Dân làng Kgiang giữ 'lửa' nghề truyền thống
Chính sự tâm huyết giữ “lửa” nghề của họ đã giúp cho những nét văn hóa truyền thống của ngôi làng dưới chân núi Lơng Khơng luôn được bảo tồn, phát triển.
Sau hơn 2 giờ chạy xe từ TP. Pleiku, chúng tôi có mặt tại làng Kgiang. Như đã hẹn trước, ông Đinh Văn Nghiên-Bí thư Chi bộ làng Kgiang đứng đợi ở nhà rông để đưa chúng tôi đến gặp những người đan lát giỏi và dệt thổ cẩm đẹp.
Vừa đi, ông Nghiên vừa kể: Làng có 174 hộ, trong đó, người Bahnar chiếm hơn 90%. Làng có 3 cá nhân được Chủ tịch nước phong tặng danh hiệu nghệ nhân ưu tú vào năm 2022. Trong đó, ông Đinh Bi (SN 1954) là nghệ nhân đan lát, bà Đinh Thị Lăm (SN 1962), Đinh Thị Hiền (SN 1965) là nghệ nhân dệt thổ cẩm. Ngoài ra, làng vẫn còn rất nhiều người dệt thổ cẩm và đan lát giỏi.
Dừng chân tại nhà của bà Đinh Thị Hà (SN 1970), chúng tôi khá ngạc nhiên khi nhiều phụ nữ ngồi quây quần cùng dệt thổ cẩm. Tại đây, bà Hà và nghệ nhân Đinh Thị Hiền tỉ mỉ hướng dẫn mọi người kỹ thuật dệt thổ cẩm. Thấy chúng tôi đến, nghệ nhân Đinh Thị Hiền dừng tay rồi vui vẻ trò chuyện.
“Từ khi 15 tuổi, hầu hết phụ nữ trong làng đã được các bà, các mẹ truyền dạy cách dệt thổ cẩm truyền thống. Đặc biệt, khi xong công việc nương rẫy, chị em phụ nữ thường tập trung lại để hướng dẫn cho nhau. Hiện trong làng có hơn 100 phụ nữ biết dệt thổ cẩm”-nghệ nhân Đinh Thị Hiền cho hay.
Cũng theo nghệ nhân Đinh Thị Hiền: Người dân làng Kgiang tự trồng bông, quay sợi và lên núi lấy cây rừng về làm chất liệu nhuộm màu. Vì thế, các sản phẩm của bà con làm ra khi đưa đi trưng bày hoặc tham gia các hội chợ được nhiều người ưa chuộng. Trong đó, nhiều sản phẩm bán được 3-4 triệu đồng.
Ngồi bên cạnh, bà Hà phấn khởi cho biết thêm: Được mẹ chỉ dạy, năm 18 tuổi, bà đã biết dệt các sản phẩm thổ cẩm đơn giản. Nhờ thường xuyên học hỏi từ những phụ nữ lớn tuổi trong làng nên bà đã dệt được nhiều hoa văn khó.
“Khi vững tay nghề, tôi tự tin truyền đạt lại kỹ thuật dệt cho các cháu gái trong làng. Sản phẩm do tôi dệt cũng được chọn để tham gia trưng bày tại các sự kiện văn hóa và giới thiệu tại các hội chợ. Vì thế, nhiều người biết đến và đặt mua sản phẩm thổ cẩm do tôi dệt. Vừa qua, tôi đạt giải nhì tại Hội thi nghề đan lát và dệt thổ cẩm huyện Kbang năm 2024”-bà Hà chia sẻ.
Cùng với nhiều chị em phụ nữ tâm huyết gìn giữ nghề dệt thì những người đàn ông lớn tuổi ở làng Kgiang cũng tích cực gìn giữ và truyền dạy nghề đan lát cho thế hệ trẻ. Năm nay đã hơn 70 tuổi, nhưng ngày nào nghệ nhân Đinh Bi cũng ngồi bên hiên nhà cặm cụi đan những chiếc gùi, rổ, rá và bình hoa phục vụ nhu cầu sinh hoạt của gia đình và bán cho người dân hoặc khách du lịch.
Cẩn thận vót từng chiếc nan, nghệ nhân Đinh Bi cho biết: Từ nhỏ, ông thường xuyên đến nhà của những người đàn ông lớn tuổi trong làng để học cách đan gùi. Mỗi chiếc gùi thường có 3 phần gồm: đế, thân gùi và dây đeo. Nguyên liệu để làm nên chiếc gùi đơn giản là cây lồ ô và mây.
Tuy nhiên, để tạo ra chiếc gùi có hoa văn thì phải có thêm cây htiêng vì toàn thân cây này có màu đen nên sẽ cho những chiếc nan màu đen tự nhiên. Như vậy, khi đan lên thân gùi sẽ tạo ra được các hoa văn độc đáo.
“Những năm gần đây, các sản phẩm đan lát của tôi đã được đưa đi trưng bày tại nhiều sự kiện văn hóa của địa phương và nhận được nhiều lời khen của du khách gần xa. Năm 2022, tôi được Chủ tịch nước phong tặng danh hiệu Nghệ nhân Ưu tú. Mới đây, sản phẩm bình hoa của tôi đã đạt giải nhất tại Hội thi nghề đan lát và dệt thổ cẩm huyện Kbang năm 2024”-nghệ nhân Đinh Bi phấn khởi nói.
Cách đó không xa, ông Đinh Ring (SN 1959) đang tỉ mỉ hướng dẫn cho một số người dân trong làng cách đan gùi hoa văn. Ông cho biết: “Gùi hoa văn rất khó đan. Muốn có chiếc gùi đẹp, người đan cần phải đặt hết tâm huyết vào đó mới có thể hoàn thành. Do đó, ngoài sự nhiệt tình, tôi còn động viên mọi người phải kiên trì, chịu khó”.
Là người thường xuyên về làng động viên bà con gìn giữ các nét đẹp truyền thống của dân tộc, chị Trần Thị Bích Ngọc-Công chức Văn hóa-Xã hội xã Kông Lơng Khơng-khẳng định: Nhiều năm qua, người Bahnar trên địa bàn xã vẫn duy trì nhiều nét đặc sắc về văn hóa truyền thống của dân tộc, đặc biệt là đan lát, dệt thổ cẩm và trình diễn cồng chiêng.
Cũng theo chị Ngọc, những năm qua, UBND xã Kông Lơng Khơng thường xuyên tổ chức các chương trình giao lưu, các hội thi về đan lát, dệt thổ cẩm để tạo sân chơi cho người dân.
Ngoài ra, xã cũng thường xuyên đưa các sản phẩm truyền thống của người dân tham gia các sự kiện văn hóa, hội thi, hội chợ để giới thiệu và tìm kiếm đầu ra cho sản phẩm. Từ đó, các sản phẩm truyền thống của người Bahnar trên địa bàn xã được nhiều người biết đến và đánh giá cao.
Đặc biệt, sản phẩm khăn quàng cổ Brưng của bà Đinh Thị Hái (làng Kgiang) đã được công nhận sản phẩm Ocop 3 sao cấp huyện. Ngoài ra, 7 cá nhân của làng đạt giải cao tại Hội thi nghề đan lát và dệt thổ cẩm huyện Kbang năm 2024.
Ngoài gìn giữ các giá trị văn hóa đặc sắc của dân tộc, người dân ở làng Kgiang cũng tích cực phát triển kinh tế, gìn giữ an ninh trật tự và đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư. Vì thế, nhiều năm liền, Kgiang được công nhận làng văn hóa”.