Nông dân Cảm Ân phát triển nghề nuôi ong
Tận dụng lợi thế diện tích rừng lớn cộng với các vườn cây ăn quả, nhiều hội viên nông dân xã Cảm Ân, huyện Yên Bình đã phát triển nghề nuôi ong lấy mật. Đồng thời, liên kết nâng cao chất lượng để sản phẩm đạt tiêu chuẩn OCOP 3 sao, đem lại giá trị kinh tế cao.
Tổ hợp tác sản xuất mật ong xã Cảm Ân có 17 hộ, mỗi năm sản xuất 4.000 lít mật. Năm 2023, sản phẩm của Tổ hợp tác đã đạt chứng nhận OCOP 3 sao.
Ông Nguyễn Văn Tĩnh là một trong những hộ nuôi ong lâu năm và có nhiều đõ ong nhất ở thôn Ngòi Cát. Thời gian đầu, ông chỉ nuôi 5 đõ. Vừa nuôi vừa học hỏi kinh nghiệm, đến nay, sau 7 năm, ông Tĩnh đã có 60 đõ ong, cho thu nhập trên 100 triệu đồng mỗi năm. Ông Tĩnh cho biết: "Nuôi ong không khó, không tốn nhiều công sức, chỉ cần am hiểu đặc tính, chu kỳ của nó. Mặt khác, chi phí đầu tư thấp, nguồn thức ăn của ong mật dựa hoàn toàn vào tự nhiên từ rừng, từ cây bưởi, cam, nhãn, vải và hoa màu khác".
Cảm Ân là địa phương có nhiều loại cây, nhiều loại hoa tự nhiên nên rất thuận lợi phát triển nghề nuôi ong. Tại đây, hoa rừng nở quanh năm, hoa sạch, không có tác động của bàn tay con người, không lẫn chất kích thích đậu quả, thuốc trừ sâu... Do vậy, chất lượng mật thơm, vàng sánh. Ông Tĩnh lưu ý: "Trong tổ cần phải sạch và luôn có mật, chân tầng không được sâu mọt, tuyệt đối không được để thiên địch xâm nhập. Xung quanh chỗ đặt tổ ong phải sạch, vì ong rất nhạy cảm với môi trường”.
Ông đã học được kỹ thuật nuôi ong từ năm 2017 nhờ tham gia lớp tập huấn nuôi ong của Đan Mạch tổ chức tại huyện Yên Bình. Nhờ có kỹ thuật mà sản lượng mật thu được của gia đình ông đạt gần 15 lít/đõ mỗi năm. Với giá bán hiện nay từ 150.000 đồng đến 200.000 đồng/lít, người nuôi ong thu được 2 - 2,5 triệu đồng/năm/đõ.
Nhận thấy mô hình nuôi ong lấy mật đem lại hiệu quả kinh tế cao, lại chịu ít rủi ro nên nhiều gia đình ở xã Cảm Ân đã đầu tư mở rộng quy mô, tận dụng lợi thế đất đồi rừng để tăng thêm số lượng đàn, biến nghề nuôi ong mật trở thành một hướng đi trong phát triển kinh tế gia đình, tiêu biểu như: ông Hoàng Văn Hòa, thôn Tân Tiến; ông Nguyễn Văn Lập, thôn Tân Lương; ông Trần Trung Kiên, thôn Tân Phong… Qua đó, cũng khẳng định sản phẩm là hướng đi đúng đắn để khai thác tối đa tiềm năng, thế mạnh địa phương.
"Để sản phẩm mật ong đạt tiêu chuẩn OCOP 3 sao, chúng tôi phải tuân thủ chặt chẽ quy trình sản xuất. Sản phẩm phải là mật ong được vắt lấy hoàn toàn trực tiếp từ tổ ong, chưa qua xử lý công nghiệp, xử lý nhiệt, tiệt trùng và không pha thêm đường, hương liệu, chất bảo quản hay bất cứ chất hóa học nào, không lấy mật ong đầu vụ hay cuối vụ, mật có màu vàng óng, hương thơm đặc trưng, vị ngọt ngào” - ông Nguyễn Văn Lập ở thôn Tân Lương cho biết.
Ông Trần Tiến Dũng - Chủ tịch Hội Nông dân xã Cảm Ân cho biết: "Để hỗ trợ hội viên phát triển nghề nuôi ong, Hội đã phối hợp với các ban, ngành tổ chức các lớp tập huấn, chia sẻ kinh nghiệm, tiến bộ khoa học kỹ thuật giúp người dân nắm bắt và áp dụng vào thực tế nhằm nâng cao năng suất và chất lượng mật ong; thực hiện các chính sách tập trung phát triển nâng cao chất lượng sản phẩm; hỗ trợ cơ giới hóa trong khâu sản xuất, sơ chế, bảo quản, chế biến sản phẩm. Với giá bán ổn định, nghề nuôi ong hiện đang góp phần tăng thu nhập, cải thiện cuộc sống, giúp người dân xóa đói giảm nghèo bền vững”.
Tuy nhiên, hiện nay, việc tiêu thụ mật ong còn khó khăn, Hội Nông dân xã sẽ tiếp tục tăng cường chuyển đổi số trong truyền thông, hỗ trợ tổ chức các hoạt động quảng bá, xúc tiến thương mại, kết nối cung cầu sản phẩm OCOP, điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP, liên kết chuỗi giá trị từ sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm… giúp người nông dân yên tâm sản xuất sản phẩm mật ong có chất lượng, giá trị kinh tế cao trên thị trường, góp phần xây dựng kinh tế địa phương ngày càng phát triển.