Cuộc đời tận hiến của Đại sứ Nguyễn Nguyệt Nga!
Đối với tôi, Chị - Đại sứ Nguyễn Nguyệt Nga mãi là '3 in 1' - người Chị, người Thầy và người Thủ trưởng mà tôi luôn kính trọng và nể phục.

Đại sứ Nguyễn Nguyệt Nga chia sẻ kinh nghiệm công tác thông tin báo chí và biên phiên dịch trong thời kỳ mới ngày 1/4/2021. (Ảnh: Tuấn Anh)
Cuộc gặp "định mệnh" thay đổi tư duy
Trở về từ New York sau 6 năm công tác tại Phái đoàn Đại diện thường trực Việt Nam tại Liên hợp quốc vào đầu năm 2010, tôi có nguyện vọng xin về một đơn vị khác ở Bộ Ngoại giao, nhưng khi đến chào Chị và được nghe Chị hào hứng kể về công việc và những dự định lớn lao Vụ Hợp tác kinh tế đa phương mà Chị làm Vụ trưởng đang theo đuổi để mang lại những lợi ích thiết thực cho đất nước và Bộ Ngoại giao, tôi như được truyền cảm hứng và bắt đầu nghiêm túc suy nghĩ lại nguyện vọng của mình.
Điều duy nhất còn phân vân, lo lắng mà tôi thành thật trình bày với Chị là tôi chưa từng có kiến thức, trải nghiệm trong lĩnh vực mới mẻ này đã được Chị giải tỏa bằng một câu nói rất giản dị, chân thành mà tôi không bao giờ quên: “Đừng lo, em cứ về làm việc cùng Chị, hai chị em mình cùng học!”.
Cuộc gặp “định mệnh” đó và 7 năm được Chị trực tiếp dìu dắt đã thay đổi hoàn toàn tư duy, cách tiếp cận của tôi trong công việc và hơn cả là sự tận hiến, tinh thần quyết liệt, đi đến tận cùng trong mọi việc mà Chị truyền lại cho các cán bộ đơn vị đã luôn theo tôi trong suốt những năm tháng sau này.
Có lẽ tôi là một trong số ít cán bộ mà Chị đã phải dày công rèn giũa, đào tạo nhất!
Ngoài công việc chính được Chị giao là theo dõi mảng Tổ chức Thương mại thế giới (WTO), các đàm phán Hiệp định thương mại tư do giữa ta với các đối tác và vận động các nước công nhận quy chế kinh tế thị trường cho Việt Nam, tôi thường xuyên được Chị huy động tham gia các mảng việc khác của đơn vị như các diễn đàn APEC, ASEM, nghiên cứu chính sách và trực tiếp quản lý Dự án Hội nhập quốc tế do UNDP tài trợ vì thời điểm đó Bộ Ngoại giao được giao sứ mệnh nghiên cứu, hoạch định chính sách và tạo đột phá mới để đưa đất nước bước vào giai đoạn hội nhập quốc tế sâu rộng và toàn diện.
Nhờ đó mà tôi đã có cơ hội chứng kiến tâm huyết, sự tận hiến và những đóng góp to lớn của Chị đối với sứ mệnh trọng đại này, cùng với đó là nhiều kỷ niệm không thể nào quên về những năm tháng được làm việc dưới sự dìu dắt của Chị.
Suốt cuộc đời tận hiến
Trong rất nhiều đóng góp nổi bật của Chị cho tiến trình hội nhập quốc tế của đất nước, tôi chỉ xin chia sẻ một vài dấu ấn mà tôi được “mục sở thị” và giá trị của chúng vẫn còn vẹn nguyên đến ngày hôm nay.
Trước hết, phải kể đến việc Việt Nam quyết định tham gia Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) vào năm 2010. Có thể nói, đây là một quyết định có ý nghĩa đột phá lớn, mở đường cho tiến trình hội nhập quốc tế sâu rộng và toàn diện của đất nước sau này, đồng thời làm cơ sở quan trọng cho đàm phán Hiệp định thương mại song phương giữa ta với Hoa Kỳ hiện nay sau cơn bão thuế quan của Chính quyền Tổng thống Trump 2.0.
Để có được quyết định này, Bộ Ngoại giao được Bộ Chính trị giao chủ trì xây dựng Đề án đánh giá tác động chính trị, ngoại giao của việc Việt Nam tham gia TPP và thuyết trình trước Bộ Chính trị và Ban chấp hành Trung ương xem xét, thông qua.
Vụ Hợp tác kinh tế đa phương lĩnh trách nhiệm là đơn vị chủ trì, phối hợp với các đơn vị trong Bộ và các cơ quan hữu quan xây dựng Đề án. Thời điểm đó, có rất nhiều ý kiến khác nhau, thậm chí trái chiều về việc tham gia TPP.
Do đó, khó khăn, thách thức lớn nhất khi thực hiện Đề án là phải có nghiên cứu thực sự chuyên sâu, xây dựng lập luận sắc bén, có tính thuyết phục cao để tạo đồng thuận trong nước, nhất là ở cấp cao, vững tin tham gia Hiệp định “thế hệ mới” này với những tiêu chuẩn cao, nhiều lĩnh vực nhạy cảm nhất từ trước tới nay.
Sau nhiều tuần trăn trở, chủ trì tổ chức nhiều cuộc họp liên Vụ, liên Bộ và tham vấn một số “cây đa, cây đề” trong ngành ngoại giao cũng như các chuyên gia kinh tế uy tín của đất nước, Chị đã quyết định lập Nhóm Ad-hoc trong đơn vị để xây dựng đề cương và dự thảo Đề án.
