Đánh giá hiệu quả thực hiện thử nghiệm có kiểm soát các công nghệ, mô hình kinh doanh mới

Kế hoạch triển khai thi hành Luật Thủ đô vừa được Thủ tướng Chính phủ ban hành giao Bộ Khoa học và Công nghệ chủ trì, giúp Chính phủ tổ chức xem xét, đánh giá kết quả, hiệu quả thực hiện các nội dung thử nghiệm có kiểm soát để quyết định theo thẩm quyền hoặc trình cấp có thẩm quyền quyết định ban hành mới, sửa đổi, bổ sung pháp luật về lĩnh vực và nội dung liên quan làm cơ sở áp dụng chính thức công nghệ, sản phẩm, dịch vụ, mô hình kinh doanh đã được thử nghiệm…

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

Luật Thủ đô được Quốc hội khóa XV thông qua tại Kỳ họp thứ 7, có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2025. Đây là đạo luật quan trọng, quy định vị trí, vai trò của Thủ đô; chính sách, trách nhiệm xây dựng, phát triển, quản lý và bảo vệ Thủ đô; trách nhiệm quản lý nhà nước của các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ có liên quan và Tp.Hà Nội trong xây dựng và phát triển Thủ đô.

THỬ NGHIỆM CÓ KIỂM SOÁT CÔNG NGHỆ, DỊCH VỤ, MÔ HÌNH KINH DOANH MỚI

Kế hoạch nhấn mạnh việc rà soát Luật Thủ đô, lập doanh mục văn bản quy định chi tiết Luật Thủ đô; xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật quy định chi tiết Luật Thủ đô; đồng thời rà soát các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan.

Theo đó, Bộ Tư pháp chủ trì, phối với với các bộ/ngành liên quan, UBND Tp.Hà Nội đề xuất danh mục văn bản quy định chi tiết Luật Thủ đô; rà soát các nội dung luật giao HĐND, UBND thành phố quy định chi tiết.

Cũng theo kế hoạch này, Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì giúp Chính phủ hướng dẫn quy định về liên kết phát triển kinh tế xã hội trong vùng Thủ đô; giúp Thủ tướng Chính phủ quyết định Danh mục chương trình, dự án liên kết, phát triển vùng được hỗ trợ từ ngân sách Trung ương theo đề nghị của UBND Tp.Hà Nội.

Đồng thời chủ trì, phối hợp với các địa phương, báo cáo Chính phủ trình Quốc hội đảm bảo cân đối ngân sách triển khai thực hiện chương trình, dự án liên kết, phát triển vùng giữa Tp.Hà Nội và các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thuộc vùng Thủ đô, vùng đồng bằng sông Hồng, vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ, vùng động lực phía Bắc.

Theo quy định, thời hạn thực hiện thử nghiệm có kiểm soát tối đa là 3 năm và có thể được gia hạn 1 lần không quá 3 năm. Việc thử nghiệm có kiểm soát thực hiện dưới hình thức cho phép có thời hạn với các công nghệ, sản phẩm, dịch vụ, mô hình kinh doanh mà pháp luật chưa có quy định, chưa cho phép thực hiện hoặc cho phép có thời hạn và không áp dụng một số quy định của pháp luật trong phạm vi giới hạn thử nghiệm với công nghệ, sản phẩm, dịch vụ, mô hình kinh doanh đã có quy định nhưng không đủ cụ thể hoặc không còn phù hợp.

Kế hoạch giao Bộ Khoa học và Công nghệ chủ trì, giúp Chính phủ tổ chức xem xét, đánh giá kết quả, hiệu quả thực hiện các nội dung thử nghiệm có kiểm soát để quyết định theo thẩm quyền hoặc trình cấp có thẩm quyền quyết định ban hành mới, sửa đổi, bổ sung pháp luật về lĩnh vực và nội dung có liên quan làm cơ sở cho việc áp dụng chính thức công nghệ, sản phẩm, dịch vụ, mô hình kinh doanh đã được thử nghiệm.

