XÂY DỰNG TRUNG TÂM TÀI CHÍNH KHU VỰC VÀ QUỐC TẾ: Nền tảng đưa đất nước vào kỷ nguyên mới

Việc xây dựng Trung tâm Tài chính khu vực và quốc tế tại Việt Nam là yêu cầu tất yếu, khách quan trong giai đoạn đất nước bước vào kỷ nguyên mới

Ngày 4-1, tại TP HCM, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cùng UBND TP HCM, UBND TP Đà Nẵng tổ chức hội nghị công bố Nghị quyết của Chính phủ ban hành Kế hoạch hành động triển khai Kết luận của Bộ Chính trị về xây dựng Trung tâm Tài chính (TTTC) khu vực và quốc tế tại Việt Nam.

Động lực mới thúc đẩy phát triển

Tham dự hội nghị có Thủ tướng Phạm Minh Chính, Phó Thủ tướng Thường trực Nguyễn Hòa Bình, Bí thư Thành ủy TP HCM Nguyễn Văn Nên, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Phan Văn Giang, Bộ trưởng Bộ Công an Lương Tam Quang...

Tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng đã công bố Kế hoạch Hành động triển khai kết luận của Bộ Chính trị về xây dựng TTTC khu vực và quốc tế tại Việt Nam của Chính phủ. Theo đó, Chính phủ đã phân công 49 nhóm nhiệm vụ, giải pháp cụ thể cho 12 bộ, ngành và các địa phương chủ trì triển khai, gắn với các sản phẩm đầu ra để hình thành khung pháp lý và chuẩn bị các điều kiện nền tảng phát triển các TTTC.

Trước đó, ngày 15-11-2024, Bộ Chính trị đã ban hành Thông báo số 47-TB/TW "Về việc xây dựng TTTC khu vực và quốc tế tại Việt Nam". Trong đó, Bộ Chính trị đồng ý thành lập TTTC quốc tế toàn diện tại TP HCM và TTTC khu vực tại Đà Nẵng.

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết hội nghị đánh dấu một bước quan trọng trong việc thực hiện chiến lược phát triển đất nước; tạo "cú hích" và động lực mới thúc đẩy phát triển không chỉ đối với TP HCM và Đà Nẵng mà còn đối với cả nước, góp phần quan trọng nhằm thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, tạo nền tảng để đất nước tiến vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên giàu mạnh và thịnh vượng của dân tộc.

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng đề nghị các bộ, ngành, cơ quan trung ương chủ động phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư, TP HCM và Đà Nẵng để sớm hoàn thiện dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về phát triển TTTC khu vực và quốc tế tại Việt Nam. Đồng thời, đề xuất các chính sách cần thiết để bảo đảm sức cạnh tranh của các TTTC; đồng hành với các địa phương trong quá trình phát triển và vận hành TTTC. "Bộ Kế hoạch và Đầu tư cam kết sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành, địa phương và đối tác quốc tế, thực hiện tốt trách nhiệm điều phối để hoàn thiện Nghị quyết Quốc hội, thúc đẩy quá trình xây dựng, phát triển TTTC khu vực và quốc tế" - Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh.

Phát biểu tại hội nghị, lãnh đạo hai địa phương cũng nêu rõ quyết tâm xây dựng TTTC. Bí thư Thành ủy TP HCM Nguyễn Văn Nên khẳng định: "TP HCM cam kết không chỉ xây dựng một TTTC quốc tế mà còn xây dựng một niềm tin, tương lai và thịnh vượng".

