Người nghệ nhân gần nửa thế kỷ gìn giữ nghề chế tác đầu lân

Giữa lúc nhiều nghề truyền thống đang dần bị mai một, ông Trầm Đức Hưng, 70 tuổi (sống tại TP. HCM) vẫn gắn bó với nghề làm đầu lân sư rồng. Là một trong những nghệ nhân hiếm hoi còn bám trụ với nghề, ông kiên trì với phương pháp chế tác thủ công, gìn giữ và lan tỏa giá trị văn hóa qua từng chiếc đầu lân kỳ công, tinh xảo.

Với gần 50 năm kinh nghiệm trong nghề làm đầu lân, ông Trầm Đức Hưng được biết đến như một nghệ nhân tài hoa và quen thuộc tại khu Chợ Lớn, Q. 5. Hiện nay, dù đã chuyển về sinh sống tại Q. 8, ông vẫn tiếp tục làm nghề, kiên trì giữ gìn và phát huy nghề truyền thống này.

Tỉ mỉ trong từng công đoạn

Mỗi chiếc đầu lân đều được ông Hưng làm thủ công với sự tỉ mỉ và công phu, từ việc chọn lựa lông, tạo khung sườn, cho đến việc vẽ hoa văn. Quy trình chế tác một chiếc đầu lân truyền thống bắt đầu với việc chọn lựa chất liệu lông, có thể là lông thường hoặc lông cừu. Lông cừu là loại được nhập khẩu từ Trung Quốc, mang lại độ mịn và phồng tự nhiên, tạo nên vẻ đẹp sang trọng, trong khi lông thường cần phải độn mút để tạo độ phồng. Lông cừu có giá cao hơn, nhưng vẫn được ưa chuộng vì tính thẩm mỹ vượt trội. Mỗi chiếc đầu lân có giá dao động từ 1 triệu đến 4,5 triệu đồng, tùy vào chất liệu, kích thước và khung sườn.

Sau khi chọn xong chất liệu, bước tiếp theo là tạo khung sườn. Đây là một trong những công đoạn khó khăn nhất, đòi hỏi sự tỉ mỉ và kiên nhẫn. Ông Hưng chia sẻ: “Bẻ sườn cần rất nhiều công phu, khó lắm. Vậy nên, mấy con có sườn sẽ mắc (đắt) hơn. Chỉ riêng cái sườn nhỏ thôi đã có giá 500.000 đồng, còn những chiếc cùng kích cỡ mà không có sườn, dù đã sơn và trang trí hoàn chỉnh thì có giá 800.000 đồng. Không có sườn dễ làm hơn, chỉ cần dán giấy và vẽ thôi”.

Nghệ nhân Trầm Đức Hưng, người gắn bó hơn 50 năm với nghề làm đầu lân thủ công truyền thống. (Ảnh: Ngọc Tuyền)

Nghệ nhân Trầm Đức Hưng, người gắn bó hơn 50 năm với nghề làm đầu lân thủ công truyền thống. (Ảnh: Ngọc Tuyền)

Khi khung sườn đã sẵn sàng, ông Hưng tiếp tục dán giấy lên và vẽ hoa văn theo yêu cầu của khách hàng. Công đoạn này có thể kéo dài từ vài ngày đến cả tháng, đặc biệt khi đầu lân có hoa văn phức tạp. Không chỉ làm những mẫu truyền thống, ông Hưng còn đặc biệt sáng tạo ra những chiếc đầu lân độc đáo, thay vì sừng thông thường, ông thay thế bằng hình phụng, công hoặc những họa tiết đặc biệt, mang đến sự mới mẻ cho sản phẩm. “Trước đây, làm đầu lân phải luôn có sừng, nhưng giờ mọi người không còn thích kiểu đó nữa. Nên thay vào đó, tôi tháo sừng ra rồi gắn con phụng vào. Khi múa, nhìn con lân trông đẹp và khác hẳn”, ông chia sẻ.

Cuối cùng, công đoạn gắn lông là bước quan trọng để hoàn thiện chiếc đầu lân. Lông được gắn tỉ mỉ từng sợi, tạo nên độ bồng bềnh và mềm mại cho sản phẩm. Ngoài các mẫu truyền thống, ông Hưng còn nhận những đơn hàng đặc biệt, như các đầu lân có đèn tạo được hiệu ứng ánh sáng thu hút khi múa.

