Đám cưới vàng
Hôm nay, tôi và đám bạn đến dự 'đám cưới vàng' của Đức, bạn từ thời cấp II, bây giờ gọi là phổ thông cơ sở. Trong đám bạn bè cùng lứa, anh là người lấy vợ sớm hơn cả. Đếm ngón tay, hôm nay kỉ niệm 50 năm, làm đám cưới vàng là đúng. Lũ chúng tôi, sớm cũng phải đến giữa những năm 1970 mới lấy vợ. Chuyện lấy vợ của anh, ban đầu thấy cũng bình thường. Ngày ấy nó thế.
Mãi đến gần đây mới chợt lấy làm lạ, anh đã lấy vợ đúng vào đêm Nô en của năm 1972, giữa chiến dịch 12 ngày đêm Mĩ đem B-52 đánh tàn bạo giữa lòng Hà Nội. Với trận đánh vào bệnh viện Bạch Mai, và nhất là đánh toàn bộ dẫy phố Khâm Thiên, không sót nhà nào. Mà đó, đâu phải cái gọi là “mục tiêu quân sự.”
Tôi từng viết một bài về đám cưới ấy. Hôm nay, nghĩ lại, câu chuyện thật lạ kì. Phải viết thêm đôi chuyện nhân dịp đám cưới vàng của bạn. Có người ngạc nhiên hỏi, sao đám cưới diễn ra bình thản thế? Hay đã trở thành vô cảm. Đâu phải, vào năm 1972 ấy người Hà Nội đã quen với bom đạn, với máy bay Mĩ quá rồi. Trước đó nhiều năm, Mĩ đã ném bom đại học Y Hà Nội, khu lao động Phúc Tân, phố Huế và các phố Triệu Việt Vương, Bùi Thị Xuân. Cả phố Nguyễn Thiệp giữa khu Ba Đình cũng bị và có cả máy bay Mĩ bị bắn rơi. Thế nên, người Hà Nội và dân Bắc nói chung đã quen và sớm thích nghi với cuộc sống “thời chiến” ấy rồi. Trong những ngày ấy, trên đường phố hầu như chỗ nào cũng được bố trí sẵn hầm trú ẩn cá nhân, đúc bằng bê tông. Còi và loa báo động được bố trí khắp nơi. Đến giờ, những người có tuổi vẫn thuộc nằm lòng, máy bay địch cách Hà Nội bao nhiêu ki lô mét, về phía nào.
Dân Hà Nội cũng đã quá quen với bao cấp và tem phiếu. Cũng từ trước đó, sau cái gọi là Sự kiện Vịnh Bắc Bộ do Mĩ dựng lên vào 5/8/1964 để lấy cớ ném bom Miền Bắc nữa. Cho đến giờ, nhiều người vẫn sợ, thậm chí “thù ghét” cái bao cấp ấy. Mà không nhớ và cũng không thèm biết rằng đó là cố gắng hết sức của chính quyền thành phố. Chỉ cốt để dân khỏi bị thiếu đói quá. Do đã quen và thích nghi từ lâu lắm rồi cái chuyện tem phiếu xếp hàng.
Thế nên mới có chuyện, bạn tôi cưới vợ mà bạn bè phải dồn phiếu các nhà để mua thịt cho cỗ cưới nhà bạn. Nghe chuyện, sớm tinh mơ ba bốn chàng đi vào tất cả các cửa chợ Hôm, xếp ngay hàng đầu, để cùng mua một lúc cho đủ thịt. Vì mỗi người chỉ được mua đâu có trên dưới một cân. Nhưng khi vào chợ vẫn đứng thứ năm sáu mươi, có người đã vào chợ từ trước, xếp gạch lâu rồi. Cười ra nước mắt, mà sao lúc ấy chả ai lấy làm phiền lòng.
Và cả cái chuyện bạn tôi lấy vợ giữa đạn bom, hồi ấy thấy cũng bình thường. Mình chuẩn bị cưới từ lâu rồi, đến ngày đã định là làm. Hồi ấy đâu đã có ô tô, xe máy, thế thì dùng xe đạp đèo nhau, dù nhà gái tận ngoại thành. Đường đi đủ ổ gà ổ voi, chả biết do lâu không sửa, hay bị dính bom. Phòng cưới không thuê được, thì dùng ngay nơi ở nhà mình (Giờ vẫn thế). Bạn bè xúm vào, chạy ra lớp học hoặc nơi nào có ghế, thích nhất là ghế dài mang kê. Cưới xong, lại xếp làm giường để đôi tân hôn ngả lưng tạm, kể cả cô bạn phù dâu từ quê vợ ra ngủ lại. Đâu cần biết đó chính là lúc Ních xơn đem bom đánh hủy diệt Hà Nội. Suốt mười hai ngày đêm, trừ hôm Nô en đó.
Thế mới nên chuyện, nửa đêm, đúng ra là vào rạng sáng 26/12 cả nhà nháo nhào nhảy xuống hầm để trú. Bạn tôi vẫn nhớ, ngày ấy, Hà Nội còn nhiều hầm trú bom lắm. Các nhà quanh đấy, nhà nào chả có. Có từ thời Pháp thuộc. Về sau, mỗi nhà dùng vào một việc, làm kho, nơi chứa rượu, trữ nước, thậm chí chứa củi hoặc than đun bếp. Đến khi Mĩ đánh mới lại dọn dẹp để cả xóm có cái tránh bom. Thế mới nên chuyện, sáng sau vợ chồng đèo nhau sang phố Khâm Thiên, nơi tiếng bom rơi vọng ra nhiều nhất, để không ngạc nhiến thấy cảnh những căn hầm đầy nhóc người, lớn bé trẻ già cả nhà cùng chết bom đêm ấy.
Xin nhắc lại, hồi ấy những khó khăn khổ sở, đổ nhà chết người, dân Hà thành vẫn thấy là chuyện thường. Nó diễn ra hàng ngày, nào có gì đâu. Giờ nhớ lại, thấy sao cái thời chưa quá xa vắng ấy nó lạ lùng làm sao, cực khổ làm sao. Thế mà vẫn sống qua được, chẳng hề có chuyện lên gân lên cốt, nghiến răng nghiến lợi lúc nào. Thậm chí, nghe cứ như chuyện của ai, ở đâu đó khác. Và nếu không kể lại, cháu con bây giờ đâu đã biết. Lại càng không dễ thấu hiểu và sẻ chia.
Trong đêm Nô en 1972 ấy, theo Đức kể lại, cả Hà Nội có đến ba đám cưới như thế. Chứ đâu riêng bạn tôi. Chẳng biết đến hôm nay, các đôi ấy thế nào, nào biết hôm nay họ có tổ chức lễ cưới vàng hay không. Chỉ có điều, ba đám cưới Hà Nội ngày ấy trên thế gian thấy thật lạ lùng, hồ dễ nơi nào có. Và hồ dễ đã viên mãn, trọn vẹn. Nên nhân dịp đám cưới vàng bạn tôi, khá đông đảo bạn bè tham dự ngày ấy bây giờ lại kéo đến góp vui. Và cùng nhắc lại với nhau câu chuyện cũ không mấy dễ quên của “một thời đạn bom một thời hòa bình.”
25/012/2022
Trái tim người lính