Đảm bảo quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo và những đóng góp trong xây dựng quê hương
Quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo là một trong những quyền dân chủ cơ bản của công dân, quyền này được Hiến pháp và các văn bản pháp luật ghi nhận, đảm bảo thực hiện trên thực tế.
Những tín ngưỡng tôn giáo tốt đẹp hướng đến sự hiếu thuận, lương thiện, khơi gợi tình yêu thương, đoàn kết, giúp đỡ nhau trong cộng đồng, phấn đấu xây dựng một xã hội giàu đẹp, văn minh luôn được nhân dân đón nhận.
ĐẢM BẢO QUYỀN TỰ DO TÍN NGƯỠNG, TÔN GIÁO
Trong các giai đoạn lịch sử của cách mạng, Đảng, Nhà nước Việt Nam luôn quan tâm đến việc đảm bảo quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của người dân, xem đây là vấn đề mang tính chiến lược, quan trọng trong tiến trình xây dựng, bảo vệ đất nước. Đảng, Nhà nước đã có những bước đột phá mới trong tư duy, nhận thức về tôn giáo khi nhìn nhận tôn giáo là một nguồn lực trong xây dựng và phát triển đất nước.
Điều 24, Hiến pháp năm 2013 quy định: “Mọi người có quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo, theo hoặc không theo một tôn giáo nào. Các tôn giáo bình đẳng trước pháp luật; Nhà nước tôn trọng và bảo hộ quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo; không ai được xâm phạm tự do tín ngưỡng, tôn giáo hoặc lợi dụng tín ngưỡng, tôn giáo để vi phạm pháp luật”.
Luật Tín ngưỡng, tôn giáo năm 2016 đã tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo của các tổ chức, cá nhân tôn giáo. Tại Điều 3 của luật này quy định: “Nhà nước tôn trọng và bảo hộ quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của mọi người; bảo đảm để các tôn giáo bình đẳng trước pháp luật. Nhà nước tôn trọng, bảo vệ giá trị văn hóa, đạo đức tốt đẹp của tín ngưỡng, tôn giáo, truyền thống thờ cúng tổ tiên, tôn vinh người có công với đất nước, với cộng đồng đáp ứng nhu cầu tinh thần của nhân dân. Nhà nước bảo hộ cơ sở tín ngưỡng, cơ sở tôn giáo và tài sản hợp pháp của cơ sở tín ngưỡng, tổ chức tôn giáo”.
Cùng với quá trình đổi mới đất nước, đời sống tín ngưỡng, tôn giáo ở Việt Nam đã có những diễn biến mới, nhu cầu tín ngưỡng tôn giáo tăng lên. Số người tin theo tín ngưỡng, tôn giáo gia tăng. Cả nước hiện có hơn 58.000 chức sắc, 148.000 chức việc, 29.800 cơ sở thờ tự, trên 50.000 cơ sở tín ngưỡng. Trong đó, có khoảng 3.000 di tích gắn với cơ sở tín ngưỡng tôn giáo, một số loại hình tín ngưỡng và di tích được Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa - Liên Hợp quốc (UNESCO) ghi danh là di sản thế giới.
Hoạt động tôn giáo được tạo điều kiện đảm bảo theo đúng quy định pháp luật. Nhà nước Việt Nam đảm bảo và tạo điều kiện cho các tổ chức tôn giáo được thành lập cơ sở đào tạo tôn giáo, mở lớp bồi dưỡng về tôn giáo. Hiện nay, cả nước có 62 cơ sở đào tạo tôn giáo tại 36 tỉnh, thành phố.
Hoạt động quốc tế của các tổ chức tôn giáo tại Việt Nam ngày càng được mở rộng. Hằng năm, có nhiều đoàn, tổ chức, cá nhân, tôn giáo tham quan hoạt động tôn giáo ở nước ngoài; đồng thời, có nhiều hoạt động tôn giáo quốc tế được tổ chức thành công ở Việt Nam.
Nhà nước Việt Nam cũng tạo điều kiện cho phạm nhân, người bị tạm giữ, tạm giam được sử dụng kinh sách, bày tỏ niềm tin, tín ngưỡng phù hợp với nội quy trại tạm giam, trại giam, được hướng dẫn cách quản lý kinh sách, sử dụng kinh sách. Đáp ứng nhu cầu sử dụng kinh sách, ấn phẩm tôn giáo của phạm nhân, Việt Nam đã in ấn, xuất bản danh mục 17 đầu sách liên quan tôn giáo với 4.418 cuốn đưa vào sử dụng tại thư viện của 54 trại giam thuộc Bộ Công an.
Những năm qua, các tổ chức tôn giáo tích cực tham gia các hoạt động xã hội hóa về y tế, giáo dục và từ thiện nhân đạo, góp phần đáng kể vào công tác an sinh xã hội, giảm gánh nặng cho Nhà nước. Cụ thể, thành lập trên 500 cơ sở y tế, gần 2.300 trường, lớp mầm non, trên 50 cơ sở dạy nghề, 800 cơ sở bảo trợ xã hội chăm sóc trẻ mồ côi, trẻ tàn tật, người già cô đơn, bệnh nhân tâm thần, HIV/AIDS...
