Đại hội Đảng bộ cơ sở: Không bỏ sót những người thật sự có đức, có tài

Ban Thường vụ Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh nhấn mạnh không để 'lọt' vào cấp ủy khóa mới những người bản lĩnh chính trị không vững vàng, không kiên định đường lối, quan điểm của Đảng.

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm với các đồng chí Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh. (Ảnh: Lâm Khánh/TTXVN)

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm với các đồng chí Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh. (Ảnh: Lâm Khánh/TTXVN)

Có cơ chế, tiêu chí sàng lọc hiệu quả để không bỏ sót những người thật sự có đức, có tài là một trong yêu cầu được Ban Thường vụ Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh đặt ra trong Kế hoạch chuẩn bị, tổ chức đại hội đảng bộ cơ sở và đại hội cấp trên cơ sở nhiệm kỳ 2025-2030 vừa được ban hành.

Ban Thường vụ Thành ủy nhấn mạnh không để “lọt” vào cấp ủy khóa mới những người bản lĩnh chính trị không vững vàng, không kiên định đường lối, quan điểm của Đảng; phẩm chất, đạo đức, năng lực, uy tín giảm sút, ý thức tổ chức kỷ luật kém, mất đoàn kết; né tránh, đùn đẩy, sợ trách nhiệm, không dám làm, có biểu hiện cơ hội chính trị tham vọng quyền lực, tư duy nhiệm kỳ, xu nịnh, chạy chọt, tham nhũng, tiêu cực, quan liêu, cục bộ, “lợi ích nhóm,” có biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến,” “tự chuyển hóa"...

Đồng thời, không chấp nhận vi phạm kỷ luật của Đảng, pháp luật của Nhà nước; vi phạm tiêu chuẩn chính trị, những điều đảng viên không được làm và quy định về kiểm soát quyền lực trong công tác cán bộ; kê khai tài sản, thu nhập không trung thực, có biểu hiện giàu nhanh, nhiều tài sản mà không giải trình rõ được nguồn gốc; vi phạm trách nhiệm nêu gương, để bản thân hoặc vợ (chồng), con có lối sống thiếu gương mẫu, lợi dụng chức, quyền để thu lợi bất chính; để nội bộ mất đoàn kết nghiêm trọng hoặc xảy ra tham nhũng, thất thoát lớn, vụ việc tiêu cục gây ảnh hưởng xấu ở địa phương, cơ quan, đơn vị trong thời gian phụ trách.

Liên quan đến công tác nhân sự, Ban Thường vụ Thành ủy yêu cầu phải bảo đảm sự lãnh đạo trực tiếp, toàn diện của Đảng, cấp ủy các cấp và đề cao vai trò, trách nhiệm của tập thể lãnh đạo và người đứng đầu theo quy định; bảo đảm sự kế thừa, đổi mới, phát triển liên tục của đội ngũ cán bộ; đề cao, coi trọng chất lượng, có số lượng, cơ cấu hợp lý, tăng cường ở các vị trí, địa bàn, lĩnh vực quan trọng, trọng yếu.

Cấp ủy khóa mới phải tiêu biểu về bản lĩnh chính trị, trí tuệ, phẩm chất, đạo đức, lối sống, năng lực, uy tín; thật sự là trung tâm đoàn kết, trong sạch, vững mạnh, thống nhất ý chí và hành động; có tầm nhìn, tư duy đổi mới, gắn bó mật thiết với nhân dân; có năng lực lãnh đạo, cầm quyền, sức chiến đấu cao, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong giai đoạn phát triển mới để thực hiện thắng lợi nghị quyết đại hội đảng bộ các cấp, Nghị quyết Đại hội lần thứ XIV của Đảng.

Cùng với đó, Ban Thường vụ Thành ủy yêu cầu công tác chuẩn bị nhân sự và bầu cử phải thực hiện nghiêm, đúng nguyên tắc, quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước; bảo đảm đồng bộ, tổng thể, liên thông, chặt chẽ, dân chủ, khoa học, khách quan, công tâm, minh bạch, trách nhiệm giải trình.

