Doanh nghiệp công nghệ Trung Quốc không lo lắng về đợt trừng phạt mới của Mỹ

Các doanh nghiệp công nghệ Trung Quốc vừa bị Mỹ thêm vào danh sách đen thương mại đều tỏ ra tự tin có thể đứng vững trước những tác động của các lệnh trừng phạt mới nhất của Washington.

Cuộc chiến bán dẫn Mỹ - Trung Quốc bị lo ngại có thể kìm hãm tốc độ phát triển công nghệ toàn cầu. Ảnh: HL

Cuộc chiến bán dẫn Mỹ - Trung Quốc bị lo ngại có thể kìm hãm tốc độ phát triển công nghệ toàn cầu. Ảnh: HL

Ngày 4-12, truyền thông Trung Quốc dẫn thông báo của nhà phát triển công cụ thiết kế chip Empyrean Technology có trụ sở tại Bắc Kinh nhận định, tình hình "nhìn chung có thể kiểm soát được". Cổ phiếu của công ty niêm yết tại Thâm Quyến đã tăng 3%, bất chấp Empyrean Technology là 1 trong 140 tổ chức Trung Quốc vừa bị Mỹ trừng phạt.

Theo Empyrean Technology, các công nghệ cốt lõi mà công ty sử dụng trong phần mềm của mình đến từ "bằng sáng chế và công nghệ của riêng mình thông qua tự phát triển" nên họ có toàn quyền đối với các công nghệ này và đảm bảo tính độc lập của hoạt động.

Empyrean, tự tin vào sự hậu thuẫn của China Electronics (thuộc sở hữu nhà nước) và Quỹ đầu tư công nghiệp mạch tích hợp quốc gia, tiếp tục theo đuổi mục tiêu trở thành công ty hàng đầu thế giới về phần mềm tự động hóa thiết kế điện tử vào năm 2030. Đây sẽ là thách thức lớn, trong bối cảnh thị trường này hiện đang bị chi phối bởi các công ty Mỹ như Cadence, Synopsis và Siemens EDA.

Về phần mình, nhà sản xuất thiết bị chip Skyverse Technology tuyên bố không thấy bất kỳ "tác động đáng kể" nào từ động thái mới của Mỹ. Nguyên nhân nằm ở việc họ đã chuẩn bị cho những cú sốc bên ngoài trong suốt 5 năm qua. Hiện nay, Skyverse Technology tự tin có thể sản xuất các thành phần chính ngay tại địa phương và bán cho thị trường nội địa.

Tình hình tương tự cũng được ghi nhận ở nhiều doanh nghiệp công nghệ Trung Quốc khác bị Mỹ đưa vào danh sách đen lần này. Theo giới chuyên môn, việc các doanh nghiệp này có thể tự tin trước các đợt trừng phạt là nhờ vào chính sách định hướng từ sớm của Bắc Kinh.

Cụ thể, ngay khi Mỹ lần đầu tìm cách hạn chế các doanh nghiệp Trung Quốc tiếp cận công nghệ tiên tiến, Bắc Kinh đã công bố một loạt những chính sách mới nhằm thúc đẩy ngành công nghiệp chất bán dẫn nội địa, đồng thời dốc thêm nguồn lực tài chính vào ngành công nghiệp bán dẫn. Giữa năm 2024, Trung Quốc mở thêm quỹ đầu tư công nghiệp mạch tích hợp quốc gia giai đoạn III với khoảng 47 tỷ USD dành cho ngành sản xuất chip, trong đó tập trung hỗ trợ các nhà sản xuất thiết bị sản xuất chip trong nước, chứ không giống như các vòng trước tập trung vào sản xuất chất bán dẫn.

Huawei là một trong những doanh nghiệp công nghệ Trung Quốc đầu tiên bị Mỹ nhắm tới từ cách đây 5 năm. Ảnh: Huawei

Huawei là một trong những doanh nghiệp công nghệ Trung Quốc đầu tiên bị Mỹ nhắm tới từ cách đây 5 năm. Ảnh: Huawei

Trong diễn biến liên quan, Bộ Thương mại Trung Quốc cũng vừa công bố thêm các biện pháp kiểm soát xuất khẩu mặt hàng lưỡng dụng sang Mỹ. Theo truyền thông nước này ngày 4-12, đây là động thái nhằm đáp trả lệnh trừng phạt mới của Washington lên ngành bán dẫn của Bắc Kinh.

“Để bảo vệ lợi ích an ninh quốc gia và thực hiện các nghĩa vụ quốc tế như không phổ biến vũ khí hạt nhân, Trung Quốc đã quyết định tăng cường kiểm soát xuất khẩu các mặt hàng có mục đích lưỡng dụng sang Mỹ” - Bộ Thương mại Trung Quốc cho biết, đồng thời nhấn mạnh rằng bất kỳ tổ chức hoặc cá nhân nào ở bất kỳ quốc gia hoặc khu vực nào bị phát hiện vi phạm các quy định có liên quan sẽ phải chịu trách nhiệm theo pháp luật.

Theo quyết định mới, các biện pháp bao gồm lệnh cấm xuất khẩu các mặt hàng lưỡng dụng cho quân đội Mỹ hoặc cho mục đích quân sự, bên cạnh việc siết chặt các quy định về xuất khẩu các vật liệu như gallium, germanium, antimony, vật liệu siêu cứng và các sản phẩm liên quan than chì.

Tại cuộc họp báo thường kỳ vừa diễn ra tại Thủ đô Bắc Kinh, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Lâm Kiếm nêu rõ, Bắc Kinh phản đối việc Mỹ một lần nữa tăng cường các biện pháp kiểm soát xuất khẩu chất bán dẫn để trừng phạt các công ty Trung Quốc, và cố tình kìm hãm tiến trình công nghệ của Trung Quốc.

Nguyễn Thúc Hoàng Linh

Nguồn Hà Nội Mới: https://hanoimoi.vn/doanh-nghiep-cong-nghe-trung-quoc-khong-lo-lang-ve-dot-trung-phat-moi-cua-my-686422.html
Zalo