Đằng sau việc Mỹ hối thúc Ukraine dừng tấn công cơ sở năng lượng của Nga

Mỹ hối thúc Ukraine dừng tấn công các cơ sở năng lượng của Nga, đồng thời cảnh báo các cuộc tấn công như vậy có nguy cơ đẩy giá dầu tăng cao và khiêu khích các hành động đáp trả, 3 nguồn tin có liên hệ với các cuộc thảo luận cho hay.

Những cảnh báo liên tục từ Washington đã được chuyển tới các quan chức cấp cao của Cơ quan An ninh Quốc gia Ukraine (SBU) và Cơ quan Tình báo Quân sự (GUR). Cả hai đơn vị tình báo này đã mở rộng các chương trình UAV nhằm tấn công các mục tiêu của Nga trên đất liền, trên biển và trên không kể từ khi xung đột nổ ra vào cuối tháng 2/2022.

Một nguồn tin cho biết, Nhà Trắng ngày càng thất vọng về các cuộc tấn công bằng máy bay không người lái của Ukraine nhằm vào các nhà máy lọc dầu, kho chứa và các cơ sở lưu trữ trên khắp miền Tây nước Nga, làm tổn hại đến năng lực sản xuất dầu của nước này.

Trên cùng bên trái: cuộc tấn công bằng máy bay không người lái của Ukraine nhằm vào một nhà máy lọc dầu ở Ryazan; cuộc tấn công cầu Kerch vào tháng 7 và video về cuộc tấn công bằng máy bay không người lái của Ukraine ở Crimea vào tháng 3 năm ngoái. Ảnh: FT

Trên cùng bên trái: cuộc tấn công bằng máy bay không người lái của Ukraine nhằm vào một nhà máy lọc dầu ở Ryazan; cuộc tấn công cầu Kerch vào tháng 7 và video về cuộc tấn công bằng máy bay không người lái của Ukraine ở Crimea vào tháng 3 năm ngoái. Ảnh: FT

Nga vẫn là một trong những nhà xuất khẩu năng lượng quan trọng nhất trên thế giới bất chấp lệnh trừng phạt của phương Tây nhằm vào ngành dầu mỏ và khí đốt. Giá dầu đã tăng 15% trong năm nay lên 85 USD/thùng, đẩy giá nhiên liệu tăng cao ngay khi Tổng thống Joe Biden bắt đầu chiến dịch tái tranh cử.

Washington cũng lo ngại nếu Ukraine tiếp tục tấn công các cơ sở của Nga, trong đó có nhiều cơ sở cách biên giới vài trăm km, Moscow có thể đáp trả bằng cách tấn công các cơ sở hạ tầng năng lượng mà phương Tây phụ thuộc vào, trong đó có đường ống CPC vận chuyển dầu từ Kazakhstan qua Nga tới thị trường toàn cầu. Các công ty phương Tây như ExxonMobil và Chevron đang sử dụng đường ống này, mặc dù Nga đã đóng cửa nó một thời gian ngắn vào 2022.

"Chúng tôi không khuyến khích hay tạo điều kiện cho các cuộc tấn công vào trong lãnh thổ của Nga", Người phát ngôn Hội đồng An ninh Quốc gia Mỹ nói.

Ukraine đã tăng cường các cuộc không kích trong những tuần gần đây khi chương trình UAV của nước này mở rộng và cuộc giao tranh trên bộ dịch chuyển theo hướng có lợi cho Moscow. Điều này cũng diễn ra giữa bối cảnh Kiev gia tăng bất mãn về cách tiếp cận mâu thuẫn của phương Tây nhằm hạn chế nguồn thu từ năng lượng của Moscow.

Có ít nhất 12 cuộc tấn công nhằm vào các nhà máy lọc dầu của Nga từ 2022 và ít nhất 9 vụ trong năm nay cùng một số vụ nhắm vào nhà ga, kho chứa và cơ sở lưu trữ, một quan chức tình báo quân sự ở Kiev cho hay.

Helima Croft, cựu chuyên gia thuộc CIA hiện làm việc tại RBC Capital Markets gần đây nhận định, Ukraine đã cho thấy nước này có thể tấn công hầu hết các cơ sở hạ tầng xuất khẩu dầu ở phía Tây của Nga, khiến khoảng 60% xuất khẩu dầu của nước này gặp rủi ro.

Sự phản đối của Mỹ cũng diễn ra khi Tổng thống Biden đối mặt với cuộc đua tái tranh cử khó khăn trong năm nay giữa bối cảnh giá xăng ngày càng tăng.

"Không có gì khiến một Tổng thống Mỹ đương nhiệm sợ hãi hơn việc giá cả tăng vọt trong năm bầu cử", Bob McNally - Chủ tịch công ty tham vấn Rapidan Energy, người từng là cựu cố vấn về năng lượng của Nhà Trắng đánh giá.

Ukraine đã tăng cường tấn công UAV khi công nghệ này dần cải tiến. Các quan chức Kiev cho biết đã phát triển được các UAV với tầm bắn hơn 1.000km và tải trọng có khả năng gây thiệt hại nghiêm trọng.

Ukraine đã tiến hành 2 cuộc tấn công UAV mở rộng và lớn nhất vào tuần trước nhằm vào 7 cơ sở năng lượng của Nga trong 2 ngày liên tiếp. Trong năm qua, các xuồng không người lái của Ukraine cũng tấn công các bến cảng của Nga, phá hủy một số tàu chiến của Moscow trên Biển Đen và tấn công cầu Crimea nối Nga với các vùng lãnh thổ ở Ukraine do nước này kiểm soát.

Mục tiêu của các chiến dịch đặc biệt này là cản trở nguồn cung nhiên liệu cho quân đội Nga và cắt giảm nguồn ngân sách cho những nỗ lực chiến đấu của Moscow, một quan chức Ukraine có liên quan đến việc lên kế hoạch và tiến hành các cuộc tấn công trên cho hay.

Kiev cũng muốn giáng một đòn mang tính biểu tượng bằng cách đưa xung đột đến gần Moscow, cũng như cho thấy các hệ thống phòng không của đối thủ có thể bị thâm nhập.

Chiến dịch trên không này cũng được một số quan chức coi là phương tiện để thúc đẩy Washington thông qua gói hỗ trợ quân sự trị giá 60 tỷ USD đang bị trì hoãn tại Quốc hội.

Kiều Anh/VOV.VN (biên dịch) Theo: Financial Times

Nguồn VOV: https://vov.vn/the-gioi/quan-sat/dang-sau-viec-my-hoi-thuc-ukraine-dung-tan-cong-co-so-nang-luong-cua-nga-post1084269.vov
Zalo