Dân ca vang vọng khắp miền quê
Xuân về, tại các di tích và không gian lễ hội trên địa bàn tỉnh, những làn điệu chèo, quan họ, hát văn, hát then - đàn tính lại vang lên rộn ràng cuốn hút người dân địa phương và du khách gần xa.
Rộn ràng chiếu chèo, canh hát quan họ
Trong ngày khai mạc Tuần Văn hóa - Du lịch (VHDL) và lễ hội xuân Tây Yên Tử năm 2025, một trong những điểm thu hút người dân địa phương và du khách là sân khấu biểu diễn hát chèo và trình diễn di sản văn hóa phi vật thể tại Khu du lịch tâm linh - sinh thái Tây Yên Tử (Sơn Động). Khán giả thích thú thưởng thức các trích đoạn chèo cổ như: Thị Mầu lên chùa, Lý trưởng - mẹ Đốp, Đứa con cầu tự… cùng nhiều tiết mục quan họ, ca trù, hát then và diễn xướng hầu đồng đặc sắc do các nghệ sĩ của Nhà hát Chèo Bắc Giang thể hiện. Từ người già đến thanh niên đứng quanh sân khấu cổ vũ nhiệt tình sau câu hát ngọt ngào của các nghệ sĩ, kèm theo là những tiếng cười sảng khoái với mỗi lời đối đáp hài hước của nhân vật trong trích đoạn chèo.
![Một tiết mục hát then - đàn tính biểu diễn tại lễ khai mạc Tuần VHDL và lễ hội xuân Tây Yên Tử 2025. Ảnh: ĐỖ QUYÊN.](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w500_r1/2025_02_14_409_51475693/ab18f3dcc19228cc7183.jpg)
Một tiết mục hát then - đàn tính biểu diễn tại lễ khai mạc Tuần VHDL và lễ hội xuân Tây Yên Tử 2025. Ảnh: ĐỖ QUYÊN.
Bà Vi Thị Uyên, 44 tuổi ở tổ dân phố Thống Nhất, thị trấn Tây Yên Tử (Sơn Động) hồ hởi: “Lần đầu tiên tôi được xem trực tiếp chương trình nghệ thuật truyền thống đặc sắc ngay tại ngày hội quê mình. Được đứng gần các nghệ sĩ nổi tiếng và nghe họ hát, diễn rất hay khiến tôi thêm yêu thích những làn điệu dân ca”. Sau khi dứt lời, bà Uyên hào hứng cất giọng hát điệu chèo vừa nghe: “Đào Liễu có một mình. Em đi đâu hỡi cô nàng ơi. Đào Liễu có một mình. Ấy kìa hai vai đang còn gánh nặng. Mà để nhật trình, nhật trình đường xa”…
Trong các ngày diễn ra Tuần VHDL năm nay, Nhà hát Chèo Bắc Giang tổ chức nhiều buổi biểu diễn miễn phí phục vụ nhân dân, du khách tại Khu du lịch tâm linh - sinh thái Tây Yên Tử, chùa Vĩnh Nghiêm (TP Bắc Giang), Khu du lịch sinh thái Suối Mỡ (Lục Nam) và một số địa phương trong tỉnh. Trực tiếp chỉ đạo nghệ thuật chương trình, Nghệ sĩ Nhân dân Tạ Quang Lẫm, Giám đốc Nhà hát Chèo Bắc Giang chia sẻ: “Xuân này, Nhà hát tổ chức hàng chục buổi biểu diễn chèo và trình diễn các di sản quan họ, ca trù, hát then, diễn xướng hầu đồng phục vụ nhân dân và du khách. Đây là những loại hình nghệ thuật đã được UNESCO vinh danh là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại cần bảo vệ khẩn cấp. Qua hoạt động này, chúng tôi mong muốn góp phần lan tỏa giá trị văn hóa truyền thống, tiêu biểu, đặc sắc của quê hương Bắc Giang tới du khách gần xa”.
