Đám cưới bất ngờ sau 60 năm của người lính đặc công ở Thanh Hóa

Năm 1965, một ngày sau đám cưới với vợ giữa thời chiến, ông Lê Quý Gián (83 tuổi) phải ra chiến trường. 60 năm sau, con cháu tổ chức hôn lễ bất ngờ để kỷ niệm tình yêu của ông bà.

Chiều mùng 4 Tết Ất Tỵ (ngày 1/2 dương lịch), sau lễ mừng thọ 80 tuổi, bà Phùng Thị Vy và chồng là ông Lê Quý Gián (83 tuổi) ngỡ ngàng khi các con cháu thông báo sẽ tổ chức cho ông bà một đám cưới đủ đầy.

Đám cưới này được các con cháu bí mật lên kế hoạch, là món quà đặc biệt tặng ông Gián, bà Vy, bởi hôn lễ đầu tiên của ông bà cách đây 60 năm trong thời còn bom đạn chiến tranh quá đơn sơ, thiếu thốn.

Bà Vy bối rối khi nghe con cháu báo tin. Ban đầu, bà ngần ngại, nhưng các cháu mỗi người một tay - lo áo dài, trang điểm, đội khăn voan - và không để bà có thời gian từ chối.

 Bà Vy không giấu được nước mắt khi con cháu tổ chức đám cưới đặc biệt.

Bà Vy không giấu được nước mắt khi con cháu tổ chức đám cưới đặc biệt.

Từ nhà thờ họ Lê Quý tại Hoằng Hóa (Thanh Hóa), ông Gián cùng đoàn con cháu đi bộ về nhà, trên tay là bó hoa lay ơn đỏ thắm, để đón dâu.

Lễ rước dâu cũng có đủ mâm quả, cau trầu. Các con cháu diện "dress code" chỉn chu - trai mặc áo vest, còn nữ diện áo dài rực rỡ.

Con trai ông Gián hài hước nói "ngày trước bố đi hỏi vợ cho con, bây giờ con hỏi vợ cho bố".

Đứng cạnh người chồng trong lễ cưới sau 60 năm chung sống, bà Vy không giấu được nước mắt xúc động.

Đám cưới của ông bà cũng có đủ nghi thức thắp hương lên gia tiên, cùng trao cặp nhẫn cưới bằng vàng do con cháu chuẩn bị, hân hoan trong tiếng nhạc và những tràng vỗ tay chúc mừng của người thân.

Đám cưới trong đêm bom đạn

Khi chia sẻ với Tri Thức - Znews, ông Gián kể tường tận từng dấu mốc trong đám cưới vào tháng 4/1965, giữa thời chiến tranh ác liệt.

"Thời đó bom đạn. Tôi với bà nhà chỉ mới có 3 tháng tìm hiểu. Ngày mùng 3, mùng 4/4/1965, quân Mỹ đánh phá cầu Hàm Rồng, rồi cả cầu Lèn (cầu Đò Lèn - PV). Đến mùng 6, tôi được lệnh vận động nhập ngũ trở lại. Thế là anh em gia đình hai bên thống nhất sẽ cưới vợ, để tôi đi làm nhiệm vụ", ông kể.

Đám cưới của vợ chồng tuổi 80 cũng đủ nghi thức, tráp lễ.

Đám cưới của vợ chồng tuổi 80 cũng đủ nghi thức, tráp lễ.

"Tôi qua nhà vợ bên xã Hoằng Đạo, dắt nhau lên đăng ký kết hôn. Thế rồi bên công ty thương nghiệp người ta bán cho 2 tút (hộp) thuốc lá Trường Sơn. Có giấy chứng nhận kết hôn, xuống vật liệu bách hóa mua được một cái màn đôi, một cái giường. Thời đó thiếu thốn, chỉ vậy thôi, không bánh kẹo gì. Đám cưới, các ông bà già ăn trầu, còn thanh niên hút thuốc lá", ông kể.

Đêm 8/4/1965, đám cưới của ông Gián và vợ được diễn ra vội vã, chỉ vỏn vẹn trong một tiếng đồng hồ.

Lúc đó rất căng thẳng vì máy bay ném bom cả đêm. Cách nơi tổ chức hôn lễ 300 m có một trạm quan sát, chỉ cần có dấu hiệu của máy bay sẽ báo động để tắt đèn đi.

