'Đánh thức' tranh dân gian Đông Hồ trên tượng 3D

Tranh dân gian Đông Hồ là 1 trong số 4 dòng tranh dân gian đặc sắc của Việt Nam, bên cạnh tranh Hàng Trống, tranh Kim Hoàng (Hoài Đức, Hà Nội), tranh làng Sình (Huế). Trước sự mai một của dòng tranh này, nhóm sinh viên Trường Đại học Kiến trúc Hà Nội đã có ý tưởng 'chuyển đổi' từ tranh vẽ sang tượng 3D dưới hình thức tô tượng.

 Sản phẩm “3D hóa” tranh Đông Hồ

Sản phẩm “3D hóa” tranh Đông Hồ

Làm "sống dậy" dòng tranh Đông Hồ

Theo các chuyên gia, có nhiều nguyên nhân khiến việc sản xuất của dòng tranh Đông Hồ ngày càng ít đi. Trong đó, nguyên nhân chính là thị trường tiêu thụ trong nước đã bão hòa, trong khi thị trường quốc tế chưa mở rộng.

Người làm tranh còn thiếu vốn để đầu tư cơ sở sản xuất, nhà trưng bày để quảng bá sản phẩm... Một nguyên nhân khác là nhiều thợ giỏi của Đông Hồ đã di dời đến nhiều nơi để kiếm sống hay chuyển sang làm nghề khác cho thu nhập cao hơn.

Thị trường tiêu thụ của tranh Đông Hồ hiện nay chủ yếu là khách du lịch, nhà sưu tập tư nhân hay viện nghiên cứu, trung tâm văn hóa, bảo tàng ở các nước… với số lượng không nhiều. Bởi vậy, nguy cơ thất truyền của làng nghề này là lớn.

Để làm "sống dậy" dòng tranh dân gian này, những năm gần đây, nhiều đơn vị, tổ chức đã góp sức quảng bá di sản tranh dân gian Đông Hồ ra thế giới thông qua các cơ chế ngoại giao, như dùng tranh dân gian Đông Hồ làm quà tặng.

Các nghệ nhân tại làng nghề cũng tích cực tham gia các hội chợ, triển lãm, hỗ trợ đào tạo nghề, tạo cơ hội cho học sinh đến trải nghiệm học làm tranh...

Đáng chú ý, thời gian gần đây, với sự quan tâm của giới trẻ, hình ảnh tranh Đông Hồ đã được sáng tạo cho phù hợp với đời sống hiện đại như vẽ lại tranh, thiết kế phù hợp, in trên những sản phẩm khác như quà lưu niệm, lịch để bàn, túi vải…

Các thành viên của nhóm sinh viên Trường Đại học Kiến trúc Hà Nội

Các thành viên của nhóm sinh viên Trường Đại học Kiến trúc Hà Nội

Tranh Đông Hồ còn được "hồi sinh" trong các thiết kế thời trang, thiết kế nội thất dưới bàn tay của các nghệ sĩ trẻ. Với những nỗ lực đó, tranh Đông Hồ đã dần thu hút sự quan tâm trở lại của nhiều người, đặc biệt là giới trẻ.

Khơi lại truyền thống chơi tranh

Để lưu giữ và lan tỏa dòng tranh Đông Hồ, gần đây, nhóm 4 bạn trẻ là sinh viên Trường Đại học Kiến trúc Hà Nội đã đưa ra một ý tưởng táo bạo, đó là chuyển từ tranh vẽ sang tượng 3D dưới hình thức tô tượng. Sự sáng tạo này đã khiến nhiều người trở nên yêu thích và tìm hiểu sâu hơn về nét đẹp văn hóa của tranh Đông Hồ.

Lưu Thủy Nguyên, Trưởng nhóm, cho biết, theo tìm hiểu của nhóm thì hiện nay số người sản xuất tranh Đông Hồ còn rất ít, tập trung ở vài ba gia đình nghệ nhân. Trong khi đó, nhu cầu quà tặng, đồ lưu niệm và trang trí nội thất vẫn cao.

Với sản phẩm quà lưu niệm, không chỉ là một món đồ mang tính chất trang trí không gian sống mà còn là vật lưu giữ kí ức của nơi mỗi người đi qua, sản phẩm lưu niệm chính là những tác phẩm nghệ thuật. Vì vậy, nhóm quyết định lấy ý tưởng "3D hóa" tranh Đông Hồ dưới hình thức vật phẩm trưng bày.

Sản phẩm “3D hóa” tranh Đông Hồ

Sản phẩm “3D hóa” tranh Đông Hồ

Tuy nhiên, nếu chỉ là vật phẩm trưng bày được làm sẵn, bán ra thì chưa thể làm nổi bật ý nghĩa của dòng tranh này. Vì thế, nhóm quyết định chế tác dưới hình thức tô tượng, người mua tô xong có thể trưng bày hoặc làm quà tặng.

"Tác phẩm mang tính sáng tạo, mỗi người có thể tô theo màu mình muốn. Những tác phẩm như "Đám cưới chuột", "Chăn trâu thổi sáo"… cùng kho tàng tranh dân gian phong phú hơn 200 mẫu sẽ mang lại niềm say mê cho cả người lớn và trẻ em.

Cũng qua việc tô tượng, nhiều người sẽ tìm hiểu thêm ý nghĩa của từng nhóm tượng và hiểu rõ hơn về tranh Đông Hồ", Lưu Thủy Nguyên cho biết.

Không như những tượng tô thông thường, nhóm thiết kế luôn cả hộp đựng. Theo đó, mỗi tác phẩm sẽ được đựng trong hộp có tấm mica trong suốt, kèm tấm thiệp mô tả ý nghĩa của tranh Đông Hồ.

Tác phẩm bên trong được làm bằng nhiều chất liệu như đồng, gỗ, gốm… để khách hàng lựa chọn. Theo Lưu Thủy Nguyên, trước những thách thức của nhịp sống hiện đại, nếu chỉ có nhiệt huyết và đam mê với nghề thôi thì chưa đủ mà cần làm sao để cộng đồng cùng yêu thích và lan tỏa giá trị của dòng tranh Đông Hồ.

Thực tế, muốn "hồi sinh" tranh Đông Hồ cần có sự sáng tạo để khơi lại truyền thống chơi tranh, để dòng tranh này đến gần hơn với du khách trong nước và quốc tế.

Hoàng Duy

Nguồn Phụ Nữ VN: https://phunuvietnam.vn/danh-thuc-tranh-dan-gian-dong-ho-tren-tuong-3d-20250204161915396.htm
Zalo