Bí thư Thành ủy TP Đà Nẵng Nguyễn Văn Quảng cho biết thành phố đã rà soát và chuẩn bị các hạ tầng gồm hạ tầng cứng (sẵn sàng về quỹ đất và quy hoạch), hạ tầng số và hệ sinh thái cho TTTC khu vực trong tương lai. Trước mắt, Đà Nẵng đang kêu gọi nhà đầu tư chiến lược xây dựng kết cấu hạ tầng của TTTC trong không gian hơn 6 ha hướng ra biển; sắp tới sẽ có diện tích khoảng 50 ha hình thành phố tài chính…

Thủ tướng Phạm Minh Chính và các đại biểu dự Hội nghị công bố kế hoạch triển khai xây dựng Trung tâm Tài chính khu vực và quốc tế tại Việt Nam, ngày 4-1Ảnh: HOÀNG TRIỀU

Thủ tướng Phạm Minh Chính và các đại biểu dự Hội nghị công bố kế hoạch triển khai xây dựng Trung tâm Tài chính khu vực và quốc tế tại Việt Nam, ngày 4-1Ảnh: HOÀNG TRIỀU

Kết nối thị trường tài chính toàn cầu

Trong quá trình xây dựng, hình thành các TTTC khu vực và quốc tế ở Việt Nam, lĩnh vực tiền tệ và ngân hàng đóng vai trò quan trọng. Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Nguyễn Thị Hồng cho hay việc xây dựng, củng cố và phát huy các lợi thế cạnh tranh để hình thành TTTC khu vực, hướng đến TTTC quốc tế đặt ra nhiều thách thức nhưng nếu thành công, sẽ giúp Việt Nam kết nối với thị trường tài chính toàn cầu, thu hút các tổ chức tài chính nước ngoài, tạo ra nguồn lực đầu tư mới, thúc đẩy thị trường tài chính hiệu quả.

Theo Thống đốc Nguyễn Thị Hồng, cần nhận diện các thách thức như sự cạnh trạnh gay gắt của các TTTC đã thành lập lâu đời và khẳng định vị thế như Singapore, Hồng Kông, Thượng Hải - Trung Quốc; những khó khăn về nguồn nhân lực chất lượng cao, hiểu biết về lĩnh vực tài chính, tiền tệ để làm việc tại TTTC; hay việc phát triển cơ sở hạ tầng và công nghệ cao đủ khả năng đáp ứng yêu cầu hoạt động của TTTC... "Trong bất kỳ trường hợp nào, bảo đảm an ninh tài chính tiền tệ quốc gia luôn là ưu tiên hàng đầu" - Thống đốc Nguyễn Thị Hồng nói.

Bộ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Hải Ninh cho rằng một trong những nhiệm vụ quan trọng nhất là xây dựng Nghị quyết của Quốc hội về TTTC, phải làm nhanh để đưa ra những đề xuất chính sách tài chính hiệu quả, khả thi, kịp thời trình Quốc hội trong kỳ họp dự kiến vào tháng 5. Bộ Tư pháp sẽ đồng hành với Bộ Kế hoạch và Đầu tư, TP HCM và TP Đà Nẵng trong quá trình góp ý xây dựng dự thảo nghị quyết này. Đối với cơ chế giải quyết tranh chấp cho TTTC quốc tế tại Việt Nam, cần phát triển cơ chế giải quyết tranh chấp minh bạch, hiệu quả, phù hợp với thông lệ quốc tế. Theo Bộ trưởng Nguyễn Hải Ninh, công nghệ và hạ tầng công nghệ đóng vai trò quan trọng để triển khai thành công TTTC.

"Việt Nam hóa" tinh hoa của thế giới

Phát biểu tại hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính khẳng định việc xây dựng TTTC khu vực và quốc tế tại Việt Nam là yêu cầu tất yếu, khách quan trong giai đoạn phát triển mới - giai đoạn vươn mình phát triển giàu mạnh, văn minh, thịnh vượng; nhân dân có cuộc sống ngày càng ấm no, hạnh phúc.

