Đánh thức tiềm năng hồ Thác Bà

Hồ Thác Bà, một trong những hồ nhân tạo lớn nhất Việt Nam, không chỉ là một danh thắng nổi tiếng mà còn là nguồn lực quan trọng cho phát triển kinh tế của huyện Yên Bình và khu vực lân cận. Với diện tích mặt nước hơn 23.000 ha và hệ sinh thái phong phú, nơi đây đang trở thành điểm sáng trong các mô hình kinh tế kết hợp giữa ngư nghiệp, du lịch và bảo vệ môi trường.

Niềm vui của du khách khi trải nghiệm câu lure trên hồ Thác Bà.

Niềm vui của du khách khi trải nghiệm câu lure trên hồ Thác Bà.

Phát triển nuôi trồng thủy sản

Hồ Thác Bà là nơi lý tưởng để phát triển nuôi trồng thủy sản, đặc biệt là các loại cá có giá trị kinh tế cao như: lăng, ngạnh, tầm, trắm, chép và cá rô. Nhiều hộ gia đình và doanh nghiệp đã đầu tư xây dựng các lồng bè hiện đại, áp dụng công nghệ nuôi cá tiên tiến để tăng năng suất và chất lượng sản phẩm.

Hợp tác xã (HTX) thủy sản Hoàng Kim là một trong những đơn vị tiên phong trong khai thác nguồn lợi, thực hiện mô hình nuôi cá lồng trên hồ Thác Bà. Hiện HTX là đơn vị nuôi cá lồng lớn nhất trên địa bàn với 300 lồng nuôi cá lăng, tầm, diêu hồng, mỗi năm cho thu khoảng 700 tấn.

Với tầm nhìn chiến lược và sự sáng tạo trong mô hình sản xuất, HTX đã không chỉ khai thác hiệu quả nguồn lợi thủy sản tự nhiên mà còn góp phần bảo vệ môi trường sinh thái và thúc đẩy phát triển kinh tế bền vững cho khu vực thông qua mô hình sản xuất tuần hoàn. Từ sản xuất các sản phẩm sạch đạt tiêu chuẩn OCOP 3 sao, HTX tận dụng các nguyên liệu dư thừa để chế biến thành thức ăn cho cá.

Khu vực nuôi cá lồng của HTX Thủy sản Hoàng Kim

Khu vực nuôi cá lồng của HTX Thủy sản Hoàng Kim

Ông Nguyễn Quyết - Phó Giám đốc HTX cho biết: "Nhờ tận dụng được nguồn nước sạch trên hồ Thác Bà và áp dụng nghiêm ngặt quy trình chăn nuôi nên các sản phẩm của HTX đều có chất lượng cao, được bạn hàng tin tưởng, đặc biệt đã giúp HTX liên kết với Công ty TNHH Chế biến thủy sản sạch Hải Hà chế biến và tiêu thụ các sản phẩm từ cá. Có thể khẳng định, việc đảm bảo chất lượng nguồn nước trên hồ Thác Bà là điều kiện quan trọng giúp đơn vị duy trì, mở rộng, nâng cao chất lượng sản phẩm, giúp HTX ngày càng mở rộng thị trường tiêu thụ".

Được biết, hiện huyện Yên Bình có 2 doanh nghiệp, 5 hợp tác xã, 6 tổ hợp tác xã và trên 300 hộ nuôi cá lồng bè, nuôi cá quây lưới với 1.850 lồng cá trên diện tích 230 ha mặt nước. Sản lượng thủy sản hàng năm đạt 10.500 tấn.

Phát triển du lịch sinh thái

Không chỉ dừng lại ở hoạt động nuôi trồng thủy sản, hồ Thác Bà còn là điểm đến du lịch hấp dẫn, được ví như "Hạ Long trên núi". Với thiên nhiên sơn thủy hữu tình cùng hàng trăm hòn đảo lớn nhỏ xanh ngắt, nhiều doanh nghiệp và người dân địa phương đã tổ chức các tour du lịch sinh thái, chèo thuyền kayak và câu cá giải trí. Điều này không chỉ mang lại nguồn thu nhập ổn định mà còn góp phần quảng bá vẻ đẹp của vùng đất Yên Bình, Yên Bái.

