Đắk Lắk sắp có Trung tâm Văn hóa - Nghệ thuật mới đậm bản sắc Tây Nguyên

Sau quá trình thi tuyển, tỉnh Đắk Lắk đã công bố phương án kiến trúc cho công trình Trung tâm Văn hóa - Nghệ thuật tỉnh. Công trình này hứa hẹn trở thành một biểu tượng mới của vùng đất Tây Nguyên.

Giữa trung tâm TP. Buôn Ma Thuột, ngay bên cạnh tượng đài Chiến thắng lịch sử, lãnh đạo tỉnh Đắk Lắk đang ấp ủ một giấc mơ: xây dựng một Trung tâm Văn hóa - Nghệ thuật (TTVH-NT) như một biểu tượng văn hóa mới cho vùng đất Tây Nguyên, một công trình để lại cho muôn đời. Không chỉ tạo ra một công trình kiến trúc, mà còn kiến tạo một không gian sống động, nơi tinh hoa văn hóa các dân tộc giao hòa, nơi gặp gỡ của truyền thống lịch sử và tinh thần đổi mới sáng tạo cho kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.

Thiết kế kiến trúc TTVH-NT tỉnh Đắk Lắk của công ty enCity được lựa chọn thông qua một cuộc thi quốc tế có bố cục hình tròn, lấy cảm hứng từ hình ảnh đồng bào dân tộc đứng thành vòng tròn xung quanh ngọn lửa thiêng trong những lễ hội cồng chiêng phổ biến ở Tây Nguyên. Bố cục hình tròn của công trình tạo thành một chuỗi bậc thang xoắn ốc với 54 bậc, tượng trưng cho các dân tộc anh em tụ họp trên địa bàn tỉnh. Đường nét uốn lượn của đường tròn tổng thể kết hợp mái dốc mở rộng thành một không gian thưởng ngoạn và kết hợp hài hòa, cùng tôn vinh công trình tượng đài Chiến thắng Buôn Ma Thuột, một công trình kỷ niệm đặc biệt quan trọng tại thành phố.

Công trình hình bậc thang xoắn ốc hòa hợp trong không gian đô thị và không gian xanh tại trung tâm TP. Buôn Ma Thuột. Ảnh phối cảnh: Sở Xây dựng tỉnh Đắk Lắk cung cấp

Công trình hình bậc thang xoắn ốc hòa hợp trong không gian đô thị và không gian xanh tại trung tâm TP. Buôn Ma Thuột. Ảnh phối cảnh: Sở Xây dựng tỉnh Đắk Lắk cung cấp

Nhận xét về phương án, một chuyên gia xây dựng tại Đắk Lắk nhận định: “Phương án được lựa chọn đã thể hiện được nét độc đáo, ấn tượng mang đậm bản sắc văn hóa Tây Nguyên nói chung và của tỉnh Đắk Lắk nói riêng. Không chỉ tổng thể hình khối mà các họa tiết công trình, mặt mái công trình cũng thể hiện trên tinh thần đại đoàn kết của 54 dân tộc anh em. Bên cạnh đó, kiến trúc đã phản ánh được 4 nhận diện đặc trưng của TP. Buôn Ma Thuột: xanh, sinh thái, thông minh và bản sắc riêng vùng Tây Nguyên. Cuối cùng, công trình đảm bảo tính gắn kết, hài hòa với các công trình khu vực xung quanh, đặc biệt là tôn vinh tượng đài Chiến thắng”.

