'Đồng hành' – Triển lãm tranh sơn mài, gốm đặc sắc
Triển lãm 'Đồng hành' thể hiện một cách rõ nét những giá trị văn hóa truyền thống, bản sắc riêng biệt của từng nghệ sĩ trong bối cảnh đương đại. Triển lãm đã thu hút đông đảo khách tham quan và những người yêu nghệ thuật.
Tối ngày 28/11/2024 tại Trung tâm Giám định và Triển lãm tác phẩm Mỹ thuật nhiếp ảnh, 29 Hàng Bài, Hoàn Kiếm, Hà Nội đã diễn ra triển lãm tranh "Đồng hành". Đây là triển lãm tranh sơn mài, gốm của nhóm các họa sỹ Nguyễn Văn Thuật, Đỗ Đức Khải, Trần Văn Đức, Nguyễn Nghĩa Dậu, nhà điêu khắc Lê Văn Khuy.
Các tác phẩm thể hiện sự sáng tạo kết hợp giữa nghệ thuật truyền thống và đương đại, mang đến những góc nhìn mới về giá trị văn hóa nghệ thuật.
Nguyễn Văn Thuật, Trần Văn Đức, Nguyễn Nghĩa Dậu và Đỗ Đức Khải là những họa sĩ chuyên vẽ sơn mài, còn Lê Văn Khuy là một nhà điêu khắc với phong cách độc đáo. Tất cả đều gắn bó với việc phát huy và sáng tạo trên nền tảng nghệ thuật truyền thống, đồng thời luôn tìm kiếm những hướng đi mới, thể hiện bản sắc cá nhân trong dòng chảy nghệ thuật đương đại.
Tại triển lãm, họa sĩ Nguyễn Nghĩa Dậu mang đến 5 tác phẩm sơn mài theo hình thức hình tròn nội tiếp trong hình vuông, mỗi tác phẩm ẩn chứa hình ảnh dáng nữ với những đường cong mềm mại, tinh tế.
Với lối tạo hình tượng trưng, ông sử dụng sự tương phản giữa chiều sâu tối phi hình và nét vẽ thanh mảnh để tạo ra một không gian nghệ thuật vừa huyền bí vừa gợi cảm. Những tác phẩm này không chỉ tôn vinh vẻ đẹp của mẹ đất mà còn gợi lên một không gian thi ca đầy chất thơ.
Họa sĩ Trần Văn Đức lại thiên về đề tài lễ hội và phong cảnh quê hương Bắc bộ, đặc biệt là các hình ảnh từ những phiên chợ vùng cao, nón quai thao và hoa sen.
Những chi tiết dân gian quen thuộc được ông cách điệu với nhịp điệu nhanh, hiện đại, tạo nên một không gian sống động, tràn đầy năng lượng và sắc màu. Cách ông sử dụng vàng, bạc trong tác phẩm tạo ra một sự kết hợp hài hòa giữa cổ điển và hiện đại.
Họa sĩ Đỗ Đức Khải nổi bật với những tác phẩm về cầu Long Biên - biểu tượng của Hà Nội. Dù không phải người Hà Nội, ông đã gắn bó với cây cầu này trong suốt nhiều năm và qua những tác phẩm, ông thể hiện sự hoài niệm, sự vất vả nhưng cũng đầy ấm áp của nó.
Các tác phẩm mới của ông theo xu hướng trừu tượng, thể hiện sự khai thác sâu về chất liệu và kỹ thuật sơn mài, mở ra một hướng đi mới đầy hứa hẹn trong sáng tác nghệ thuật.
Lê Văn Khuy trình bày loạt phù điêu chất liệu tổng hợp trong một phong cách từng mang đến Giải Nhì Triển lãm 5 năm Điêu khắc toàn quốc năm 2023. Vừa sử dụng vật liệu composite, vừa phối hơp sơn đắp, kỹ thuật trang trí sơn mài, phù điêu của Lê Văn Khuy có hình khối giản lược khăng khít, hoặc mơ màng bay bổng hoặc tràn ngập hạnh phúc trong những cảnh sinh hoạt ngày thường. Tác phẩm của Lê Văn Khuy tự nhiên như ứng tác trực tiếp từ album ảnh gia đình nhỏ của anh. Chúng độc đáo về ngôn ngữ chất liệu và gần gũi trong tình cảm mộc mạc chân thành.
Còn với họa sỹ Nguyễn Văn Thuật thì tranh của ông luôn có phong cách đồng nhất vẻ đẹp hình thể thiếu nữ và các loài hoa trong một không gian sơn mài ước lệ không trục phân chia bầu trời – mặt đất, một phông diễn mơ màng trong các hòa sắc xanh lam, xanh lá, nồng nhiệt trong các màu đỏ son, vàng cam. Một không gian tràn ngập hoa lá tung hứng cùng các vũ nữ uốn mình bay bổng, cả hoa và người đều phô diễn vẻ đẹp, cùng căng tràn say mê trong các điệu vũ 4 mùa bất tận.
Các tác phẩm trong triển lãm Đồng hành không chỉ phản ánh sự gắn kết giữa các nghệ sĩ mà còn là minh chứng cho những nỗ lực sáng tạo cá nhân, mỗi người đều theo đuổi một lộ trình riêng biệt nhưng đều hướng về sự phát triển và làm mới nghệ thuật truyền thống.
Tại triển lãm, đông đảo khách tham quan và giới yêu nghệ thuật được chiêm ngưỡng những tác phẩm tranh đặc sắc thể hiện sự sáng tạo kết hợp giữa nghệ thuật truyền thống và đương đại, mang đến những góc nhìn mới về giá trị văn hóa nghệ thuật.
Triển lãm diễn ra đến hết ngày 04/12/2024.