Thủ tướng đánh giá việc sớm phát triển TTTC khu vực và quốc tế có 5 ý nghĩa, tác động tích cực. Đó là giúp Việt Nam kết nối thị trường tài chính toàn cầu; thu hút các tổ chức tài chính nước ngoài, tạo thêm nguồn lực mới, thúc đẩy nguồn lực hiện hữu; tận dụng cơ hội dịch chuyển dòng vốn đầu tư quốc tế để phát triển kinh tế - xã hội; thúc đẩy phát triển thị trường tài chính Việt Nam hiệu quả, theo chuẩn mực quốc tế; tạo ra động lực mới, tạo sự đột phá về phát triển.

Cho rằng xây dựng TTTC là việc khó, mới, phức tạp nhưng phải làm, khó mấy cũng phải làm, Thủ tướng Chính phủ đề nghị tất cả các chủ thể liên quan tư tưởng phải thông, quyết tâm phải cao hơn, nỗ lực phải lớn hơn, hành động phải quyết liệt hơn. "Đảng đã chỉ đạo, Quốc hội đồng tình, Chính phủ thống nhất, nhân dân ủng hộ, bạn bè quốc tế giúp đỡ, Tổ quốc mong đợi thì chỉ có bàn làm, không bàn lùi; không nói không, không nói khó, không nói có mà không làm; vừa làm vừa rút kinh nghiệm, mở rộng dần, không cầu toàn, không nóng vội, làm việc nào dứt việc đó, làm việc nào ra việc đó; phân công rõ người, rõ việc, rõ thời gian, rõ trách nhiệm, rõ sản phẩm" - Thủ tướng chỉ đạo.

Trên tinh thần quyết tâm đó, Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu Chính phủ phải nhanh chóng trình Quốc hội các cơ chế chính sách về TTTC tại kỳ họp tháng 5-2025. Song song đó, "Việt Nam hóa" những tinh hoa của thế giới trong lĩnh vực này, học tập các mô hình quốc tế nhưng phải phù hợp với điều kiện đất nước; chuẩn bị nguồn nhân lực, hạ tầng, quản lý công việc; đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ quản lý tiên tiến; sự thống nhất của hệ thống chính trị, người dân, doanh nghiệp.

Thủ tướng cho rằng đây không phải việc riêng của TP HCM và TP Đà Nẵng, mà là công việc của toàn Đảng, toàn quân, toàn dân, của cả hệ thống chính trị, của mỗi người trên cương vị của mình với tinh thần cùng làm, cùng hưởng, cùng chiến thắng và cùng phát triển.

Đối với TP HCM và Đà Nẵng, Thủ tướng đề nghị nhanh chóng xây dựng cơ chế, chính sách đặc thù, chú trọng phương thức huy động nguồn lực, đào tạo nguồn nhân lực; xây dựng, chuyển giao công nghệ, quản trị thông minh. Bên cạnh đó, các bộ, ngành cần tiếp tục đồng tình, ủng hộ, sát cánh cùng hai thành phố trong việc xây dựng văn bản, quy định, tạo hành lang pháp lý.

Thủ tướng cũng mong muốn các đối tác quốc tế tiếp tục đồng hành, trao đổi kinh nghiệm, đề xuất chính sách, hỗ trợ tìm nguồn lực tài chính và con người, góp phần đẩy nhanh việc hình thành TTTC.

Đầu tư hệ thống cáp quang quốc tế

Ông Nguyễn Mạnh Hùng, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông, cho biết đã chỉ đạo các doanh nghiệp viễn thông ngay trong năm 2025 phải phủ sóng 100% thành phố với tốc độ gấp 10 lần mạng 4G hiện tại - tức phải đầu tư tăng thêm khoảng 5 lần ngay trong năm nay. Khi đó, mạng 5G tại TP HCM và Đà Nẵng sẽ đạt mức của các nước phát triển. Hệ thống cáp quang quốc tế cũng cần được đầu tư để Việt Nam liên thông với các TTTC quốc tế ở Tokyo, London, New York..., cũng như bảo đảm an toàn về dữ liệu.

