Đại sứ Phạm Sanh Châu: Phật giáo không chỉ là tín ngưỡng, mà là ngoại giao văn hóa

'Tôi không phải phật tử theo hình thức, nhưng tôi xem lời Phật như một triết lý sống. Đức Phật dạy về lòng từ bi, vị tha, sống trung đạo - đó là cốt lõi cho mọi hành xử, đặc biệt trong ngoại giao', Đại sứ Phạm Sanh Châu chia sẻ.

Trong cuộc trò chuyện với VietNamNet nhân Đại lễ Vesak 2025, tổ chức tại TPHCM, Đại sứ Phạm Sanh Châu chia sẻ về vai trò của Phật giáo không chỉ trong tín ngưỡng mà còn là một phần thiết yếu của ngoại giao văn hóa Việt Nam. Ông khẳng định: “Phật giáo không chỉ là tín ngưỡng, những lời Phật dạy có tính triết lý và thực tiễn”.

Cầu nối ngoại giao, văn hóa, tôn giáo

Thưa ông, cơ duyên nào đã đưa ông từ một người chủ yếu công tác ở châu Âu sang làm Đại sứ tại Ấn Độ, một khu vực rất khác biệt?

Trước khi sang Ấn Độ, tôi chủ yếu làm việc với khối Pháp ngữ, châu Âu và các tổ chức quốc tế. Vào thời điểm đất nước muốn nâng tầm quan hệ song phương với Ấn Độ, cần một nhà ngoại giao có kinh nghiệm và đủ bản lĩnh, tôi đã được giao nhiệm vụ đó. Ban đầu khá bỡ ngỡ vì Ấn Độ là một vùng đất hoàn toàn xa lạ với tôi, nhưng càng gắn bó thì tôi càng thấu hiểu và trân quý chiều sâu văn hóa, đặc biệt là giá trị Phật giáo ở đây.

Đại sứ Phạm Sanh Châu, cựu Đại sứ Việt Nam tại Ấn Độ

Đại sứ Phạm Sanh Châu, cựu Đại sứ Việt Nam tại Ấn Độ

Vậy trong mắt ông, Phật giáo có vai trò như thế nào trong ngoại giao văn hóa giữa Việt Nam và Ấn Độ?

Phật giáo là một sợi dây nối kết âm thầm nhưng bền bỉ giữa hai dân tộc. Đây là điểm chung mà ít quốc gia nào có được với Ấn Độ. Nhiều người Việt coi việc đến Ấn Độ không chỉ là chuyến đi du lịch mà là hành trình tâm linh.

Đừng nghĩ Phật giáo là chuyện của người lớn tuổi. Sự hiện diện của lớp trẻ trong lễ rước xá lợi, trong những buổi tọa thiền, chính là minh chứng cho tương lai văn hóa Việt.

Phật giáo ở Việt Nam không chỉ là tôn giáo mà là một phần của lối sống, tư duy, đạo lý dân tộc. Vì vậy, chính sự đồng cảm này giúp thúc đẩy quan hệ ngoại giao một cách tự nhiên, từ tín ngưỡng đến chính trị.

Nhiều quốc gia như Ấn Độ, Thái Lan, Bhutan... đã chính thức sử dụng Phật giáo như công cụ ngoại giao. Còn Việt Nam thì sao?

Đúng là Việt Nam không lấy Phật giáo làm công cụ đối ngoại chính sách, nhưng không vì thế mà vai trò của Phật giáo Việt Nam mờ nhạt.

Chúng ta có một dòng Phật giáo rất riêng - Phật giáo dấn thân. Phật giáo Việt Nam gắn bó với dân tộc từ thời khởi nghĩa đến thời chiến, từ thời kiến quốc đến phát triển. Thầy tu Việt Nam từng cưu mang chiến sĩ, làm đại biểu Quốc hội, tham gia mặt trận Tổ quốc. Tôn giáo không đứng ngoài cuộc sống, mà hòa vào đời sống. Đó là thế mạnh và bản sắc của Việt Nam.

