Danh sách thành viên Chính phủ sau sắp xếp, tinh gọn

Sau sắp xếp tinh gọn, Chính phủ nhiệm kỳ 2021-2026 có 14 bộ, 3 cơ quan ngang bộ (giảm 5 bộ và cơ quan ngang bộ).

Thủ tướng Phạm Minh Chính tặng hoa chúc mừng Bộ trưởng Bộ Xây dựng Trần Hồng Minh, Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Nguyễn Mạnh Hùng, Bộ trưởng Bộ Dân tộc và Tôn giáo Đào Ngọc Dung, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Môi trường Đỗ Đức Duy - Ảnh: Nhật Bắc

Thủ tướng Phạm Minh Chính tặng hoa chúc mừng Bộ trưởng Bộ Xây dựng Trần Hồng Minh, Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Nguyễn Mạnh Hùng, Bộ trưởng Bộ Dân tộc và Tôn giáo Đào Ngọc Dung, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Môi trường Đỗ Đức Duy - Ảnh: Nhật Bắc

Chiều nay (18/2), tại Kỳ họp bất thường lần thứ 9, Quốc hội khóa XV đã phê chuẩn đề nghị bổ nhiệm 2 Phó Thủ tướng Chính phủ và 4 bộ trưởng.

Sau sắp xếp tinh gọn, Chính phủ nhiệm kỳ 2021-2026 có 14 bộ, 3 cơ quan ngang bộ (giảm 5 bộ và cơ quan ngang bộ).

Hai Phó Thủ tướng nhiệm kỳ 2021-2026 được phê chuẩn bổ nhiệm là ông Mai Văn Chính và ông Nguyễn Chí Dũng.

4 bộ trưởng được phê chuẩn, gồm: Bộ trưởng Bộ Xây dựng Trần Hồng Minh, Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Nguyễn Mạnh Hùng, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Môi trường Đỗ Đức Duy, Bộ trưởng Bộ Dân tộc và Tôn giáo Đào Ngọc Dung.

Các chức danh này được kiện toàn sau khi Quốc hội biểu quyết thông qua các nghị quyết về cơ cấu tổ chức và cơ cấu số lượng thành viên Chính phủ nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV (sửa đổi), sau khi Chính phủ sắp xếp tinh gọn bộ máy theo Nghị quyết 18 của Trung ương.

Theo phương án Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội trước đó, Chính phủ đề nghị Quốc hội xem xét quyết định cơ cấu tổ chức của Chính phủ nhiệm kỳ khóa XV gồm 14 bộ và 3 cơ quan ngang bộ; trong đó thành lập 6 bộ mới trên cơ sở hợp nhất.

Cụ thể, thành lập Bộ Tài chính trên cơ sở hợp nhất Bộ Kế hoạch và Đầu tư và Bộ Tài chính; thành lập Bộ Xây dựng trên cơ sở hợp nhất Bộ Xây dựng và Bộ GTVT; thành lập Bộ Nông nghiệp và Môi trường trên cơ sở hợp nhất Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Bộ Tài nguyên và môi trường; thành lập Bộ Khoa học và Công nghệ trên cơ sở hợp nhất Bộ Khoa học và Công nghệ và Bộ Thông tin và truyền thông; thành lập Bộ Nội vụ trên cơ sở hợp nhất Bộ Nội vụ và Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội; thành lập Bộ Dân tộc và Tôn giáo.

Ngoài 6 bộ thành lập mới, Chính phủ đề nghị duy trì 11 bộ ngành hiện nay gồm: Bộ Quốc phòng; Công an; Tư pháp; Công thương; Văn hóa, Thể thao và Du lịch; Ngoại giao; Giáo dục và Đào tạo; Y tế; Văn phòng Chính phủ; Thanh tra Chính phủ; Ngân hàng Nhà nước Việt Nam.

Thành viên Chính phủ nhiệm kỳ 2021-2026 sau sắp xếp, tinh gọn

Thành viên Chính phủ nhiệm kỳ 2021-2026 sau sắp xếp, tinh gọn

Danh sách thành viên Chính phủ nhiệm kỳ 2021-2026 sau sắp xếp, tinh gọn.