Mỗi chiếc đầu lân đều được ông Hưng hoàn thiện với sự công phu, tỉ mỉ. (Ảnh: Ngọc Tuyền)

Mỗi chiếc đầu lân đều được ông Hưng hoàn thiện với sự công phu, tỉ mỉ. (Ảnh: Ngọc Tuyền)

Mỗi công đoạn chế tác đầu lân của ông Hưng đều được thực hiện hoàn toàn bằng tay, không có sự can thiệp của máy móc. “Những cây tre để làm khung sườn này không thể dùng máy dập, tất cả phải được đan bằng tay từng chút một. Nghề này chỉ có thể làm bằng tay, đòi hỏi sự kiên nhẫn và tình yêu với nghề mới có thể gắn bó lâu dài được”, ông chia sẻ. Chính nhờ sự tận tâm và công phu ấy, mỗi chiếc đầu lân của ông không chỉ mang vẻ đẹp độc đáo mà còn lưu giữ những giá trị văn hóa sâu sắc.

Hành trình giữ lửa nghề lân

Khi còn trẻ, ông Hưng một mình đảm nhận tất cả công đoạn trong quá trình chế tác. Khi tuổi đã cao, dù có con cháu phụ giúp, ông vẫn kiên quyết giữ vững tinh thần thủ công, bảo tồn từng nét truyền thống trong nghề.

Hành trình làm nghề của ông Hưng không chỉ gói gọn trong những chiếc đầu lân truyền thống, mà còn đầy sáng tạo. “Đầu lân là cái tôi làm giỏi nhất, còn những thứ như đầu ông Địa hay con phụng thay thế sừng lân là do tôi tự mày mò, tìm hiểu rồi làm ra”, ông cho biết thêm.

Theo ông Hưng, việc làm đầu lân nhỏ khó hơn đầu lân lớn do có nhiều chi tiết hơn. (Ảnh: Ngọc Tuyền)

Theo ông Hưng, việc làm đầu lân nhỏ khó hơn đầu lân lớn do có nhiều chi tiết hơn. (Ảnh: Ngọc Tuyền)

Niềm vui lớn nhất trong nghề của ông Hưng là sự sáng tạo và đam mê. Mỗi năm, ông lại thiết kế một linh vật đặc trưng, đại diện cho con giáp của năm đó, với phong cách độc đáo mà chỉ riêng ông mới có. Ông luôn tự hào về bộ sưu tập 12 con giáp mà mình đã sáng tạo. “Có những lúc làm nghề, tôi nhập tâm đến mức quên cả ăn, phải có con cháu nhắc nhở mới nhớ”, ông cười, kể lại. Bảo quản đầu lân cũng là một công đoạn mà ông đặc biệt chú trọng. “Nếu bảo quản đúng cách, đầu lân có thể sử dụng được từ 3 - 4 năm. Nếu màu sắc bị hư, chỉ cần đổi màu và quét lại sơn là như mới”, ông nói.

Nói về nguồn cảm hứng sáng tạo, ông Hưng chia sẻ rằng ông luôn chú trọng vào việc tái hiện chính xác những hình ảnh mẫu mà khách hàng cung cấp. “Có hình mẫu là tôi làm theo đó, nhìn theo để bẻ sườn cho đúng, không bao giờ làm sai”, ông khẳng định. Ông Hưng luôn vững tâm làm nghề để duy trì sự sống cho nghề thủ công truyền thống, dù ngày nay ít người còn theo đuổi: “Tôi vẫn giữ phương pháp hoàn toàn thủ công, vì đó là bản sắc riêng của nghề truyền thống”.

Chiếc đầu lân được ông Hưng kỳ công chế tác trong hơn một tháng hiện có giá 4,5 triệu đồng. (Ảnh: Ngọc Tuyền)

Chiếc đầu lân được ông Hưng kỳ công chế tác trong hơn một tháng hiện có giá 4,5 triệu đồng. (Ảnh: Ngọc Tuyền)

Với niềm đam mê và tận tâm, ông Hưng coi việc làm đầu lân không chỉ là một nghề, mà là phần không thể thiếu trong cuộc sống của mình. Mỗi công đoạn, từ việc tạo hình đến hoàn thiện sản phẩm, đều được ông thực hiện với sự tỉ mỉ và khéo léo. Chính sự chú trọng đến từng chi tiết nhỏ đã giúp những chiếc đầu lân của ông không chỉ giữ được nét đẹp truyền thống mà còn mang theo sự trân quý của một nghề thủ công được gìn giữ qua bao thế hệ.

