Đằng sau trận chiến vào đại học của học sinh Hàn Quốc

Để vào được trường đại học danh giá, học sinh Hàn Quốc cày ngày cày đêm và phải đánh đổi bằng tuổi thơ, sức khỏe tinh thần và các mối quan hệ.

 Nửa đêm, học sinh Hàn Quốc vẫn miệt mài ôn thi đại học. Ảnh: SCMP.

Nửa đêm, học sinh Hàn Quốc vẫn miệt mài ôn thi đại học. Ảnh: SCMP.

Nửa đêm, một học sinh trung học ở Seoul vẫn cắm mặt vào cuốn sách giáo khoa. Em mệt mỏi nhưng lòng đầy quyết tâm vì đang chuẩn bị cho thứ mà người Hàn Quốc gọi là "khoảnh khắc quyết định cuộc đời" - kỳ thi tuyển sinh đại học CSAT, hay còn gọi là Suneung.

Chỉ tổ chức một lần mỗi năm, kỳ thi này quyết định cánh cửa vào đại học đối với học sinh Hàn Quốc, vạch ra con đường sự nghiệp, thu nhập và toàn bộ quỹ đạo tương lai của các em, theo Japan Times.

Ám ảnh với bằng cấp

Suneung không chỉ là một bài thi đánh giá học thuật, mà còn là một "nghi thức" xã hội khiến cả nước phải huy động lực lượng để hỗ trợ các thí sinh.

Vào ngày thi, các công ty sắp xếp lại lịch làm việc, công trường giữ im lặng và thậm chí máy bay thương mại cũng hạn chế hoạt động - tất cả để tạo điều kiện tối ưu cho học sinh.

Ở Hàn Quốc, chủ nghĩa bằng cấp là điều được coi trọng, nhất là ở các tập đoàn lớn, thống lĩnh thị trường như Samsung, Hyundai. Từ lâu, những công ty này vẫn liên tục tuyển dụng nhân sự tốt nghiệp từ các đại học ưu tú và kể từ cuộc khủng hoảng tài chính châu Á năm 1997, giá trị của các tấm bằng giáo dục ngày càng tăng.

Thực tế cũng cho thấy điều tương tự. Ước tính, những sinh viên mới ra trường trúng tuyển vào các tập đoàn lớn thường kiếm được mức lương khởi điểm cao gấp 1,52 lần so với những người cùng khóa làm việc tại công ty nhỏ hơn. Trong khi ở Nhật Bản, sự chênh lệch chỉ ở mức 1,13.

Chênh lệch về mức lương vừa là lý do, vừa là hậu quả của việc theo đuổi học tập không ngừng nghỉ. Điều này gây ra tác động ngày càng nghiêm trọng, không chỉ ảnh hưởng đến thế hệ lao động tương lai mà còn với tuổi thơ của họ.

Theo một khảo sát năm 2023 của tổ chức phi lợi nhuận ChildFund Korea, phần lớn trẻ em và thanh, thiếu niên Hàn Quốc, cụ thể là 87%, nói rằng các em không hạnh phúc. Nguyên nhân chủ yếu là thiếu ngủ, dành quá nhiều thời gian cho việc học.

Korea Times cũng từng báo cáo rằng tỷ lệ tự tử của học sinh nước này lên đến 214 người vào năm 2023, mức cao nhất từng được ghi nhận và cao gấp đôi so với 8 năm trước đó.

Trong số những vấn đề về sức khỏe tâm thần khiến trẻ tìm đến cái chết, áp lực học tập chính là nguyên nhân chính.

Bà Ok Jiwon, thành viên của văn phòng Chính sách dân số, nói rằng Hàn Quốc là quốc gia "không trao cơ hội thứ hai". Chính điều này gây áp lực rất lớn lên giới trẻ.

Kỳ thi tuyển sinh đại học cũng là một phần "nền tảng" của hệ thống phân cấp này. Trong đó, việc theo học tại những cơ sở hàng đầu - bao gồm Đại học Quốc gia Seoul, Đại học Hàn Quốc và Đại học Yonsei - trở thành tiêu chuẩn về triển vọng nghề nghiệp, thậm chí là tiêu chí để kết hôn và có được chỗ đứng trong xã hội.

