Hoàn chỉnh cấu trúc, mô hình tổ chức không gian phát triển Thủ đô

Trước thềm Xuân mới Ất Tỵ 2025, Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Dương Đức Tuấn đã trao đổi cùng phóng viên Báo Hànôịmới về Điều chỉnh Quy hoạch chung Thủ đô, Quy hoạch Thủ đô vừa được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Theo đó, định hướng lớn trong hiện thực hóa các quy hoạch là hoàn chỉnh cấu trúc, mô hình tổ chức không gian phát triển của Thủ đô Hà Nội.

Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Dương Đức Tuấn kiểm tra tiến độ thi công Dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô Hà Nội đoạn qua huyện Hoài Đức. Ảnh: Hoàng Điệp

Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Dương Đức Tuấn kiểm tra tiến độ thi công Dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô Hà Nội đoạn qua huyện Hoài Đức. Ảnh: Hoàng Điệp

Tạo dư địa phát triển lớn nhất

- Điều chỉnh Quy hoạch chung Thủ đô Hà Nội đến năm 2045, tầm nhìn đến năm 2065 có sự kế thừa và điều chỉnh mô hình, cấu trúc, các định hướng của Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt năm 2011. Vậy, những nội dung điều chỉnh để phù hợp với điều kiện thực tế, bối cảnh phát triển mới và khắc phục tồn tại, bất cập của Quy hoạch chung trong quá trình triển khai giai đoạn vừa qua như thế nào, thưa đồng chí?

- Hà Nội đang đồng thời triển khai 2 quy hoạch cấp Thủ đô (Quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 và Điều chỉnh Quy hoạch chung Thủ đô Hà Nội đến năm 2045, tầm nhìn đến năm 2065), đồng bộ với Luật Thủ đô (sửa đổi) và thậm chí còn đồng thời cùng Chương trình phát triển đô thị và Quy chế quản lý kiến trúc của thành phố. Tất cả những nội dung này cho phép tạo ra công cụ quản lý về quy hoạch, kiến trúc đồng bộ và tạo tiền đề trong xây dựng, phát triển Thủ đô thời kỳ mới. Thủ đô xác định các mô hình phát triển tại thời điểm này càng đặc biệt ý nghĩa bởi Hà Nội phải vươn mình, kiến tạo cơ hội phát triển mới.

Những nội dung nổi bật của Điều chỉnh Quy hoạch chung Thủ đô đồng bộ với Quy hoạch Thủ đô lần này là tiếp tục kiểm soát không gian phát triển. Tỷ lệ phát triển 30% đô thị và 70% ngoài đô thị được điều chỉnh tương ứng 40% và 60%, cùng với kiểm soát cấu trúc chùm đô thị. Chùm đô thị gồm có đô thị trung tâm và phát triển các mô hình mới như thành phố trong Thủ đô.

Cụ thể, chúng ta kiến tạo thành phố phía Bắc trên cơ sở 3 huyện Mê Linh, Đông Anh và Sóc Sơn; kiến tạo, xác lập, phát triển thành phố phía Tây và khu vực đô thị vệ tinh Hòa Lạc - Xuân Mai kết nối thành khu vực quan trọng để phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo. Thành phố phía Tây cũng là tiền đề để Hà Nội phát triển bằng đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số. Còn thành phố phía Bắc được định hướng phát triển cân đối, hài hòa giữa khu vực Bắc và Nam sông Hồng.

Chúng ta phát triển 5 trục không gian rõ nét, trong đó trục không gian cảnh quan biểu tượng sông Hồng là trục cơ sở. Thành phố cũng phát triển các trục không gian từ hồ Tây tới Ba Vì cùng các trục để kết nối thành phố phía Tây đồng bộ với hệ thống đường sắt đô thị. Lần này, ngoài việc củng cố trục phía Bắc Nhật Tân - Nội Bài, để hướng tới phát triển khu vực thành phố phía Bắc, trong đó có Cảng hàng không quốc tế Nội Bài, chúng ta phát triển các trục văn hóa cảnh quan, như trục hồ Tây - sông Hồng - Cổ Loa. Điểm mới nữa là phát triển trục phía Nam kết nối với các tỉnh phía Nam Vùng Thủ đô, phát triển cảng hàng không thứ 2 ở khu vực huyện Ứng Hòa, Phú Xuyên, nơi dự kiến phát triển thành phố phía Nam.