Cùng với đó là bảo đảm sự đoàn kết, thống nhất cao; thận trọng từng bước, “làm đến đâu chắc đến đó;" gắn kết chặt chẽ với công tác quy hoạch, chuẩn bị nhân sự lãnh đạo các cơ quan đảng, nhà nước, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị-xã hội nhiệm kỳ tới.

Ban Thường vụ Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh nhấn mạnh yêu cầu nâng cao chất lượng văn kiện đại hội đảng bộ các cấp; tập trung lãnh đạo tổ chức thảo luận thật kỹ, sâu sắc, hiệu quả các quan điểm, mục tiêu, chủ trương, định hướng lớn nêu tại dự thảo các văn kiện Đại hội lần thứ XIV của Đảng và đại hội đảng bộ cấp trên.

Văn kiện phải chuyển tải được mục tiêu, nhiệm vụ được xác định tại Nghị quyết số 24-NQ/TW ngày 7/10/2022 của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế-xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Đông Nam Bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; Nghị quyết số 31-NQ/TW ngày 30/12/2022 của Bộ Chính trị về phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thành phố Hồ Chí Minh đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; Nghị quyết số 98/2023/QH15 ngày 24/6/2023 của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển Thành phố Hồ Chí Minh; đồng thời, gắn với việc triển khai thực hiện Quy hoạch Thành phố Hồ Chí Minh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 và Đồ án điều chỉnh Quy hoạch chung Thành phố Hồ Chí Minh đến năm 2040, tầm nhìn đến năm 2060; giải pháp triển khai thực hiện gắn với chức năng, nhiệm vụ của từng đơn vị, phù hợp với tình hình cụ thể địa phương trong thực hiện các Nghị quyết và Quy hoạch nêu trên.

Ban Thường vụ Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh cũng lưu ý trong quá trình chuẩn bị và tiến hành đại hội phải thường xuyên làm tốt công tác chính trị, tư tưởng, nhất là công tác thông tin, tuyên truyền, bảo đảm sự đoàn kết, thống nhất cao; lấy tích cực đẩy lùi tiêu cực, lấy “cái đẹp” dẹp “cái xấu.”

Đồng thời coi trọng, tập trung lãnh đạo, chỉ đạo hoàn thành tốt các nhiệm vụ chính trị, phát triển kinh tế-xã hội, quốc phòng, an ninh... của địa phương, cơ quan, đơn vị gắn với đẩy mạnh phong trào thi đua yêu nước; chủ động, tích cực, có biện pháp đấu tranh hiệu quả đối với những âm mưu, thủ đoạn chống phá, gây rối nội bộ của các thế lực thù địch, phần tử cơ hội chính trị, bất mãn để bảo vệ nền tảng tư tưởng, cương lĩnh chính trị, đường lối của Đảng, chế độ.

Việc chuẩn bị và tổ chức đại hội đảng bộ các cấp phải được các cấp ủy lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện theo đúng quy định, nguyên tắc, nhất là nguyên tắc tập trung dân chủ, phát huy đầy đủ thẩm quyền, trách nhiệm của cấp ủy, tổ chức đảng và người đứng đầu cấp ủy các cấp.

Việc thực hiện cần bảo đảm an toàn, thiết thực, hiệu quả, không phô trương hình thức, kiên quyết chống lãng phí, tiêu cực; tiếp tục nâng cao năng lực lãnh đạo, cầm quyền, sức chiến đấu của tổ chức đảng, đảng viên; củng cố, tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân tộc, niềm tin của cán bộ, đảng viên, nhân dân đối với Đảng./.

(TTXVN/Vietnam+)

Nguồn VietnamPlus: https://www.vietnamplus.vn/dai-hoi-dang-bo-co-so-khong-bo-sot-nhung-nguoi-that-su-co-duc-co-tai-post971923.vnp
Zalo