Dáng dấp nền kinh tế lớn trong đề án sắp xếp 3 tỉnh Lâm Đồng, Bình Thuận, Đắk Nông

Không chỉ là tỉnh có diện tích lớn nhất nước khi sáp nhập, tỉnh Lâm Đồng mới còn có nhiều lợi thế để trở thành một nền kinh tế phát triển.

Trong quá trình phát triển, tỉnh Lâm Đồng, Bình Thuận, Đắk Nông nhiều lần được điều chỉnh, sắp xếp để phù hợp với từng giai đoạn lịch sử và đạt được một số kết quả tích cực. Qua đó, góp phần phát huy nguồn lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm giữ vững an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội.

Những năm gần đây, Việt Nam đã và đang đẩy mạnh quá trình đổi mới, cải cách hành chính nhằm xây dựng một bộ máy nhà nước tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả, đáp ứng tốt hơn yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội cũng như hội nhập quốc tế.

Với Đề án sắp xếp, sáp nhập đơn vị hành chính cấp tỉnh mà UBND tỉnh Lâm Đồng đã ban hành, có thể nhận thấy tương lai của một nền kinh tế đa dạng, có tiềm lực mạnh và nhiều dư địa để phát triển khi Lâm Đồng, Bình Thuận, Đắk Nông được nhập thành tỉnh Lâm Đồng mới.

 Tỉnh Lâm Đồng mới là địa phương có nhiều sản phẩm du lịch tầm cỡ quốc tế. Ảnh: VÕ TÙNG

Tỉnh Lâm Đồng mới là địa phương có nhiều sản phẩm du lịch tầm cỡ quốc tế. Ảnh: VÕ TÙNG

Nhìn vào bản đồ hành chính hiện tại thì Đắk Nông là tỉnh nằm sâu hơn trong nội địa và cách biển từ hai đến ba tỉnh tùy theo hướng. Điều thấy được, phương án sáp nhập Đắk Nông, Lâm Đồng và Bình Thuận không chỉ tạo ra một địa phương mới có biển mà còn mở ra nhiều cơ hội phát triển mạnh mẽ cho các tỉnh Tây Nguyên.

Trước đây, khi Chính phủ chọn vùng Nhân Cơ (Đắk Nông) để phát triển trung tâm công nghiệp về quặng nhôm, đã có một dự án nâng cấp Quốc lộ 14 để đưa sản phẩm quặng nhôm từ Tây Nguyên xuống cảng Kê Gà (Bình Thuận). Nếu phát triển theo hướng đó, Đắk Nông sẽ có một sản phẩm để xuất khẩu đường biển.

Việc sáp nhập ba tỉnh Lâm Đồng, Đắk Nông và Bình Thuận tạo thành một hành lang kinh tế liên kết giữa Tây Nguyên, duyên hải Nam Trung Bộ và Đông Nam Bộ.

Sau khi sáp nhập, tỉnh Lâm Đồng mới còn có lợi thế đáng kể trong kết nối các trung tâm phát triển khi Lâm Đồng là trung tâm du lịch và nông nghiệp công nghệ cao; Đắk Nông với lợi thế về tài nguyên khoáng sản, nông nghiệp và năng lượng; Bình Thuận với hệ thống cảng biển, năng lượng tái tạo và du lịch biển.

 TP Đà Lạt trở thành trung tâm của tỉnh Lâm Đồng mới. Ảnh: VÕ TÙNG

TP Đà Lạt trở thành trung tâm của tỉnh Lâm Đồng mới. Ảnh: VÕ TÙNG

Lâm Đồng vốn nổi tiếng với nền nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, đặc biệt trong sản xuất rau, hoa và cây công nghiệp. Sau sáp nhập, vùng nguyên liệu từ Đắk Nông và Bình Thuận có thể cung cấp cho hệ thống chế biến tại tỉnh Lâm Đồng, tạo thành chuỗi giá trị khép kín.

Bên cạnh đó, các doanh nghiệp đầu tư trong lĩnh vực chế biến nông sản sẽ dễ dàng tiếp cận nguồn nguyên liệu, mở rộng quy mô sản xuất và xuất khẩu. Những nông sản đặc trưng như cà phê, hồ tiêu, thanh long, mít, sầu riêng… của tỉnh sẽ được quy hoạch vùng sản xuất, xuất khẩu tốt hơn.

Một thế mạnh nữa là phát triển năng lượng và công nghiệp hỗ trợ. Đắk Nông và Bình Thuận là hai địa phương có tiềm năng lớn về năng lượng tái tạo. Việc kết hợp quy hoạch điện năng trên toàn tỉnh sau sáp nhập sẽ giúp khai thác hiệu quả hơn nguồn tài nguyên này, đồng thời đảm bảo cân bằng cung – cầu điện giữa khu vực miền Trung và miền Nam.