- Như vậy, theo đồng chí, cấu trúc chùm đô thị của thành phố Hà Nội sẽ như thế nào?

- Chùm đô thị của thành phố Hà Nội gồm đô thị trung tâm có 3 thành phố dự kiến phát triển là phía Bắc, phía Tây, phía Nam. Còn phía Đông là khu vực Long Biên và huyện Gia Lâm cũng sẽ trở thành quận phát triển, là cửa ngõ phía Đông của thành phố. Đồng thời chúng ta cũng chuẩn hóa các khu vực của đô thị trung tâm và đô thị sinh thái, tạo nền tảng hạ tầng kỹ thuật đáp ứng đồng bộ hơn với hệ thống hạ tầng chung.

Về mạng lưới đường sắt đô thị cũng được phát triển 150%, từ 10 tuyến theo quy hoạch cũ lên 15 tuyến, gồm 14 tuyến và 1 đoạn tuyến. Thành phố phát triển đồng bộ cảng hàng không quốc tế phía Bắc, phía Nam. Các cảng hàng không quân sự sẽ trở thành lưỡng dụng như các sân bay Hòa Lạc, Gia Lâm.

Trên cơ sở này, với 40% diện tích đất phát triển cho đô thị và 60% ngoài đô thị, thành phố sẽ tổ chức vùng hành lang xanh, trong đó có những khu vực nông thôn là nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp đô thị. Thành phố Hà Nội là đô thị đặc biệt, vì vậy, nông thôn cũng nằm trong cấu trúc của đô thị đặc biệt.

Tổng hòa lại, chúng ta tạo ra rất nhiều khả năng phát triển không gian cũng như có đủ điều kiện để vừa kiểm soát, quản lý, vừa tạo động lực phát triển, đặc biệt là phát triển đô thị để hoàn chỉnh cấu trúc, mô hình tổ chức không gian của cả Thủ đô Hà Nội, tạo điều kiện cho Thủ đô có những dư địa phát triển lớn nhất, đáp ứng các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội trong thời kỳ mới.

Đô thị vệ tinh là cốt lõi của các thành phố nằm trong Thủ đô

- Đồng chí có thể cho biết, mô hình phát triển cấu trúc chùm đô thị theo Điều chỉnh Quy hoạch chung Thủ đô Hà Nội lần này sẽ được hoàn thiện cụ thể ra sao?

- Thực hiện 2 quy hoạch cấp Thủ đô, Hà Nội vẫn tổ chức không gian phát triển đô thị đồng bộ với nông thôn theo mô hình chùm đô thị, trong đó có một đô thị trung tâm giới hạn bởi Vành đai 4 và 5 đô thị vệ tinh bố trí ở phía Đông, Tây, Nam, Bắc của thành phố.

Chùm đô thị của Hà Nội cũng đồng bộ với chùm đô thị của Vùng Thủ đô. Theo đó có những đô thị có vai trò đóng góp như đô thị vệ tinh ở Sóc Sơn, Hòa Lạc, Xuân Mai, Phú Xuyên kết nối với các đô thị đối trọng của các thành phố trong vùng, kể cả Hòa Bình, Phú Thọ, Hà Nam, Hải Dương, Vĩnh Phúc, Bắc Ninh… Mô hình chùm đô thị này cũng đồng bộ với quy hoạch ngành quốc gia, đó là quy hoạch tổng thể hệ thống đô thị và nông thôn Việt Nam, trong đó có phần vùng Đồng bằng sông Hồng, vùng trung du phía Bắc và Vùng Thủ đô.