Đặc biệt, khi đại dịch Covid-19 bùng phát, các tổ chức tôn giáo trên cả nước tích cực đóng góp nguồn lực, chung tay cùng chính quyền trong công tác phòng, chống dịch. Nhiều cơ sở tôn giáo được sử dụng làm khu cách ly và điều trị bệnh nhân nhiễm Covid-19. Cùng với đó, các chức sắc, chức việc, tín đồ tôn giáo đóng góp, ủng hộ hàng chục tỷ đồng cho Quỹ Vắc xin phòng, chống Covid-19.
Tuy nhiên, bên cạnh rất nhiều mặt tích cực của các tổ chức tôn giáo, hiện nay vẫn đang tồn tại một số tổ chức, hội, nhóm “tự xưng tôn giáo” hoạt động trái pháp luật. Trong đó, có những tổ chức được xem là tà đạo, tổ chức bất hợp pháp lợi dụng tín ngưỡng, tôn giáo để trục lợi hoặc tiến hành các hoạt động chống phá Đảng, Nhà nước Việt Nam, chia rẽ khối đoàn kết toàn dân tộc. Điều này đã làm ảnh hưởng đến uy tín các tổ chức tôn giáo và đồng bào các tôn giáo chân chính, làm ảnh hưởng xấu đến khối đại đoàn kết toàn dân tộc, cần phải được bày trừ.
Đảng và Nhà nước ta luôn nhất quán chính sách đảm bảo quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của người dân, tạo điều kiện để các tôn giáo hoạt động và tham gia đóng góp cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
CÁC TỔ CHỨC TÔN GIÁO TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH TIỀN GIANG TÍCH CỰC ĐÓNG GÓP XÂY DỰNG QUÊ HƯƠNG
Tỉnh Tiền Giang hiện có 11 tổ chức tôn giáo đang hoạt động, với gần 236.000 tín đồ. Các cấp ủy, chính quyền và đoàn thể trên địa bàn tỉnh đã xây dựng được mối quan hệ hòa hợp với các tôn giáo, phát huy mạnh mẽ sức mạnh tôn giáo trong xây dựng và phát triển quê hương.
Trong đó, hưởng ứng tích cực Cuộc vận động "Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh", đồng bào các tôn giáo trong tỉnh đã đóng góp hàng trăm tỷ đồng và hàng ngàn ngày công lao động để xây dựng cầu, đường giao thông nông thôn; nhà đại đoàn kết; đóng góp xây dựng và duy trì Quỹ Vì người nghèo, chăm sóc người già neo đơn, khó khăn, bảo trợ trẻ em, học sinh vượt khó học tốt...
Các hoạt động từ thiện, nhân đạo, xã hội, tình nghĩa của các tôn giáo trên địa bàn tỉnh tạo được sự lan tỏa, kết nối những tấm lòng nhân ái như tổ chức thực hiện trường mầm non miễn phí, trường dạy nghề... Các hoạt động trường học này mang ý nghĩa thiết thực, giúp đỡ những gia đình khó khăn, các bậc cha mẹ có thể yên tâm trong cuộc mưu sinh khi con nhỏ có nơi chăm sóc tử tế. Và hơn ai hết những đứa trẻ trong các gia đình khó khăn có cơ hội được giáo dục cơ bản, có điều kiện đến trường như các bạn cùng trang lứa.
Đặc biệt, tại các trường nuôi dạy trẻ khuyết tật do các tôn giáo và những tấm lòng nhân ái tổ chức thực hiện, thì những học sinh, thiếu niên kém may mắn không chỉ được dạy học, dạy nghề, mà còn được trang bị kỹ năng thích nghi, hòa nhập với cộng đồng. Quan trọng nhất là đưa đến nguồn năng lượng để các em tự tin vượt qua mặc cảm khiếm khuyết của bản thân hòa nhập với cuộc sống mang đến niềm vui, hạnh phúc cho các bậc cha mẹ. Bên cạnh đó, trên địa bàn tỉnh Tiền Giang, hiện có nhiều các cơ sở nuôi dạy trẻ mồ côi, người khuyết tật, lang thang, cơ nhỡ… do các tổ chức tôn giáo đảm nhận.
Cùng với đó, đại diện các tổ chức tôn giáo trên địa bàn tỉnh Tiền Giang đã vận động tín đồ tích cực giữ gìn an ninh, trật tự tại địa phương. Cụ thể là tham gia đóng góp xây dựng các mô hình tự quản về an ninh, trật tự ở cơ sở; mạnh dạn tố giác và giúp ngành Công an kịp thời ngăn chặn, xử lý các vi phạm pháp luật, góp phần đem lại sự bình yên trong cộng đồng dân cư…