Sử dụng điện thoại di động trong thời gian dài khiến trẻ bị cong vẹo cột sống

Tỷ lệ học sinh mắc phải các bệnh lý về cong vẹo cột sống, dị tật bàn chân đang tăng rất cao. Một trong những nguyên nhân khiến gia tăng bệnh lý trên là do trẻ dùng điện thoại nhiều trong thời gian dài.

Thông tin trên được bác sĩ chuyên khoa phục hồi chức năng Trịnh Quang Anh, Bệnh viện Đại học Y Dược TP Hồ Chí Minh nhấn mạnh tại chương trình khám tầm soát về dị dạng hình thể cho trên 100 trẻ tại một trường mầm non trên địa bàn Quận 7 (TP Hồ Chí Minh) vào ngày 5/11, do Phòng khám phục hồi chức năng HMR tổ chức.

Bác sĩ Trịnh Quang Anh khuyến cáo phụ huynh đưa trẻ tầm soát dị tật về cột sống càng sớm càng tốt.

Bác sĩ Trịnh Quang Anh khuyến cáo phụ huynh đưa trẻ tầm soát dị tật về cột sống càng sớm càng tốt.

Theo bác sĩ Trịnh Quang Anh, trong những năm gần đây, tình trạng cong vẹo cột sống đang ngày càng trở nên phổ biến trong các trường học, đặc biệt là ở lứa tuổi học đường. Nguyên nhân chủ yếu xuất phát từ thói quen ngồi học sai tư thế, sử dụng bàn ghế không phù hợp và thiếu hoạt động thể chất. Theo các nghiên cứu, tỷ lệ học sinh mắc cong vẹo cột sống đã gia tăng đáng kể, với nhiều em gặp phải các vấn đề về đau lưng và giảm khả năng tập trung trong học tập.

“Một trong những nguyên nhân khiến tỷ lệ trẻ bị cong vẹo cột sống tăng là do trẻ dùng điện thoại trong thời gian dài, có những trẻ chỉ mới 2 - 3 tuổi đã dùng điện thoại. Điều này làm dáng ngồi, đứng của trẻ bị gù, dẫn đến đau cổ vai gáy và cong vẹo cột sống”, bác sĩ Trịnh Quang Anh thông tin.

Theo bác sĩ, cong vẹo cột sống ở học đường nếu phát hiện sớm, điều trị trong khoảng 8 - 12 tuổi thì trẻ có khả năng phục hồi. Sau độ tuổi này, xương khớp của trẻ phát triển nhanh và gần như hoàn thiện, rất khó điều trị khỏi.

Nếu trẻ bị cong vẹo cột sống, đốt sống một bên sẽ không lớn được, bên còn lại không chịu lực nén vẫn lớn lên hình thành đốt sống biến dạng bên cao bên thấp. Nhiều đốt sống biến dạng sẽ hình thành một cột sống cong vẹo. “Cong vẹo trong trường hợp này gần như không thể sửa chữa được, trẻ sẽ phải sống chung với dị tật cả đời", bác sĩ Quang Anh nói.

Bên cạnh đó, trẻ bị bàn chân bẹt, chân khoèo, chân cao thấp là hai bên chân không đều nhau, làm chân ngắn chân dài cơ học. Điều này dẫn đến khung chậu bị nghiêng, khi đó cột sống của trẻ sẽ nghiêng. Lúc này, cơ thể sẽ tự điều chỉnh lại cho thẳng, dẫn đến bị vẹo cột sống hình chữ S.

Theo bác sĩ Quang Anh, những dị tật này không ảnh hưởng đến tính mạng nhưng ảnh hướng rất lớn đến sức khỏe tinh thần của bệnh nhân như bị dị dạng về hình thể khiến trẻ tự ti, trầm cảm, không dám bước ra xã hội, thu hình một góc. Thậm chí, có trường hợp bệnh nhân đến khám và nói rằng đã có ý định tự tử vì mặc cảm về hình thể.

Ngoài ra, bệnh này còn để lại di chứng về chức năng, trẻ bị hạn chế vận động. Thời gian lâu dần, trẻ bị hạn chế về hô hấp, không thể thở được, ảnh hưởng đến tất cả các cơ quan khác như tim mạch, tiêu hóa. Diễn tiến theo của bệnh là trẻ bị thoát vị, trượt đốt sống dẫn đến liệt.

Bác sĩ Quang Anh nhấn mạnh, dị tật cột sống sẽ thay đổi số phận của một con người, do đó phụ huynh cần tầm soát càng sớm càng tốt cho trẻ.

Tin, ảnh: Đan Phương/Báo Tin tức

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/suc-khoe/su-dung-dien-thoai-di-dong-trong-thoi-gian-dai-khien-tre-bi-cong-veo-cot-song-20241105164428975.htm
Zalo