Mô hình chùm đô thị lần này hoàn chỉnh hơn so với đô thị vệ tinh mà chúng ta không có điều kiện phát triển trước đây. Theo đánh giá, quy mô các đô thị vệ tinh trước đây được xác định chưa tới tầm và khả năng phát triển hạ tầng kỹ thuật chưa đáp ứng. Do đó, lần này, thành phố sẽ củng cố hạ tầng kỹ thuật, kể cả hệ thống đường sắt đô thị, hệ thống cao tốc, hệ thống xuyên tâm và các khu vực kết nối mạng lưới về các đô thị vệ tinh.

- Vậy, cấu trúc đô thị vệ tinh sẽ như thế nào, thưa đồng chí?

- Các đô thị vệ tinh sẽ nâng cấp mô hình, cấu trúc theo dạng đô thị vệ tinh nằm trong cơ cấu của thành phố, thành phố nằm trong cơ cấu của Thủ đô. Ví dụ, đô thị vệ tinh Sóc Sơn nằm trong thành phố phía Bắc, đô thị vệ tinh Hòa Lạc, Xuân Mai nằm trong thành phố phía Tây, còn thành phố phía Nam có đô thị vệ tinh Phú Xuyên. Các đô thị vệ tinh này là cốt lõi, là hạt nhân của các "cơ thể" là các thành phố nằm trong Thủ đô. Cả cấu trúc mô hình chùm đô thị này lại được đặt trong mối quan hệ của đô thị trung tâm với các cấu trúc thành phố trong Thủ đô và các đô thị vệ tinh, sinh thái nằm trên nền tảng không xanh nông thôn rất đặc biệt.

- Liên quan đến 5 trục phát triển của thành phố, trục sông Hồng có ý nghĩa đặc biệt như thế nào với Thủ đô và những công việc tiếp theo để phát triển trục không gian này là gì?

- Trục sông Hồng được xác định là trục quan trọng, trục cơ sở, trục tạo lập các biểu tượng. Thành phố đã triển khai Quy hoạch phân khu đô thị sông Hồng với tổng chiều dài là 40km trong tổng thể 120km sông Hồng chảy qua địa phận Hà Nội. Phát triển trục sông Hồng lần này, chúng ta hoàn chỉnh một không gian của khu vực sông Hồng nằm trong đô thị trung tâm được mở rộng, tính từ góc độ kết nối trong phạm vi Vành đai 4, từ phía Bắc đến phía Nam.

Thành phố phát triển chuẩn hóa các điều kiện hạ tầng kỹ thuật cảnh quan. Thêm vào đó, việc khai thác các khu vực về quy hoạch phòng, chống lũ, bảo vệ đê điều giúp chúng ta phát triển được một tuyến tính đô thị mang tính chất đô thị sinh thái, các công trình biểu tượng sinh thái, trở thành không gian xanh vô cùng quan trọng nhằm xác lập môi trường văn hóa sinh thái, giao lưu cộng đồng lớn, kết nối các khu vực phát triển thành phố phía Bắc, đô thị Nam sông Hồng và các thành phố khác. Đồng thời, sông Hồng là trục giao thoa của các trục phát triển, nằm trong trọng tâm trung tâm và được kiện toàn mô hình phát triển mới.

Về kết nối hạ tầng, đối với quy hoạch cũ có 18 cây cầu vượt sông Hồng, chúng ta đã hoàn thiện 9 cầu. Hiện nay, theo điều chỉnh quy hoạch chung, thành phố triển khai thêm 9 cầu, nâng tổng số lên 27 cầu. Dự kiến vào cuối quý II, đầu quý III-2025, thành phố sẽ khởi công xây dựng đồng loạt 7 cây cầu theo quy hoạch cũ gồm cầu Hồng Hà, Mễ Sở, Thượng Cát, Ngọc Hồi, Tứ Liên, Trần Hưng Đạo và cầu Vân Phúc. Việc chuẩn bị đã làm từ trước, kể cả việc phối hợp với các tỉnh Hưng Yên, Vĩnh Phúc.

- Trân trọng cảm ơn đồng chí!

Bảo Hân

Nguồn Hà Nội Mới: https://hanoimoi.vn/hoan-chinh-cau-truc-mo-hinh-to-chuc-khong-gian-phat-trien-thu-do-691685.html
Zalo