Đại sứ Ấn Độ: Đưa khoa học công nghệ làm trụ cột hợp tác mới

Tuần Việt Nam có cuộc trò chuyện với Đại sứ Ấn Độ tại Việt Nam, ông Sandeep Arya, về triển vọng quan hệ song phương Việt Nam - Ấn Độ trong khuôn khổ Đối tác Chiến lược Toàn diện từ năm 2025 trở đi.

Đại sứ Ấn Độ tại Việt Nam, ông Sandeep Arya. Ảnh: Lê Anh Dũng

Đại sứ Ấn Độ tại Việt Nam, ông Sandeep Arya. Ảnh: Lê Anh Dũng

Những mục tiêu đầy tham vọng

Việt Nam và Ấn Độ đã trải qua quá trình phát triển và chuyển đổi kinh tế nhanh chóng trong một vài thập kỷ qua, trở thành hai trong số những nền kinh tế năng động nhất của thế kỷ 21. Đại sứ có thể chia sẻ về quan điểm của ông đối với những thành tựu Việt Nam đã đạt được, và so sánh với câu chuyện trỗi dậy của Ấn Độ?

Đại sứ Sandeep Arya: Việt Nam đã đạt được tốc độ tăng trưởng vượt bậc trong thập kỷ qua, duy trì mức tăng trưởng kinh tế ổn định trên 6%. Điều này rất giống với những gì Ấn Độ đã và đang đạt được.

Cả hai nước đều đặt ra những mục tiêu đầy tham vọng cho tương lai. Việt Nam có Tầm nhìn 2045, trong khi Ấn Độ có Tầm nhìn Ấn Độ Phát triển 2047 (Viksit Bharat 2047). Cả hai nước đều mong muốn trở thành quốc gia phát triển vào năm 2045 và 2047, đồng thời đang nỗ lực duy trì tốc độ tăng trưởng kinh tế cao ở mức 7-8% mỗi năm trong hai thập kỷ tới.

Như vậy, cả hai quốc gia đều đang phát triển rất tốt và có những kế hoạch tăng trưởng đầy tham vọng, dựa trên những nền tảng vững chắc. Tôi tin rằng có rất nhiều điểm tương đồng giữa Việt Nam và Ấn Độ về vị thế hiện tại và những mục tiêu chúng ta hướng tới trong tương lai.

Tốc độ tăng trưởng kinh tế của cả Ấn Độ và Việt Nam đều cao hơn gấp đôi mức tăng trưởng trung bình của thế giới. Điều này đồng nghĩa với việc hai nước có nhiều cơ hội để tăng cường hợp tác kinh tế, mở rộng thị trường, thu hút đầu tư và tận dụng những tiến bộ công nghệ.

Tôi cho rằng đây là thời điểm rất thuận lợi để Ấn Độ và Việt Nam hợp tác chặt chẽ hơn, đặc biệt trong lĩnh vực kinh tế. Cả hai quốc gia đều mang đến những cơ hội hấp dẫn để mở rộng thị trường, hợp tác kinh doanh và ứng dụng những tiến bộ công nghệ mới.

Nền tảng cho sự hợp tác này đang được củng cố vững chắc, và năm 2024 đã là một năm thành công trong việc thúc đẩy quan hệ song phương.

Một khía cạnh khác của sự phát triển của Ấn Độ là vị thế ngày càng quan trọng của đất nước này trong trật tự thế giới đa cực đang hình thành. Nói cách khác, Ấn Độ đang trở thành một cường quốc toàn cầu. Điều này có ý nghĩa gì đối với các ưu tiên trong chính sách đối ngoại của Ấn Độ ở Đông Nam Á, đặc biệt là với Việt Nam?

Đại sứ Sandeep Arya: Cảm ơn những lời nhận xét tích cực của anh về Ấn Độ. Chúng tôi tin rằng điều này bắt nguồn từ những nỗ lực của chúng tôi trong việc trở thành tiếng nói đại diện cho các nước đang phát triển, hợp tác và đảm bảo vị thế cũng như tiếng nói cho các nước này trong trật tự quốc tế.

Những nỗ lực này đã được bắt đầu từ những năm 1960. Nhưng tôi cho rằng trong những năm gần đây, với sự phát triển chung của thế giới, mong muốn của chúng tôi trong việc mang lại tiếng nói mạnh mẽ hơn cho các nước Nam bán cầu đã trở nên rõ ràng hơn.

