Đảm bảo an toàn, vệ sinh lao động thúc đẩy sự phát triển của xã hội

Sau hơn 10 năm thực hiện Chỉ thị số 29-CT/TW, ngày 18/9/2013 của Ban Bí thư về đẩy mạnh công tác an toàn, vệ sinh lao động trong thời kỳ CNH, HĐH và hội nhập quốc tế, tỉnh Quảng Trị đã đạt được nhiều kết quả quan trọng. Qua đó xây dựng môi trường lao động an toàn, góp phần bảo vệ tính mạng, sức khỏe người lao động, thúc đẩy sự phát triển bền vững của doanh nghiệp và xã hội.

Công nhân Nhà máy Tinh bột sắn Hướng Hóa vận hành máy tách bã tại nhà máy -Ảnh: TUỆ LINH

Công nhân Nhà máy Tinh bột sắn Hướng Hóa vận hành máy tách bã tại nhà máy -Ảnh: TUỆ LINH

Với sự vào cuộc đồng bộ của cả hệ thống chính trị, công tác an toàn, vệ sinh lao động (ATVSLĐ) trên địa bàn tỉnh đã có những chuyển biến rõ nét cả về nhận thức lẫn hành động.

Phó Giám đốc Sở Nội vụ tỉnh Quảng Trị Lê Nguyễn Huyền Trang cho biết, các cấp ủy đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội trong tỉnh đã triển khai nghiêm túc nội dung chỉ đạo của trung ương, chủ động xây dựng kế hoạch, chương trình hành động cụ thể, lồng ghép công tác ATVSLĐ vào nhiệm vụ phát triển KT-XH, đặc biệt trong bối cảnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa ngày càng sâu rộng.

Các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh đã từng bước nâng cao ý thức tuân thủ pháp luật về ATVSLĐ. Hầu hết các đơn vị đã tích cực xây dựng kế hoạch ATVSLĐ gắn với kế hoạch sản xuất, kinh doanh, chủ động đánh giá rủi ro, áp dụng các biện pháp phòng ngừa tai nạn, cải thiện điều kiện làm việc, đảm bảo môi trường lao động an toàn, xanh, sạch, đẹp. Công tác quan trắc môi trường lao động được triển khai theo quy định pháp luật, giúp phát hiện sớm các yếu tố nguy hiểm, có hại tại nơi làm việc để kịp thời khắc phục.

Các doanh nghiệp đã thực hiện đầy đủ chế độ cho người lao động như chi trả chi phí điều trị, tiền lương trong thời gian nghỉ việc, tổ chức giám định mức suy giảm khả năng lao động và đề nghị cơ quan bảo hiểm xã hội giải quyết chế độ trợ cấp theo quy định.

Các trường hợp người lao động bị tai nạn được giải quyết chế độ thỏa đáng như: trợ cấp một lần hoặc trợ cấp hằng tháng cho người lao động đúng quy định của pháp luật. Hoạt động tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật về ATVSLĐ luôn được quan tâm và đổi mới mạnh mẽ.

Các hình thức truyền thông như tuyên truyền trực tiếp, qua báo, đài, áp phích, pano và mạng xã hội để đưa thông tin đến tận người lao động, đặc biệt là người lao động làm việc trong khu vực không có quan hệ lao động chính thức.

Về công tác đào tạo, huấn luyện về ATVSLĐ, mỗi năm có khoảng 2.000 lượt người lao động được huấn luyện, tập trung vào việc nâng cao kỹ năng phòng ngừa tai nạn, nhận diện rủi ro, sử dụng phương tiện bảo hộ lao động đúng cách, phù hợp với công nghệ và quy trình sản xuất mới.

Song song với đó, hoạt động thanh tra, kiểm tra luôn được tăng cường. Trong hơn 10 năm qua, các cơ quan chức năng, chuyên môn phối hợp tổ chức hơn 150 cuộc thanh tra, kiểm tra chuyên đề về ATVSLĐ.

Nội dung kiểm tra tập trung vào việc sử dụng các máy móc thiết bị có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn lao động, thực hiện chế độ chính sách cho người lao động, kiểm tra hồ sơ huấn luyện và công tác tự kiểm tra nội bộ của doanh nghiệp. Việc làm này đã góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước trên lĩnh vực lao động.

Theo bà Lê Nguyễn Huyền Trang, tỉnh Quảng Trị luôn tích cực đổi mới chính sách, cơ chế thực hiện công tác ATVSLĐ theo hướng lấy phòng ngừa là chính. Các hoạt động chăm sóc sức khỏe người lao động, khám phát hiện bệnh nghề nghiệp được đẩy mạnh.

Các doanh nghiệp ngày càng chủ động hơn trong việc thực hiện trách nhiệm xã hội. Việc khuyến khích áp dụng các tiêu chuẩn kỹ thuật tiên tiến, công nghệ thân thiện môi trường và các hệ thống quản lý ATVSLĐ hiện đại đã được triển khai tại một số doanh nghiệp lớn.

Tuy nhiên, cùng với những kết quả đạt được, công tác ATVSLĐ trên địa bàn tỉnh vẫn còn nhiều khó khăn, hạn chế. Một bộ phận doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ chưa thực sự quan tâm đến công tác này, xem nhẹ trách nhiệm bảo vệ người lao động. Việc đầu tư cho trang thiết bị bảo hộ, huấn luyện còn mang tính đối phó, hình thức.

Không ít người lao động chưa được huấn luyện bài bản, thiếu kiến thức pháp luật, không nắm rõ quyền và nghĩa vụ của mình, thụ động trong việc tự bảo vệ bản thân. Công tác thanh tra, kiểm tra dù đã có chuyển biến nhưng vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu thực tế khi số lượng doanh nghiệp ngày càng tăng trong khi nguồn lực thanh tra còn hạn chế.

Tháng Công nhân và Tháng hành động về ATVSLĐ năm 2025 có chủ đề “Công nhân Việt Nam tiên phong bước vào kỷ nguyên mới” và “Tăng cường đánh giá, nhận diện nguy cơ rủi ro và chủ động triển khai các biện pháp bảo đảm an toàn vệ sinh lao động tại nơi làm việc”.

Trước yêu cầu phát triển mới, nhất là trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế sâu rộng, tỉnh Quảng Trị đã xác định rõ sẽ tiếp tục cụ thể hóa các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục pháp luật về ATVSLĐ.

Khuyến khích doanh nghiệp chủ động ứng dụng khoa học, công nghệ trong phòng ngừa tai nạn và bệnh nghề nghiệp; đồng thời phát triển mạnh các dịch vụ tư vấn, kiểm định, huấn luyện về ATVSLĐ theo hướng xã hội hóa.

Việc gắn kết ATVSLĐ với các chương trình giảm nghèo, bảo vệ môi trường, dạy nghề, giải quyết việc làm cũng được đặt ra như một giải pháp lâu dài, góp phần xây dựng môi trường làm việc an toàn, phát triển nguồn nhân lực chất lượng và thúc đẩy kinh tế địa phương phát triển bền vững.

Tuệ Linh

Nguồn Quảng Trị: http://www.baoquangtri.vn/dam-bao-an-toan-ve-sinh-lao-dong-thuc-day-su-phat-trien-cua-xa-hoi-193810.htm
Zalo