Đam Rông vượt khó xây dựng nông thôn mới (Bài 1)

Xuất phát điểm xây dựng nông thôn mới (NTM) của huyện Đam Rông vô cùng khiêm tốn. Huyện có nhiều xã đặc biệt khó khăn, số tiêu chí đạt NTM 'đếm chưa đủ đầu ngón tay'. Bên cạnh đó, sản xuất nông lâm nghiệp manh mún, nhỏ lẻ gây không ít khó khăn trong chuyển dịch cơ cấu cây trồng cũng như công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp và thương mại - dịch vụ còn nhiều hạn chế trong phát triển kinh tế - xã hội. Mặt khác, một bộ phận người dân còn nếp nghĩ trông chờ, ỷ lại, nhiều phong tục lạc hậu vẫn tồn tại khiến việc xây dựng NTM ở Đam Rông có thời điểm từng là 'ý tưởng xa vời'.

Bài 1: Ban hành nhiều chủ trương, chính sách kịp thời, phù hợp

Để tiếp tục hành trình xây dựng NTM, Ban Chấp hành Đảng bộ huyện Đam Rông đã ban hành Nghị quyết số 07-NQ/HU, ngày 06/5/2022 “Về xây dựng huyện Đam Rông đạt chuẩn NTM năm 2025. Trong đó, định hướng phát triển kinh tế huyện theo 3 tiểu vùng, nhằm tập trung phát triển kinh tế - xã hội. Đồng thời, nâng cao kỹ thuật, kỹ năng sản xuất của Nhân dân trên địa bàn; thúc đẩy phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập, từng bước thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ xây dựng huyện Đam Rông đạt chuẩn NTM năm 2025.

Trung tâm thị trấn Bằng Lăng, huyện Đam Rông

Trung tâm thị trấn Bằng Lăng, huyện Đam Rông

Trước khi Nghị quyết số 07-NQ/HU được ban hành, toàn huyện có 4/8 xã đạt chuẩn NTM, các xã còn lại đạt từ 15 - 17 tiêu chí NTM, huyện chỉ có 1/3 số trường trung học phổ thông đạt chuẩn Quốc gia; kết cấu hạ tầng nông thôn tuy được quan tâm đầu tư nhưng còn nhiều khó khăn, thiếu đồng bộ và chưa đạt các tiêu chí huyện NTM.

Bí thư Huyện ủy Đam Rông Nguyễn Văn Châu cho biết, để thực hiện Nghị quyết số 07-NQ/HU, Huyện ủy Đam Rông đã chỉ đạo các cơ quan, đơn vị nghiên cứu, học tập, quán triệt, tuyên truyền, tạo sự đồng thuận trong xây dựng, tổ chức thực hiện. Huyện ủy, UBND huyện cũng chỉ đạo ngành văn hóa đưa tin, tuyên truyền nội dung Nghị quyết số 07-NQ/HU trên hệ thống truyền thanh từ huyện đến xã về quan điểm, mục tiêu, nhiệm vụ xây dựng huyện Đam Rông đạt chuẩn NTM vào năm 2025 để cán bộ, công chức, viên chức, người lao động, các tầng lớp Nhân dân biết và tích cực thực hiện. Đồng thời, chỉ đạo UBND huyện đã ban hành kế hoạch triển khai thực hiện Nghị quyết số 07-NQ/HU trên địa bàn định kỳ hàng quý, 6 tháng, 9 tháng và hàng năm; Huyện ủy chỉ đạo UBND huyện tổ chức Hội nghị sơ kết đánh giá kết quả thực hiện và triển khai nhiệm vụ, nhằm thúc đẩy hoàn thành mục tiêu, nhiệm vụ đề ra.

Trên cơ sở chỉ đạo của Huyện ủy, UBND huyện; các ban, ngành, UBND các xã đã chủ động xây dựng kế hoạch, đề ra các nhiệm vụ, giải pháp, quyết tâm thực hiện với tinh thần trách nhiệm cao để thúc đẩy hoàn thành các mục tiêu, nhiệm vụ đề ra. Ngoài ra, chỉ đạo Ủy ban MTTQ Việt Nam và các đoàn thể từ huyện đến xã đã phát động phong trào thi đua với nhiều hình thức phong phú, đa dạng như: Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đời sống văn minh”; Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”; các phong trào thi đua, các cuộc vận động tiếp tục được đoàn viên, hội viên tích cực tham gia.