Có thể anh đã biết, trong vài năm qua, Ấn Độ đã tổ chức ba hội nghị thượng đỉnh mang tên "Hội nghị thượng đỉnh Tiếng nói Nam bán cầu". Những hội nghị này rất quan trọng bởi vì các diễn đàn quốc tế hiện nay có thể chưa phản ánh đầy đủ lợi ích của các quốc gia như Ấn Độ, Việt Nam và các nước đang phát triển khác, đặc biệt là trong các lĩnh vực như tài chính, tăng trưởng kinh tế, biến đổi khí hậu và thương mại toàn cầu.

Cần có sự hiện diện và tiếng nói mạnh mẽ hơn của các quốc gia như Ấn Độ và Việt Nam tại các tổ chức quốc tế để các quyết định được đưa ra phản ánh quan điểm của thế giới một cách toàn diện và thực chất hơn. Chúng tôi rất vui mừng khi được hợp tác với Việt Nam, một đối tác quan trọng, trong nỗ lực chung này.

Thế giới hiện nay rất phức tạp và đang phát triển với nhiều biến động khó lường. Trong chuyến thăm Ấn Độ của Thủ tướng Phạm Minh Chính vào ngày 1/8/2024, tuyên bố chung của lãnh đạo hai nước đã nhấn mạnh sự cần thiết phải tăng cường hợp tác giữa Ấn Độ và Việt Nam trước những diễn biến phức tạp của tình hình địa chính trị.

Vì vậy, chính sách đối ngoại, các vấn đề quốc tế và các diễn biến toàn cầu là những trụ cột quan trọng trong Quan hệ Đối tác Chiến lược Toàn diện giữa Ấn Độ và Việt Nam.

Bengaluru, thành phố được mệnh danh là "Thung lũng Silicon" của Ấn Độ. Ảnh: CAPA

Bengaluru, thành phố được mệnh danh là "Thung lũng Silicon" của Ấn Độ. Ảnh: CAPA

Ấn Độ tập trung ‘tự lực công nghệ’

Hiện nay, Kế hoạch Hành động triển khai Quan hệ đối tác chiến lược Toàn diện Việt Nam - Ấn Độ giai đoạn 2024-2028 đã chính thức được thông qua. Theo ông, đâu là những lĩnh vực hợp tác kinh tế tiềm năng nhất giữa Ấn Độ và Việt Nam? Ông kỳ vọng thương mại song phương sẽ phát triển như thế nào vào năm 2025 và những năm tiếp theo, đặc biệt trong các lĩnh vực khoa học công nghệ, năng lượng xanh và chuyển đổi số – những thế mạnh hàng đầu của Ấn Độ trên thế giới?

Đại sứ Sandeep Arya: Cách đây 5 tháng, hai Bộ trưởng Ngoại giao Ấn Độ và Việt Nam đã ký kết Kế hoạch Hành động nhằm củng cố và hiện thực hóa quan hệ Đối tác Chiến lược Toàn diện giữa hai nước. Đây là văn kiện chi tiết, định hướng hợp tác đa ngành của chúng ta.

Kế hoạch bao trùm rất nhiều lĩnh vực, từ giao lưu chính trị, hợp tác quốc phòng - an ninh đến kinh tế - thương mại, phát triển bền vững, công nghệ, khoa học - đổi mới sáng tạo, văn hóa, du lịch... Tất cả đều là những trụ cột mà hai nước cam kết đẩy mạnh. Với con đường phát triển hiện tại, hai nước cần tập trung hơn vào hợp tác kinh tế, thương mại, khoa học và công nghệ. Những lĩnh vực mới như công nghệ số đang trở thành động lực quan trọng cho tăng trưởng kinh tế trên toàn cầu.

Về thương mại, kim ngạch thương mại 15 tỷ USD là một con số đáng khích lệ, nhưng chúng tôi tin rằng vẫn còn nhiều tiềm năng để phát triển hơn nữa, và hai bên đang nỗ lực hợp tác để đạt được điều này.