Chị đã trực tiếp chỉ đạo, tham gia cùng các thành viên Nhóm viết đi, sửa lại nhiều phiên bản khác nhau, rồi lại tổ chức các cuộc họp nghe phản biện ròng rã trong nhiều tháng. Có những lúc chúng tôi rơi vào tình trạng cạn kiệt ý tưởng, mất phương hướng, không biết bước tiếp như thế nào, thì Chị là người đưa ra ý tưởng, cách tiếp cận mới và yêu cầu Nhóm phải phủ nhận tư duy cũ.
Thế rồi “qua cơn bĩ cực đến hồi thái lai", Đề án đã hoàn thành ở phiên bản thứ 9 với độ dài 9 trang và tôi có vinh dự được làm “xe ôm” chở Chị sang cổng Bộ ở số 1 Tôn Thất Đàm để Chị kịp tháp tùng Lãnh đạo Bộ sang thuyết trình trước cuộc họp của Bộ Chính trị, tiếp đó là Ban chấp hành Trung ương.
Niềm vui vỡ òa vào một chiều tháng 11/2010 khi chúng tôi được Chị báo tin Đề án đã được Bộ Chính trị đánh giá cao và nhất trí thông qua.
Cùng với đó, phải kể đến nỗ lực, tâm huyết của Chị chủ trì vận động thành công UNDP tài trợ cho 2 dự án “Nâng cao năng lực lãnh đạo cho phụ nữ trong khu vực Nhà nước trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế” và “Nâng cao năng lực phục vụ hội nhập quốc tế sâu rộng của Việt Nam đến năm 2020", đồng thời ký kết thỏa thuận mới giữa Bộ Ngoại giao với Quỹ Hans Sidel (Đức) về hỗ trợ nâng cao năng lực cho địa phương, doanh nghiệp Việt Nam trong tiến trình hội nhập quốc tế.
Với tầm nhìn, tâm huyết cùng nhiều ý tưởng của Chị, cả ba dự án được triển khai hiệu quả, mang lại nhiều lợi ích thiết thực cho các Bộ, ngành, địa phương và doanh nghiệp Việt Nam.

Đại sứ Dương Hoài Nam có nhiều cơ hội được trực tiếp làm việc dưới sự dẫn dắt, chỉ bảo của Đại sứ Nguyễn Nguyệt Nga. (Ảnh: Tuấn Anh)
Một số sáng kiến của Chị trong các dự án này đến nay được Bộ Ngoại giao tiếp tục thực hiện như Nhóm Phụ nữ Cộng đồng ASEAN (AWCH), Mạng lưới phu nhân/phu quân đoàn ngoại giao…; đưa cán bộ ngoại giao trẻ đi đào tạo kiến thức ngoại giao đa phương tại Ban Thư ký ASEAN, các Phái đoàn Đại diện Việt Nam tại ASEAN và Liên hợp quốc.
Nhiều cuộc tọa đàm, hội thảo và các hoạt động phong phú trong các dự án này đã góp phần không nhỏ vào việc hình thành Nghị quyết số 22-NQ/TW về hội nhập quốc tế (10/3/2023); cơ sở quan trọng cho quyết định tăng tuổi nghỉ hưu của nữ từ 55 lên 60, đồng thời là một kênh hiệu quả để tuyên truyền, giới thiệu, quảng bá nét đẹp văn hóa truyền thống, hình ảnh đất nước và con người Việt Nam với bạn bè quốc tế.
Bận rộn là vậy, song Chị luôn có đủ thời gian cho mọi công việc từ hỗ trợ Anh trong công tác, chăm lo cho gia đình nhỏ cùng bên nội, bên ngoại chu đáo, vẹn toàn, luôn quan tâm và giao lưu với bạn bè, đồng nghiệp. Chúng tôi luôn thấy ở Chị nguồn năng lượng dồi dào, bền bỉ, sự năng động, tốc độ nhưng lại tỉ mỉ đến từng chi tiết.
Chúng tôi thường nói đùa với nhau là nếu làm việc với Chị thì Đạo diễn bộ phim “Đẹp từng cen-ti-mét” cũng chưa đạt, mà phải đổi tên thành “Đẹp từng mi-ni-mét".
Chính những yếu tố đó cùng sự tận hiến, quyết liệt đã làm nên cốt cách, thương hiệu Nguyễn Nguyệt Nga!
Thời gian qua, Chị phải chiến đấu với căn bệnh nan y, lấy đi của Chị nhiều sức khỏe, song không thể lay chuyển được ý chí, tinh thần tận hiến, quyết liệt, đi đến cùng của Chị! Mỗi lần được gặp Chị về nước trong thời gian điều trị bệnh, Chị vẫn luôn lạc quan, chia sẻ nhiều ý tưởng Chị ấp ủ mà chưa kịp thực hiện trong thời gian công công tác. Chị rất phấn khởi, tự hào là nhiều cán bộ được Chị trực tiếp rèn giũa, dìu dắt nay đã trưởng thành, đảm nhiệm cương vị Thủ tưởng, lãnh đạo nhiều đơn vị trong Bộ, Đại sứ Việt Nam ở một số nước, thậm chí có những người hiện đang là Lãnh đạo Bộ Ngoại giao.
Hôm nay, cuộc chiến ấy đã dừng lại! Căn bệnh ấy đã mang chị đi xa mãi nhưng không thể xóa nhòa hình ảnh Chị trong chúng tôi! Những lời tri ân, biết ơn Chị trong tôi khó thể kể hết thành lời - người Chị, người Thầy và người Thủ trưởng đáng kính!