Bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng 4 tăng 11,1%

Theo con số Cục Thống kê công bố sáng 6/5, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng 4/2025 ước tăng 11,1% so với cùng kỳ năm trước.

Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tăng cao

Theo thông tin Cục Thống kê – Bộ Tài chính công bố sáng 6/5, nhu cầu tiêu dùng, du lịch của người dân tăng trong các kỳ nghỉ lễ, Tết cùng với số lượng khách quốc tế đến Việt Nam tăng cao là các nhân tố đóng góp tích cực cho tăng trưởng của ngành thương mại, dịch vụ từ đầu năm đến nay.

Thị trường nội địa có mức tăng trưởng cao trong tháng 4 và 4 tháng đầu năm

Thị trường nội địa có mức tăng trưởng cao trong tháng 4 và 4 tháng đầu năm

Theo đó, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng theo giá hiện hành tháng 4/2025 ước đạt 582,1 nghìn tỷ đồng, tăng 2,9% so với tháng trước và tăng 11,1% so với cùng kỳ năm trước. Cụ thể, doanh thu nhóm hàng vật phẩm văn hóa, giáo dục tăng 10,9%; lương thực, thực phẩm tăng 10,0%; đồ dùng, dụng cụ, trang thiết bị gia đình tăng 6,9%; hàng may mặc tăng 6,6%; dịch vụ lưu trú, ăn uống tăng 18,8%; du lịch lữ hành tăng 46,1%.

Tính chung bốn tháng đầu năm 2025, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng theo giá hiện hành ước đạt 2.285,5 nghìn tỷ đồng, tăng 9,9% so với cùng kỳ năm trước (cùng kỳ năm 2024 tăng 8,6%). Nếu loại trừ yếu tố giá tăng 7,7% (cùng kỳ năm 2024 tăng 5,4%).

Trong tổng mức chung, doanh thu bán lẻ hàng hóa bốn tháng đầu năm 2025 ước đạt 1.752.5 nghìn tỷ đồng, chiếm 76,7% tổng mức và tăng 8,7% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, nhóm hàng vật phẩm văn hóa, giáo dục tăng 12,6%; lương thực, thực phẩm tăng 9,8%; may mặc tăng 7,4%; đồ dùng, dụng cụ, trang thiết bị gia đình tăng 5,9%.

Doanh thu bán lẻ hàng hóa bốn tháng đầu năm 2025 so với cùng kỳ năm trước của một số địa phương như sau: Hải Phòng tăng 9,0%; Thành phố Hồ Chí Minh tăng 8,5%; Cần Thơ tăng 8,1%; Đà Nẵng tăng 7,7%; Hà Nội tăng 7,4%.

Doanh thu dịch vụ lưu trú, ăn uống bốn tháng đầu năm 2025 ước đạt 270,6 nghìn tỷ đồng, chiếm 11,8% tổng mức và tăng 14,9% so với cùng kỳ năm trước. Doanh thu bốn tháng đầu năm 2025 so với cùng kỳ năm trước của một số địa phương như sau: Quảng Ninh tăng 19,4%; Đà Nẵng tăng 18,7%; Thành phố Hồ Chí Minh tăng 15,9%; Hà Nội tăng 15,8%; Hải Phòng tăng 15,2%; Cần Thơ tăng 11,1%.

Doanh thu du lịch lữ hành bốn tháng đầu năm 2025 ước đạt 30,4 nghìn tỷ đồng, chiếm 1,3% tổng mức và tăng 24,5% so với cùng kỳ năm trước do nhu cầu du lịch của người dân tăng cao trong các ngày lễ, Tết và đặc biệt là đại lễ kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.

Một số địa phương có doanh thu bốn tháng đầu năm 2025 tăng cao so với cùng kỳ năm trước, gồm: Đồng Nai tăng 29,7%; Hà Nội tăng 25,7%; Thành phố Hồ Chí Minh tăng 25,3%; Quảng Ninh tăng 23,5%; Đà Nẵng tăng 22,3%; Bình Dương tăng 19,9%.

Doanh thu dịch vụ khác bốn tháng đầu năm 2025 ước đạt 232,0 nghìn tỷ đồng, chiếm 10,2% tổng mức và tăng 12,6% so với cùng kỳ năm trước. Một số địa phương đạt doanh thu bốn tháng đầu năm 2025 cao, gồm: Cần Thơ tăng 27,5%; Quảng Ninh tăng 13,6%; Thành phố Hồ Chí Minh tăng 13,0%; Khánh Hòa tăng 11,1%; Hà Nội tăng 6,9%; Hải Phòng tăng 5,6%.