Hiện nay, tổng đầu tư của Ấn Độ vào Việt Nam khoảng 2 tỷ USD, tuy còn khiêm tốn nhưng đang mở ra nhiều triển vọng hợp tác đa dạng. Ở cấp Chính phủ, chúng tôi tập trung thúc đẩy ba trụ cột: thương mại, đầu tư và hợp tác doanh nghiệp. Nền tảng cho những nỗ lực này chính là Hiệp định Thương mại Hàng hóa ASEAN - Ấn Độ (AITIGA), cùng với một thỏa thuận tự do thương mại song phương (FTA) đang được hai bên xem xét.

Song song đó, chúng tôi đẩy mạnh kết nối doanh nghiệp hai nước thông qua các hoạt động cụ thể: tham gia hội chợ triển lãm chuyên ngành, tổ chức đoàn công tác thăm thị trường định kỳ. Những nỗ lực này nhằm giúp doanh nghiệp hai bên thấu hiểu đối tác, tăng cường hiểu biết về thị trường của nhau, và thúc đẩy hợp tác kinh doanh.

Khoa học và công nghệ chính là một trong những trụ cột trọng yếu khác của hợp tác song phương. Trong tầm nhìn chiến lược của Ấn Độ, chúng tôi xác định khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo là ba động lực then chốt thúc đẩy tăng trưởng bền vững trong thập kỷ tới.

Trong 10 năm qua, Ấn Độ đã tập trung kiến tạo nền tảng "tự lực công nghệ" thông qua việc phát triển nội lực quốc gia. Những thành tựu của Ấn Độ trong lĩnh vực công nghệ số và công nghệ thông tin (CNTT) đã được thế giới công nhận. Kim ngạch xuất khẩu các sản phẩm CNTT hàng năm của Ấn Độ đạt khoảng 200 tỷ USD, minh chứng cho năng lực cạnh tranh của chúng tôi trong lĩnh vực này.

Không dừng lại ở thương mại, chúng tôi cũng đang ứng dụng công nghệ số vào quản trị nhà nước và cung cấp các dịch vụ công cho người dân và doanh nghiệp. Vì vậy, có rất nhiều lĩnh vực tiềm năng để hai nước chia sẻ kinh nghiệm, học hỏi lẫn nhau về những giải pháp và cách thức triển khai hiệu quả.

Ngoài ra, cũng có nhiều lĩnh vực công nghệ khác ngoài CNTT và công nghệ số. Ví dụ, công nghệ quốc phòng là một lĩnh vực mà chúng tôi đã đạt được những bước tiến quan trọng. Việt Nam cũng đang hướng tới mục tiêu tự chủ và năng lực quốc phòng mạnh mẽ hơn, vì vậy, đây là lĩnh vực mà hai nước có thể tăng cường hợp tác, và chúng tôi đang nỗ lực thúc đẩy điều này.

Các lĩnh vực tiềm năng khác bao gồm công nghệ vũ trụ, năng lượng hạt nhân, viễn thông (5G, 6G) - những lĩnh vực đang nổi lên mạnh mẽ trên thế giới.

Ấn Độ và Việt Nam đều đang nỗ lực phát triển những lĩnh vực này. Nếu hai nước hợp tác chặt chẽ, chia sẻ kinh nghiệm và cùng nhau phát triển, tôi tin rằng đây sẽ là động lực mạnh mẽ thúc đẩy tăng trưởng kinh tế cho cả hai quốc gia, đồng thời củng cố quan hệ đối tác song phương.

Hội nghị Cấp cao ASEAN-Ấn Độ lần thứ 21 tại Viêng Chăn, Lào. Ảnh: ASEAN

Hội nghị Cấp cao ASEAN-Ấn Độ lần thứ 21 tại Viêng Chăn, Lào. Ảnh: ASEAN

Việt Nam là một đối tác quan trọng trong Chính sách Hướng Đông và Chiến lược Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương của Ấn Độ. Ông có thể chia sẻ rõ hơn về những chính sách này cũng như kế hoạch của Ấn Độ trong việc làm sâu sắc hơn quan hệ hợp tác với Việt Nam thông qua các khuôn khổ này, bên cạnh Quan hệ Đối tác Chiến lược Toàn diện mà ông đã đề cập?

Đại sứ Sandeep Arya: Trong chính sách đối ngoại, các nước láng giềng và các nền kinh tế lớn nhất thế giới thường là trọng tâm. Tuy nhiên, Chính sách Hướng Đông của Ấn Độ thể hiện sự quan tâm đặc biệt của chúng tôi đối với khu vực phía Đông, bao gồm các nước Đông Nam Á.