Luật Thủ đô (sửa đổi) vừa được Quốc hội thông qua đã quy định cụ thể về thử nghiệm có kiểm soát. Theo đó, thử nghiệm có kiểm soát là việc thử nghiệm công nghệ, sản phẩm, dịch vụ hoặc mô hình kinh doanh mới có tính đổi mới sáng tạo trong điều kiện thực tế với phạm vi được giới hạn, dưới sự kiểm soát đặc biệt của cơ quan nhà nước có thẩm quyền trong một số lĩnh vực có khả năng mang lại giá trị, hiệu quả cao về kinh tế xã hội mà pháp luật chưa có quy định, chưa cho phép thực hiện hoặc quy định hiện hành của pháp luật không còn phù hợp với đặc điểm, tính năng mới của công nghệ, sản phẩm, dịch vụ hoặc mô hình kinh doanh được đề xuất thử nghiệm nhằm khuyến khích hoạt động đổi mới sáng tạo và làm cơ sở để cơ quan nhà nước xem xét, đánh giá các rủi ro có thể phát sinh trước khi quyết định đưa vào ứng dụng chính thức, qua đó xác định cơ chế quản lý, điều chỉnh phù hợp.

Thử nghiệm có kiểm soát có thể bị giới hạn về không gian địa lý triển khai thực hiện; về quy mô thử nghiệm; về đối tượng được tham gia sử dụng công nghệ, sản phẩm, dịch vụ, tham gia mô hình kinh doanh được thử nghiệm (người dùng); về số lượng người dùng hoặc các giới hạn cần thiết khác.

Theo quy định của luật, thời hạn thực hiện thử nghiệm có kiểm soát tối đa là 3 năm và có thể được gia hạn 1 lần không quá 3 năm.

Việc thử nghiệm có kiểm soát được thực hiện dưới hình thức cho phép có thời hạn đối với các công nghệ, sản phẩm, dịch vụ, mô hình kinh doanh mà pháp luật chưa có quy định, chưa cho phép thực hiện hoặc cho phép có thời hạn và không áp dụng một số quy định của pháp luật trong phạm vi giới hạn thử nghiệm đối với các công nghệ, sản phẩm, dịch vụ, mô hình kinh doanh đã có quy định của pháp luật nhưng không đủ cụ thể hoặc không còn phù hợp.

ĐIỀU KIỆN ĐỂ DOANH NGHIỆP ĐƯỢC PHÉP THỬ NGHIỆM CÓ KIỂM SOÁT

Tổ chức, doanh nghiệp được cho phép thử nghiệm có kiểm soát khi đáp ứng các điều kiện cụ thể. Thứ nhất, công nghệ, sản phẩm, dịch vụ hoặc mô hình kinh doanh được đề xuất thử nghiệm có tính đổi mới sáng tạo có phạm vi ứng dụng, triển khai trên địa bàn Thành phố, ưu tiên đối với công nghệ, sản phẩm, dịch vụ, mô hình kinh doanh triển khai trong phạm vi khu công nghệ cao, Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia, Trung tâm đổi mới sáng tạo của Thành phố;

Thứ hai, công nghệ, sản phẩm, dịch vụ hoặc mô hình kinh doanh được đề xuất thử nghiệm có triển vọng mang lại giá trị, hiệu quả cao về kinh tế xã hội, ưu tiên trong lĩnh vực công nghiệp công nghệ cao, lĩnh vực trọng điểm về khoa học và công nghệ của Thủ đô; không thuộc lĩnh vực quốc phòng, an ninh quốc gia, biến đổi, chỉnh sửa gen người; không xâm phạm an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội;

Thứ ba, tổ chức, doanh nghiệp đề xuất thử nghiệm có phương án thử nghiệm, trong đó có đánh giá về các lợi ích và rủi ro đối với bên tham gia thử nghiệm, người dùng, các bên liên quan khác, đối với an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, tính cạnh tranh của thị trường; cam kết trách nhiệm đối với sự an toàn của người dùng và bên có liên quan; các biện pháp kiểm soát rủi ro; cơ chế giải quyết khiếu nại của người dùng; phạm vi và các biện pháp bồi thường thiệt hại; đồng thời phải cung cấp thông tin, tài liệu chứng minh năng lực phù hợp với phương án thử nghiệm đã đề xuất;

Thứ tư, phạm vi giới hạn thử nghiệm được đề xuất phù hợp với năng lực kiểm soát của chính quyền Thành phố.

