Đằng sau quyết định gia nhập BRICS của nước thành viên NATO
Kinhteodothi - Giới chuyên gia nhận định, mong muốn trở thành thành viên của BRICS là một phần của chiến lược ngoại giao của Thổ Nhĩ Kỳ nhằm tăng cường quan hệ với nhiều đối tác trong một thế giới đa cực.
Nỗ lực tìm mối quan hệ cân bằng
Người phát ngôn của Đảng Công lý và Phát triển cầm quyền của Thổ Nhĩ Kỳ Omer Celik hôm 3/9 đã xác nhận ý định gia nhập BRICS nhưng cho biết vẫn chưa có hành động cụ thể nào được thực hiện. Nga - nước đang giữ chức Chủ tịch BCICS năm 2024, nói rằng liên minh này sẽ xem xét đơn xin gia nhập chính thức của Thổ Nhĩ Kỳ.
Nỗ lực mới nhất của Thổ Nhĩ Kỳ nhằm gia nhập BRICS đã khiến các nước phương Tây phải "nhíu mày". Bài viết trên tờ France24 bình luận, động thái mới nhất của một thành viên thuộc Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) đã làm nổi bật những thay đổi địa chiến lược trong thời điểm căng thẳng quốc tế gia tăng.
Nhà phân tích Asli Aydintasbas của Viện Brookings có trụ sở tại Washington (Mỹ) nhận định: "Đây chắc chắn là điều mà cộng đồng xuyên Đại Tây Dương nên quan tâm. Theo đó, Thổ Nhĩ Kỳ đang tìm kiếm các giải pháp thay thế. Ankara không muốn rời khỏi tư cách thành viên NATO, cũng như tham vọng hội nhập với châu Âu. Tuy nhiên, nước này muốn đa dạng hóa các liên minh của mình. Họ không còn coi tư cách thành viên NATO là bản sắc duy nhất, định hướng chính sách đối ngoại duy nhất của mình nữa.
Chuyên gia chính trị Guenther Maihold tại Viện Các vấn đề Quốc tế và An ninh Đức nói với hãng tin Tass rằng Thổ Nhĩ Kỳ mong muốn tăng cường sức ảnh hưởng lớn hơn không chỉ tại khu vực mà còn trên chính trường toàn cầu bằng cách gia nhập BRICS.
Theo chuyên gia Maihold, BRICS được giới chức Thổ Nhĩ Kỳ đánh giá là một nền tảng quan trọng để thúc đẩy sự đoàn kết của các quốc gia đang phát triển.
Trong khi đó, cựu Đại sứ Pháp tại Syria Michel Duclos và là cố vấn đặc biệt của Viện Institut Montaigne có trụ sở tại Paris nhận định, việc một thành viên NATO mong muốn trở thành thành viên BRICS có thể là điều chưa từng có, nhưng không vi phạm các quy tắc của liên minh quân sự do Mỹ đứng đầu.
BRICS, gồm các nước sáng lập là Brazil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc và Nam Phi, là một nhóm các nền kinh tế mới nổi lớn nhất thế giới. Từ đầu năm nay, BRICS đã mở rộng với sự tham gia của Iran, Ả Rập Saudi, Các Tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất (UAE), Ethiopia và Ai Cập. Các thành viên mới có thể hưởng lợi từ nguồn tài chính thuộc ngân hàng phát triển của BRICS và mở rộng quan hệ chính trị, thương mại.
Đối với Thổ Nhĩ Kỳ, gia nhập BRICS có thể là một cơ hội để cải thiện hợp tác kinh tế với Nga và Trung Quốc, đồng thời tạo điều kiện trở thành cầu nối thương mại giữa EU và châu Á.
Nhiều quốc gia Trung Đông sẽ nối gót Thổ Nhĩ Kỳ
Phát biểu với Tass hôm 6/9, chuyên gia Han Jianwei tại Viện Nghiên cứu Trung Đông thuộc Đại học Nghiên cứu Quốc tế Thượng Hải cho biết, việc Thổ Nhĩ Kỳ nộp đơn xin gia nhập BRICS sẽ khuyến khích thêm nhiều quốc gia khác ở Trung Đông tham gia liên minh này.
"Quyết định mới nhất của Ankara sau khi Ả Rập Saudi, UAE, Iran chính thức trở thành thành thành viên BRICS chắc chắn sẽ thúc đẩy những nỗ lực tương tự của các quốc gia Trung Đông khác. Điều này cũng sẽ giúp tăng cường quan hệ hợp tác kinh tế và hội nhập tại khu vực" - chuyên gia Han Jianwei tin tưởng.
Theo ông Han Jianwei, nỗ lực gia nhập BRICS của Thổ Nhĩ Kỳ là nhằm nâng cao vị thế chính trị của nước này trên trường quốc tế, đặc biệt là trong hàng loạt lĩnh vực trọng yếu như an ninh, chiến lược kinh tế và chính trị toàn cầu.
"Việc trở thành thành viên BRICS sẽ đem lại lợi ích cho quan hệ hợp tác của Thổ Nhĩ Kỳ với Trung Quốc và Nga – hai thành viên chủ chốt của BRICS, cũng như nền kinh tế của các nước đang phát triển khác. Điều này sẽ giúp củng cố vị thế của Thổ Nhĩ Kỳ như một trung tâm thương mại, năng lượng và hậu cần giữa phương Đông và phương Tây. Bên cạnh đó, gia nhập BRICS cũng là một giải pháp thay thế cho Thổ Nhĩ Kỳ sau nhiều nỗ lực gia nhập Liên minh châu Âu bị từ chối" – chuyên gia Han Jianwei lưu ý thêm.
Đồng thời, vị chuyên gia này cho rằng việc Thổ Nhĩ Kỳ gia nhập BRICS sẽ không ảnh hưởng đến mối quan hệ với các nước phương Tây.
Khả năng kết nạp ứng cử viên Thổ Nhĩ Kỳ dự kiến sẽ được thảo luận tại Hội nghị thượng đỉnh BRICS ở Kazan của Nga, vào tháng 10 tới. Tờ Haberturk dẫn nguồn tin từ Phủ Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ cho biết, Tổng thống Recep Tayyip Erdogan sẽ tham dự sự kiện quan trọng này của BRICS, diễn ra từ ngày 22-24/10.