Chúng ta có Quan hệ Đối tác Chiến lược Toàn diện song phương và Quan hệ Đối tác Chiến lược Ấn Độ - ASEAN, được thiết lập sáu năm sau đó. Tôi cho rằng cả hai khuôn khổ này tạo ra sức mạnh tổng hợp to lớn để hai nước chúng ta hợp tác hiệu quả hơn.

Sức mạnh tổng hợp này thể hiện ở sự phối hợp chính trị chặt chẽ, cùng nhau lên tiếng về những vấn đề cùng quan tâm tại các diễn đàn quốc tế, và tăng cường hợp tác an ninh - quốc phòng giữa Ấn Độ với các nước Đông Nam Á, bao gồm cả Việt Nam.

Và, tất nhiên, hợp tác kinh tế là một trụ cột quan trọng. Như tôi đã đề cập, chúng ta có Hiệp định Thương mại Hàng hóa ASEAN - Ấn Độ, được ký kết vào năm 2009. Sau 16 năm, nền kinh tế thế giới đã có nhiều thay đổi, và chúng tôi đang xem xét việc nâng cấp Hiệp định này.

Chúng tôi cũng đang triển khai nhiều sáng kiến phát triển khác nhau. Ví dụ, trong khuôn khổ hợp tác Ấn Độ - ASEAN, hai tháng trước, chúng tôi đã khánh thành Trung tâm Đào tạo và Phát triển Phần mềm Chất lượng cao (CESDT) tại Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông ở Thành phố Hồ Chí Minh.

Đây là một dự án hợp tác Ấn Độ - ASEAN được triển khai tại Việt Nam. Ngoài ra, Khuôn khổ Hợp tác Mekong - Ganga cũng hỗ trợ cho hợp tác Ấn Độ - Việt Nam, thông qua đó, chúng tôi thực hiện khoảng 10 dự án cộng đồng mỗi năm tại Việt Nam. Đây là những dự án phát triển kinh tế - xã hội ở các địa phương, mang lại lợi ích trực tiếp cho người dân, chẳng hạn như xây dựng lớp học, nhà tình nghĩa, cơ sở hạ tầng nông thôn…

Gần đây, chúng tôi cũng đã khánh thành Trung tâm Công nghệ thông tin và ngoại ngữ (tên gọi khác Công viên Phần mềm Quân đội), thuộc Trường Sĩ quan thông tin (Trường Đại học Thông tin liên lạc), thuộc Binh chủng Thông tin liên lạc.

Như vậy, nhiều hoạt động hợp tác đang được triển khai và mối quan hệ hợp tác này đang ngày càng được củng cố. Chúng tôi tin rằng sức mạnh tổng hợp từ Quan hệ Đối tác Chiến lược Toàn diện Ấn Độ - Việt Nam và Quan hệ Đối tác Chiến lược Ấn Độ - ASEAN đang mang lại những ý tưởng hợp tác mới – một số được triển khai thông qua Ban Thư ký ASEAN tại Jakarta, một số khác được thực hiện song phương giữa hai nước.

Chúng tôi đang mở rộng hợp tác sang những lĩnh vực mới, trong đó có quốc phòng. Hai bên cũng đang cùng thúc đẩy một số sáng kiến trong khuôn khổ Chiến lược Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, bao gồm cả việc triển khai Quan điểm của ASEAN về Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương (AOIP).

Cuối cùng, con người và văn hóa là yếu tố quan trọng trong quan hệ giữa Ấn Độ và các nước Đông Nam Á, đồng thời đóng vai trò then chốt trong những nỗ lực tăng cường quan hệ Ấn Độ - Việt Nam và Ấn Độ - ASEAN.

Như Đại sứ vừa đề cập, kim ngạch thương mại song phương hiện ở mức 15 tỷ USD, một con số khả quan nhưng vẫn còn nhiều tiềm năng để phát triển. Dân số Ấn Độ gần đây đã vượt qua Trung Quốc, nhưng kim ngạch thương mại giữa Việt Nam và Trung Quốc đã vượt mốc 100 tỷ USD trong những năm gần đây. Điều này cho thấy hai nước chúng ta có thể làm tốt hơn nữa. Vậy theo ông, những lĩnh vực nào còn tiềm năng để phát triển?

