Đánh thức thị trường nội địa, tạo sức bật cho tăng trưởng

Trước những biến động về tình hình thuế quan, xuất khẩu gặp nhiều thách thức, tiêu dùng nội địa đóng vai trò như bộ đệm, là nguồn lực quan trọng giúp duy trì và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.

Tăng khai thác thị trường trong nước

Chú trọng thị trường trong nước đang là chiến lược được nhiều DN hướng tới. Trước đây, DN dành tỷ trọng 10 - 20% sản xuất cho xuất khẩu, thì nay đã quyết định dành đến 95% tỷ trọng sản xuất cho thị trường nội địa. Đồng thời, tìm những nguyên vật liệu phù hợp để có thể giảm giá thành, sản xuất nhiều sản phẩm phù hợp với người tiêu dùng.

Hoạt động sản xuất tại Tổng Công ty May 10. Ảnh: Phạm Hùng

Hoạt động sản xuất tại Tổng Công ty May 10. Ảnh: Phạm Hùng

Tại Tổng Công ty May 10, trước đây hầu hết các dây chuyền sản xuất để phục vụ đơn hàng xuất khẩu, nay lại tập trung thiết kế mẫu mã mới, mở thêm cửa hàng để phục vụ người tiêu dùng Việt. Giám đốc Điều hành Tổng Công ty May 10 Nguyễn Thị Phương Thảo chia sẻ: "Tăng cường thị trường nội địa để cân bằng tỷ trọng giữa xuất khẩu và nội địa. Tiết kiệm định mức, tiết kiệm tất cả hoạt động cũng như tăng cường đầu tư thiết bị, công nghệ để tăng năng suất lao động, tăng hiệu suất để có giá thành cạnh tranh nhất".

Các DN cho biết sẽ mở rộng thêm kênh phân phối sản phẩm từ trực tiếp (qua các đại lý), đến trực tuyến (qua các sàn thương mại điện tử) để tăng nhận diện thương hiệu và tính cạnh tranh tại thị trường nội địa, góp phần tăng doanh thu bán lẻ hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng.

Với các giải pháp đồng bộ, hiệu quả và linh hoạt, thị trường nội địa sẽ tiếp tục là động lực quan trọng giúp ổn định và thúc đẩy kinh tế Việt Nam phát triển bền vững trong năm 2025, tạo tiền đề để đất nước đạt mức tăng trưởng cao hơn trong những năm tiếp theo.

Phó Tổng Thư ký, Trưởng ban Pháp chế Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam Đậu Anh Tuấn

Trong năm 2025, Chính phủ đặt mục tiêu tăng trưởng GDP đạt 8% với 3 phần chính đóng góp là tiêu dùng nội địa, xuất khẩu và đầu tư công; trong đó, tiêu dùng nội địa chiếm 60 - 65% tùy từng năm. Để đạt được mục tiêu này, tốc độ tăng trưởng bán lẻ hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng phải đạt 12%, cao hơn mức trung bình 8% của 5 - 10 năm qua. Theo báo cáo của Cục Thống kê, tiêu dùng nội địa đang tăng trưởng rõ nét trong những tháng đầu năm. Tính chung quý I/2025, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng theo giá hiện hành ước đạt 1.708,3 nghìn tỷ đồng, tăng 9,9% so với cùng kỳ năm trước. Hiện tại, chi tiêu của hộ gia đình chiếm 53 -57% GDP Việt Nam, cho thấy vai trò động lực chính của cầu nội địa đối với tăng trưởng kinh tế. Dù vậy, tiêu dùng chưa đạt mức tăng trưởng như kỳ vọng và chưa trở về mức tăng trưởng hai con số như thời kỳ trước đại dịch Covid-19.

Tập trung kích cầu tiêu dùng

Với mục tiêu Chính phủ đề ra là tăng trưởng bán lẻ và doanh thu tiêu dùng đạt khoảng 12% trong năm 2025, trong các tháng còn lại, trung bình mỗi tháng cần duy trì mức tăng trưởng trên 12% để đạt mục tiêu. Vì vậy, kích cầu tiêu dùng trong nước trở thành ưu tiên hàng đầu, thông qua các chính sách giảm thuế, hỗ trợ lãi suất và đẩy mạnh chương trình khuyến khích chi tiêu.

Cục trưởng Cục Thống kê Nguyễn Thị Hương đề xuất, cần chú trọng đẩy mạnh tiêu dùng, tập trung phát triển thị trường trong nước. Theo đó, thực hiện hiệu quả các Chương trình xúc tiến thương mại, phát huy hiệu quả Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”; thúc đẩy phân phối hàng hóa qua nền tảng số, thương mại điện tử; thúc đẩy kết nối giữa nhà sản xuất trong nước và các kênh phân phối hiện đại để mở rộng tiêu thụ sản phẩm nội địa trên cả nước. Có các chính sách miễn, giảm, gia hạn thuế, phí, lệ phí và tiền thuê đất... để hỗ trợ người dân, DN, thúc đẩy hoạt động sản xuất kinh doanh.

Hiện nay cầu tiêu dùng trong nước đang chịu tác động gián tiếp từ việc Mỹ áp thuế đối ứng với các đối tác thương mại. Giá nhập nguyên, vật liệu đầu vào có thể tăng, làm giá cả hàng hóa nội địa tăng theo khiến tiêu dùng giảm. Bên cạnh đó, rào cản khi quay lại thị trường nội địa là DN Việt Nam vẫn phải cạnh tranh với sản phẩm đại trà cùng loại giá rẻ và hàng nhập khẩu.

