Đakrông làm tốt công tác hỗ trợ tái hòa nhập cộng đồng
Thời gian qua, các cơ quan chức năng trên địa bàn huyện Đakrông phối hợp chặt chẽ trong việc quản lý, giáo dục, giám sát người chấp hành án, đồng thời triển khai nhiều biện pháp hỗ trợ tái hòa nhập cộng đồng, giúp người chấp hành xong án phạt tù có điều kiện ổn định cuộc sống và phát triển kinh tế. Nhờ đó, hạn chế được vi phạm trong quá trình thi hành án và tái hòa nhập cộng đồng, góp phần bảo đảm an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội ở địa phương.

UBND xã Đakrông tổ chức hội nghị tuyên truyền pháp luật cho người dân ở địa phương -Ảnh: UBĐK
Đakrông là huyện miền núi biên giới, có địa hình phức tạp, giao thông đi lại khó khăn, gây trở ngại cho công tác quản lý, giám sát người chấp hành án và hỗ trợ tái hòa nhập cộng đồng. Dân số chủ yếu là đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS), nhận thức pháp luật còn hạn chế, một bộ phận người dân còn tâm lý kỳ thị khiến quá trình tái hòa nhập gặp nhiều khó khăn. Tỉ lệ hộ nghèo, cận nghèo còn cao nên công tác tạo việc làm, hỗ trợ sinh kế cho người chấp hành xong án phạt tù chưa đáp ứng nhu cầu thực tế, làm tăng nguy cơ tái phạm.
Bên cạnh đó, huyện có 60 km đường biên giới với Lào, trong đó có Cửa khẩu quốc tế La Lay và Cửa khẩu phụ Cóc, cùng tuyến Quốc lộ 9 nối từ Lào về TP. Đông Hà, tiềm ẩn nguy cơ tội phạm ma túy, buôn lậu, xuất, nhập cảnh trái phép, ảnh hưởng đến công tác quản lý, giáo dục, giúp đỡ người chấp hành xong án phạt tù tái hòa nhập cộng đồng.
Toàn huyện hiện có 30 đối tượng đang thi hành án hình sự tại cộng đồng (người bị kết án được hưởng án treo); số người chấp hành xong án phạt tù trở về địa phương tái hòa nhập cộng đồng là 54 người.
Để thực hiện có hiệu quả công tác thi hành án hình sự và tái hòa nhập cộng đồng, UBND huyện giao Công an huyện (nay chuyển giao nhiệm vụ cho công an các xã, thị trấn sau khi giải thể) tăng cường theo dõi, quản lý người chấp hành xong án phạt tù trở về địa phương, chủ động nắm bắt tình hình, kịp thời phát hiện, xử lý các vấn đề phát sinh liên quan đến an ninh, trật tự.
Đồng thời, phối hợp với các tổ chức, đoàn thể để hỗ trợ về mặt tâm lý, định hướng nghề nghiệp và tạo điều kiện thuận lợi giúp người chấp hành án treo và người chấp hành xong án phạt tù trở về địa phương.
Công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật, vận động Nhân dân chấp hành pháp luật về thi hành án hình sự và tái hòa nhập cộng đồng được UBND huyện chỉ đạo các đơn vị, địa phương triển khai thường xuyên, liên tục; lồng ghép trong các buổi tuyên truyền pháp luật, các cuộc họp dân nhằm nâng cao nhận thức cho Nhân dân, giúp họ hiểu rõ quyền và nghĩa vụ của người chấp hành án, từ đó tạo điều kiện thuận lợi cho công tác quản lý, giám sát và hỗ trợ tái hòa nhập.
Nội dung tuyên truyền tập trung vào các quy định pháp luật về thi hành án hình sự, chính sách hỗ trợ người chấp hành xong án phạt tù, quyền lợi và trách nhiệm của họ khi tái hòa nhập cộng đồng; ý nghĩa của việc tạo điều kiện cho họ ổn định cuộc sống, tránh kỳ thị, phân biệt đối xử; phát huy vai trò của cộng đồng trong việc giám sát, động viên, hỗ trợ các đối tượng có cơ hội phát triển bản thân, tìm kiếm việc làm, tiếp cận các chính sách an sinh xã nhằm phòng ngừa tái phạm và vi phạm pháp luật.