Những ngày trẩy hội xuân, chúng tôi được chứng kiến sắc màu văn hóa đa dạng với những chương trình, tiết mục nghệ thuật truyền thống đặc sắc. Theo những làn điệu quan họ mượt mà, tình tứ, chúng tôi tìm về dự các hội làng ở TX Việt Yên. Bên mái đình, chùa cổ kính, những canh hát quan họ trên sân khấu, hồ sen tạo ấn tượng với nhân dân, du khách. Tại hội chùa thôn Yên Sơn, xã Nghĩa Trung, những liền anh, liền chị xúng xính trong áo the, khăn xếp, áo tứ thân xuống thuyền hát quan họ. Điều thú vị là không chỉ nghệ sĩ, hạt nhân văn nghệ tại địa phương biểu diễn mà nhiều khán giả cũng nhiệt tình giao lưu với những bài “Vào chùa”, “Mời nước mời chầu” đầy ngọt ngào khiến hội xuân thêm rộn ràng.
Bà Dương Thị Hoài Thu, Phó Giám đốc Trung tâm Văn hóa, Thông tin và Thể thao TX Việt Yên cho biết: "Dịp này tất cả các chương trình nghệ thuật tại lễ hội làng, xã đều biểu diễn quan họ. Đây không chỉ là dịp để người dân nơi đây thỏa niềm đam mê với làn điệu độc đáo này mà còn muốn giới thiệu, lan tỏa “đặc sản” văn hóa quê mình tới du khách thập phương".
Hòa mình vào không gian văn hóa đậm sắc màu
Đến thăm Bắc Giang vào mùa xuân, du khách được hòa mình vào một “kho tàng” văn hóa với gần 800 lễ hội được tổ chức. Không gian lễ hội ở tỉnh không chỉ là nơi lưu giữ, thực hành các nghi lễ truyền thống mà còn là “miền đất sống” của nhiều loại hình di sản văn hóa phi vật thể đặc sắc đã được UNESCO vinh danh như dân ca quan họ, ca trù, tín ngưỡng thờ mẫu Tam phủ của người Việt và thực hành then của người Tày, Nùng, Thái ở Việt Nam. Mới đây, nghệ thuật chèo Bắc Giang được đưa vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia thêm khẳng định giá trị văn hóa đặc sắc của loại hình này.
![Biểu diễn quan họ tại lễ hội kỷ niệm 598 Chiến thắng Xương Giang (TP Bắc Giang).](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w500_r1/2025_02_14_409_51475693/3b9a625e5010b94ee001.jpg)
Biểu diễn quan họ tại lễ hội kỷ niệm 598 Chiến thắng Xương Giang (TP Bắc Giang).
Góp phần lan tỏa di sản văn hóa trong cộng đồng, dịp này Nghệ nhân Ưu tú Nguyễn Văn Thêm (SN 1950) ở tổ dân phố 3, phường Nham Biền (TP Bắc Giang) tổ chức nhiều buổi biểu diễn chèo miễn phí tại các lễ hội trong và ngoài vùng. Sinh ra và lớn lên tại xã Tư Mại, nơi có truyền thống hát chèo, từ nhỏ ông đã được truyền dạy những làn điệu chèo cổ. Từ 20 năm trước, với mong muốn bảo tồn, phát huy giá trị di sản, ông Thêm đến khắp các miền quê trong huyện Yên Dũng (cũ) gặp gỡ, động viên những người có giọng hát hay, tay đàn giỏi tham gia Câu lạc bộ (CLB) Chèo.
Đến thăm Bắc Giang vào mùa xuân, du khách được hòa mình vào một “kho tàng” văn hóa với gần 800 lễ hội được tổ chức. Không gian lễ hội ở tỉnh không chỉ là nơi lưu giữ, thực hành các nghi lễ truyền thống mà còn là “miền đất sống” của nhiều loại hình di sản văn hóa phi vật thể đặc sắc đã được UNESCO vinh danh như dân ca quan họ, ca trù, tín ngưỡng thờ mẫu Tam phủ của người Việt và thực hành then của người Tày, Nùng, Thái ở Việt Nam.