Gia đình anh Mai Ngọc Hưng ở xã Mông Sơn, huyện Yên Bình đã tận dụng diện tích đất ven hồ để gây dựng mô hình homestay gần 10 năm nay. Hàng năm, gia đình anh thu hút hàng nghìn lượt khách tới tham quan, nghỉ dưỡng góp phần đem lại nguồn thu đáng kể. Từ năm 2021, nhận thấy nhu cầu tham quan trải nghiệm câu cá trên hồ phát triển mạnh, tận dụng lợi thế mạng xã hội và khả năng dẫn câu của một người dân sống lâu năm trên hồ (hướng dẫn cách câu và chỉ địa điểm câu), anh Hưng dần chuyển hướng từ quản lý cơ sở sang việc thành lập, trực tiếp hướng dẫn du khách tới tham quan và câu cá giải trí trên hồ.

Anh Hưng phấn khởi chia sẻ: "Năm 2024, bản thân tôi đã dẫn hàng trăm lượt khách tới tham quan, nghỉ dưỡng và câu giải trí trên hồ Thác Bà. Du khách đều rất thích thú với loại hình câu lure (câu rê mồi trên mặt nước) trên hồ nên tôi tổ chức nhiều đợt câu cá Hoàng Đế với cơ cấu giải thưởng đa dạng góp phần thu hút đông đảo người tham gia. Đặc biệt, tôi đã từng trực tiếp tham gia dẫn dắt, hướng dẫn một ekip làm phim đến từ Hàn Quốc về tham quan cảnh quan thiên nhiên và hướng dẫn, chỉ địa điểm câu cá trên hồ. Qua hoạt động, họ đều rất yêu thích vẻ đẹp hồ Thác Bà và cổ vũ phong trào câu lure tại Yên Bái nói riêng, Việt Nam nói chung".

Vẻ đẹp thơ mộng của hồ Thác Bà.

Vẻ đẹp thơ mộng của hồ Thác Bà.

Có thể nhận thấy, với thay đổi trong nhận thức, chủ động mở rộng hình thức du lịch, đón khách và xử thế phát triển du lịch đã giúp gia đình anh Hưng phát triển mô hình du lịch, phát triển nghề đáp ứng nhu cầu của du khách, góp phần quảng bá hình ảnh đẹp của quê hương.

Được biết, trên địa bàn khu vực hồ Thác Bà đã có nhiều mô hình và cơ sở phát triển du lịch sinh thái. Cụ thể, huyện Yên Bình hiện đã có 60 cơ sở lưu trú, trong đó 30 cơ sở là homestay phục vụ khách du lịc trải nghiệm văn hóa bản địa và cảnh quan thiên nhiên cùng hàng trăm phương tiện đường thủy cũng được huy động để phục vụ các tour tham quan và khám phá trên hồ.

Sự đồng hành của chính quyền

Để hỗ trợ phát triển kinh tế vùng hồ Thác Bà, chính quyền địa phương đã triển khai nhiều chính sách thiết thực, từ ưu đãi vay vốn, tập huấn kỹ thuật nuôi trồng thủy sản đến nâng cấp cơ sở hạ tầng du lịch. Những không gian du lịch trọng điểm như Tân Hương - Đại Đồng, Linh Sơn - Cao Biền và Phúc Ninh - Cảm Nhân đã được quy hoạch để phát triển các hoạt động nghỉ dưỡng sinh thái, thể thao mặt nước, tham quan hang động và khám phá văn hóa.

