Đảng Cộng sản Việt Nam, những cột mốc đáng ghi nhớ (Kỳ 2)
Ngày 11/11/1945, Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Đông Dương ra Thông cáo 'Tự ý giải tán'. Đây là sách lược để Đảng rút vào hoạt động bí mật, tiếp tục lãnh đạo cách mạng. Để công khai tuyên truyền chủ nghĩa Mác-Lênin và đường lối, chính sách của Đảng, Đảng lập ra Hội Nghiên cứu chủ nghĩa Mác ở Đông Dương.
Kỳ 2: Đảng lãnh đạo chống xâm lược, thống nhất đất nước và xây dựng đất nước trong hòa bình
Mười sáu năm sau Đại hội lần thứ nhất của Đảng năm 1935, từ ngày 11 đến 19/2/1951, tại xã Vinh Quang, Chiêm Hóa, Tuyên Quang, Đảng Cộng sản Việt Nam (lúc này với tên gọi Đảng Cộng sản Đông Dương) tổ chức Đại hội lần thứ II. Đây là lần đầu tiên, Đảng tổ chức đại hội trong nước. Đại hội đã thông qua nhiều nội dung quan trọng, trong đó có nội dung: Báo cáo hoàn thành giải phóng dân tộc, phát triển dân chủ nhân dân, tiến tới chủ nghĩa xã hội (Chính cương Đảng Lao động Việt Nam). Từ Chính cương vắn tắt, Sách lược vắn tắt đến Cương lĩnh tháng 10/1930 thì đây là bản Cương lĩnh thứ 3 của Đảng. Tại Đại hội này, Chủ tịch Hồ Chí Minh được bầu làm Chủ tịch Đảng và đồng chí Trường Chinh được bầu làm Tổng Bí thư.
Kể từ năm 1951 đến khi qua đời năm 1969, Chủ tịch Hồ Chí Minh nắm giữ cương vị lãnh đạo cao nhất của Đảng - Chủ tịch Đảng 18 năm và 24 năm là người đứng đầu Nhà nước. Đồng chí Trường Chinh được bầu là Tổng Bí thư của Đảng. Đại hội cũng quyết định tách Đảng Cộng sản Đông Dương để thành lập ở mỗi nước Đông Dương một Đảng Mác-Lênin riêng. Ở Việt Nam, Đại hội đưa Đảng ra hoạt động công khai tên tên gọi là Đảng Lao động Việt Nam. Tháng 5/1954, Nhân dân Việt Nam dưới sự lãnh đạo của Đảng làm nên chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”.
Tháng 9/1960, Đảng Cộng sản Việt Nam (lúc này với tên gọi là Đảng Lao động Việt Nam) tổ chức Đại hội lần thứ III. Đại hội đề ra nhiệm vụ chính yếu của cách mạng hai miền Nam Bắc. Chủ tịch Hồ Chí Minh tiếp tục được bầu làm Chủ tịch Đảng, đồng chí Lê Duẩn được bầu là Bí thư thứ nhất (cho tới Đại hội IV, năm 1976 lại gọi là Tổng Bí thư). 30/4/1975, dưới sự lãnh đạo của Đảng, đất nước thống nhất.
Từ ngày 14 đến 20/12/1976, tại Hà Nội, Đảng Cộng sản Việt Nam (lúc này với tên gọi là Đảng Lao động Việt Nam) tổ chức Đại hội lần thứ IV. Đây là Đại hội sau khi hai miền Nam Bắc thống nhất. Đại hội đổi tên Đảng thành Đảng Cộng sản Việt Nam (như tên gọi của buổi đầu thành lập). Đại hội còn bổ sung Điều lệ Đảng, thay chức danh Bí thư thứ nhất là Tổng Bí thư, bỏ chức danh Chủ tịch Đảng (như vậy, Chủ tịch Hồ Chí Minh là người duy nhất giữ chức vụ Chủ tịch Đảng). Đồng chí Lê Duẩn được bầu là người đứng đầu Đảng với chức danh là Tổng Bí thư. Từ ngày 27 đến 31/3/1982, tại Hà Nội, Đảng Cộng sản Việt Nam tổ chức Đại hội lần thứ V. Đồng chí Lê Duẩn được bầu lại giữ chức vụ Tổng Bí thư.