Ông Phạm Sanh Châu cho hay, càng gắn bó với đất nước Ấn Độ, ông càng thấu hiểu và trân quý chiều sâu văn hóa, đặc biệt là giá trị Phật giáo ở đây

Ông Phạm Sanh Châu cho hay, càng gắn bó với đất nước Ấn Độ, ông càng thấu hiểu và trân quý chiều sâu văn hóa, đặc biệt là giá trị Phật giáo ở đây

Phật giáo là triết lý sống

Với tư cách là một nhà ngoại giao lâu năm, ông cảm nhận và ứng dụng lời Phật dạy như thế nào trong công việc và đời sống?

Tôi không phải là phật tử theo hình thức, nhưng tôi xem lời Phật như một triết lý sống. Đức Phật dạy về lòng từ bi, vị tha, sống trung đạo - đó là cốt lõi cho mọi hành xử, đặc biệt trong ngoại giao. Khi làm việc với nhiều quốc gia, đôi khi mâu thuẫn, khác biệt văn hóa là điều không tránh khỏi. Nhưng nếu lấy từ bi làm gốc, ta sẽ lắng nghe nhiều hơn, nhẫn nại hơn, và cuối cùng tìm được tiếng nói chung. Ngoại giao Việt Nam cũng phản ánh tinh thần đó: Chọn con đường trung đạo, không cực đoan, không đối đầu.

Vậy theo ông, làm thế nào để Phật giáo Việt Nam có thể hiện diện rõ nét hơn trên trường quốc tế?

Trước hết cần nhân lực. Chúng ta cần những tăng ni, học giả có ngôn ngữ, có tầm nhìn quốc tế để truyền tải giá trị Phật giáo Việt Nam ra thế giới. Thứ hai, cần chủ động tham gia vào các diễn đàn Phật giáo toàn cầu. Và cuối cùng, cần một chiến lược dài hơi - không phải để “truyền giáo” mà để chia sẻ triết lý sống của một dân tộc yêu hòa bình. Phật giáo Việt Nam từng đồng hành với lịch sử, nay phải đồng hành với sự phát triển và đối thoại toàn cầu.

Đức Phật dạy về lòng từ bi, vị tha, sống trung đạo, theo ông Phạm Sanh Châu, đó là cốt lõi cho mọi hành xử, đặc biệt trong ngoại giao

Đức Phật dạy về lòng từ bi, vị tha, sống trung đạo, theo ông Phạm Sanh Châu, đó là cốt lõi cho mọi hành xử, đặc biệt trong ngoại giao

Nếu ông có một lời gửi đến giới trẻ hôm nay, đặc biệt là những ai quan tâm đến Phật giáo, ông muốn chia sẻ điều gì?

Tôi chỉ muốn nói rằng, tôn giáo nào cũng có giá trị. Với Việt Nam, Phật giáo đã đồng hành cùng dân tộc qua mọi giai đoạn. Nếu các bạn trẻ có thể tiếp cận Phật giáo như một cách sống tỉnh thức, bao dung, hướng nội thì chính các bạn sẽ là người lan tỏa giá trị văn hóa Việt ra thế giới.

Đừng nghĩ Phật giáo là chuyện của người lớn tuổi. Sự hiện diện của lớp trẻ trong lễ rước xá lợi, trong những buổi tọa thiền, chính là minh chứng cho tương lai văn hóa Việt.

Ông Phạm Sanh Châu nguyên là Đại sứ Việt Nam tại Ấn Độ kiêm Nepal và Bhutan (2018-2022), nguyên Trợ lý Bộ trưởng Ngoại giao, Đặc phái viên của Thủ tướng về các vấn đề UNESCO, Tổng thư ký Ủy ban Quốc gia UNESCO của Việt Nam. Đại sứ Phạm Sanh Châu là ứng cử viên đại diện cho Việt Nam tranh cử Tổng giám đốc UNESCO năm 2017.

Thái Phúc

Nguồn VietnamNet: https://vietnamnet.vn/ong-pham-sanh-chau-phat-giao-khong-chi-la-tin-nguong-ma-la-ngoai-giao-van-hoa-2398851.html
Zalo