Nhờ đó, nhận thức pháp luật của người dân từng bước được nâng cao, giúp giảm thiểu sự kỳ thị, tạo môi trường thuận lợi để người chấp hành xong án phạt tù có cơ hội ổn định cuộc sống. Riêng từ tháng 1/2023 đến 2/2025 huyện đã lồng ghép tuyên truyền 12 lượt/12 thôn của các xã, thị trấn.
Nhằm tổ chức các hoạt động tư vấn, hỗ trợ pháp lý, đào tạo nghề, tạo việc làm, giúp người hoàn lương từng bước tái hòa nhập, tránh kỳ thị, phân biệt đối xử, góp phần giữ vững an ninh trật tự và phát triển KT-XH địa phương, UBND huyện chỉ đạo Công an huyện (cũ) xây dựng mô hình “Giúp đỡ người chấp hành xong án phạt tù về địa phương tái hòa nhập cộng đồng” tại địa bàn thị trấn Krông Klang.
UBND các xã, thị trấn đã chỉ đạo công an xã tăng cường công tác nắm tình hình, theo dõi chặt chẽ các đối tượng chấp hành án treo để đảm bảo việc chấp hành các quy định của pháp luật, kịp thời phát hiện và ngăn chặn các hành vi vi phạm.
UBND cấp xã, các cơ quan, đoàn thể, tổ chức xã hội trên địa bàn huyện thực hiện hiệu quả công tác tiếp nhận, quản lý, giám sát, giáo dục và giúp đỡ người chấp hành xong án phạt tù khi trở về nơi cư trú tạo điều kiện để họ ổn định cuộc sống, chấp hành tốt pháp luật, hòa nhập cộng đồng, đồng thời có biện pháp hỗ trợ về tư vấn pháp lý, đào tạo nghề, giới thiệu việc làm, giúp họ tránh tái phạm và vi phạm pháp luật, trở thành công dân có ích cho xã hội.
Ngân hàng Chính sách Xã hội huyện cũng đã tạo điều kiện cho người dân tiếp cận các nguồn vốn vay ưu đãi để phát triển sản xuất, trong đó có đối tượng chấp hành xong án phạt tù. Kết quả, có 3 đối tượng được vay vốn với tổng số tiền 200 triệu đồng. Thông qua các nguồn vốn này, các đối tượng đã có điều kiện phát triển kinh tế, từng bước ổn định cuộc sống, góp phần tăng thu nhập, xóa đói giảm nghèo và tái hòa nhập cộng đồng.
Bên cạnh những kết quả đạt được, công tác hỗ trợ tái hòa nhập cộng đồng trên địa bàn huyện Đakrông còn gặp một số khó khăn như: Địa bàn rộng, dân cư phân tán; một số đối tượng chấp hành xong án phạt tù còn tâm lý e ngại, chưa chủ động phối hợp, gây khó khăn trong việc theo dõi, giáo dục và giúp đỡ tái hòa nhập.
Điều kiện KT-XH của huyện còn gặp nhiều khó khăn, số lượng doanh nghiệp ít, cơ hội việc làm còn hạn chế, tâm lý kỳ thị làm ảnh hưởng đến quá trình tái hòa nhập cộng đồng. Hiện nay, sau khi Công an huyện giải thể, việc bàn giao số liệu chưa được thực hiện đầy đủ, dẫn đến khó khăn trong công tác tổng hợp thông tin và kiểm chứng tài liệu...
Để thực hiện tốt hơn nữa công tác hỗ trợ tái hòa nhập cộng đồng tại địa phương, UBND huyện Đakrông kiến nghị, đề xuất Công an tỉnh chỉ đạo công an các xã, thị trấn phối hợp chặt chẽ với các cơ quan, đoàn thể trong quản lý, giáo dục người chấp hành án treo, đảm bảo thực hiện đúng quy định pháp luật.
Tham mưu cấp có thẩm quyền tổ chức các chương trình hướng nghiệp, hỗ trợ vay vốn, tạo việc làm cho người chấp hành xong án phạt tù. Đồng thời, đẩy mạnh tuyên truyền nâng cao nhận thức để người dân không kỳ thị, tạo điều kiện cho họ ổn định cuộc sống.