Từ ngày 15 đến ngày 18/12/1986, tại Hà Nội diễn ra Đại hội lần thứ VI của Đảng. Thời điểm này, tháng 7/1986 đến khi Đại hội, đồng chí Trường Chinh được bầu giữ chức Tổng Bí thư của Đảng sau khi đồng chí Lê Duẩn từ trần). Đại hội đã bầu đồng chí Nguyễn Văn Linh, Bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh làm Tổng Bí thư của Đảng. Đây là đại hội mở đầu cho công cuộc đổi mới đất nước. Từ ngày 24 đến 27/12/1991, Đảng Cộng sản Việt Nam tổ chức Đại hội lần thứ VII. Tổng Bí thư được bầu là đồng chí Đỗ Mười. Đại hội đã thông qua Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên Chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam. Cương lĩnh đã xác định 5 đặc trưng của Chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam.
Từ ngày 28/6 đến ngày 1/7/1996, tại Hà Nội diễn ra Đại hội lần thứ VIII của Đảng. Đồng chí Đỗ Mười được bầu lại làm Tổng Bí thư (sau đó, tại Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương lần thứ 4 khóa VIII - tháng 12/1997, đồng chí Lê Khả Phiêu đã được bầu làm Tổng Bí thư).
Đại hội lần thứ IX của Đảng diễn ra từ ngày 19 đến 22/4/2001 tại Hà Nội. Đồng chí Nông Đức Mạnh được bầu làm Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng. Đại hội lần thứ X của Đảng diễn ra từ ngày 18 đến 25/4/2006, đồng chí Nông Đức Mạnh được bầu lại làm Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng. Đại hội Đại biểu Toàn quốc lần thứ XI diễn ra từ ngày 12 đến 19/01/2011 tại Hà Nội, đồng chí Nguyễn Phú Trọng được bầu làm Tổng Bí thư. Đại hội đã thông qua Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên Chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam (bổ sung, phát triển). Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XII diễn ra từ 20 đến 28/01/2016, đồng chí Nguyễn Phú Trọng được bầu lại làm Tổng Bí thư của Đảng.
Ngày 23/10/2018, đồng chí Nguyễn Phú Trọng được Quốc hội bầu giữ chức Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Như vậy, sau Chủ tịch Hồ Chí Minh, đồng chí Nguyễn Phú Trọng là người thứ 2 vừa đảm nhiệm cương vị người đứng đầu Đảng, vừa đảm nhiệm cương vị là nguyên thủ quốc gia.
Ngày 25/01/2021, Đảng Cộng sản Việt Nam tổ chức Đại hội lần thứ XIII của Đảng, tại Đại hội này, đồng chí Nguyễn Phú Trọng đã được bầu lại làm Tổng Bí thư của Đảng. Đại hội đã đề ra tầm nhìn và khát vọng phồn vinh dân tộc.
Sau khi Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng qua đời, sáng 3/8/2024, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII đã bầu đồng chí Tô Lâm làm Tổng Bí thư của Đảng.
95 năm qua, Đảng Cộng sản Việt Nam luôn gắn bó, đồng hành cùng dân tộc. Chỉ còn đúng 1 năm nữa, tháng 1/2026, Đảng Cộng sản Việt Nam sẽ tổ chức Đại hội lần thứ XIV, đây sẽ là đại hội của thời khắc lịch sử đặc biệt bởi đại hội sẽ vạch ra đường lối để đưa Việt Nam phát triển, tiến bước vào kỷ nguyên mới - kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam sánh vai với các cường quốc năm châu như mong ước lúc sinh thời của Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại.