Doanh nghiệp lạc quan trong năm mới

Dù hoạt động sản xuất - kinh doanh vẫn còn khó khăn, song nhiều tín hiệu cho thấy tình hình đang tốt dần lên và các doanh nghiệp địa phương cũng lạc quan hơn trong năm mới.

Đáng chú ý trong tháng cuối năm 2024, chỉ số tiêu thụ toàn ngành công nghiệp chế biến, chế tạo trên địa bàn Bình Thuận ghi nhận mức tăng gần 10% so tháng trước đó và tăng 11,65% so cùng kỳ. Một số ngành có chỉ số tiêu thụ tăng khá như: Sản xuất da và các sản phẩm có liên quan (tăng 55,13%), sản xuất giường tủ - bàn ghế (tăng hơn 22%), sản xuất đồ uống (tăng 8,24%), sản xuất giấy và sản phẩm từ giấy (tăng hơn 8%), sản xuất thuốc - hóa dược và dược liệu (tăng 6,4%), sản xuất trang phục (tăng 3,25%)… Cùng với đó, chỉ số tồn kho toàn ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tại địa phương trong tháng này ước giảm 0,23% so với tháng trước. Nhất là với các ngành sản xuất chế biến thực phẩm (giảm gần 32%), sản xuất đồ uống (giảm hơn 51%), sản xuất giấy và sản phẩm từ giấy (giảm 32,73%), sản xuất thuốc - hóa dược và dược liệu (giảm 30%)…

Hoạt động sản xuất - kinh doanh của doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh (Ảnh minh họa).

Hoạt động sản xuất - kinh doanh của doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh (Ảnh minh họa).

Khảo sát các doanh nghiệp thuộc ngành chế biến, chế tạo trong quý cuối năm vừa qua, Cục Thống kê Bình Thuận thông tin có 44,78% doanh nghiệp đánh giá sản xuất - kinh doanh tốt hơn quý trước. Bên cạnh đó có 22,39% số doanh nghiệp hoạt động trên lĩnh vực này đánh giá tình hình ổn định, trong khi 32,84% số doanh nghiệp cho rằng khó khăn hơn. Đặc biệt có 100% doanh nghiệp nhà nước đánh giá tình hình tốt lên, 60% doanh nghiệp vốn đầu tư nước ngoài (FDI) cảm nhận chiều hướng tốt lên và với doanh nghiệp ngoài quốc doanh là hơn 41%.

Đánh giá kết quả sản xuất - kinh doanh năm vừa qua, Ban Quản lý các Khu công nghiệp Bình Thuận cho biết doanh thu của doanh nghiệp nơi đây ước đạt 9.450 tỷ đồng (tăng 8,6%), đối với kim ngạch xuất khẩu đạt khoảng 250 triệu USD (tăng gần 60%). Trong đó nhóm doanh nghiệp sản xuất các mặt hàng như may mặc, túi xách, giấy dính cao cấp, cơ khí, hải sản, thực phẩm, nhân hạt điều… cho thấy có sự tăng trưởng ổn định, một số đơn vị còn tuyển thêm lao động để đáp ứng đơn hàng.

Bước sang năm mới 2025, các doanh nghiệp thuộc ngành chế biến, chế tạo kỳ vọng tình hình kinh tế thế giới nói chung và trong nước nói riêng sẽ phục hồi và tận dụng cơ hội để tăng tốc phát triển. Thế nên có 68,66% số doanh nghiệp dự kiến tình hình sản xuất - kinh doanh trong quý đầu năm nay so quý IV/2024 sẽ ổn định và tốt hơn (35,82% lạc quan với xu hướng tốt hơn và 32,84% đánh giá tình hình tiếp tục ổn định), còn lại 31,34% doanh nghiệp dự báo khó khăn hơn.

Với tinh thần và khí thế mới, năm nay Bình Thuận sẽ tập trung đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội, phấn đấu hướng tới đưa tăng trưởng GRDP (tổng sản phẩm nội tỉnh) lên hai con số. Theo đó tới đây, địa phương tiếp tục thực hiện có hiệu quả trong cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh cũng như quan tâm tháo gỡ kịp thời các khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp... Thông qua đó tạo thuận lợi để nhà đầu tư đẩy nhanh tiến độ triển khai các dự án để sớm đưa vào hoạt động, đồng thời góp phần duy trì ổn định tình hình sản xuất - kinh doanh của doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh.

Đ.QUỐC

Nguồn Bình Thuận: https://baobinhthuan.com.vn/doanh-nghiep-lac-quan-trong-nam-moi-127230.html
Zalo