Công trình được thiết kế hài hòa với tượng đài Chiến thắng Buôn Ma Thuột, công trình tưởng niệm đặc biệt quan trọng tại thành phố. Ảnh phối cảnh: Sở Xây dựng tỉnh Đắk Lắk cung cấp

Công trình được thiết kế hài hòa với tượng đài Chiến thắng Buôn Ma Thuột, công trình tưởng niệm đặc biệt quan trọng tại thành phố. Ảnh phối cảnh: Sở Xây dựng tỉnh Đắk Lắk cung cấp

Tọa lạc tại khu đất 2,4ha giữa trung tâm TP. Buôn Ma Thuột, công trình được thiết kế với quy mô 3 tầng nổi và 2 tầng hầm, tổng diện tích xây dựng (bao gồm diện tích cảnh quan nóc hầm và mái xanh) khoảng 56.000m², với mật độ xây dựng chỉ 25% và dành hơn 30% diện tích khu đất cho cây xanh. Tiêu điểu chính của công trình là khối khán phòng hơn 1.100 chỗ, sẽ đảm bảo cho các sự kiện nghệ thuật quy mô lớn. Kết hợp với đó là các khối văn phòng quản lý; lớp học nghệ thuật, các không gian triển lãm, khu thương mại - dịch vụ để kích hoạt kinh tế đêm. Bãi xe trong tầng hầm vừa là nơi để xe cho khách và nhân viên, vừa đảm nhận chức năng bãi xe công cộng phục vụ cho khu vực trung tâm thành phố, từ đó tạo điều kiện bổ sung không gian xanh trên mặt đất và đóng góp vào hiện thực hóa định hướng xây dựng TP. Buôn Ma Thuột: Xanh - Sinh thái - Thông minh - Bản sắc.

Không chỉ là một công trình ấn tượng, TTVH-NT còn cung cấp một không gian công cộng lớn cho thành phố. Quảng trường trung tâm hình tròn sẽ là nơi tổ chức các không gian lễ hội với quy mô lên đến 4.000 người, mở dài không gian lễ hội từ ngã Sáu để tổ chức các sự kiện cấp vùng và quốc gia. Kết hợp cùng công nghệ nhạc nước, khán phòng hậu đài mở đầu tiên ở Việt Nam, bảo tàng ngoài trời trên mái, và chuỗi không gian xanh, không gian mở liên hoàn ở trung tâm TP. Buôn Ma Thuột, công trình sẽ tạo thành một điểm đến xanh đặc sắc.

Quảng trường trung tâm hình tròn sẽ là nơi tổ chức các không gian lễ hội với quy mô lên đến 4.000 người. Ảnh phối cảnh: Sở Xây dựng tỉnh Đắk Lắk cung cấp

Quảng trường trung tâm hình tròn sẽ là nơi tổ chức các không gian lễ hội với quy mô lên đến 4.000 người. Ảnh phối cảnh: Sở Xây dựng tỉnh Đắk Lắk cung cấp

KTS. Marco Buinhas - Giám đốc thiết kế của công ty enCity đến từ Singapore, đơn vị có phương án được lựa chọn, chia sẻ: “Chúng tôi luôn tin tưởng văn hóa đa dạng và thiên nhiên tươi đẹp là hai món quà quan trọng nhất chúng ta để lại cho các thế hệ tương lai. Điều này lại càng đúng hơn với Đắk Lắk, nơi có vốn văn hóa đặc sắc và thiên nhiên hùng vĩ. Ba giá trị Hòa hợp - Sum vầy - Trường tồn chính là những ngọn đuốc dẫn đường để chúng tôi xây dựng phương án thiết kế công trình”.

Trong thời gian tới, phương án đoạt giải sẽ được trưng bày công khai, để hoàn thiện phương án thiết kế và tạo ra một công trình thực sự ý nghĩa, Ban tổ chức trân trọng mời cộng đồng, các chuyên gia kiến trúc và người dân Đắk Lắk đóng góp ý kiến. Sau khi tiếp thu ý kiến của cộng đồng, tỉnh Đắk Lắk sẽ tiến hành các thủ tục cần thiết để khởi công xây dựng công trình.

Bích Đào

Nguồn VietnamNet: https://vietnamnet.vn/dak-lak-sap-co-trung-tam-van-hoa-nghe-thuat-moi-dam-ban-sac-tay-nguyen-2366703.html
Zalo