Chuẩn bị kỹ lưỡng để khảo sát chính thức chu kỳ PISA 2025

Việt Nam tiếp tục tham gia PISA chu kỳ 2025 với hình thức trên máy tính ở phạm vi toàn quốc

Đoàn khảo sát PISA tại TPHCM.

Đoàn khảo sát PISA tại TPHCM.

Việt Nam hoàn thành khảo sát PISA chu kỳ 2022

PISA là một chương trình được thực hiện trên phạm vi quốc tế nhằm đánh giá kết quả học tập của học sinh tuổi 15-16 đang học trong các trường phổ thông.

Tham gia PISA với khởi điểm chỉ số GDP thấp nhất, điều kiện kinh tế-xã hội còn nhiều khó khăn so với các quốc gia/vùng lãnh thổ, Việt Nam đã hoàn thành chu kỳ đánh giá 2012, 2015, 2018.

PISA chu kỳ 2022 của Việt Nam được triển khai trong điều kiện dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, ảnh hưởng đến quá trình dạy và học tại các trường: chuyển từ hình thức học trực tiếp sang học trực tuyến; khá nhiều học sinh tự học thông qua các bài giảng được ghi âm/ghi hình sẵn hoặc các tài liệu kỹ thuật số; mức độ quan tâm và giúp đỡ của gia đình khi học sinh tự học ở nhà và học trực tuyến cùng giáo viên không được thường xuyên…

Đối tượng học sinh tham gia khảo sát PISA chu kỳ 2022 là các học sinh đang học theo Chương trình Giáo dục phổ thông 2006. Đây là chương trình được thiết kế chủ yếu tập trung việc cung cấp kiến thức và kỹ năng cơ bản (đề khảo sát PISA được thiết kế theo hướng đánh giá năng lực học sinh, yêu cầu học sinh vận dụng kiến thức và kỹ năng của mình để giải quyết các vấn đề trong thực tế).

Việt Nam tiếp tục tổ chức khảo sát trên giấy (từ chu kỳ 2018, OECD luôn khuyến nghị Việt Nam chuyển sang khảo sát trên máy tính để thống nhất với nhiều quốc gia khác, học sinh được tiếp cận bộ công cụ có những câu hỏi tốt và nội dung đa dạng hơn, cập nhật thường xuyên). Đồng thời, sự tập trung tham gia của một số học sinh chưa thực sự cao do nhận thức đây là một kỳ khảo sát (không phải kiểm tra, thi trong quá trình học tập).

Thực hiện chỉ đạo của Bộ Giáo dục và Đào tạo (GDĐT), Cục Quản lý chất lượng (QLCL) cùng 61 Sở GDĐT (có cơ sở giáo dục được chọn mẫu) đã triển khai tốt các nhiệm vụ chính của PISA chu kỳ 2022.

Tháng 6.2020, Việt Nam hoàn thành khảo sát thử nghiệm tại 29 cơ sở giáo dục thuộc 10 tỉnh, thành phố với 29 hiệu trưởng và 1.021 học sinh tham gia.

 Học sinh Trường THPT Mạc Đĩnh Chi -TPHCM

Học sinh Trường THPT Mạc Đĩnh Chi -TPHCM

Tháng 4.2022, Việt Nam hoàn thành khảo sát chính thức tại 180 cơ sở giáo dục thuộc 61 tỉnh, thành phố với 180 hiệu trưởng/giám đốc và 6.137 học sinh tham gia (mẫu khảo sát do chuyên gia OECD chọn ngẫu nhiên từ 61 tỉnh/thành phố trực thuộc Trung ương, bảo đảm ngẫu nhiên, đa dạng trường, đa dạng về học lực của học sinh gồm học sinh giỏi, trung bình, yếu ….).

