Đang thẩm định 35.911 hồ sơ mất việc, giảm giờ làm
Đó là khẳng định của ông Nguyễn Vinh Quang, Phó trưởng Ban Quan hệ lao động Tổng LĐLĐ Việt Nam, khi trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động liên quan chính sách hỗ trợ đoàn viên - lao động bị giảm giờ làm, mất việc
Phóng viên: Ngày 31-3 là thời hạn cuối cùng để đoàn viên, người lao động (NLĐ) giảm giờ làm, mất việc do doanh nghiệp (DN) bị cắt, giảm đơn hàng nộp hồ sơ đề nghị hưởng chính sách hỗ trợ theo Nghị quyết số 06/NQ-TLĐ và Quyết định số 6696/QĐ-TLĐ, ngày 16-1-2023, của Đoàn Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam. Đến thời điểm này, các cấp Công đoàn đã nhận bao nhiêu hồ sơ?
- Ông NGUYỄN VINH QUANG: Đồng hành cùng Chính phủ trong giai đoạn phục hồi kinh tế - xã hội sau đại dịch COVID-19, trước tình hình nhiều đoàn viên, NLĐ bị giảm giờ làm việc, chấm dứt hợp đồng lao động (HĐLĐ) do DN bị cắt, giảm đơn hàng, Tổng LĐLĐ Việt Nam đã ban hành Nghị quyết 06/NQ-ĐCT (ngày 16-1-2023) nhằm hỗ trợ cho đối tượng này.
Theo Quyết định 6696 (hướng dẫn thực hiện chính sách hỗ trợ theo Nghị quyết 06/NQ-ĐCT), NLĐ bị giảm giờ làm việc, ngừng việc; tạm hoãn thực hiện HĐLĐ, nghỉ việc không hưởng lương; chấm dứt HĐLĐ nhưng không đủ điều kiện hưởng trợ cấp thất nghiệp (TCTN) từ ngày 1-10-2022 đến hết ngày 31-3-2023 thì được hỗ trợ, với mức từ 700.000 đồng đến 3 triệu đồng/người, tùy đối tượng. Theo tổng hợp chưa đầy đủ của 26 LĐLĐ tỉnh, thành phố, Công đoàn ngành trung ương, đến hết tháng 3-2023, các cấp Công đoàn đã nhận 53.592 hồ sơ đề nghị hỗ trợ, với tổng số tiền đề nghị hỗ trợ là gần 80 tỉ đồng. Các cấp Công đoàn đã thẩm định, quyết định hỗ trợ cho 17.681 trường hợp đủ điều kiện với tổng số tiền hỗ trợ là 22,73 tỉ đồng. Số hồ sơ đang tiếp tục thẩm định là 35.911 hồ sơ với tổng số tiền dự kiến hỗ trợ là 56,397 tỉ đồng.
Một trong các điều kiện để NLĐ có thể thụ hưởng chính sách hỗ trợ là DN phải đóng kinh phí Công đoàn trước ngày 30-9-2022. Ông có thể giải thích rõ hơn?
- Các hoạt động chăm lo nói chung và đặc biệt là việc thực hiện hỗ trợ đoàn viên, NLĐ bị giảm giờ làm việc, chấm dứt HĐLĐ được chi từ nguồn tài chính Công đoàn và cụ thể ở đây là từ nguồn kinh phí Công đoàn do các DN đóng theo quy định của Luật Công đoàn. Do đó, trước mắt Tổng LĐLĐ Việt Nam tập trung hỗ trợ cho đoàn viên Công đoàn, NLĐ tại các DN có đóng kinh phí Công đoàn.
Nhiều DN giảm cả ngàn lao động nhưng không có phương án sử dụng lao động mà thỏa thuận với NLĐ và NLĐ tự nộp đơn nghỉ việc. Trong khi đó, để được hỗ trợ, NLĐ mất việc cần có thông báo hoặc thỏa thuận chấm dứt HĐLĐ; bản sao các văn bản, phương án, quyết định sắp xếp việc làm, sản xuất - kinh doanh của người sử dụng lao động dẫn đến chấm dứt HĐLĐ. Ông có thể nói rõ hơn về quy định này?
