Đàm phán hạt nhân Iran-Mỹ: Những điểm cần chú ý

Mỹ và Iran đang chuẩn bị cho các cuộc đàm phán về chương trình hạt nhân của Tehran tại Oman để tránh một cuộc đối đầu quân sự có thể gây ra hậu quả tàn khốc vượt xa phạm vi Trung Đông.

Một máy bay cất cánh từ tàu sân bay USS Harry S. Truman của Mỹ ở Biển Đỏ. Ảnh: AP.

Một máy bay cất cánh từ tàu sân bay USS Harry S. Truman của Mỹ ở Biển Đỏ. Ảnh: AP.

Các cuộc đàm phán diễn ra sau chiến dịch “gây sức ép tối đa” của Tổng thống Donald Trump về việc tăng cường trừng phạt Iran và tăng cường lực lượng quân sự trong khu vực. Donald Trump cho biết ông thích đàm phán, nhưng sẽ sử dụng vũ lực nếu cần thiết.

Đàm phán trực tiếp hay gián tiếp?

Câu hỏi về việc các cuộc đàm phán sẽ diễn ra trực tiếp hay gián tiếp vẫn còn gây chia rẽ giữa các bên.

Tổng thống Donald Trump cho biết Mỹ sẽ đàm phán trực tiếp và tin rằng Iran sẽ đồng ý.

Tuy nhiên, các quan chức Iran đã từ chối yêu cầu của Mỹ với lý do không tin tưởng vào chính quyền Mỹ do chính sách “gây sức ép tối đa” của nước này.

Bộ trưởng ngoại giao Iran, Abbas Araghchi, cho biết các cuộc đàm phán sẽ được tiến hành gián tiếp và “bất kỳ phương pháp đàm phán nào khác” sẽ không được chấp nhận.

Các vòng đàm phán trước đây đã chứng kiến sự phụ thuộc vào các bên trung gian để giải quyết căng thẳng.

Ai sẽ tham gia?

Theo các báo cáo của Iran, cuộc đàm phán dự kiến diễn ra vào ngày 12/4 sẽ có sự tham gia của Bộ trưởng ngoại giao Araghchi và đặc phái viên của tổng thống Mỹ tại Trung Đông Steve Witkoff, với Oman là bên trung gian.

Đây là sự khác biệt rõ rệt so với Kế hoạch hành động toàn diện chung (JCPOA) năm 2015 được thiết kế để ngăn chặn Iran sở hữu vũ khí hạt nhân. Thỏa thuận đó với Iran không chỉ được hoàn thiện bởi Mỹ mà còn bởi Trung Quốc, Nga, Anh, Pháp, Đức và Liên minh châu Âu .

Ông Trump đã rút khỏi JCPOA vào năm 2018 trong nhiệm kỳ đầu tiên của mình.

Sẵn sàng về mặt quân sự

Mỹ đã tăng cường sự hiện diện quân sự trong khu vực, triển khai máy bay ném bom B-2 và một nhóm tác chiến tàu sân bay do USS Carl Vinson dẫn đầu để tham gia cùng USS Harry S. Truman, vốn hiện đang có mặt ở Biển Đỏ.

Iran cũng đã tăng cường khả năng sẵn sàng phòng thủ, nhiều lần khẳng định lực lượng của nước này đã sẵn sàng cho mọi cuộc tấn công. Tehran cũng giới thiệu hệ thống phòng không và tên lửa tiên tiến của mình, đồng thời tiến hành các cuộc tập trận, cảnh báo có thể theo đuổi vũ khí hạt nhân nếu bị khiêu khích.

Đồng minh của Mỹ

Israel đóng vai trò trung tâm trong chiến lược của Mỹ ở Trung Đông, đặc biệt là trong các nỗ lực an ninh chung chống lại ảnh hưởng của Iran.

Israel đã lên tiếng bày tỏ mối lo ngại ngày càng tăng về tham vọng hạt nhân của Iran, thường thúc đẩy các biện pháp mạnh mẽ để ngăn chặn Tehran sở hữu vũ khí hạt nhân. “Chúng tôi thống nhất mục tiêu Iran sẽ không bao giờ có được vũ khí hạt nhân”, Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu phát biểu hôm 7/4 trong một cuộc họp báo với Tổng thống Mỹ Donald Trump.

Mỹ duy trì mối quan hệ quân sự chặt chẽ với Israel, hỗ trợ các hoạt động của nước này chống lại lực lượng ủy nhiệm của Iran là Hamas ở Gaza và Hezbollah ở Lebanon, đồng thời thúc đẩy hợp tác quốc phòng và chia sẻ thông tin tình báo.

Bên cạnh Israel, Mỹ đã tăng cường liên minh với các quốc gia Ả Rập vùng Vịnh, gồm Ả Rập Xê Út, Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất, Qatar và Bahrain thông qua các quan hệ đối tác chiến lược nhằm cân bằng ảnh hưởng ngày càng tăng của Iran trong khu vực.

Nguy cơ chiến tranh rộng hơn

Khi các lệnh trừng phạt ngày càng thắt chặt và gây tổn hại đến nền kinh tế Iran, nước này ngày càng dựa vào sự hỗ trợ của Nga và Trung Quốc.

Sự liên kết giữa Tehran, Moscow và Bắc Kinh được coi là phản ứng chiến lược trước sức ép do Mỹ dẫn đầu, đảm bảo Iran có những đồng minh có ảnh hưởng.

Nhưng Moscow tuyên bố họ không có nghĩa vụ phải giúp Iran nếu nước này phải đối mặt với một cuộc tấn công của Mỹ, điều này có khả năng làm giảm một số quyền mặc cả của Iran.

Leo thang hạt nhân của Iran

Tehran đã leo thang các hoạt động hạt nhân của mình. Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế cảnh báo mức độ làm giàu uranium gần đây của Iran đang gần đạt đến cấp độ vũ khí, cao hơn nhiều so với mức cần thiết cho hầu hết các lò phản ứng phát điện.

Trong khi Iran khẳng định chương trình hạt nhân của nước này là vì mục đích hòa bình, tiềm năng vũ khí hóa vẫn là mối quan ngại lớn đối với phương Tây, thúc đẩy việc nối lại các cuộc đàm phán.

TD

Nguồn Thanh Hóa: http://baothanhhoa.vn/dam-phan-hat-nhan-iran-my-nhung-diem-can-chu-y-244979.htm
Zalo