Đặc biệt, ngày 10/5/2024, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 396/QĐ-TTg, phê duyệt Quy hoạch chung xây dựng Khu du lịch Quốc gia hồ Thác Bà đến năm 2040. Quy hoạch này đặt mục tiêu biến hồ Thác Bà thành một trung tâm du lịch hàng đầu, đóng vai trò động lực cho ngành du lịch cả nước. Đến năm 2040, nơi đây được kỳ vọng sẽ trở thành điểm đến nghỉ dưỡng, văn hóa mang thương hiệu quốc gia, với cơ sở hạ tầng hiện đại, sản phẩm du lịch đa dạng và đẳng cấp, có khả năng cạnh tranh trong khu vực và quốc tế.

Cùng với tập trung phát triển du lịch, huyện Yên Bình, tỉnh Yên Bái đã đặt ra các mục tiêu chiến lược nhằm khai thác tối đa tiềm năng thủy sản trên hồ Thác Bà, đồng thời bảo vệ môi trường và nguồn lợi thủy sản quý giá; định hướng phát triển tập trung vào việc mở rộng quy mô nuôi trồng với kế hoạch đến năm 2025 đạt trên 2.500 lồng nuôi cá, sản lượng hơn 9.200 tấn. Trong đó, 50% sản phẩm được chế biến xuất khẩu, ưu tiên các loài chủ lực như cá rô phi, cá diêu hồng cùng các loại cá đặc sản có giá trị cao như cá trắm đen và cá tầm.

Bến cảng du lịch Ruby trên hồ Thác Bà.

Bến cảng du lịch Ruby trên hồ Thác Bà.

Một trong những trọng tâm của Yên Bình là xây dựng thương hiệu "Cá hồ Thác Bà", nâng cao giá trị sản phẩm gắn với nhãn hiệu chứng nhận để khẳng định uy tín trên thị trường, mở rộng tiêu thụ trong nước và quốc tế. Huyện cũng chú trọng ứng dụng công nghệ tiên tiến trong nuôi trồng nhằm tăng năng suất, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, phòng chống dịch bệnh, hướng tới phát triển bền vững.

Song song với đó, chuỗi liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ sản phẩm được xây dựng để hỗ trợ người nuôi trồng, giảm thiểu rủi ro và tối ưu hóa lợi ích kinh tế. Huyện Yên Bình cũng đẩy mạnh việc thả giống tái tạo nguồn lợi thủy sản, bảo vệ các bãi cá đẻ tự nhiên, kiểm soát ô nhiễm nước hồ và ngăn chặn các hành vi đánh bắt trái phép.

Những định hướng này không chỉ nhằm phát triển thủy sản thành ngành kinh tế mũi nhọn mà còn góp phần cải thiện đời sống người dân ven hồ, bảo tồn hệ sinh thái và thúc đẩy phát triển bền vững kinh tế địa phương.

Dù tiềm năng lớn, nhưng phát triển kinh tế trên hồ Thác Bà vẫn đối mặt với nhiều thách thức như ô nhiễm môi trường nước, thiếu quy hoạch đồng bộ và khó khăn trong tìm kiếm đầu ra cho sản phẩm thủy sản. Để giải quyết, cần tăng cường giám sát, nâng cao ý thức bảo vệ môi trường, đồng thời kết nối thị trường để đảm bảo phát triển bền vững.

Hồ Thác Bà không chỉ là minh chứng cho sự kết hợp giữa khai thác tiềm năng thiên nhiên với phát triển kinh tế mà còn là sự "bắt tay" chặt chẽ giữa người dân, doanh nghiệp và chính quyền. Với định hướng phát triển bền vững, hồ Thác Bà hứa hẹn sẽ tiếp tục tỏa sáng, trở thành điểm nhấn kinh tế và du lịch của vùng trung du, miền núi Bắc Bộ, góp phần nâng cao vị thế du lịch Việt Nam trên bản đồ quốc tế.

Hoài Văn

Nguồn Yên Bái: https://baoyenbai.com.vn/12/342103/danh-thuc-tiem-nang-ho-thac-ba.aspx
Zalo