Đại sứ Sandeep Arya: Về thương mại, việc rà soát Hiệp định Thương mại Hàng hóa ASEAN-Ấn Độ dự kiến sẽ hoàn tất vào cuối năm 2025. Chúng tôi kỳ vọng việc này sẽ tạo ra một cơ chế mới, đơn giản, thân thiện với người dùng và mang lại nhiều ưu đãi hơn cho hàng hóa của hai bên. Đây là một sáng kiến quan trọng ở cấp độ chính phủ.

Chúng tôi cũng đang tích cực thúc đẩy hợp tác kinh tế và mở rộng tiếp cận thị trường trong các lĩnh vực như nông nghiệp, y tế và công nghệ số thông qua các nhóm công tác chung giữa Ấn Độ và Việt Nam. Các nhóm này đang nỗ lực tìm kiếm cơ hội mới để tăng cường hợp tác kinh tế. Một số kết quả đã đạt được, một số hoạt động khác đang được triển khai. Trong năm 2025, anh sẽ thấy nhiều hoạt động hợp tác hơn nữa giữa hai nước.

Bên cạnh những nỗ lực của Chính phủ, chúng tôi tin rằng cộng đồng doanh nghiệp hai nước cũng cần chủ động xích lại gần nhau hơn. Hiện nay, doanh nghiệp hai bên đang thảo luận về một số dự án rất tiềm năng.

Cách đây vài tháng, VinFast đã công bố kế hoạch xây dựng nhà máy sản xuất và lắp ráp tại Ấn Độ, và dự án đang được triển khai. Chúng tôi cũng có một số tập đoàn lớn của Ấn Độ đang rất quan tâm đến thị trường Việt Nam.

Ví dụ, HCL Tech, một trong những công ty công nghệ thông tin hàng đầu của Ấn Độ, đã có mặt tại Việt Nam với gần 800 nhân viên. Họ đang phát triển phần mềm và cung cấp dịch vụ công nghệ thông tin tại Việt Nam cho thị trường toàn cầu. Như vậy, doanh nghiệp Ấn Độ và Việt Nam đang ngày càng quan tâm đến việc tìm hiểu thị trường của nhau và hợp tác trong các dự án toàn cầu. Đây là một tín hiệu rất đáng mừng, hứa hẹn nhiều cơ hội phát triển trong tương lai.

Đại sứ Arya giới thiệu bộ phim "Love in Vietnam" (Tình yêu ở Việt Nam). Là kết quả hợp tác giữa Việt Nam và Ấn Độ, phim dự kiến sẽ trình chiếu trong năm 2025. Ảnh: Lê Anh Dũng

Đại sứ Arya giới thiệu bộ phim "Love in Vietnam" (Tình yêu ở Việt Nam). Là kết quả hợp tác giữa Việt Nam và Ấn Độ, phim dự kiến sẽ trình chiếu trong năm 2025. Ảnh: Lê Anh Dũng

Tiềm năng mở rộng du lịch

Một lĩnh vực hợp tác khác đang có những bước phát triển mạnh mẽ là du lịch. Việt Nam đã chứng kiến sự tăng trưởng vượt bậc về lượng khách du lịch từ Ấn Độ. Năm 2024, Ấn Độ đã trở thành thị trường khách du lịch lớn thứ sáu của Việt Nam. Xin Đại sứ chia sẻ về nguyên nhân của sự tăng trưởng này? Và ngược lại, Ấn Độ đang có những chính sách gì để thu hút khách du lịch Việt Nam?

Đại sứ Sandeep Arya: Du lịch là lĩnh vực rất năng động và tiềm năng trong quan hệ hợp tác giữa hai nước. Tôi cho rằng sau đại dịch COVID-19, cả hai quốc gia, đặc biệt là trong lĩnh vực du lịch, đã bắt đầu quan tâm đến nhau nhiều hơn. Các chuyến bay thẳng giữa hai nước đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy du lịch.

Một yếu tố quan trọng mà tôi muốn đề cập tới là giới trẻ và tầng lớp trung lưu ở Ấn Độ đang đóng vai trò ngày càng quan trọng trong việc thúc đẩy du lịch. Họ có điều kiện kinh tế và mong muốn khám phá thế giới. Bên cạnh đó, sự hiểu biết về ngôn ngữ, hội nhập quốc tế và sự giao lưu ngày càng tăng giữa hai nước cũng góp phần thúc đẩy du lịch.