Việc cho phép và thực hiện thử nghiệm có kiểm soát phải tuân thủ các nguyên tắc bảo đảm bình đẳng giữa các tổ chức, doanh nghiệp trong việc đề xuất, đăng ký, tham gia và thực hiện các quyền, nghĩa vụ trong quá trình thử nghiệm;

Cùng với đó phải bảo đảm công khai, minh bạch trong quá trình thử nghiệm; người dùng phải được thông tin đầy đủ về tình trạng thử nghiệm, các rủi ro có thể phát sinh và các biện pháp bồi thường thiệt hại nếu có; có cơ chế tiếp nhận, đánh giá và xử lý công khai, kịp thời ý kiến phản hồi của tổ chức, doanh nghiệp thử nghiệm và người dùng trong quá trình thử nghiệm; Bảo đảm các yêu cầu quốc phòng, an ninh, trật tự, an toàn xã hội, quyền lợi của người dùng, lợi ích của xã hội trong quá trình thử nghiệm;

Tổ chức, doanh nghiệp thử nghiệm, cá nhân thực hiện thử nghiệm được miễn trách nhiệm dân sự đối với thiệt hại gây ra cho Nhà nước, được loại trừ trách nhiệm hành chính, trách nhiệm hình sự khi đã tuân thủ đúng và đầy đủ nội dung quy định trong quy chế thử nghiệm có kiểm soát và hướng dẫn của cơ quan nhà nước có thẩm quyền quy định, trừ trường hợp trong quá trình thử nghiệm đã biết hoặc buộc phải biết về nguy cơ rủi ro nhưng không kịp thời thông tin, báo cáo cơ quan nhà nước có thẩm quyền và không áp dụng đầy đủ biện pháp phù hợp để ngăn ngừa, hạn chế mức độ thiệt hại có thể xảy ra.

Tổ chức, doanh nghiệp thực hiện thử nghiệm có kiểm soát được phép không áp dụng một số quy định của pháp luật về tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật đối với công nghệ, sản phẩm, dịch vụ, về điều kiện kinh doanh, trình tự, thủ tục cấp phép, bảo đảm điều kiện kinh doanh và các quy định khác không phù hợp với đặc điểm, tính năng mới của công nghệ, sản phẩm, dịch vụ hoặc mô hình kinh doanh được đề xuất thử nghiệm.

HĐND Thành phố quyết định phạm vi miễn áp dụng các quy định của pháp luật với từng dự án thử nghiệm cụ thể phù hợp với yêu cầu, mục đích thử nghiệm theo đề nghị của UBND Thành phố trên cơ sở đánh giá về mức độ rủi ro và khả năng kiểm soát.

UBND Tp.Hà Nội quyết định, công bố danh mục lĩnh vực ưu tiên, khuyến khích đăng ký thực hiện thử nghiệm có kiểm soát. Cùng với đó cho phép thử nghiệm và ban hành quy chế thử nghiệm riêng cho từng công nghệ, sản phẩm, dịch vụ hoặc mô hình kinh doanh mới được cho phép thử nghiệm; điều chỉnh phạm vi thử nghiệm, gia hạn thử nghiệm, chấm dứt thử nghiệm.

Luật quy định UBND Thành phố hằng năm, báo cáo Chính phủ, HĐND Thành phố về tình hình và kết quả thực hiện các nội dung thử nghiệm có kiểm soát do mình cho phép. Báo cáo Chính phủ về kết quả của từng dự án thử nghiệm tại thời điểm kết thúc dự án hoặc khi có đủ khả năng để áp dụng chính thức, trong đó nêu rõ các lợi ích, rủi ro và yêu cầu quản lý đối với công nghệ, sản phẩm, dịch vụ, mô hình kinh doanh được thử nghiệm đã được làm rõ trong quá trình thử nghiệm; kiến nghị các giải pháp hoàn thiện pháp luật về lĩnh vực, nội dung liên quan.

Nhĩ Anh

Nguồn VnEconomy: https://vneconomy.vn/danh-gia-hieu-qua-thuc-hien-thu-nghiem-co-kiem-soat-cac-cong-nghe-mo-hinh-kinh-doanh-moi.htm
Zalo