Theo ông Nguyễn Mạnh Hùng, các yếu tố khác như bảo đảm dữ liệu, điện toán đám mây, hỗ trợ đổi mới sáng tạo và thành lập các trung tâm fintech... bộ cũng đang triển khai các giải pháp, tiếp tục kêu gọi đầu tư vào những lĩnh vực này.

Bà Alexandra Smith

Bà Alexandra Smith, Tổng Lãnh sự Anh tại TP HHCM:

Anh sẽ tiếp tục hỗ trợ Việt Nam

Việt Nam là đối tác quan trọng của Anh và 2 nước đã hợp tác chặt chẽ về phát triển kinh tế, thương mại, đầu tư. Từ năm 2022 đến nay, Anh đã hỗ trợ Việt Nam trong quá trình nghiên cứu đề án xây dựng TTTC quốc tế như đưa các chuyên gia từ những tổ chức tài chính quốc tế đến tư vấn và chúng tôi sẽ tiếp tục quá trình này để TP HCM và Đà Nẵng triển khai thành công, vì sự phát triển của Việt Nam.

Việt Nam đang ở thời khắc quan trọng, bước vào kỷ nguyên vươn mình của dân tộc. Việc xây dựng TTTC khu vực và quốc tế tại Việt Nam là một trong những minh chứng bảo đảm cho mục tiêu này.

Ông Rich Mcclellan

Ông Rich Mcclellan, Giám đốc Quốc gia Việt Nam, Viện Tony Blair Vì sự phát triển toàn cầu:

Hỗ trợ đào tạo nguồn nhân lực

Cần áp dụng những thông lệ quốc tế, có thể học hỏi kinh nghiệm thực tiễn ở các khu vực, các TTTC quốc tế hiện hữu để áp dụng cho việc xây dựng các TTTC tại Việt Nam.

Việt Nam đang tăng tốc nhanh trên con đường xây dựng TTTC quốc tế với các kế hoạch triển khai ngay lập tức, sẽ góp phần thu hút dòng vốn trong nước và nước ngoài.

Chúng tôi cam kết sẽ hỗ trợ về đào tạo nguồn nhân lực; kết nối các cộng đồng quốc tế; hỗ trợ triển khai thành công TTTC quốc tế, hỗ trợ thu hút đầu tư nước ngoài...

Ông Lê Tấn Cận, Thứ trưởng Bộ Tài chính:

Chủ động, sáng tạo trong triển khai

TP HCM và Đà Nẵng cần chuẩn bị đầy đủ điều kiện cơ sở vật chất hạ tầng, hệ sinh thái như bất động sản, dịch vụ thương mại, hệ thống giao thông; đổi mới phương thức làm việc đơn giản, thủ tục hành chính thuận lợi cho nhà đầu tư… Đây là những điều kiện đi trước để khi các chính sách mới vượt trội trong TTTC được ban hành sẽ phát huy hiệu quả. Hai địa phương cần phát huy tính chủ động, sáng tạo trong triển khai thực hiện.

Bên cạnh đó, cần có giải pháp phát triển thị trường vốn tại TTTC gắn kết chặt chẽ với thị trường tiền tệ, ngân hàng… thông qua sự phối hợp, đồng thuận giữa Bộ Tài chính với các bộ, ban, ngành và địa phương. Những chính sách mới như chính sách về tài sản mã hóa hiện nay chưa có khung pháp lý để điều chỉnh, cần sự tham gia của các bộ, ngành trong xác định phát hành, sở hữu tài sản mã hóa, bảo mật thông tin phòng tránh rửa tiền và có giải pháp giám sát phù hợp.

T.Phương - P.Anh ghi

PHAN ANH - THÁI PHƯƠNG

Nguồn NLĐ: https://nld.com.vn/xay-dung-trung-tam-tai-chinh-khu-vuc-va-quoc-te-nen-tang-dua-dat-nuoc-vao-ky-nguyen-moi-196250104214511042.htm
Zalo