 Vào đại học là cuộc chiến không ngừng nghỉ ở Hàn Quốc vì tấm bằng quyết định tương lai, công danh sự nghiệp của người trẻ. Ảnh: New York Times.

Vào đại học là cuộc chiến không ngừng nghỉ ở Hàn Quốc vì tấm bằng quyết định tương lai, công danh sự nghiệp của người trẻ. Ảnh: New York Times.

Nhiều người đã từ bỏ

Đặc quyền nhờ việc nghiệp từ một cơ sở giáo dục ưu tú không phải chỉ riêng Hàn Quốc mới có. Nhưng ở đây, những cuộc cạnh tranh giành suất học đã trở thành canh bạc có mức cược rất cao. Các gia đình sẵn sàng chi đến 4 triệu won (tương đương 2.700 USD) mỗi tháng để con học thêm tại các trung tâm luyện thi - nơi có gần 80% học sinh Hàn Quốc theo học.

Chính áp lực này tạo ra một thế hệ mới gọi là "thế hệ N-po", trong đó, N tượng trưng cho số vô hạn và "po" bắt nguồn từ một thuật ngữ trong tiếng Hàn, có nghĩa là từ bỏ.

Thế hệ N-po từ bỏ khát vọng hôn nhân, con cái, mua nhà và thậm chí là các mối quan hệ lãng mạn. Họ coi những trải nghiệm sống cơ bản này là điều không thể đạt được nếu con đường học tập, công danh không hoàn hảo.

Sự ám ảnh về thành tích cũng khiến người trẻ Hàn Quốc phân loại người khác dựa trên học vấn, ngoại hình, sự giàu có, nơi làm việc... Thay vì nhìn nhận người khác dựa theo giá trị nội tại, họ lại coi người khác như những bản lý lịch biết đi.

Sự ám ảnh bằng cấp còn được thể hiện ở việc nhiều người Hàn Quốc sẵn sàng thi lại đại học thay vì chuyển trường. Họ muốn xóa trường cũ ra khỏi hồ sơ cá nhân để tránh bị ảnh hưởng đến sự nghiệp sau này.

Trong cuốn Excessive Capitalism: The Agony of an ‘Infinitely Competitive Society, tác giả Kim Kyung-chu từng nói rằng một nghịch lý ở quốc gia này là những sáng kiến giảm áp lực học tập của trẻ phần lớn đều phản tác dụng, thậm chí còn khiến chủ nghĩa bằng cấp ngày càng nặng nề.

Ví dụ, chính phủ cấm các trường luyện thi hoạt động sau 22h, phụ huynh lách luật bằng cách chuyển con đến các trung tâm thể thao vì không nằm trong phạm vi hạn chế. Bởi vì bằng cấp là con đường duy nhất để đảm bảo việc làm, cha mẹ không thể làm ngơ trước việc học của con.

Do không có đủ thời gian để tham gia hoạt động xã hội và xây dựng các mối quan hệ, tỷ lệ bạo lực học đường và tự tử ở học sinh nước này ngày càng tăng. Tỷ lệ sinh theo đó cũng giảm xuống mức thấp nhất thế giới - 0,72 vào năm 2023.

Khi tỷ lệ sinh giảm mạnh và sức khỏe tâm thần của những người trẻ tuổi xấu đi, "nồi áp suất" mang tên tấm bằng học thuật không chỉ gây nguy hiểm cho các cá nhân mà còn ảnh hưởng đến tương lai quốc gia.

Giải pháp cho vấn đề hiện tại chính là chuyển đổi quan niệm xã hội, từ xã hội "không trao cơ hội thứ hai" biến thành xã hội tôn vinh những con đường đa dạng và trao cơ hội thứ hai, thứ ba cho mọi người - nhất là những người đánh mất bản thân trên đường đua thành tích.

Cho đến khi những giải pháp này được hiện thực hóa, học sinh ở Hàn Quốc vẫn phải trắng đêm học bài. Các em vẫn cắm mặt vào sách vở, liều mạng học hành vì biết rằng nếu bây giờ không học, bản thân sẽ không có cơ hội làm lại.

Thái An

Nguồn Znews: https://lifestyle.znews.vn/dang-sau-tran-chien-vao-dai-hoc-cua-hoc-sinh-han-quoc-post1541852.html
Zalo