Đánh giá đề tài khoa học về công tác dân vận trên địa bàn tỉnh Đồng Nai

Ngày 7-10, Phó bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Quản Minh Cường chủ trì Hội đồng Đánh giá giữa kỳ kết quả thực hiện đề tài khoa học cấp tỉnh công tác dân vận của hệ thống chính trị trên địa bàn tỉnh Đồng Nai - Thực trạng (2014-2024) và những vấn đề đặt ra trong tình hình mới (giai đoạn 2025-2030).

Phó bí thư Tỉnh ủy Quản Minh Cường chủ trì cuộc họp. Ảnh: Hạnh Dung

Phó bí thư Tỉnh ủy Quản Minh Cường chủ trì cuộc họp. Ảnh: Hạnh Dung

Sau khi nghe tiến sĩ Phạm Ngọc Lợi, Trưởng phòng Quản lý đào tạo, Học viện Cán bộ Thành phố Hồ Chí Minh, chủ nhiệm đề tài báo cáo kết quả nghiên cứu, các thành viên trong hội đồng đã có nhiều ý kiến phản biện nhằm hoàn thiện đề tài.

Trưởng ban Dân vận Tỉnh ủy Cao Tiến Dũng phát biểu góp ý đề tài. Ảnh: Hạnh Dung

Trưởng ban Dân vận Tỉnh ủy Cao Tiến Dũng phát biểu góp ý đề tài. Ảnh: Hạnh Dung

Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Trưởng ban Dân vận Tỉnh ủy Cao Tiến Dũng nhấn mạnh, đề tài này có ý nghĩa quan trọng nhằm phục vụ xây dựng văn kiện Đại hội Đảng bộ tỉnh Đồng Nai nhiệm kỳ tới. Do vậy, nhóm tác giả cần hoàn thiện sao cho khi những người làm công tác dân vận ở các cấp trên địa bàn tỉnh cầm trên tay đề tài này biết cần chỉ đạo, thực thi vấn đề gì. Đề tài cần xem xét lại tổ chức của hệ thống dân vận, đánh giá xem hệ thống có cần chỉnh sửa gì không để hoạt động cho hiệu quả.

Lãnh đạo Ban Dân vận Tỉnh ủy cũng chỉ ra một số vấn đề trọng tâm của tỉnh Đồng Nai trong thời gian tới. Đó là công tác bồi thường giải phóng mặt bằng; công tác chuyển đổi số; cơ hội hội nhập quốc tế của Đồng Nai khi sân bay, cảng biển đi vào hoạt động; thực hiện văn minh đô thị; thu hút sản xuất xanh, sạch; tình hình tôn giáo, công nhân… Như vậy, đề tài cần chỉ ra được trước những vấn đề trên, những người làm công tác dân vận phải làm gì, đưa thông tin gì, đưa như thế nào để tạo sự đồng thuận cao của người dân.

Tiến sĩ Phạm Ngọc Lợi báo cáo kết quả thực hiện đề tài. Ảnh: Hạnh Dung

Tiến sĩ Phạm Ngọc Lợi báo cáo kết quả thực hiện đề tài. Ảnh: Hạnh Dung

Phó bí thư Tỉnh ủy Quản Minh Cường đề nghị nhóm tác giả cần bám sát đặc trưng của Đồng Nai là tỉnh công nghiệp với hơn 1,2 triệu dân nhập cư, trong đó có 600 ngàn người làm việc trong các khu công nghiệp. Đặc biệt, Đồng Nai có đến 1,2 triệu giáo dân, 800 ngàn người theo các đạo khác.

Trong giai đoạn mới, tỉnh Đồng Nai triển khai nhiều công trình giao thông trọng điểm, chưa có tiền lệ. Vì thế, công tác dân vận đi trước rất quan trọng. Nhóm tác giả cần tập trung vào đặc điểm tình hình Đồng Nai để phân tích, lý giải, đưa ra những kiến nghị, đề xuất liên quan đến công tác dân vận phù hợp.

Đồng thời, chỉ rõ xem công tác dân vận trên địa bàn tỉnh có những hạn chế gì, nguyên nhân ra sao để có biện pháp khắc phục. Dân vận là nói dân nghe, làm dân tin, phục vụ lợi ích của người dân. Khi người dân hiểu được lợi ích của chính sách thì sẽ đồng thuận, cùng chung tay thực hiện các nhiệm vụ.

Phó bí thư Tỉnh ủy Quản Minh Cường lưu ý, đây là đề tài mang tính ứng dụng cao. Những đánh giá, kết quả thực hiện đề tài sẽ được áp dụng ngay vào thực tiễn. Những mô hình nào làm tốt cần được tuyên dương, nhân rộng. Các vấn đề phải xuất phát từ thực tế cơ sở, xem cơ sở có vấn đề gì khó khăn cần giải quyết hay không. Từ đó đưa ra các đề xuất, kiến nghị phù hợp. Nhóm tác giả cần cập nhật số liệu mới, chính xác, phối hợp chặt chẽ với Ban Dân vận Tỉnh ủy để sớm hoàn thiện đề tài.

Hạnh Dung

Nguồn Đồng Nai: https://baodongnai.com.vn/hoat-dong-cua-lanh-dao-tinh/202410/danh-gia-de-tai-khoa-hoc-ve-cong-tac-dan-van-tren-dia-ban-tinh-dong-nai-e3f4393/
Zalo