CLB do ông Thêm làm Chủ nhiệm thu hút khoảng 30 thành viên sinh hoạt đều đặn vào ngày cuối tuần. Ngoài khôi phục những điệu chèo truyền thống, ông Thêm dành nhiều thời gian tìm hiểu, sưu tầm tư liệu, nắm bắt các nhiệm vụ chính trị, KT-XH của huyện để sáng tác bài hát, viết kịch bản và dàn dựng hoạt cảnh chèo để hội viên CLB biểu diễn. Khi đất trời vào xuân, các nghệ sĩ không chuyên lại gác lại những bận rộn của cuộc sống chuẩn bị những tiết mục đặc sắc, mang lời ca biểu diễn mừng Đảng, mừng xuân đến cho người dân địa phương món ăn tinh thần quý giá.
Nếu như những làn điệu dân ca quan họ, chèo, ca trù, tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ với nghi lễ hát văn, hầu đồng được thực hành trong không gian của những ngôi đình, chùa, đền ở vùng xuôi Bắc Giang thì những làn điệu dân ca dân tộc thiểu số lại được âm vang bên những dải núi, đồi bốn mùa ngát hương hoa trái trong ngày hội xuân. Bản sắc văn hóa tốt đẹp của đồng bào các dân tộc thiểu số tỉnh Bắc Giang còn được thể hiện thông qua các loại hình dân ca truyền thống, trong đó, dân ca Sán Chí, xã Kiên Lao (TX Chũ) và dân ca Cao Lan, xã Đèo Gia (huyện Lục Ngạn) đã được đưa vào danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.
Ông Vũ Văn Thùy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND huyện Lục Ngạn cho biết: "Hội hát Sloong hao và phiên chợ Xuân vùng cao huyện Lục Ngạn được tổ chức vào mùa xuân hằng năm nhằm duy trì, bảo tồn, phát triển và giới thiệu, quảng bá rộng rãi những nét đẹp văn hóa truyền thống giàu bản sắc của đồng bào các dân tộc thiểu số trong huyện, tiến tới xây dựng các sản phẩm du lịch văn hóa đặc trưng của địa phương. Những làn điệu sloong hao dặt dìu giao duyên; những câu hát đối đáp, hát sli lượn của những bạn hữu gần xa để giao lưu kết tình thân ái, chia sẻ những kinh nghiệm trong cuộc sống, lao động sản xuất và gửi gắm hẹn ước tình yêu lứa đôi, tình yêu cuộc sống".
Để có được những sân khấu, canh hát quan họ, chiếu chèo ngày xuân là nhờ sự quan tâm định hướng, hỗ trợ của các cấp chính quyền, ngành chức năng trong tỉnh. Theo ông Nguyễn Sĩ Cầm, Phó Giám đốc Sở VHTTDL, thời gian qua, Sở đã phối hợp các địa phương chỉ đạo đơn vị liên quan đẩy mạnh tuyên truyền về giá trị của các di sản văn hóa phi vật thể; tham mưu UBND, HĐND tỉnh ban hành cơ chế, chính sách để bảo tồn, phát huy giá trị di sản. Đồng thời hỗ trợ, khôi phục mở các lớp truyền dạy, bồi dưỡng cho các hạt nhân tại CLB chèo, quan họ, hát then - đàn tính…; đưa di sản vào các trường học trên địa bàn tỉnh. Cùng đó, thường xuyên tổ chức liên hoan, hội thi, hội diễn tạo “sân chơi” cho các CLB, hạt nhân văn nghệ, nâng cao đời sống văn hóa tinh thần của nhân dân; tạo sức lan tỏa đối với di sản trong đời sống cộng đồng.
Một trong những hoạt động nổi bật là chương trình biểu diễn nghệ thuật, trình diễn di sản trong lễ hội xuân. Năm nay tại Tuần VHDL tỉnh Bắc Giang diễn ra liên hoan “Thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt” và liên hoan nghệ thuật hát then, đàn tính và dân ca các dân tộc thiểu số tại Lục Nam, Sơn Động có sự tham gia của thanh đồng, nghệ nhân trong tỉnh và vùng lân cận giúp người dân Bắc Giang được thưởng thức, mở rộng tầm hiểu biết, kiến thức về những di sản độc đáo này.
Trẩy hội mùa xuân, nghe những câu hát dân ca ngọt ngào càng thấy trân trọng hơn những vốn quý văn hóa truyền thống mà bao nghệ nhân, nghệ sĩ đã dày công gìn giữ, tâm huyết trao truyền và thêm tự hào về không gian văn hóa đặc sắc của miền di sản Bắc Giang.