Tình yêu nghề sống mãi với thời gian

Gắn bó với nghề gần 50 năm, ông Hưng không coi công việc này chỉ là một nghề mưu sinh. Với ông, đó là niềm đam mê lớn lao, là tình yêu sâu sắc dành cho mỗi chiếc đầu lân. “Muốn làm lân, phải yêu nó, có tình cảm với nó, vậy mới làm ra được con lân đẹp”, ông chia sẻ đầy tâm huyết.

Trong suốt hành trình làm nghề, ông đã dành trọn tâm sức để tạo ra những chiếc đầu lân tinh xảo, không chỉ đòi hỏi tay nghề điêu luyện mà còn cần có sự sáng tạo không ngừng. Đối với ông, tình yêu nghề chính là yếu tố quan trọng làm nên sự khác biệt của mỗi sản phẩm. “Càng làm càng mê, càng say sưa với nghề”, ông chia sẻ, nhấn mạnh rằng tình yêu ấy là động lực để ông gắn bó suốt đời.

Mỗi chiếc đầu lân đối với ông không chỉ là sản phẩm thủ công, mà còn là một tác phẩm mang linh hồn riêng. Những chiếc đầu lân được bán để đi múa đều được ông Hưng đặt vào tấm bùa được thỉnh từ chùa Bà và thực hiện nghi thức "điểm nhãn" bằng chu sa, trao cho lân "linh hồn" để những buổi biểu diễn sau này được suôn sẻ. Đây không chỉ là một phong tục, mà còn là sự tôn kính với nghề, với văn hóa, là sự kết nối giữa tâm linh và truyền thống.

Không chỉ giữ gìn những mẫu đầu lân truyền thống, ông Hưng còn sáng tạo, mang đến những hình thù mới mẻ, độc đáo như con công, cá chép, hay con bướm… “Nghề này phải sáng tạo, nếu chỉ mãi làm lại những cái cũ thì không thể phát triển được”, ông khẳng định. Chính sự sáng tạo không giới hạn ấy đã giúp ông mang đến cho nghề những sản phẩm vừa đẹp mắt vừa độc đáo.

Theo ông Hưng, nghề làm đầu lân đòi hỏi sự kiên nhẫn và tỉ mỉ cao. “Có người muốn theo nghề, nhưng cũng có người phải dừng lại vì quá vất vả”, ông chia sẻ. Theo ông, để tiếp nối nghề này, không chỉ cần tay nghề mà còn phải có tình yêu và sự kiên trì. “Không có đam mê, không thể làm lâu dài được. Phải ngồi một chỗ suốt, phải kiên nhẫn và yêu nó”, ông tâm sự về những thử thách trong việc truyền nghề cho thế hệ sau.

Ngoài đầu lân, ông Hưng còn chế tác được nhiều sản phẩm khác như rồng và mặt nạ ông Địa. (Ảnh: Ngọc Tuyền)

Ngoài đầu lân, ông Hưng còn chế tác được nhiều sản phẩm khác như rồng và mặt nạ ông Địa. (Ảnh: Ngọc Tuyền)

Chị Ái Nhu (25 tuổi, Chợ Lớn, TP. HCM) đã có dịp ghé thăm xưởng chế tác đầu lân của ông Hưng. Sau chuyến đi, Ái Nhu đã chia sẻ một video trên nền tảng TikTok, giới thiệu những chiếc đầu lân độc đáo của ông. Trong video, chị bày tỏ: “Tôi rất trân quý cái nghề mà chú đã làm và giữ lửa cho đến tận hôm nay. Tôi thật sự biết ơn vì chú đã dành thời gian kể rất nhiều câu chuyện ý nghĩa về hành trình làm nghề của mình”.

Video nhanh chóng nhận được những phản hồi tích cực. Không ít bạn trẻ dành lời khen cho sự tinh xảo, khéo léo và nét đặc biệt trong từng sản phẩm. Bên cạnh đó, nhiều người không ngần ngại hỏi thăm địa chỉ xưởng để có cơ hội tận mắt chiêm ngưỡng những chiếc đầu lân độc đáo do ông Hưng chế tác.

Ngọc Tuyền - Ngọc Trâm

Nguồn SVVN: https://svvn.tienphong.vn/nguoi-nghe-nhan-gan-nua-the-ky-gin-giu-nghe-che-tac-dau-lan-post1712484.tpo
Zalo