- Theo quy định của Tổng LĐLĐ Việt Nam thì đoàn viên, NLĐ làm việc theo HĐLĐ tại DN có đóng kinh phí Công đoàn trước ngày 30-9-2022 bị chấm dứt HĐLĐ do DN bị cắt, giảm đơn hàng sẽ được hỗ trợ nếu bảo đảm các điều kiện sau: Chấm dứt HĐLĐ trong thời gian từ ngày 1-10-2022 đến hết ngày 31-3-2023 (trừ trường hợp NLĐ đơn phương chấm dứt HĐLĐ trái pháp luật; bị xử lý kỷ luật sa thải; thỏa thuận nội dung thử việc ghi trong HĐLĐ mà thử việc không đạt yêu cầu hoặc một bên hủy bỏ thỏa thuận thử việc; hưởng lương hưu, trợ cấp mất sức lao động hằng tháng); không đủ điều kiện hưởng TCTN. Hồ sơ đề nghị hưởng của đoàn viên, NLĐ gồm các giấy tờ sau: Đề nghị hỗ trợ của đoàn viên, NLĐ; bản sao một trong các giấy tờ HĐLĐ đã hết hạn hoặc đã hoàn thành công việc theo HĐLĐ; quyết định thôi việc; thông báo hoặc thỏa thuận chấm dứt HĐLĐ; bản sao sổ BHXH hoặc xác nhận của cơ quan BHXH về việc tham gia BHXH bắt buộc và bảo hiểm thất nghiệp; bản sao các văn bản, phương án, quyết định sắp xếp việc làm, sản xuất kinh doanh của người sử dụng lao động dẫn đến chấm dứt HĐLĐ với đoàn viên, NLĐ (nếu có); một số giấy tờ khác trong trường hợp NLĐ không là đoàn viên Công đoàn và trường hợp đặc biệt khác. Đây là các giấy tờ tối thiểu chứng minh việc người sử dụng lao động và đoàn viên, NLĐ đã phát sinh và đã chấm dứt quan hệ lao động. Căn cứ vào các giấy tờ này các cấp Công đoàn mới có thể xác minh, thẩm định đúng đối tượng, đúng chính sách, đúng mức hỗ trợ mà đoàn viên, NLĐ được thụ hưởng. Việc này tương tự như các chính sách khác đã được thực hiện trên thực tế thời gian qua. Tổng LĐLĐ Việt Nam đã chỉ đạo các cấp Công đoàn hỗ trợ thu thập các hồ sơ mà đoàn viên, NLĐ cung cấp thiếu để tạo điều kiện thuận lợi nhất cho họ. Riêng đối với "bản sao các văn bản, phương án, quyết định sắp xếp việc làm, sản xuất - kinh doanh của người sử dụng lao động" được quy định rõ là "nếu có", nghĩa là không bắt buộc đoàn viên, NLĐ phải cung cấp. Và ở đây là "văn bản, phương án, quyết định sắp xếp việc làm, sản xuất - kinh doanh của người sử dụng lao động" chứ không phải là "phương án sử dụng lao động".
Tại TP HCM, rất nhiều NLĐ mất việc và không đủ điều kiện hưởng TCTN đã được nhận hỗ trợ. Ông có thể cho biết tại sao Tổng LĐLĐ Việt Nam lại tập trung hỗ trợ đối tượng này? Còn đối tượng NLĐ mất việc nhưng đủ điều kiện hưởng TCTN thì sao, thưa ông?
- Qua nắm bắt của chúng tôi, nhiều đoàn viên, NLĐ vừa gặp khó khăn khi bị mất việc làm, vừa khó khăn do không đủ điều kiện để nhận hỗ trợ từ chính sách BHTN (tìm kiếm việc làm, hỗ trợ học nghề, trợ cấp bằng tiền hằng tháng). Do đó, tổ chức Công đoàn tập trung hỗ trợ cho đối tượng này. Đây thực sự là những người hết sức khó khăn, rất cần được sự hỗ trợ từ nhiều phía. Thời gian tới, sau khi đánh giá việc triển khai thực hiện chính sách hỗ trợ này, Tổng LĐLĐ Việt Nam sẽ nghiên cứu chính sách hỗ trợ phù hợp đối với đối tượng mất việc nhưng đủ điều kiện hưởng TCTN mà Báo Người Lao Động đã đề cập. Tổng LĐLĐ Việt Nam luôn nỗ lực cao nhất để đại diện, chăm lo, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của đoàn viên và NLĐ phù hợp với điều kiện thực tiễn và nguồn lực của tổ chức Công đoàn.