xe toàn diện… Ngoài ra, mỗi cán bộ, lực lượng chức năng trong quá trình thực thi nhiệm vụ trên các tuyến đường cần phải chấp hành nghiêm quy định, xử lý người vi phạm giao thông với phương châm đúng người, đúng tội, đúng pháp luật, không vùng cấm, không ngoại lệ.
Có thể nói, chỉ có thực thi pháp luật thông qua công nghệ giám sát, tuần tra, xử lý, răn đe, lâu dần trở thành thói quen, chuẩn mực của mỗi cá nhân, chuẩn mực xã hội mới xây dựng thành văn hóa giao thông. Và khi văn hóa giao thông, trật tự đô thị được nâng cao, ý thức của từng người dân được cải thiện sẽ mang lại tín hiệu tích cực trong thu hút khách quốc tế đến với Việt Nam để tham quan du lịch và xúc tiến các hoạt động đầu tư.
Huệ Linh (Ghi)