TS Võ Trí Thành - Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển thương hiệu và cạnh tranh khuyến nghị, cần duy trì lạm phát tương đối thấp kết hợp với giảm thuế, người dân mới dám mạnh tay chi tiêu; nên kéo dài thời gian giảm thuế VAT đến ít nhất hết năm 2026 và giảm 2% cho toàn bộ hàng hóa, dịch vụ có thuế suất 10%. “Một lộ trình thuế rõ ràng và dài hạn sẽ giúp DN chủ động hơn trong tính toán chi phí, dòng tiền và kế hoạch sản xuất kinh doanh. Điều này đặc biệt quan trọng đối với các DN sản xuất hàng tiêu dùng vì họ có thể điều chỉnh giá bán và chiến lược thị trường mà không lo ngại những thay đổi bất ngờ từ chính sách thuế” - ông Võ Trí Thành cho biết.

Phó Tổng Thư ký Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) Đậu Anh Tuấn cũng bày tỏ: "Việt Nam đang có những lợi thế vượt trội khi là 1 trong 14 nước có thị trường nội địa trên 100 triệu dân. Thị trường trong nước có nhiều điểm mạnh, nên cần nỗ lực bảo vệ thị trường thông qua đẩy mạnh chống hàng giả, hàng nhái".

Về phía DN, các chuyên gia cho rằng, cần có những thay đổi mạnh mẽ về chiến lược kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh và xây dựng thương hiệu uy tín.

Tín dụng tiêu dùng, thúc đẩy cầu, lan tỏa sản xuất

Bên cạnh nỗ lực từ phía Nhà nước - DN, các chuyên gia cho rằng bài toán kích cầu tiêu dùng nội địa không thể thiếu vai trò của ngân hàng. Tín dụng tiêu dùng được xem là đòn bẩy tài chính quan trọng giúp các hộ gia đình có thể mua sắm, nâng cấp nhà cửa, phương tiện đi lại, đầu tư vào giáo dục… sớm hơn, từ đó tạo hiệu ứng lan tỏa, kích thích sản xuất và các ngành dịch vụ trong nước.

Tuy nhiên, tốc độ tăng dư nợ cho vay tiêu dùng đang chậm lại; tỷ trọng dư nợ cho vay tiêu dùng/tổng dư nợ toàn nền kinh tế cũng giảm. Tổng dư nợ năm 2023 là gần 15%, nhưng đến năm 2024 lại giảm về còn 12%. Năm 2025, ngành ngân hàng phấn đấu đạt mức tăng trưởng tín dụng 16%, điều này sẽ tạo môi trường thuận lợi cho tín dụng tiêu dùng.

Tiêu dùng là trụ cột nội tại của tăng trưởng. Tín dụng tiêu dùng, nếu được thiết kế khéo léo và vận hành hiệu quả, không chỉ góp phần lan tỏa sản xuất - dịch vụ mà còn tạo ra một chu trình tăng trưởng kinh tế bền vững hơn.

Ông Trần Anh Thắng - Thành viên HĐQT Eximbank

Dù vậy, các tổ chức tín dụng cần nghiên cứu và xây dựng các sản phẩm tín dụng, dịch vụ ngân hàng dành riêng cho lĩnh vực tiêu dùng với lãi suất thấp hơn và tăng cường cho vay phục vụ đời sống. Cụ thể, phát triển sản phẩm thông qua các gói vay nhỏ, linh hoạt, không tài sản bảo đảm phục vụ các nhu cầu chi tiêu thực: đồ gia dụng, học phí, chăm sóc sức khỏe... Bên cạnh đó, phối hợp với DN bán lẻ, thương mại điện tử để triển khai các chương trình khuyến mãi trả góp 0%, combo hàng - vay tiêu dùng; kết hợp chính sách kích cầu nội địa của Chính phủ với các gói vay ưu đãi.

Ngoài ra, bổ sung các gói tài chính tiêu dùng có định hướng cho nhóm yếu thế như công nhân, người lao động tự do thông qua mô hình bảo hiểm rủi ro, bảo lãnh cộng đồng. Việc tích hợp tín dụng tiêu dùng vào hệ sinh thái tiêu dùng số (ví điện tử, thanh toán không tiền mặt) sẽ giúp người dân tiếp cận vốn dễ dàng, thuận tiện hơn.

Về giải pháp vĩ mô đối với cấp chính sách và Nhà nước, một số ngân hàng đề xuất ưu tiên room tín dụng cho vay tiêu dùng trong chính sách điều hành; bù lãi suất cho các khoản vay tiêu dùng thiết yếu qua ngân sách Nhà nước; mở rộng cơ sở dữ liệu tín dụng và hỗ trợ xếp hạng tín dụng cá nhân giúp các ngân hàng phê duyệt cho vay tiêu dùng cá nhân và DN nhanh; tích hợp tín dụng tiêu dùng vào các chương trình kích cầu quốc gia; kết hợp chính sách thuế - trợ giá với tín dụng tiêu dùng hàng Việt.

Thảo Nguyên

Nguồn KTĐT: https://kinhtedothi.vn/danh-thuc-thi-truong-noi-dia-tao-suc-bat-cho-tang-truong.694524.html
Zalo