'Người mẹ thứ hai' của những học trò đặc biệt
Cô Đỗ Thị Thiên Hương, được biết đến là một người tâm huyết, luôn hỗ trợ các em học sinh hòa nhập thích nghi với môi trường học tập.

Cô Đỗ Thị Thiên Hương. Ảnh: NVCC
Hết lòng với học sinh hòa nhập
Trong hành trình đổi mới giáo dục, việc xây dựng một môi trường học tập thân thiện, bình đẳng và nhân văn cho học sinh nói chung, những em học hòa nhập nói riêng là một nhiệm vụ quan trọng nhưng không hề dễ dàng. Đằng sau những nỗ lực đó là sự cống hiến thầm lặng của những người thầy, người cô tận tâm, giàu lòng yêu thương.
Với hơn 20 năm gắn bó với nghề, cô Đỗ Thị Thiên Hương, Phó Hiệu trưởng Trường Tiểu học Phạm Ngọc Thạch (phường Phú Nhuận, TPHCM) không chỉ là một cán bộ quản lý mẫu mực mà còn là người đồng hành thầm lặng, đầy yêu thương của các em học sinh học hòa nhập.

Cô Hương cùng tập thể giáo viên Trường Tiểu học Phạm Ngọc Thạch tại lễ 20/11/2024. Ảnh: NVCC
Cô Hương cho biết, hành trình 10 năm đứng trên bục giảng đã giúp cô tự tin và vững vàng đảm nhận chức trách cán bộ quản lý. Đặc biệt, với kinh nghiệm nhiều năm dạy học sinh hòa nhập, từ 1/2016, với vai trò Phó Hiệu trưởng Trường Tiểu học Phạm Ngọc Thạch phụ trách công tác chuyên môn của trường, người cán bộ quản lý này đã dành nhiều thời gian để nghiên cứu, học hỏi các phương pháp giáo dục đặc biệt.
Chính nhờ sự tâm huyết của cô Hương, nhiều em học sinh hòa nhập tại Trường Tiểu học Phạm Ngọc Thạch đã tự tin hơn trong giao tiếp, cải thiện kỹ năng học tập và hòa đồng cùng bạn bè. Sự tận tụy và chân thành của cô đã để lại dấu ấn sâu sắc trong lòng các bậc phụ huynh.
“Để giáo dục hòa nhập trẻ khuyết tật, bên cạnh nắm vững các kiến thức thì giáo viên phải xác định được trách nhiệm và nâng cao lòng yêu nghề. Chỉ có yêu nghề và thương yêu các em thì mới giúp các em nhanh chóng hòa nhập được.
Nhà trường cũng bố trí những giáo viên có khả năng phù hợp để giáo dục trẻ khuyết tật, quan tâm hơn nữa đến nhu cầu hòa nhập của các em. Thật ra, việc giáo dục hòa nhập trẻ khuyết tật không quá khó nhưng điều quan trọng phải biết nhìn đúng người và dạy đúng phương pháp”, cô Hương chia sẻ.

Cô Đỗ Thị Thiên Hương. Ảnh: NVCC
Bên cạnh đó, cô Hương cho biết, ngoài những học sinh hòa nhập, hiện nay có không ít em có biểu hiện khuyết tật (trí tuệ, ngôn ngữ, rối loạn phát triển,...) đang học tại các trường phổ thông nhưng không có giấy chứng nhận do nhiều nguyên nhân khác nhau và học sinh gặp khó khăn trong học tập (khó đọc, khó viết, khó tập trung).
Đối với các trường hợp đó, tùy mức độ mà sẽ chủ động lập hồ sơ theo dõi các em tại trường và xây dựng kế hoạch học tập cá nhân phù hợp với năng lực học sinh giúp các em không bị tụt lại phía sau.
“Theo tôi, mỗi học sinh có hoàn cảnh riêng, cần được thấu hiểu và hỗ trợ đúng cách để các em phát triển toàn diện”, cô Hương nhấn mạnh.
Gieo mầm nhân văn trong trường học
Ngoài công tác chuyên môn của một nhà giáo, cô Đỗ Thị Thiên Hương là một cán bộ quản lý giỏi, luôn là điểm tựa vững chắc cho đồng nghiệp.
Cô Hương thường xuyên tổ chức các buổi họp chuyên môn, tập huấn cho giáo viên trong trường về phương pháp giáo dục hòa nhập, cách xây dựng kế hoạch giáo dục cá nhân (IEP) phù hợp với từng em. Với cô, học sinh hòa nhập không chỉ cần kiến thức mà còn cần sự cảm thông, kiên nhẫn và đồng hành dài lâu.
Nhờ đó, tập thể giáo viên trong trường cũng ngày càng nâng cao năng lực chuyên môn, tạo nên một môi trường giáo dục đầy nhân văn và chan chứa yêu thương.
Dưới sự hướng dẫn và truyền cảm hứng của cô, nhiều giáo viên đã thay đổi nhận thức, tích cực tiếp cận phương pháp dạy học hòa nhập. Không còn e ngại hay lúng túng, thầy cô đã tự tin hơn, chủ động hơn trong công tác giáo dục học sinh khuyết tật.

Cô Hương luôn được học sinh quý mến. Ảnh: NVCC
“Tôi luôn tâm niệm rằng, mỗi đứa trẻ bị khiếm khuyết vẫn còn có những khả năng riêng biệt. Điều quan trọng là gia đình, thầy cô có sự nhìn nhận và đặt kỳ vọng vào đúng với khả năng của trẻ để giúp trẻ phát triển và hòa nhập cộng đồng. Chính sự tiến bộ mỗi ngày của học sinh luôn là món quà quý giá nhất đối với những giáo viên như chúng tôi”, cô Hương cho hay.
Trong tập thể sư phạm Trường Tiểu học Phạm Ngọc Thạch, cô Hương được biết đến là người đồng nghiệp mẫu mực, luôn sẵn sàng lắng nghe và hỗ trợ giáo viên trong công tác giảng dạy, đặc biệt là với các lớp có học sinh hòa nhập.

Cô Đỗ Thị Thiên Hương cùng học sinh.
Bất kỳ giáo viên nào gặp khó khăn trong công tác giảng dạy, đặc biệt là khi dạy học sinh có nhu cầu đặc biệt, đều tìm đến cô để nhận được những lời khuyên tận tình. Ngoài ra, với kinh nghiệm và sự thấu hiểu, cô Hương không chỉ tư vấn chuyên môn mà còn giúp giáo viên giải tỏa áp lực tâm lý, cùng họ vượt qua những khó khăn tưởng chừng không thể.
“Tôi sẵn sàng lên lớp dự giờ, góp ý, hỗ trợ thiết kế bài giảng hoặc thậm chí cùng giảng dạy chung để giáo viên cảm thấy an tâm. Đối với tôi, sự tiến bộ của học sinh và sự trưởng thành trong chuyên môn của giáo viên chính là thành quả quý giá nhất”, cô Hương tâm sự.
Từ đầu 7/2025, cô Hương được phân công về Trường Tiểu học Cổ Loa (phường Đức Nhuận, TPHCM).
Tin tưởng rằng với trái tim nhân hậu, sự tận tâm trong từng hành động và tầm nhìn của một người quản lý giỏi, cô Hương tiếp tục là “ngọn lửa” âm thầm thắp sáng bao ước mơ nhỏ bé, là chỗ dựa vững chắc cho đồng nghiệp và học sinh thân yêu.