Bình Thuận với hệ thống cảng biển và hạ tầng logistic đang phát triển sẽ trở thành cửa ngõ xuất – nhập khẩu hàng hóa không chỉ cho Lâm Đồng mà cho cả vùng Tây Nguyên. Các khu công nghiệp mới có thể được quy hoạch để phát triển công nghiệp hỗ trợ, gắn liền với sản xuất và chế biến nông – lâm sản vùng cao nguyên và công nghiệp khai khoáng của Đắk Nông.

 TP Phan Thiết là điểm kết nối giữa vùng núi và miền biển. Ảnh: PHƯƠNG NAM

TP Phan Thiết là điểm kết nối giữa vùng núi và miền biển. Ảnh: PHƯƠNG NAM

Một thế mạnh vượt trội của Lâm Đồng mới là liên kết vùng du lịch núi – rừng – biển. Sự đa dạng sinh thái là một điểm nhấn nổi bật sau sáp nhập. Cụ thể, Lâm Đồng có khí hậu ôn đới, Đắk Nông sở hữu các hồ nước và công viên địa chất, Bình Thuận nổi tiếng với biển xanh, cát trắng và tiềm năng thể thao biển.

Trong lịch sử, từ cuối thế kỷ XIX đến nay, nhiều huyện thị của ba tỉnh Đắk Nông, Lâm Đồng và Bình Thuận không ít lần nhập, tách.

Cuối năm 1899, chính quyền Pháp lập tỉnh Đồng Nai Thượng (Province de Haut Donnai), tỉnh lỵ đặt tại Di Linh (Djiring), do ông Ernest Outrey làm công sứ đầu tiên.

Năm 1903, Pháp bãi bỏ tỉnh Đồng Nai Thượng, chuyển thành đại lý hành chính Di Linh, do đại diện của công sứ Bình Thuận quản lý. Quản lý đại lý Di Linh là đại biện Laugier, đại diện của viên công sứ Lucien L. Garnier của Bình Thuận.

Năm 1913, nhập đại lý Đà Lạt với đại lý Di Linh, gọi chung là đại lý Di Linh và vẫn thuộc tỉnh Bình Thuận, do ông Élie Joseph Marie Cunhac làm đại biện.

Trong quá khứ Đắk Nông, Lâm Đồng và Bình Thuận từng nhiều lần nhập, tách.

Đến năm 1916 thành lập tỉnh Lâm Viên, gồm đại lý Đà Lạt mới lập lại và đại lý Di Linh, tách từ tỉnh Bình Thuận. Tỉnh lỵ đặt tại Đà Lạt, ông Cunhac làm công sứ đầu tiên.

Trước đó, năm 1898, vua Thành Thái đặt huyện Tuy Lý và lấy huyện Tánh Linh trước thuộc vùng Đồng Nai Thượng sáp nhập vào Bình Thuận, do công sứ M. Gaietta quản lý. Năm 1905, Di Linh được nhập vào Bình Thuận, do công sứ L. Garnier (1904 - 1913) quản lý.

Đối với tỉnh Đắk Nông, đầu năm 1959, chính quyền Sài Gòn thành lập tỉnh Quảng Đức, về cơ bản giống như địa giới tỉnh Đắk Nông hiện nay, được chia làm 3 quận: Đức Lập, Kiến Đức, Khiêm Đức và khu hành chính Đức Xuyên.

Cuối năm 1960, Nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam đã quyết định thành lập tỉnh Quảng Đức dựa trên sự phân chia địa giới của chính quyền Sài Gòn (lấy mật danh là B4).

Từ đầu năm 1962 đến cuối năm 1975, Trung ương nhiều lần quyết định giải thể và tái lập tỉnh Quảng Đức, nhiều lần chuyển huyện Khiêm Đức (trong đó có địa phận của TP Gia Nghĩa hiện nay) nhập về tỉnh Lâm Đồng.

Năm 1958, chính quyền Sài Gòn đổi tên tỉnh Đồng Nai Thượng thành tỉnh Lâm Đồng gồm hai quận Bảo Lộc (B'Lao – gồm huyện Đạ Huoai và Bảo Lâm hiện nay) và Di Linh, tỉnh lỵ đặt tại Bảo Lộc. Đồng thời tách một phần đất Đồng Nai Thượng sáp nhập với TP Đà Lạt, thành lập tỉnh Tuyên Đức.

VÕ TÙNG

Nguồn PLO: https://plo.vn/video/dang-dap-nen-kinh-te-lon-trong-de-an-sap-xep-3-tinh-lam-dong-binh-thuan-dak-nong-post846428.html
Zalo