Toàn bộ quy trình kỹ thuật được thực hiện đúng, đủ theo OECD quy định và đảm bảo tính bảo mật nghiêm ngặt, phản ánh kết quả khách quan nhất. Quá trình mã hóa (chấm bài), nhập và kết nối dữ liệu và gửi cho OECD được thực hiện tuân thủ theo quy trình kỹ thuật của OECD và từng bước được OECD thông qua, kiểm duyệt lần lượt qua các Điểm đánh giá (OERS).

Tháng 7.2022, Việt Nam đã nộp dữ liệu cho OECD và tham gia quá trình trao đổi, trả lời chất vấn và đàm phán về dữ liệu theo quy trình.

Học sinh thực hiện khảo sát gồm 2 phiên: phiên kiểm tra nhận thức (cuốn đề thi) thời gian làm bài 120 phút và phiên tiếp theo trả lời phiếu hỏi khoảng 35 phút; Hiệu trưởng trả lời phiếu hỏi tại trường cùng ngày học sinh thực hiện khảo sát.

Quá trình tổ chức triển khai được thực hiện đúng, đủ và tuân thủ quy trình kỹ thuật của Tổ chức OECD quy định; đảm bảo tính bảo mật nghiêm ngặt, phản ánh kết quả khách quan, tin cậy và khoa học. Ban Điều hành đã chủ động khắc phục khó khăn, làm việc khoa học, thận trọng; tổ chức họp chuyên đề những nội dung phức tạp, còn nhiều vướng mắc để có sự thống nhất chung của từng thành viên; kịp thời báo cáo và xin ý kiến chỉ đạo của Thứ trưởng để từ đó Thứ trưởng chỉ đạo, tháo gỡ.

Chuẩn bị kỹ lưỡng, chu đáo để tiếp tục tham gia PISA chu kỳ 2025

Với ba mục tiêu của Việt Nam khi tham gia PISA qua các chu kỳ, cần đánh giá những kết quả đã đạt được, mức độ và tác động đối với giáo dục Việt Nam trong quá trình tham gia PISA.

Quá trình tổ chức triển khai đánh giá diện rộng quốc gia cần thiết phản ánh đúng bản chất, đảm bảo tính khách quan, trung thực, đúng quy trình kỹ thuật; từ đó hoạch định được các chính sách, đề xuất giải pháp và giải quyết được các vấn đề mang tính hệ thống, toàn diện, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục.

Bên cạnh một số nội dung đã được triển khai, như tọa đàm, tập huấn nâng cao năng lực, Việt Nam cần tăng cường hơn nữa các hoạt động của PISA để có được những kết quả như mong muốn, góp phần nâng cao hiểu biết của nhà trường, gia đình và xã hội về PISA. Đồng thời, tăng cường công tác phối hợp với các cục, vụ và đơn vị liên quan trong triển khai Chương trình, phân công nhiệm vụ cụ thể, chi tiết.

Việt Nam tiếp tục tham gia PISA chu kỳ 2025 với hình thức trên máy tính ở phạm vi toàn quốc. Để chuẩn bị cho chương trình này, công tác chuẩn bị tại địa phương cũng như trung ương sẽ được rà soát thật kỹ lưỡng, chu đáo.

Mục tiêu của Việt Nam khi tham gia PISA:

Tích cực hội nhập quốc tế về giáo dục; so sánh "mặt bằng" giáo dục quốc gia với giáo dục quốc tế thông qua một chương trình đánh giá uy tín;

Được OECD đưa ra kết quả phân tích và đánh giá về chính sách giáo dục quốc gia và đề xuất những thay đổi về chính sách giáo dục quốc gia;

Góp phần đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo; học tập quốc tế về đánh giá chất lượng giáo dục, nhất là đổi mới về kỹ thuật và phương pháp đánh giá, đưa ra cách tiếp cận mới về dạy-học, kiểm tra, thi và đánh giá.

Văn Đức

Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/chuan-bi-ky-luong-de-khao-sat-chinh-thuc-chu-ky-pisa-2025-post725892.html
Zalo