Xã Đạ R'sal đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu

Xã Đạ R'sal đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu

Đặc biệt, thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ IV, nhiệm kỳ 2020 - 2025 và nội dung Nghị quyết số 07-NQ/HU, Huyện ủy chỉ đạo UBND huyện, UBND các xã lập quy hoạch chung xây dựng NTM đến năm 2030 trình UBND huyện phê duyệt để triển khai thực hiện. Đến nay, có 8/8 xã đã hoàn thành quy hoạch chung xây dựng NTM, đang lập quy chế quản lý kiến trúc điểm dân cư nông thôn theo đồ án điều chỉnh quy hoạch chung xây dựng NTM đến năm 2030 và triển khai thực hiện đồ án quy hoạch.

Theo đó, định hướng phát triển kinh tế huyện Đam Rông sẽ theo 3 tiểu vùng. Cụ thể, Tiểu vùng I, gồm các xã Rô Men, Liêng S’rônh, Đạ R’sal. Nơi đây sẽ phát triển các vùng công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp, nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, hữu cơ thông minh; hình thành các vùng chuyên canh cây công nghiệp dài ngày, cây ăn trái như sầu riêng, bơ, chôm chôm, vú sữa, cam, bưởi, trồng dâu, nuôi tằm, cây dược liệu, thủy sản (nuôi cá nước lạnh).

Tiểu vùng II, gồm các xã Phi Liêng, Đạ K’nàng, phát triển trung tâm dịch vụ hỗ trợ sản xuất, phát triển công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp, chế biến, công nghiệp khai thác khoáng sản than bùn; nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, hữu cơ, thông minh, chuyên canh trồng cây ăn trái, cây công nghiệp dài ngày như cà phê, mắc ca, cây công nghiệp ngắn ngày như rau, củ, quả, trồng cây dược liệu.

Tiểu vùng III, gồm các xã Đạ Long, Đạ Tông, Đạ M’rông, phát triển du lịch sinh thái suối nước nóng, khai thác các điểm du lịch sinh thái cảnh quan dọc sông Krông Nô, hồ thủy lợi I, II Liêng K’Rắc, thác Tiêng Tang, hồ thủy điện Krông Nô 3, hồ thủy điện Đắc Mê, hồ thủy lợi Đạ Nòng, du lịch làng nghề dệt thổ cẩm, mây tre đan; bảo tồn và phát triển văn hóa cồng chiêng trong cộng đồng.

Bên cạnh đó, Huyện ủy Đam Rông cũng đã ban hành Nghị quyết số 12-NQ/HU “Về sản xuất nông nghiệp toàn diện, bền vững, từng bước ứng dụng công nghệ cao đến năm 2025 và những năm tiếp theo trên địa bàn huyện Đam Rông”; chỉ đạo UBND huyện đã ban hành kế hoạch tái cơ cấu ngành Nông nghiệp giai đoạn 2022 - 2025 trên địa bàn huyện Đam Rông.

Cùng với đó, huyện Đam Rông đã tập trung huy động các nguồn lực để thực hiện chương trình NTM. Qua thống kê, từ năm 2022 đến năm 2024, từ các nguồn vốn, huyện Đam Rông đã đầu tư 62 công trình giao thông, 17 công trình thủy lợi, 5 công trình điện nông thôn, 9 công trình văn hóa... với tổng kinh phí hơn 156,68 tỷ đồng. Ngoài ra, UBND huyện đã chỉ đạo lồng ghép các nguồn vốn để đầu tư kết cấu hạ tầng nông thôn trên địa bàn huyện với tổng kinh phí hơn 502,05 tỷ đồng. Thông qua việc đầu tư kết cấu hạ tầng nông thôn đã góp phần cải tạo, chỉnh trang, cải thiện diện mạo nông thôn huyện Đam Rông ngày càng khang trang, sáng - xanh - sạch - đẹp.

(CÒN NỮA)

HOÀNG SA

Nguồn Lâm Đồng: https://baolamdong.vn/kinh-te/202412/bai-1-ban-hanh-nhieu-chu-truong-chinh-sachkip-thoi-phu-hop-e40279d/
Zalo