1. Thủ tướng Chính phủ: Phạm Minh Chính

2. Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ: Nguyễn Hòa Bình

3. Phó Thủ tướng Chính phủ: Trần Hồng Hà

4. Phó Thủ tướng Chính phủ: Lê Thành Long

5. Phó Thủ tướng Chính phủ: Hồ Đức Phớc

6. Phó Thủ tướng Chính phủ: Bùi Thanh Sơn

7. Phó Thủ tướng Chính phủ: Nguyễn Chí Dũng

8. Phó Thủ tướng Chính phủ: Mai Văn Chính

9. Bộ trưởng Bộ Quốc phòng: Phan Văn Giang

10. Bộ trưởng Bộ Công an: Lương Tam Quang

11. Bộ trưởng Bộ Nội vụ: Phạm Thị Thanh Trà

12. Bộ trưởng Bộ Ngoại giao: Bùi Thanh Sơn

13. Bộ trưởng Bộ Tư pháp: Nguyễn Hải Ninh

14. Bộ trưởng Bộ Tài chính: Nguyễn Văn Thắng

15. Bộ trưởng Bộ Công thương: Nguyễn Hồng Diên

16. Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Môi trường: Đỗ Đức Duy

17. Bộ trưởng Bộ Xây dựng: Trần Hồng Minh

18. Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ: Nguyễn Mạnh Hùng

19. Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch: Nguyễn Văn Hùng

20. Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo: Nguyễn Kim Sơn

21. Bộ trưởng Bộ Y tế: Đào Hồng Lan

22. Bộ trưởng Bộ Dân tộc và Tôn giáo: Đào Ngọc Dung

23. Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ: Trần Văn Sơn

24. Tổng Thanh tra Chính phủ: Đoàn Hồng Phong

25. Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam: Nguyễn Thị Hồng

Chiều 18/2, chủ trì hội nghị triển khai Nghị quyết của Quốc hội về cơ cấu tổ chức của Chính phủ, giao nhiệm vụ cho một số thành viên Chính phủ nhiệm kỳ 2021-2026, Thủ tướng Phạm Minh Chính đề nghị các các thành viên Chính phủ luôn phát huy tinh thần chủ động, linh hoạt, sáng tạo, hiệu quả, xây dựng Chính phủ liêm chính, trong sạch, vì nhân dân phục vụ; phát huy tinh thần đoàn kết, thống nhất, tư tưởng phải thông, quyết tâm phải cao, nỗ lực phải lớn, hành động quyết liệt, hiệu quả, đã nói là làm, đã cam kết phải thực hiện, đã làm, đã thực hiện phải có hiệu quả cụ thể, cân đong đo đếm được, làm việc nào ra việc đó, làm việc nào dứt việc đó, phân công rõ người, rõ việc, rõ thời gian, rõ trách nhiệm, rõ sản phẩm; hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ mà Đảng, Nhà nước, đất nước và nhân dân giao phó trong năm 2025 và thời gian tới. Đặc biệt là thực hiện mục tiêu tăng trưởng GDP, tổ chức các ngày lễ lớn, ngày kỷ niệm trọng đại, chuẩn bị Đại hội Đảng các cấp và thực hiện sắp xếp, tinh gọn bộ máy.

Nhấn mạnh cần tổ chức thực hiện thật tốt 3 đột phá chiến lược về thể chế, hạ tầng, nhân lực, Thủ tướng nêu rõ, thể chế là đột phá của đột phá, các thành viên Chính phủ, Bộ trưởng, thủ trưởng, trưởng ngành phải trực tiếp chỉ đạo công tác xây dựng thể chế trong lĩnh vực phụ trách; đẩy mạnh xây dựng hạ tầng chiến lược (cả hạ tầng cứng và hạ tầng mềm, hạ tầng giao thông, hạ tầng số, hạ tầng y tế, văn hóa, giáo dục, xã hội…) để giảm chi phí, tăng khả năng cạnh tranh của hàng hóa, doanh nghiệp và nền kinh tế, đa dạng hóa thị trường, sản phẩm, chuỗi cung ứng, nâng cao hiệu quả nền kinh tế; đào tạo nhân lực, phát triển con người đáp ứng yêu cầu phát triển, xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức thích ứng, phù hợp, mang lại hiệu quả trong tổ chức thực hiện đường lối, chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng, Nhà nước.

L.C

Nguồn GTVT: https://tapchigiaothong.vn/danh-sach-thanh-vien-chinh-phu-nhiem-ky-2021-2026-sau-sap-xep-tinh-gon-18325021820054364.htm
Zalo