Nhiều lãnh đạo ủy ban của Quốc hội tự nguyện xuống cấp phó
Trong quá trình sắp xếp tinh gọn bộ máy của Quốc hội, một số cán bộ đang đảm nhiệm vị trí cấp trưởng tự nguyện xin xuống làm cấp phó. Ủy ban Thường vụ Quốc hội không phải vận động trong việc này.
Bà Tạ Thị Yên, Phó chủ nhiệm Ủy ban Công tác đại biểu của Quốc hội thông tin tại buổi họp báo trưa 19/2

Bà Tạ Thị Yên, Phó chủ nhiệm Ủy ban Công tác đại biểu của Quốc hội thông tin tại buổi họp báo trưa 19/2
Trưa ngày 19/2, ngay sau phiên bế mạc, Văn phòng Quốc hội tổ chức họp báo về kết quả Kỳ họp bất thường lần thứ 9, Quốc hội khóa XV.
Giữ nguyên chế độ đối với Ủy viên là ĐBQH chuyên trách đến hết nhiệm kỳ
Trả lời báo chí về chế độ chính sách đối với đại biểu Quốc hội chuyên trách sau sắp xếp, bà Tạ Thị Yên, Phó chủ nhiệm Ủy ban Công tác đại biểu của Quốc hội cho biết, chế độ chính sách đối với đại biểu Quốc hội chuyên trách áp dụng theo Luật Tổ chức Quốc hội cũ.
Theo đó, thường trực Ủy ban của Quốc hội có 4 chức danh gồm: Chủ nhiệm, Phó Chủ nhiệm, Ủy viên Thường trực, Ủy viên chuyên trách.
Còn tại Luật Tổ chức Quốc hội (sửa đổi) mới được Quốc hội thông qua ngày 17/2, còn lại 3 chức danh gồm: Chủ nhiệm, Phó Chủ nhiệm và các Ủy viên là đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách và kiêm nhiệm.
Bà Yên cho biết, ngày 18/2, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã họp và phê chuẩn đối với các chức danh này và đổi tên gọi mới đối với các chức danh "Ủy viên chuyên trách" thành "Đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách" tại Ủy ban.
"Do đó, số lượng đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách tại các ủy ban vẫn giữ như vậy, không ảnh hưởng tới hoạt động của các ủy ban cũng như các đại biểu", bà Yên nói.
Về chế độ chính sách, bà Yên cho hay, theo Nghị định 178 của Chính phủ, trước mắt từ nay đến hết nhiệm kỳ, Ủy viên là đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách sẽ được giữ nguyên các chế độ cũng như hệ số phụ cấp chức vụ, đến nhiệm kỳ Quốc hội khóa XVI sẽ thực hiện chung thống nhất trong hệ thống chính trị theo quy định của Đảng, Nhà nước.

Toàn cảnh buổi họp báo
Tinh gọn bộ máy đòi hỏi phải có sự hy sinh
Trả lời câu hỏi liên quan qua sắp xếp có một số người từ cấp trưởng xuống giữ chức danh cấp phó, bà Tạ Thị Yên nhấn mạnh, vừa qua chúng ta thực hiện việc sắp xếp tổ chức bộ máy tinh gọn là nhiệm vụ được Đảng, Nhà nước xác định đây là một "cuộc cách mạng", trong quá trình thực hiện đòi hỏi phải có sự hy sinh.
"Do đó, đối với một số chức danh từ trưởng xuống phó cũng được các cán bộ đảng viên xác định với tinh thần là đảng viên, chấp nhận sự hy sinh đó vì sự phát triển chung của xã hội. Cho nên, các cán bộ đó cũng xác định được tư tưởng về việc đó và tự nguyện nên Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng không phải vận động trong việc này", bà Yên nói.
Đồng thời, bà cho biết, quá trình tinh giản bộ máy, số lượng cán bộ, công chức được bố trí theo hướng tiếp tục làm việc trong bộ máy mới, chuyển vị trí khác phù hợp năng lực và vị trí việc làm, sang cơ quan khác trong cùng hệ thống và cơ quan khác có nhu cầu, có số được giải quyết chế độ nghỉ việc theo Nghị định 178 của Chính phủ.
Cơ quan của Quốc hội phải đi đầu trong tinh gọn bộ máy
Trả lời bổ sung về nội dung này, Tổng Thư ký, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Lê Quang Tùng cho biết, tương tự như các cơ quan, đơn vị khác, Quốc hội và Văn phòng Quốc hội cũng tiến hành sắp xếp bộ máy và có những đơn vị kết thúc hoạt động.

Tổng Thư ký, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Lê Quang Tùng
Khẳng định việc này được thực hiện rất sớm, ông Tùng nhấn mạnh: "Chúng tôi nhận thức đây là việc cần phải làm và các cơ quan trong Quốc hội cần phải đi đầu thực hiện nhiệm vụ này. Đi đầu từ việc triển khai kế hoạch của Ban chỉ đạo Trung ương đến thể chế hóa các quy định liên quan đến tinh gọn bộ máy".
Cơ bản, theo ông Tùng, các vấn đề khó khăn vướng mắc trong việc sắp xếp đã được thực hiện khá hiệu quả.
Ông đánh giá những tác động đến chức năng nhiệm vụ rất ít, cố gắng sắp xếp đội ngũ cán bộ công chức trong quá trình sắp xếp bộ máy để trước hết là tối ưu hóa theo chức năng, vị trí trách nhiệm, sau đó, mới tính đến các yếu tố khác trong đó cố gắng đảm bảo quyền lợi cho cán bộ.
Bên cạnh đó, ông Tùng khẳng định không có việc vận động cán bộ, đảm bảo trên nguyên tắc tự nguyện theo chức năng, nhiệm vụ, đảm bảo công việc liên tục, không gián đoạn trong quá trình triển khai.