Sáng hôm sau, ông chỉ kịp ăn với vợ một bữa cơm rồi chiều tập trung với đại đội, tối hành quân ra chiến trường. "Thế là tôi yên tâm làm nhiệm vụ, bà nhà tôi thì ở nhà thực hiện phong trào thanh niên '3 sẵn sàng'".

Ông Gián nằm trong tiểu đoàn trinh sát đặc nhiệm, sau này gọi là đặc công.

Trong chiến dịch tấn công trận đầu tiên vào ngày 1/5/1966, đại đội của ông có 41 người, nhưng sau trận đánh chiếm sân bay Biên Hòa chỉ còn 3 người sống sót. Hai người đồng đội về sau cũng hy sinh trong những trận khác, chỉ còn một mình ông.

Trong thời gian chiến đấu, ông Gián có 2 lần về thăm nhà. Sau những lần đó, vợ ông mang thai và lần lượt sinh ra con gái đầu tên Tuyến, con trai thứ đặt tên là Chiến.

Trước đó, ông bảo vợ nếu sinh con trai sẽ đặt tên Chiến, nếu là gái sẽ đặt tên Tuyến, với ý nghĩa rằng bố từ chiến trường miền Nam được kết nối ra chiến tuyến miền Bắc.

Năm 1972, ông xuất ngũ trở về, gia đình đoàn tụ và chung sống hạnh phúc đến nay. Hai vợ chồng có tổng cộng 5 người con, 2 trai và 3 gái, tất cả đều đã trưởng thành và có gia đình riêng.

Sau 60 năm, ông Gián và bà Vy mới lần đầu trao nhẫn cưới.

Sau 60 năm, ông Gián và bà Vy mới lần đầu trao nhẫn cưới.

Hôn lễ giữa thời bình

Những ngày qua, ông Gián và vợ vẫn chưa hết cảm xúc bồi hồi và hạnh phúc khi được các con cháu tổ chức một đám cưới tròn đầy, kỷ niệm hơn nửa thế kỷ gắn bó.

Anh Việt Hùng (44 tuổi), con trai út của ông Gián, cho biết anh chị em và các cháu đều rất ngưỡng mộ, tự hào trước tình cảm keo sơn của hai ông bà. Để tôn vinh tình yêu thương đó, các cháu đã bàn bạc và tổ chức hôn lễ bất ngờ, đến phút chót mới cho ông bà biết.

Anh Hùng là người con duy nhất trong "group kín" cùng các cháu chuẩn bị lễ cưới bí mật lần này. Thường xuyên nghe bố kể về kỷ niệm đám cưới, chỉ ở với mẹ được một ngày rồi ra chiến trường, anh Hùng càng trân trọng thêm tình nghĩa của hai người.

"Bố tôi là lính đặc công, tính cách có chút ngang tàng. Ông rất giỏi trong mọi thứ, thường chia sẻ những mẹo hay và kỹ năng sống của một người lính. Ông còn thuần thục những thứ đời thường như đan lưới bắt cá, làm giỏ, rổ... Chúng tôi rất nể bố là vậy", anh Hùng chia sẻ.

 Sự mẫu mực của bố mẹ là tấm gương để con cháu trong nhà tự hào, noi theo.

Sự mẫu mực của bố mẹ là tấm gương để con cháu trong nhà tự hào, noi theo.

Còn về phần mẹ, anh Hùng cho biết bà là mẫu phụ nữ truyền thống, chịu khó chịu thương, sẵn sàng hy sinh mọi thứ để nuôi dạy các con, cáng đáng chuyện trong nhà. Nhờ vậy, bố anh càng vững lòng khi ra chiến trận.

"Mẹ tôi rất khéo. Có khi bố cũng nóng giận, nhưng mẹ luôn chọn im lặng, đến khi cảm xúc ông ổn định, bà mới trò chuyện nhẹ nhàng. Mẹ là người tuyệt vời, giúp giữ lửa ấm áp trong gia đình", anh Hùng bày tỏ.

Đối với anh Hùng và các chị em, cháu chắt trong nhà, bố mẹ anh chính là tấm gương để noi theo.

"Tôi tự hào vì các anh chị em rất đoàn kết, biết giúp đỡ nhau trong mọi thứ, hỗ trợ để cùng nhau phát triển được như bây giờ. Tự hào lớn hơn là có bố mẹ thực sự mẫu mực, đáng kính".

Đào Phương

Ảnh: NVCC

Nguồn Znews: https://lifestyle.znews.vn/dam-cuoi-bat-ngo-sau-60-nam-cua-nguoi-linh-dac-cong-o-thanh-hoa-post1529454.html
Zalo