Đại sứ Nguyễn Thị Nguyệt Nga: Một người chị, một hình mẫu, một nguồn cảm hứng
Dù đã biết chị chiến đấu với bệnh hiểm nghèo trong một thời gian, tôi vẫn không khỏi bàng hoàng khi đọc cáo phó. Thật khó để tin rằng chị đã ra đi...

Đại sứ Nguyễn Thị Nguyệt Nga (hàng đầu, thứ 5 từ trái) chụp ảnh lưu niệm cùng các nữ cán bộ ngoại giao tại trụ sở Bộ. Đại sứ Tào Thị Thanh Hương (hàng đầu, thứ 4 từ trái). (Ảnh: Tuấn Anh)
Với tôi và nhiều đồng nghiệp thuộc thế hệ sau, chị Nguyễn Thị Nguyệt Nga luôn là nguồn năng lượng tích cực, là người truyền cảm hứng, tạo động lực và sự tự tin trong công việc cũng như cuộc sống.
Trong thời gian cùng công tác tại Vụ Đông Nam Á-Nam Á-Nam Thái Bình Dương, tôi chứng kiến chị Nguyệt Nga và anh chị em ở Ban ASEM làm việc không ngừng nghỉ, miệt mài ngày đêm thúc đẩy tiến trình hội nhập của Việt Nam với khu vực và thế giới. Chị lúc nào cũng tràn đầy năng lượng, nhiệt huyết và sức sáng tạo.
Ngoài công việc, chị còn là người luôn dành sự chăm sóc chu đáo cho gia đình. Khi chúng tôi thường tranh thủ nghỉ trưa ngay tại cơ quan, chị vẫn đều đặn trở về nhà mỗi trưa, dù nắng, dù mưa. “Chị về với gia đình”, chị bảo thế.
Tôi cũng có thời gian học cùng chị tại Trường Nghiên cứu quốc tế cao cấp (SAIS) - Đại học Johns Hopkins (Mỹ), khi đó chị là học giả thỉnh giảng (visiting scholar). Các cuộc trao đổi với chị luôn mang lại nhiều điều bổ ích bởi chị sắc sảo, có tư duy phản biện và tầm nhìn chiến lược. Chị được các giáo sư đánh giá rất cao và nhận học bổng của trường.
Sau này, chúng tôi lại có dịp đồng hành trong Nhóm Phụ nữ Cộng đồng ASEAN tại Hà Nội (AWCH), được thành lập vào tháng 8/2015 theo sáng kiến của chị. Khi đó tôi là Chủ tịch Công đoàn Bộ Ngoại giao, rất tự hào khi được cùng chị khởi xướng và thúc đẩy các hoạt động hội nhập ASEAN của phụ nữ Việt Nam.

Đại sứ Nguyễn Thị Nguyệt Nga, Chủ tịch Danh dự AWCH phát biểu tại Ngày Gia đình ASEAN năm 2018. (Ảnh: Tuấn Anh)
Năm 2015, nhân kỷ niệm 70 năm thành lập ngành Ngoại giao, chị là người đầu tiên đề xuất ý tưởng thực hiện cuốn kỷ yếu vinh danh các cán bộ nữ ngoại giao Việt Nam và nỗ lực hiện thực hóa ý tưởng đó. Cuốn kỷ yếu là một tài liệu quý giá, tiếp tục được cập nhật và tôn vinh những đóng góp thầm lặng nhưng xuất sắc của các nữ cán bộ trên mặt trận đối ngoại.
Trong mỗi hoạt động, chị để lại dấu ấn từ cách làm việc chuyên nghiệp, bài bản, kỹ lưỡng đến từng chi tiết, cho đến tầm nhìn chiến lược, toàn diện. Chị dành thời gian nói chuyện với chị em trong Bộ tại nhiều cuộc tọa đàm về công tác nữ, chia sẻ kinh nghiệm trong gia đình, trong cuộc sống. Chị bảo, dù bận công việc đến mấy vẫn phải dành thời gian cho gia đình, cần hài hòa và đảm bảo hiệu quả.
Tôi còn nhớ mãi câu chuyện chị kể về việc chăm lo hai bà, bà nội và bà ngoại, đồng thời dạy các con phải thường xuyên thăm hỏi, phụ giúp việc nhà để rèn luyện kỹ năng sống và đức hiếu nghĩa. Tôi học theo cách của chị, áp dụng với hai con trai mình, và thấy thực sự hiệu quả.
Chị nghiêm khắc trong công việc, yêu cầu cao về chất lượng, nội dung phải sâu sắc, chỉn chu, đôi khi khiến chúng tôi áp lực. Nhưng chính sự khắt khe đó lại là động lực giúp chúng tôi trưởng thành. Bên ngoài vẻ nghiêm nghị, chị rất tình cảm, gần gũi, luôn quan tâm, hướng dẫn chúng tôi từ lời ăn tiếng nói đến cách ứng xử và tu dưỡng đạo đức nghề nghiệp.
Chị đã đi xa, nhưng những kỷ niệm và bài học từ chị sẽ còn mãi trong tim mỗi chúng tôi.
Tạm biệt chị – người đồng nghiệp, người chị đáng kính và yêu quý!