Chính vì vậy, vào năm 2024, Việt Nam đã đón hơn 500.000 lượt khách du lịch Ấn Độ, đưa Ấn Độ trở thành thị trường khách du lịch lớn thứ sáu của Việt Nam. Sự tăng trưởng này có được là nhờ một số yếu tố, bao gồm: kết nối hàng không thuận tiện, chính sách thị thực điện tử và những nỗ lực của các công ty du lịch trong việc cung cấp các gói du lịch hấp dẫn. Các gói du lịch này thường kết hợp tham quan với nhiều hoạt động khác, chẳng hạn như hội họp, hội thảo, du lịch nghỉ dưỡng, tổ chức đám cưới...

Trong tất cả những lĩnh vực này, hai bên đang tích cực triển khai nhiều hoạt động. Cơ quan hàng không dân dụng hai nước gần đây đã đồng ý tăng số lượng chuyến bay. Vừa hôm trước, VietJet đã thông báo về việc mở đường bay mới đến hai thành phố Bengaluru và Hyderabad của Ấn Độ, bắt đầu từ tháng 3 năm nay. Hiện tại, VietJet đang khai thác các chuyến bay đến 6 thành phố của Ấn Độ. Các hãng hàng không Ấn Độ cũng đang xem xét mở rộng mạng lưới đường bay giữa hai nước.

Về phía Ấn Độ, chúng tôi rất vui mừng trước sự phát triển trong số lượng du khách đến từ Việt Nam. Năm ngoái, khoảng 57.000 lượt khách du lịch Việt Nam đã đến thăm Ấn Độ, và con số này đang tiếp tục tăng lên. Nếu xu hướng này tiếp tục, chúng ta có thể kỳ vọng vào sự phát triển mạnh mẽ của du lịch song phương trong thời gian tới.

Chúng tôi đang nỗ lực quảng bá những điểm đến hấp dẫn tại Ấn Độ. Ví dụ, Thánh địa Bodhgaya (Bồ Đề Đạo Tràng) và các địa danh Phật giáo khác rất nổi tiếng với du khách Việt Nam. Ngoài ra, "Tam giác vàng" gồm Delhi, Agra và Jaipur cũng là một điểm đến được yêu thích.

Chúng tôi đang giới thiệu những điểm đến mới tại Ấn Độ thông qua các chương trình khảo sát dành cho các công ty du lịch, tập trung vào các khu vực miền núi, di tích lịch sử, và danh lam thắng cảnh. Chúng tôi hy vọng lượng khách du lịch sẽ tiếp tục tăng trong thời gian tới.

Bên cạnh đó, nhiều hoạt động khác cũng đang được triển khai để thúc đẩy du lịch. Điện ảnh là một ví dụ. Chúng tôi đã tổ chức Liên hoan phim Ấn Độ tại Hà Nội và Hải Phòng. Bộ phim hợp tác giữa hai nước cũng đang được sản xuất, với cái tên Love in Vietnam (Tình yêu ở Việt Nam). Phim có sự tham gia của một nam diễn viên Ấn Độ và một nữ diễn viên Việt Nam đến từ Thành phố Hồ Chí Minh, và được quay tại TP. HCM, Đà Nẵng, Đà Lạt, và Phú Yên. Chúng tôi hy vọng bộ phim sẽ ra mắt vào giữa năm nay.

Trên thực tế, điện ảnh là một động lực rất quan trọng của du lịch, và điều này đã được công nhận rộng rãi ở nước ngoài. Ví dụ, nhà làm phim nổi tiếng Yash Chopra của Ấn Độ được coi là người có công lớn trong việc thúc đẩy du lịch từ Ấn Độ đến Thụy Sĩ. Chính quyền Thụy Sĩ thậm chí còn dựng tượng của ông tại Interlaken, một điểm đến du lịch hàng đầu Châu Âu, để ghi nhận những đóng góp này.

Phạm Vũ Thiều Quang

Lê Anh Dũng

Nguồn VietnamNet: https://vietnamnet.vn/dai-su-an-do-dua-khoa-hoc-cong-nghe-lam-tru-cot-hop-tac-moi-2370823.html
Zalo