Bộ Công Thương tăng kích cầu tiêu dùng nội địa

Để triển khai các hoạt động kích cầu, phát triển thị trường, thời gian qua, Bộ Công Thương đã ban hành Chỉ thị số 01/CT-BCT về việc thực hiện các giải pháp kích cầu tiêu dùng, thúc đẩy phát triển thị trường trong nước dịp Tết Nguyên đán Ất Tỵ và quý I năm 2025. Theo đó, Bộ Công Thương đã có chỉ đạo đến các Sở Công Thương, các doanh nghiệp và các đơn vị trong bộ triển khai các nhiệm vụ cụ thể.

Bên cạnh đó, ngày 4/4/2025, Bộ Công Thương đã ban hành Chỉ thị số 08/CT-BCT về việc thực hiện các giải pháp tiếp tục đẩy mạnh phát triển thị trường trong nước, kích cầu tiêu dùng năm 2025. Trong đó đã giao các nhiệm vụ cụ thể cho các đơn vị trong bộ, các doanh nghiệp, hiệp hội ngành hàng, đồng thời giao nhiệm vụ và chỉ tiêu tăng trưởng thị trường bán lẻ cụ thể cho từng địa phương.

Thêm nữa, triển khai Chỉ thị số 08/CT-BCT ngày 04 tháng 4 năm 2025 của Bộ Công Thương, ngày 05 tháng 4 năm 2025, Cục Quản lý và Phát triển thị trường trong nước đã ban hành Công văn số 319/TTTN-NV chỉ đạo các Sở Công Thương các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo triển khai các nhiệm vụ về kiểm tra, giám sát thị trường và kế hoạch triển khai các hoạt động theo Chỉ thị giao. Bộ Công Thương cũng đã xây dựng kế hoạch tổng thể triển khai kích cầu tiêu dùng, phát triển thị trường trong nước giai đoạn 2025 - 2026 với các nội dung, nhiệm vụ cụ thể và báo cáo Chính phủ trong tháng 4/2025. Hiện các đơn vị đang tích cực triển khai các nhiệm vụ được giao nhằm đẩy mạnh phát triển thị trường trong nước, kích cầu tiêu dùng.

Tại Hội nghị về các giải pháp phát triển thị trường trong nước, kích cầu tiêu dùng do Cục Quản lý và Phát triển thị trường trong nước (Bộ Công Thương) tổ chức ngày 22/4, tại TP. Hồ Chí Minh, các chuyên gia cho rằng, về lâu dài, động lực tăng trưởng cho tiêu dùng trong nước phải đến từ sự phối hợp chặt chẽ giữa đầu tư công, cải cách thể chế và phát triển thị trường trong nước. Đặc biệt, cải cách hành chính, nhất là trong lĩnh vực thuế cần được đẩy mạnh nhằm tạo môi trường kinh doanh minh bạch, hiệu quả và thúc đẩy tiêu dùng bền vững.

Trước bối cảnh hiện tại, ông Trần Hữu Linh - Cục trưởng Cục Quản lý và Phát triển thị trường trong nước (Bộ Công Thương) cho rằng, doanh nghiệp cần nhanh chóng thích nghi với xu hướng mua sắm online và nhu cầu về sản phẩm xanh, có nguồn gốc rõ ràng.

Ông Linh kêu gọi sự phối hợp chặt chẽ giữa các cấp, ngành, doanh nghiệp và toàn xã hội để phát huy chuỗi sản xuất - phân phối - tiêu dùng - tài chính tín dụng - quản lý nhà nước. Từ đó, xây dựng thị trường nội địa năng động, hiện đại và bền vững.

Hiện nay, các chương trình hỗ trợ như giảm thuế VAT, hỗ trợ lãi suất cho doanh nghiệp bán lẻ, thúc đẩy đầu tư công giúp tăng thu nhập cho người lao động trong các ngành xây dựng, hạ tầng, qua đó thúc đẩy tiêu dùng.

Thị trường hàng hóa thế giới năm 2025 dự báo tiếp tục diễn biến phức tạp do các yếu tố địa chính trị và kinh tế toàn cầu. Trong bối cảnh đó, thị trường nội địa Việt Nam được xác định là "trụ cột" ổn định tăng trưởng kinh tế và là mảng thị trường tiềm năng cho doanh nghiệp.

Lan Phương

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/ban-le-hang-hoa-va-doanh-thu-dich-vu-tieu-dung-thang-4-tang-111-386210.html
Zalo